Nhìn Lưỡi đoán Bệnh - Tuổi Trẻ Online

Không đơn giản là cơ quan cảm thụ vị giác

Lưỡi là một khối cơ, cử động uyển chuyển. Mặt trên của lưỡi chứa nhiều gai vị giác với các cấu trúc đặc biệt gọi là nụ nếm (bud taste). Nụ nếm được phân bố theo các vùng khác nhau: chất ngọt nằm ở đầu lưỡi, mặn, chua nằm ở hai bên cạnh lưỡi, còn vị đắng nằm ở phía sau lưỡi. Em bé ra đời có khoảng 10.000 nụ nếm, về già chỉ còn khoảng nửa số đó, nếu hút thuốc thì số nụ nếm bị thoái hóa nhiều, cảm nhận về vị giác giảm.

Lưỡi chia ra hai phần: chất lưỡi và rêu lưỡi. Chất lưỡi là cấu trúc cơ bản của lưỡi. Rêu lưỡi là chỉ phần bám trên mặt lưỡi. Nhìn chất lưỡi và rêu lưỡi đã có thể biết bệnh. Y học cổ truyền cho rằng tất cả các tạng phủ, kinh lạc đều có mối quan hệ và biểu hiện ra ở lưỡi. Vì vậy “Thiệt chẩn” là một ngành khoa học độc đáo khiến nhiều người giật mình khi thấy thầy lang chỉ cần nhìn lưỡi mà nói vanh vách ra bệnh trong lục phủ ngũ tạng.

Y học cổ truyền nói “Thiệt vi tâm chi miêu” tức nói lưỡi là biểu tượng của tim”, hay “Thiệt vị kỳ chi ngoại hậu” tức lưỡi thể hiện sức khoẻ của tỳ vị. Hoặc nhìn rêu lưỡi có thể  biết mức độ của lục dâm (không phải 6 kiểu dâm mà lục dâm bao gồm phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa). Thế mới biết “Quán thiệt chẩn bệnh, Đông y nhất tuyệt” (xem lưỡi chẩn bệnh, Đông y số một).

Bệnh qua màu lưỡi

Mỗi sáng sau khi vệ sinh răng miệng, bạn có thể tự làm bác sĩ chẩn đoán bệnh mình bằng cách soi gương, thè lưỡi ra quan sát. Rêu lưỡi trắng: Có thể bạn bị nhiễm nấm candida albicans. Nếu có mảng trắng hoặc xám có thể gặp ở người nghiện thuốc lá hoặc nhiễm virus Epstein-Barr (virus gây nhiễm trùng vùng miệng, lưỡi, họng có thể gây ung thư, bệnh truyền theo nước miếng nên gọi là “bệnh của nụ hôn”).

Lưỡi có màu sậm hoặc đen gặp ở những người uống mỗi ngày hơn 3 ly cà phê hoặc hút thuốc lá từ 30 năm trở lên. Cũng có thể gặp ở những người phải uống thuốc điều trị dạ dày, tá tràng. Nhưng khi ngưng những tác nhân nói trên mà màu sắc lưỡi không hồng trở lại thì coi chừng bạn đang có mầm mống của ung thư lưỡi.

Lưỡi có những nốt đỏ thường thấy trong trường hợp nóng sốt, cảm lạnh, khi bệnh lui thì những nốt đỏ này cũng biến đi. Tuy nhiên nếu lưỡi đỏ sẫm, khô khan, rêu lưỡi dày, nhờn có màu vàng hoặc đen tức là viêm gan nặng. Chất lưỡi đỏ sẫm lại sáng bóng thường gặp trong xơ gan. Người bệnh mệt, khó ngủ rêu lưỡi có 2 vùng xanh, bầm tím coi chừng bị ung thư gan.

Lưỡi có sọc giống như bản đồ, các vùng đỏ được viền màu trắng tức là bạn bị “viêm lưỡi bản đồ”. Đây là một viêm nhiễm lành tính, hay xuất hiện ở người bị tiểu đường, bị stress hay dị ứng thuốc, thường bạn uống vitamin nhóm B,C hoặc xay nước rau bồ ngót uống sau 1 tuần thì bệnh lui.

Lưỡi bầm tím từng phần sau vài ngày thì đen, cong lưỡi thấy tĩnh mạch dưới lưỡi giãn to ra, người bệnh thấy mệt, đau vùng trước tim, thường đối mặt với nguy cơ nhồi máu cơ tim. Rìa lưỡi đỏ thường gặp bệnh cao huyết áp, ưu năng tuyến giáp trạng (Basedow)

Lưỡi đổi màu: từ hồng sang lợt thường là thiếu máu do thiếu sắt. Lưỡi màu hồng chuyển sang đỏ thường do thiếu vitamin B12, vitamin B3 hoặc acid folic.

Lưỡi khô, nóng và hôi thường gặp ở phụ nữ mãn kinh. Cần uống sữa đậu nành (chứa estrogen thiên nhiên) và nhai kẹo sing-gum để tăng tiết nước miếng.

Rêu lưỡi vàng, đóng dầy, nạo xong lại xuất hiện thường là viêm loét dạ dày, tá tràng.

Chăm sóc lưỡi

Lưỡi nằm trong khoang miệng nên vệ sinh răng miệng sạch sẽ cũng là chăm sóc lưỡi. Đông y cho rằng lưỡi là nơi dễ nhìn lại phản ảnh sự thịnh suy của chính khí, thịnh suy của khí huyết. Vì thế nếu bạn chăm sóc khoang miệng tốt, thỉnh thoảng nên tự “khám” lưỡi để có thể phát hiện sớm những dấu hiệu của bệnh. Tất nhiên bước tiếp theo là gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác.

Tuổi Trẻ Cười số 515 ra ngày 15/1/2015 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Từ khóa » Giãn Tĩnh Mạch Dưới Lưỡi