Nhịp Chày Buồn, Nhịp Chày Vui! - Báo Phụ Nữ - Phunuonline

Cuối những năm 1980, quê tôi chưa có điện, các loại máy xay xát, máy nghiền còn hiếm.

Ấn tượng đầu tiên của tôi về chiếc cối đá là hình ảnh bố cầm từng bó lúa đập phần ngọn vào miệng cối. Chiếc cối đá to và nặng hàng trăm ký, tiếng rào rạo của những hạt thóc văng vào lòng cối nghe như bản nhạc. Đó là hình thức tuốt lúa thủ công phổ biến ở làng quê thời bấy giờ, hầu như nhà nào cũng có một cái cối đại như thế.

Ngày xưa nhà nào cũng có cái cối giã gạo - Ảnh Internet
Ngày xưa nhà nào cũng có cái cối giã gạo - Ảnh Internet

Để có gạo ăn, mẹ tôi phải xay lúa bằng chiếc cối xay, sau đó bỏ vào cối đá giã cho gạo trắng ra, tiếp đó là công đoạn sàng sảy để loại bỏ trấu và cám.

Chiếc cối đá to, mỗi mẻ giã có thể được cả gần chục ký gạo. Các cụ thường bảo, nhìn vào bơ gạo, đấu ngô, biết được người phụ nữ trong nhà ấy vụng hay đảm. Căn cứ vào số lần giã gạo, người ta biết được đời sống của từng hộ gia đình no - đói thế nào.

Nhiều công việc nhà nông liên quan đến chiếc cối đá, đó cũng là nơi các bà các mẹ sôi nổi luận bàn chuyện thường ngày. Từ chuyện đồng áng, giống má, lợn gà, cho tới chuyện chồng con…

Ở đó là sự san sẻ, chỉ bảo nhau nết ăn, nết làm. Người khéo léo là khi giã ngô, lúa ít vương vãi; khi sàng sảy cổ tay phải mềm dẻo, gạo ra gạo, cám ra cám, sạch sẽ và gọn gàng.

Nhà tôi chung sống ba thế hệ nên đông người, mỗi lần giã trên dưới nửa tạ thóc. Bà nội và mẹ luân phiên nhau trong các công đoạn, phải mất nguyên cả buổi cấp tập làm mới xong.

Ở quê, đất bãi nhiều, nên bắp cũng là thức ăn phổ biến, thường dùng nấu độn với gạo. Chế biến bắp cũng cực không kém, xay giập rồi đem giã, sau đó dần để lấy bột mịn và sàng lấy gạo bắp. Thường thì gạo bắp nấu cơm độn, còn bột thì nấu cháo mặn hay ngọt tùy thích.

Chị em tôi lúc đó mới sáu, bảy tuổi, tay cầm chày chưa gọn nhưng hay đòi được phụ giúp. Bà và mẹ cũng đồng ý, ra chiều cổ vũ, nhưng giã được mấy cái, chiếc chày gỗ cầm lỏng lẻo làm thóc văng tung tóe, lòng bàn tay rát đỏ và cánh tay mỏi rã rời, chúng tôi đành bỏ cuộc.

Bà vừa nhai trầu vừa mắng yêu: “Tí tuổi mà cứ đành hanh, mai này làm được thì lại lười chảy ra thôi”.

Những chiếc cối thế này hiện chỉ còn trong ký ức chúng tôi - Ảnh Internet
Những chiếc cối thế này hiện chỉ còn trong ký ức chúng tôi - Ảnh Internet

Chiếc cối đá được sử dụng thường xuyên nên theo năm tháng lòng cối nhẵn thín, mặt đáy của cối cũng nhẵn nhụi, bóng bẩy. Khác với tiếng chày giã bắp thì thụp và nặng nhọc, thì những ngày giáp tết chiếc cối đá lại vang tiếng giã giò loách quách, kỳ cạch, rất vui tai.

Những năm 1990, đời sống dần khá lên, nhiều nhà có máy tuốt lúa đạp chân, làng quê xuất hiện máy xay xát chạy bằng dầu, công việc đập lúa, giã gạo và bắp bằng cối đá ít dần.

Sau này, các loại máy móc hiện diện ở hầu hết các làng quê. Nào máy gặt đập, máy xay, máy xát đa năng… Vai trò của những chiếc cối đá dần trở nên mờ nhạt. Tôi nhớ có lần tham quan khu du lịch cộng đồng ở một tỉnh miền núi cách nay gần chục năm và được trải nghiệm làm món bánh dầy.

Phấn khích biết bao khi thấy lại chiếc cối đá, cùng những nhịp chày vang tiếng “cắc, bụp” ngày bé tôi được nghe mỗi khi bà, mẹ làm món bánh này.

Người chủ homestay nói rằng, vì làm du lịch nên họ giữ lại chiếc cối đá phục vụ nhu cầu giã bánh của du khách, chứ bây giờ hiếm còn nhà nào dùng công cụ này nữa.

Riêng gia đình tôi, cha mẹ vẫn giữ chiếc cối đá đại, nhưng úp ngược lại ở một góc sân làm chỗ phơi mâm bát hoặc đặt để các vật dụng sinh hoạt khác.

Nhớ về chiếc cối đá - vật dụng hữu ích mang chứa bao kỷ niệm, tôi bỗng nhớ những câu thơ: Nhịp chày buồn, nhịp chày vui?/ Đan đan suốt dọc tiếng cười trẻ thơ… Thật đồng cảm và gần gũi.

Mai Đình

Từ khóa » Hình ảnh Giã Gạo Ngày Xưa