Nhổ Hẹ Mùa Nước Nổi - Tuổi Trẻ Online

Nhổ hẹ mùa nước nổi - Ảnh 1.

Hẹ được nhiều người ví như "sâm nước" bổ dưỡng. Ảnh nhỏ: bàn tay nhổ hẹ nước của nông dân bị nước ăn hư móng

Anh Nguyễn Văn Tân vội kéo mấy chiếc thau lớn buộc vào đuôi ghe, rồi đẩy ra giữa thửa ruộng đã bị nước lũ nhấn chìm đến rốn người để bắt đầu công việc đã gắn với mình trên 10 năm: nhổ hẹ nước.

Loại rong mọc hoang

Khoát nước lên ngực, lên hai bả vai, anh Tân nói đây là kinh nghiệm của những người nhổ hẹ nước lâu năm.

"Sáng sớm nước lạnh cóng, phải cho cơ thể quen lạnh từ từ để tránh bị cảm" - anh Tân chưa dứt lời đã nhoài người về phía trước. Anh vừa khum lưng thì tay đã chạm gốc hẹ.

"Hồi trước" - nghe có vẻ xa xôi nhưng chỉ lùi lại chừng 10 năm - là có thể bắt gặp những đồng lũ bát ngát, hẹ nước mọc hoang đầy rẫy dưới làn nước sâu. Anh Tân chỉ cần chèo xuồng ra ruộng chừng nửa giờ là trở về với khoang đầy ắp hẹ nước.

Nhổ hẹ mùa nước nổi - Ảnh 2.

Hẹ được nhiều người ví như "sâm nước" bổ dưỡng. Ảnh nhỏ: bàn tay nhổ hẹ nước của nông dân bị nước ăn hư móng

"Hồi đó lũ lên cao lắm, ngập hết cánh đồng trắng xóa. Cứ sau mỗi lần đi lưới cá, lựa chỗ nào hẹ nước còn non để nhổ về chấm nước cá kho chứ không bán buôn gì. Lúc đó chưa nhiều người biết ăn loại rau dại này" - anh Tân nói.

Rồi hẹ nước tự già và chết đi khi nước rút. Hoa hẹ rớt hạt xuống, phù sa bồi lấp cả năm trời chờ mùa nước nổi năm sau. Cứ như vậy, cây hẹ nước tồn tại bao đời với thân phận rau dại mà là món ngon của dân quê.

Mỗi năm khi nước nổi bắt đầu tràn vào ruộng, những cây hẹ bé tẹo cũng từ lớp bùn trồi lên và cao dần theo con nước, chừng vài tháng sau có thể thu hoạch được. Nhưng những năm lũ ngập sâu, muốn nhổ được hẹ nước cũng không dễ dàng gì.

Nhổ hẹ mùa nước nổi - Ảnh 3.

Cảnh nhổ hẹ nước tại một đồng nước ở Đồng Tháp Mười, Long An

Còn nhớ thời gian đầu hẹ nước được bày bán trên những sạp sản vật vùng lũ là những năm thập niên 1990. Dân nghèo Đồng Tháp Mười ngụp lặn cả ngày trên đồng lũ nhổ hẹ nước về bán. "Do hẹ mọc hoang rải rác dưới sâu gần 2-3m nước tùy mùa lũ, nên mỗi ngày nếu nhổ thạo cũng chỉ được khoảng vài chục ký là nhiều dữ lắm rồi" - anh Tân kể.

Khi cây hẹ nước bắt đầu được nhiều người biết đến và dần trở thành rau đặc sản của vùng Đồng Tháp Mười, thương lái đổ về lùng mua ngày càng đông và rồi chủ ruộng không còn cho khai thác hẹ nước tự do như trước.

Sinh kế của dân nghèo

Nếu như trước đây những ruộng lúa sau khi thu hoạch xong bị bỏ hoang mặc cho nước lũ nhấn chìm, thì nay chủ ruộng để hẹ mọc trên ruộng của mình rồi bán cho thương lái. Dân buôn lại thuê chính người địa phương nhổ với giá 6.000 đồng mỗi ký. Nghề nhổ hẹ nước thuê cũng từ đó ra đời.

Chỉ khoảng ruộng hút tầm mắt phía trước, ông Trương Công Lộc (quê Long An) cho hay ruộng hẹ này đã được thương lái mua của chủ đất với giá 50 triệu đồng, rồi họ thuê lại người địa phương thu hoạch.

Nhổ hẹ mùa nước nổi - Ảnh 4.

Hẹ nước sau khi được nhổ lên còn phải qua công đoạn làm sạch gốc trước khi bán

"Ở vùng đồng những tháng nước nổi, nếu không mần cá thì cũng ngồi không chứ biết làm gì. Cũng may có cái nghề nhổ hẹ để kiếm sống, chứ giờ cá mú cũng đâu còn mấy mà bắt" - ông Lộc vừa rũ nắm hẹ cho sạch bùn vừa nói. Ở tuổi 63, ông Lộc đã có hơn chục mùa nước nổi gắn liền với nghề nhổ hẹ nước.

Nhiều năm nay, cứ tầm mùa nước tràn đồng một tháng là vợ chồng ông Lộc lại bắt đầu với việc dân dã này. Vợ ông, bà Mai Thị Dưa ở tuổi 58 cũng không kém cạnh đàn ông trong nhóm nhổ hẹ thuê ở xã Tân Lập. Cứ sáng sớm tầm 4h-5h, bà lại theo chồng xách thau lớn lội ra ruộng, tối mịt mù mới về.

"Công việc thì không có gì khó nhưng cực lắm, lạnh lắm. Những ngày mưa dầm vừa thò chân xuống nước đã tê cứng. Đàn ông con trai còn đỡ, chứ phụ nữ tụi tui cũng lo viêm nhiễm đủ thứ. Nhưng vì chén cơm manh áo cũng phải ráng, chứ cái xứ này có nghề nào dễ mần dễ kiếm tiền thế này nữa đâu" - bà Dưa nói. Tính chi li mỗi mùa nước, vợ chồng bà cũng kiếm được vài chục triệu đồng từ cái nghề "hạ bạc" này.

Nhổ hẹ mùa nước nổi - Ảnh 5.

Hẹ được nhổ thành đống để chuyển cho thương lái

Xóm nhà lá xập xệ ngày trước ở ấp 5, xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, Long An nay đã thay bằng nhà tường kiên cố. Hầu hết hộ dân đều có ít nhất một người hoặc cả nhà theo nghề nhổ hẹ nước thuê.

Nghề nhổ hẹ nước cho thương lái thu hút đến nỗi anh công nhân có thâm niên 12 năm như anh Võ Ngọc Toàn cũng dành một ngày trong tuần ngụp lặn trên đồng lũ. "Cả tuần công nhân nào cũng mong ngày nghỉ, nhưng cuối tuần với tui là lại theo ba má ra ruộng hẹ để nhổ phụ" - Toàn chia sẻ.

"Sâm nước"

Hẹ nước là loài rong không chỉ mọc ở ruộng nước, mà còn dưới các kênh mương vùng đất phèn Đồng Tháp Mười. Khác với hẹ cạn, hẹ nước là loài rau dân dã tự nhiên mọc nhiều vào mùa nước nổi, từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch. Nhiều người cho rằng ăn loại rong này rất mát, giải độc cơ thể, nên ví von như "sâm nước" miệt bưng biền.

"Mình làm không quen thì tất nhiên không nhổ được nhiều như người ta, nhưng thêm đồng nào hay đồng đó" - Toàn vừa nói vừa lóng ngóng tước bỏ nhánh hẹ bị giập nát sát phần gốc, để lộ những lá hẹ xanh mướt mắt trước khi bỏ lên ghe giao cho thương lái.

Thân hẹ mềm đến độ khi đưa lên khỏi mặt nước trở nên rũ rượi như mớ dây nilông buộc đồ. Ấy vậy mà dưới nước nó có sức sống mãnh liệt đến khó tưởng. Ruộng hẹ vừa nhổ xong một đợt quay lại đã thấy mọc lứa khác. Cứ thế, người dân miệt đồng sâu có việc để kiếm sống suốt mùa nước nổi.

Nhổ hẹ mùa nước nổi - Ảnh 7.

Anh Nguyễn Văn Tân - người được mệnh danh là “sư phụ nhổ hẹ nước” tại vùng Đồng Tháp Mười, Long An

Tuyệt phẩm hẹ nước ăn kèm lẩu mắm, mắm kho Tuyệt phẩm hẹ nước ăn kèm lẩu mắm, mắm kho

TTO - Mỗi độ con nước về, người dân miền Tây tận hưởng những sản vật hương đồng cỏ nội. Và hẹ nước, một đặc sản ở vùng Mộc Hóa - Long An theo nước lên, trở thành một món ngon, ăn cùng lẩu mắm, mắm kho...

Từ khóa » Hình Cây Hẹ Nước