Nhớ Lời Bác Hồ Dạy: “Phải Thường Xuyên Thật Sẵn Sàng”…

Ngày 1/0/1955, một tiểu đội chữa cháy Hà Nội được cử tham gia bảo vệ lễ đài trên Quảng trường Ba Đình nhân dịp mít tinh chào mừng Đảng và Chính phủ trở về thủ đô. Ngay sau đó, Bác Hồ đã đến thăm đơn vị, bắt tay từng người và chúc: "Nhân dịp năm mới, Bác chúc các chú thất nghiệp”. Từ đó, lời chúc vui vẻ của Người đối với lực lượng cảnh sát PCCC vừa là lời động viên vừa là mục tiêu, nhiệm vụ.

Năm 1958, khi tổ chức lại các khối nhà trong Phủ Chủ tịch, thấy một bể nước có người đề nghị phá bỏ. Mọi người hỏi ý kiến Bác, Người yêu cầu: "Phải hỏi các chú PCCC, nếu không cần bể nước để chữa cháy thì hãy phá đi”… Ý kiến đó cho thấy Bác rất chú trọng công tác PCCC.

Năm 1961, trong quá trình lấy ý kiến về dự thảo Pháp lệnh Quy định việc quản lý nhà nước đối với công tác PCCC, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đổi cụm từ "phòng hỏa, cứu hỏa” thành cụm từ "phòng cháy, chữa cháy” khi dự thảo được trình lên Người. Ngày 4/10/1961, Người đã ký sắc lệnh số 53/SL ban hành khi Pháp lệnh này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 27/9/1961.

Năm 1966, trong Thư khen gửi cán bộ, chiến sĩ cảnh sát PCCC Hà Nội ngày 3/8/1966, sau thành tích chiến đấu dũng cảm dập tắt đám cháy ở kho xăng dầu Đức Giang bị trúng bom giặc, Bác đã căn dặn lực lượng cảnh sát PCCC 4 điều:

- Phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, chớ chủ quan, tự mãn.

- Phải thường xuyên thật sẵn sàng để nhanh chóng làm tròn nhiệm vụ bất kỳ trong tình hình nào để bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân.

- Phải không ngừng học tập, nghiên cứu, phát huy sáng kiến, tổng kết kinh nghiệm để tiến bộ hơn nữa trong công việc PCCC.

- Phải thường xuyên hướng dẫn và bồi dưỡng về nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng ngày càng tiến bộ, để họ trở thành người giúp việc thật đắc lực cho các đồng chí.

Đó là những định hướng vừa cụ thể vừa mang tính khái quát cao đối với công tác PCCC, không chỉ ở thời điểm 55 năm trước mà cả trong giai đoạn hiện nay.

Ngày 2/6/1996, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 369/TTg lấy ngày 4/10 hằng năm là “Ngày Phòng cháy, chữa cháy toàn dân”, tháng 10 là “Tháng an toàn phòng cháy, chữa cháy”. Năm 2010, lực lượng cảnh sát PCCC chính thức được Bộ Công an giao thêm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ. Ngày 22/2/2021, Bộ trưởng Bộ Công an có Quyết định số 1036/QĐ-BCA về việc xác định ngày 4/10/1961 là Ngày Truyền thống của lực lượng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ.

Lực lượng cảnh sát PCCC TPHCM diễn tập xử lý dung môi, sơn hóa chất tại một doanh nghiệp trong Khu chế xuất Linh Trung. (Ảnh minh họa) Lực lượng cảnh sát PCCC TPHCM diễn tập xử lý dung môi, sơn hóa chất tại một doanh nghiệp trong Khu chế xuất Linh Trung. (Ảnh minh họa)

Tại kỳ họp thứ 9 (tháng 6/2001), Quốc hội khóa X đã thông qua Luật Phòng cháy và chữa cháy, sau 8 năm nghiên cứu, lấy ý kiến, tổng kết thực tiễn. Ngày 12/7/2001, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký công bố Luật này và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 4/10/2001, đúng dịp kỷ niệm 40 năm ngày ban hành Pháp lệnh. Ngày 22/11/2013, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật PCCC năm 2001. Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan nội dung này gần đây nhất là Nghị định 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC; Thông tư 149/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ Công an quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật Sửa đổi, bổ sung của Luật PCCC và Nghị định 136/2020/NĐ-CP.

Ngày 25/6/2015, Ban Bí thư khóa XI đã ra Chỉ thị số 47-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC. Đến ngày 18/5/2021, Ban Bí thư khóa XIII ban hành Kết luận số 02-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW. Kết luận 02 nêu rõ, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 47, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn vẫn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, nhất là tại khu dân cư, khu công nghiệp, chợ dân sinh... Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC và cứu nạn, cứu hộ chưa đầy đủ. Một số nơi, cấp ủy, chính quyền, người dân, doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ, có tư tưởng xem nhẹ, chủ quan, chấp hành không nghiêm pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Công tác quản lý nhà nước có lúc, có nơi bị buông lỏng; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật PCCC chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe. Lực lượng PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại chỗ của nhiều địa phương, đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu, hoạt động kém hiệu quả; kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ còn nhiều bất cập, không theo kịp với sự phát triển kinh tế - xã hội; nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, xã hội hóa công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ còn chậm, hiệu quả chưa cao… Sự nhìn nhận này là thẳng thắn và cần được các địa phương, các cơ quan quan tâm thực hiện đầy đủ.

Tại TPHCM, trong thời gian qua, lực lượng cảnh sát PCCC đã rất nỗ lực thực hiện nhiệm vụ PCCC, đặc biệt là bảo đảm an toàn cho người dân trong lúc thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, bảo đảm an toàn các khu cách ly, bệnh viện dã chiến… Số vụ cháy trên địa bàn gần đây đã giảm đáng kể, hậu quả về người và của không thực sự nghiêm trọng. Dẫu vậy, người dân phải hết sức cảnh giác và tích cực thực hiện các quy định về PCCC, bởi nếu xảy ra cháy vào lúc dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn thì đời sống người dân đang khó khăn sẽ càng khó khăn hơn, tác động xã hội sẽ nặng nề hơn.

Lời dạy của Bác Hồ đối với lực lượng cảnh sát PCCC “phải thường xuyên thật sẵn sàng” cũng có thể xem là định hướng cho tất cả mọi người trong công tác PCCC. Bởi cháy nổ có thể xảy ra ở bất kỳ đâu, với bất kỳ ai, vào bất kỳ lúc nào, chỉ bất cẩn nhỏ cũng có thể để lại hậu quả lớn. Tinh thần này đã được thể hiện thành phương hành động về PCCC gồm “3 sẵn sàng”: chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả; và “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ. Những yêu cầu này không chỉ được nhắc trong dịp “Ngày Phòng cháy, chữa cháy toàn dân” hay “Tháng an toàn phòng cháy, chữa cháy” mà phải được thực hiện trong tất cả các ngày, tất cả các tháng.

Từ khóa » Pháp Lệnh Pccc 1961