Nhờ Bà Chăm Cháu Là ích Kỷ - Báo Phụ Nữ

Có rất nhiều ông bà chăm cháu cho con cái đi làm
Có rất nhiều ông bà chăm cháu cho con cái đi làm (Ảnh minh họa)

Con gái tôi 2 tuổi và tôi quyết định đi làm trở lại sau 2 năm ở nhà nuôi con. Tuy nhiên, tôi vướng chuyện gửi con. Con tôi rất kén ăn, hay bị nôn ói và bệnh vặt.

Đã 2 tuổi nhưng bé mới 9kg, ngấp nghé ngưỡng suy dinh dưỡng nên tôi không muốn cho bé đi nhà trẻ như chồng gợi ý. Lớp học nào cũng đông đúc, chỉ có 2-3 bảo mẫu, tôi nghĩ con mình sẽ không được chăm sóc tốt. Gửi nhóm trẻ gia đình lại càng không yên tâm, vì tôi thấy nhiều vụ bạo hành và tai nạn ở trẻ thường xảy ra ở nhóm trẻ gia đình.

Thuê người giúp việc tôi cũng không muốn, vì khó tìm người tin tưởng, yêu thương trẻ, lại thêm kinh tế của chúng tôi không mấy dư dả. Tính tới tính lui, tôi ngỏ ý nhờ bà nội vừa nghỉ hưu ở Thái Bình vào chăm cháu. Tôi nghĩ, ngoài cha mẹ, không ai yêu thương trẻ bằng ông bà.

Vậy mà chồng tôi cho rằng nhờ cha mẹ già trông cháu là ích kỷ, là tội ác. Tôi thì thấy việc ông bà chăm cháu rất bình thường, tôi tin sau này mình già, cũng sẵn sàng, tự nguyện chăm cháu nội, ngoại.

Chồng tôi lớn tiếng: “Mẹ lớn tuổi rồi, mẹ mới thảnh thơi được mấy tháng sau khi cả đời một mình tảo tần, đi làm xí nghiệp, trồng rau, trồng lúa, nuôi gà vịt… nuôi 5 đứa con ăn học. Thằng Hải (con út) vừa tốt nghiệp đại học, mẹ mới đỡ lo toan, vất vả. Chúng ta phải cho mẹ nghỉ ngơi chứ”.

Tôi phản bác: “Ở khu này có cả trăm bà nội/ngoại giữ cháu kìa, em thường xuyên dẫn con gặp các bà, thấy ai cũng vui vẻ chăm cháu. Nếu bà ngoại không bị tai biến nằm một chỗ thì đã lên giữ cháu rồi, khỏi cần em nhờ. Ông bà ai cũng yêu thương con cháu, giữ cháu nội, mẹ cũng có niềm vui, chứ giờ ngoài quê mẹ sống một mình cũng đơn độc. Anh cứ hỏi mẹ đi, nếu mẹ từ chối thì thôi”.

Chống t6i cho rằng, nhờ ông bà chăn cháu là ích kỷ (Ảnh internet)
Chồng tôi cho rằng, nhờ ông bà chăn cháu là ích kỷ

Nhưng chồng tôi nhất định không đồng ý, cũng không cho tôi hỏi ý kiến mẹ. Anh cho rằng tôi chỉ nghĩ cho phía mình, mà không nghĩ cho người khác. Anh nói: “Ông bà chơi với cháu dăm ba ngày thì được, còn giao phó cho ông bà chăm cháu tháng này năm kia là tội ác. Cha mẹ già phải được nghỉ ngơi, tới lúc già, tụi mình cũng vậy. Em đừng đánh vào tâm lý yêu thương con cháu của ông bà. Ông bà có thể không từ chối, nhưng sẽ rất mệt và đuối. Chưa kể, sức khỏe ông bà yếu, trẻ con thì nghịch, hiếu động, rất dễ xảy ra tai nạn mà ông bà không thể xứ lý kịp”.

Vì hai quan điểm khác nhau, nên lập luận của chồng, tôi không thể "tiêu hóa". Tôi chỉ cho anh thấy, trong khu chung cư Lê Thành (Q. Bình Tân, TPHCM) của chúng tôi, cứ mỗi sáng và mỗi chiều rất nhiều các ông bà dẫn, đẩy, bồng bề cháu xuống sân chơi. Những người này còn già, yếu hơn mẹ chồng tôi. Còn cha mẹ bé Su, bé Na, cu Sâu, cu Tin… đều thoải mái và an lòng đi làm.

Chồng tôi vẫn gạt ngang: “Cho con đi học, mướn người giúp việc, hoặc em ở nhà trông con, tùy em chọn. Anh sẽ "cân" hết các chi phí này”.

Tôi than thở với bạn bè, hầu hết các bạn có suy nghĩ giống tôi “bà chăm cháu là tốt nhất”, chồng tôi làm quá và chính anh mới là người ích kỷ với con. Tôi không thèm nói thêm gì nữa, mong chờ sự "sáng mắt" của anh. Cho đến một sự kiện ở chung cư tôi sáng 14/4, tôi đã bàng hoàng suy nghĩ lại.

Hôm ấy, tôi đứng trên ban công nhà nhìn xuống sân chung cư và thấy bé Ri 3,5 tuổi đang chơi đá banh với bà ngoại. Bất chợt, bé Ri ném banh hơi mạnh, lại xéo nên bà ngoại không chụp được, banh lăn ra đường.

Bà ngoại - gần 70 tuổi - chạy theo banh. Nhưng sự chậm chạp của tuổi tác khiến bà không sao đuổi kịp, banh lăn ra đường, bà cố nhoài theo, bé Ri lũn cũn chạy theo bà ngoại. Nhiều chiếc xe máy đang giờ cao điểm lao tới, những người ngồi trong quán cà phê gần đó hoảng hốt hét lên: “Đứa nhỏ kìa! Coi chừng xe!”.

Bà ngoại quay phắt lại, suýt ngã, nhưng kịp ôm đứa cháu vào lòng ngay trước mũi một chiếc xe máy.

Chới với cháu là niềm vui của ông bà, nhưng chăm cháu trong thời gian dài với người già là điều không dễ dàng
Chơi với cháu là niềm vui của ông bà, nhưng chăm cháu trong thời gian dài với người già là điều không dễ dàng (Ảnh minh họa)

Tôi thót tim trước tình huống này. Nếu không may mắn, có thể bà ngoại và cháu bé đã bị tai nạn. Bất chợt tôi liên tưởng người đó là mẹ chồng và đó là con mình và gai người. Người lớn tuổi phản ứng không còn nhanh nhẹn, sức khỏe yếu, mắt không tinh anh và độ nhạy cũng kém, nên việc giữ một đứa trẻ quả thật không dễ dàng, thậm chí nguy hiểm cho cả bà và cháu.

Có lẽ, để cha mẹ già nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già như ý chồng tôi là hợp lẽ.

Mỹ Tiên

Từ khóa » Có Nên để ông Bà Nội Chăm Cháu