Nhớ Cái Làn đi Chợ Của Bà - Tuổi Trẻ Online

nbmlWigb.jpgPhóng to
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Trước đây, các bà, các mẹ đi chợ đều mang theo một cái làn nhựa để đựng mọi thứ. Bó rau mua xong là để vào làn, không cần túi gì bọc ngoài cả. Những thứ có mùi tanh như miếng thịt, miếng cá cắt xong được quấn vào tấm lá chuối hay lá rau bắp cải già. Vậy là chẳng cần đến bịch nilon, mọi người vẫn thoải mái mang đồ từ chợ về.

Đôi khi muốn mua bát mì vằn thắn về cho cháu, bà tôi đặt thêm cái cặp lồng vào làn xách đi. Tiếng cặp lồng nhôm kêu leng keng là báo hiệu một bữa cải thiện đậm đà cho những đứa cháu hay đói bụng.

Hồi đó còn có phong trào dùng túi giấy để gói những món đồ nhỏ dễ rớt như lạc, đỗ, bánh trái ăn sáng... Giấy đó là loại giấy mỏng màu nâu nâu, một mặt ráp, một mặt bóng, có thể dùng để bọc vở nữa. Nhiều người còn tận dụng giấy vở dùng rồi để gấp túi. Học sinh chúng tôi cũng thỉnh thoảng ngồi cùng cha mẹ gấp túi giấy để tăng gia thêm chút đỉnh.

Nhưng rồi dần dần, có một thứ “phát minh” làm thay đổi thói quen của người đi chợ: túi nilon. Nó vừa nhẹ, vừa tiện, giúp cho những người bận rộn đi chợ không phải mang làn hay túi xách cồng kềnh. Nó còn dùng đựng đồ có nước như cà pháo, dưa chua, cua xay sẵn, thậm chí cả bát bún, phở nóng hổi...

Sự tiện dụng đó khiến đâu đâu người ta cũng dùng túi nilon, bất chấp những lời cảnh báo về sự độc hại của nó đối với sức khỏe và môi trường. Nào là cả nghìn năm nilon mới phân hủy, nào là túi nilon, hộp xốp đựng đồ nóng dễ sinh chất gây ung thư...

Tôi thỉnh thoảng xách cặp lồng đi mua sữa đậu nành, vẫn nhớ lần đầu tiên người bán hàng có vẻ ngỡ ngàng, miệng làu bàu: “Rách việc!”. Rất khó tìm được cửa hàng làm sữa đậu nành ngay ở chợ bởi họ thường làm tại nhà rồi đóng gói nilon phân phối cho những người bán lẻ. Cảm giác cầm vào túi sữa nóng bỏng tay mà rùng mình...

“Bao giờ cho đến ngày xưa”, khi cuộc sống bình dị giúp người ta “sống xanh” mà không cần vận động? Và tôi bỗng nhớ đến nao lòng cái làn của bà...

Từ khóa » Cái Nàn Hay Cái Làn