Nhớ Hoa Ban Tây Bắc… - Báo Hòa Bình
Có thể bạn quan tâm
- Thứ tư, 27/11/2024 | 8:21:07 Chiều
(HBĐT) - " Năm nay, Điện Biên tổ chức lễ hội Hoa Ban 2022: Lung linh miền hoa Ban, các bạn lên tham dự nhé…”… Những câu mời chào của bạn bè khiến lòng cũng rộn ràng, háo hức, cùng một nỗi nhớ về những miền đất Tây Bắc đã từng qua vào mỗi mùa hoa ban. Các đồng nghiệp ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận cũng đã vượt đèo Thung Khe, đèo Đá Trắng, qua Mộc Châu, đèo Pha Đin mang theo câu hát "Đường lên Tây Bắc vút xa mờ/ Đường lên Tây Bắc mây trắng bồng bềnh như mơ/Vượt sông Lô ngược sông Hồng/Đường lên Tây Bắc đi trong mênh mông đất trời yêu thương ”. Lên Tây Bắc để cảm nhận nét đẹp hoa ban, vốn là "đặc sản” của Tây Bắc, cùng nét đẹp văn hóa, tinh thần của đất và người nơi đây…
Ảnh minh họa. Lên Tây Bắc mùa này, du khách sẽ như lạc vào miền hư ảo với những sắc hoa ban nở thắm lung linh đất trời. Dù là Hòa Bình, tỉnh cửa ngõ Tây Bắc, hay Sơn La, Lai Châu và nhất là xứ sở Điện Biên nơi khởi nguồn của lễ hội Hoa Ban danh tiếng từ năm 2014… đều bắt gặp sắc hoa ban làm mê đắm lòng người. Hoa ban trắng, hoa ban tím, hoa ban hồng… Rực rỡ những con phố hoa ban, trắng tinh sườn núi, sườn đồi hay la đà bên cửa sổ nhà ai. Hoa ban được dệt lên bằng sương khói của miền cổ tích xa xưa cùng mối tình đẹp mà bi thương của đôi trai gái người dân tộc Thái. Chàng Khưm vừa giỏi làm nương lại có tài săn bắn đem lòng yêu nàng Ban khéo tay dệt vải lại có giọng hát hay làm xao xuyến bao người. Thế nhưng, cha nàng Ban vì ham giàu nên đã đem gả nàng cho con trai nhà tạo mường. Trong bước đường cùng, nàng Ban đã chạy sang bản của Khum để cầu cứu. Nhưng chẳng may khi đến nhà Khum, thì được tin chàng đã theo cha đến một bản xa. Nàng bèn lấy chiếc khăn piêu của mình, buộc vào nơi cầu thang nhà người yêu, rồi bươn bả đi tìm chàng. Nàng đi hết núi này, rừng khác, gọi tên người yêu đến khản cả giọng, nhưng chàng ở xa nào có nghe thấy. Cuối cùng kiệt sức, nàng ngã gục sau khi vượt qua một dãy núi cao. Nơi nàng nằm xuống, sau đó mọc lên một cây hoa mang búp trắng như búp tay người con gái. Và chẳng bao lâu, loài hoa ấy mọc lan ra khắp núi rừng Tây Bắc, và hàng năm cứ mỗi độ xuân về, hoa nở trắng như bông. Người ta đặt tên loài hoa đó là hoa ban… Hoa ban cũng được coi là biểu tượng của mùa xuân, của người con gái Thái chung thủy, chịu thương chịu khó nói riêng và con người Tây Bắc nói chung. Đến với Tây Bắc, du khách như được chìm đắm trong sắc hoa lộng lẫy, được cảm nhận, thưởng thức bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp mà đất trời ban tặng cho Tây Bắc được hát, được đọc cho nhau nghe những bài hát, bài thơ của bao nhạc sĩ, nhà thơ từng sống, từng yêu Tây Bắc đến tận cùng. Làm sao quên được những câu thơ ám ảnh hay lời cao thấm đẫm tình yêu Tây Bắc: "Hoa ban nở thành người con gái Thái/ Đám mây bay trong thau nước gội đầu”; "Vẫn còn nguyên trong ba lô chiếc áo trấn thủ/ Vẫn còn nguyên trong trang thơ, nhành hoa ban ép vội/ Cho tôi mơ, cho tôi sống những ngày Điện Biên năm xưa/ Cho tôi yêu, cho tôi hát những lời Điện Biên hôm nay/ Ôi mái đầu cha tôi đã bạc/ Nhưng vẫn còn mênh mang trong tôi hơi ấm đêm về/ Và một rừng trắng muốt hoa ban”. Đến Tây Bắc…được ngắm hoa ban, được gặp gỡ những con người nơi đây để cùng tham gia những vòng Xòe, thưởng thức những món ăn đậm đà chất núi rừng… mới thấy Tây Bắc đẹp mến khách và hấp dẫn đến mức nào. Vẫn nhớ những cánh rừng hoa ban ở Vân Hồ, Mường La (Sơn La), Điện Biên Đông, Tuần Giáo (Điện Biên), hay Phong Thổ, Tân Uyên, Than Uyên (Lai Châu), gắn với núi đồi, dòng suối, xóm bản nơi đây. Được cảm nhận hoa ban trong truyền thuyết, qua cuộc sống người dân và thấy được dòng chảy lịch sử văn hóa với những chiến công, đóng góp của Người Tây Bắc trong cuộc kháng chiến chống Pháp gắn với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Cuộc sống đổi thay ngày hôm nay từ mỗi xóm bản, cùng nỗ lực của các miền biên viễn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay… Tây Bắc nên thơ, Tây Bắc chuyển mình trong sắc hoa ban. Bùi Huy
Cảm xúc tháng Ba Dã quỳ “nhuộm” vàng khắp núi rừng Tây Bắc Độc đáo lễ cúng ruộng của người Mông ở Mù Cang Chải Mùa hoa tường vi“Thiên đường” gần 200 loại sen độc nhất vô nhị ở Hà Nội
Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 13km, đầm sen quý thuộc Trung tâm Thực nghiệm, Nghiên cứu và Phát triển nguồn gens cây sen (tại ngõ 234 Ngô Xuân Quản, Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội) đang vào mùa sen nở rộ.
Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông
Với chủ đề "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông/Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển", Ngày hội văn hoá dân tộc Mông lần thứ III sẽ diễn ra trong 3 ngày vào tháng 9/2021 tại thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu.
Chuyện tình Romeo và Juliet trên băng
Những bộ phim Nga, từ lâu vốn vắng bóng nhất là tại các hệ thống rạp chiếu, bởi sự cạnh tranh quá mạnh mẽ và ồ ạt của các bom tấn từ Hollywood hay Hàn Quốc. Nhưng nếu có dịp được xem một bộ phim của nền điện ảnh hiện đại Nga, nhiều khán giả hẳn sẽ không tránh được sự sửng sốt, khi thấy được một ngôn ngữ điện ảnh giàu tính biểu cảm, đẹp, lại được hỗ trợ bằng kỹ thuật tiên tiến, qua diễn xuất của lớp diễn viên trẻ, đẹp và tài năng. "The Silver skate” (Giày trượt băng bạc) là một thí dụ.
Khám phá phố cổ Thành Nam
(HBĐT) - Nếu như Hà Nội xưa có 36 phố phường thì thành phố Nam Định cũng có đến hơn 40 phố cổ. Tuy nhiên, khác với các phố cổ Đồng Văn, Phố Hiến, phố cổ Hội An, phố cổ Hà Nội đều đã được xếp hạng di tích quốc gia thì phố cổ Thành Nam vẫn chưa được xếp hạng di tích. Hơn nữa, phố cổ chính là tập hợp của những con phố nhỏ nằm sát bên ngôi thành cổ.
Giới thiệu nét cổ truyền Tết Đoan Ngọ tại Hoàng thành Thăng Long
Ngày 10/6, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức triển lãm "Tết Đoan Ngọ xưa và nay - Gió lành Đoan Dương” theo hình thức trực tuyến tại khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long nhằm giới thiệu nét cổ truyền của Tết Đoan Ngọ đến đông đảo công chúng.
Muôn hoa khoe sắc ở miền Nam nước Nga