NHO SĨ VIỆT NAM

NHO SĨ VIỆT NAM

NHO SĨ VIỆT-NAM

Tạ-quốc-Tuấn

Tại Việt nam trong khoảng thời gian từ sau khi giành lại được độc lập khỏi tay Trung-quốc năm 939 cho đến trước thời Pháp thuộc (1862-1945), giai cấp nho sĩ đã giữ một vai trò rất hệ trọng trong các sinh hoạt quốc gia, hơn bốn giai cấp khác là nông, công, thương, và binh. Tuy chúng ta thường nghe thấy nói « Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ » những khi người ta muốn nói về sự quan trọng của một giai cấp cho sự sống của xã hội là giai cấp nông gia, nhưng vai trò lãnh đạo quốc gia và địa vị độc tôn của nho sĩ không một giai cấp nào khác có thể thay thế được. Mặt khác, trong khoảng thời gian ngót một ngàn năm ấy, những nỗ lực nho hóa Việt-nam, tức là những nỗ lực biến Việt-nam thành một quốc gia được tổ chức hoàn toàn theo đường lối, chủ trương, chính sách của Nho giáo, đều do giai cấp nho sĩ đảm nhận.

Phần 1

Nhận Diện Một Nho Sĩ

Muốn hiểu rõ công cuộc nho hóa quốc gia, điều quan trọng nhất là cần phải tìm hiểu xem thế nào là một nho sĩ.

I. Thế Nào là Một Nho Sĩ?

Nho sĩ 儒士, gọi nôm na là « nhà nho », vẫn thường được hiểu là người đã học hỏi và tinh thông học thuyết của Khổng-tử 孔子 (551-479 TCN), của các môn đệ của ngài cũng như của các môn sinh của những người này. Họ là những người muốn đem học thuyết đó ra áp dụng để cải biến xã hội mình đang sống theo phương thức của Nho giáo.

Tự điển Từ Hải辭海 của nhóm Từ Hạc-tiên 徐鶴仙 định nghĩa nholà « hữu đạo học chi sĩ dã » 有道學之士也 (kẻ sĩ có học vấn về

đạo) và dẫn câu chú thích sau của quyển Tư-mã Tương-như Truyện司馬相如傳 trong bộ Hán Thư漢書 của Ban-Cố 班固: « phàm hữu đạo thuật giai vi nho »凡有道術皆為儒 (phàm [những người] có đạo đức học thuật đều là nho). Còn theo Khang-hi tự điển康熙字典 thì nho là « học giả chi xưng » 學者之稱 (tiếng gọi người có học).

Mặt khác, Dương-quảng-Hàm đã đưa ra một định nghĩa vắn tắt về hai từ nhonho sĩ như sau:

« Nho nghĩa đen là học giả. Nhà nho là người đã theo Nho học, hiểu đạo lý của thánh hiền đời xưa, có thể dạy bảo người đời cư xử cho phải đạo và, nếu được đắc dụng, thì đem tài đức của mình mà giúp dân giúp nước. » (1)

Định nghĩa của Dương-quảng-Hàm phỏng theo câu sau trong quyển Thiên Quan天官 sách Châu Lễ 周禮: « nhu, dĩ đạo đắc nhân dã » 儒以道得人也 (nhu [là] lấy đạo mà được người).

II. Nguồn Gốc của Từ Nho và Nho Sĩ(2)

Trước khi đi sâu vào việc tìm hiểu ý nghĩa của danh xưng “nho” chúng ta nên biết qua cách đọc của từ này.

Từ nhoviết bằng Hán tự với bộ nhân(= người) ở bên trái và chữ nhu(= cần, cần thiết; lần lữa, chần chờ không quyết) ở bên phải và đọc theo âm Hoa ngữ Quan thoại là (phiên âm theo phương pháp Wade-Giles) hay (phiên âm theo phương pháp pinyin hay phanh âm). Tự điển Từ Hải ghi âm cách đọc từ này theo phép phiên thiết là « nhục vu thiết, âm nhu, ngu vận » 縟于切音襦虞韻; hai bộ tự điển Thuyết Văn Giải Tự說文解字 của Hứa-Thận 許慎 (bộ tự điển cổ nhất của Trung-quốc ngày nay còn tồn tại, biên soạn từ năm 100 đến năm 121) và Đường Vận唐韻 của Tôn-Miến 孫愐 (có tài liệu viết là Tôn-Miên 孫綿, biên soạn khoảng năm 742-756) ghi cách đọc là « nhân chu thiết » 人朱切; còn hai sách Tập Vận集韻 do Đinh-Độ 丁度 làm chủ biên (soạn từ năm 1037 đến năm 1067) và Cổ Kim Vận Hội古 今韻會 của Hoàng Công-thiệu 黃公紹, người thời nhà Nguyên (1280-1368), thì ghi cách đọc là « nhữ chu thiết, âm nhu » 汝朱切音襦. Tuy nhiên, dù phiên thiết như thế nào đi chăng nữa thì từ này đọc theo âm Hán-Việt đúng ra là “nhu ”, nhưng người Việt lại quen đọc là “nho”.

Từ nhunói trên bắt nguồn từ chữ nhu , viết với chữ mâu(= cái giáo) ở bên trên và bộ mộc(= gỗ; cây) ở bên dưới. Thuyết Văn Giải Tự giải thích rằng « nhu: nhu dã, thuật sĩ chi xưng » 儒柔也術士之 稱 (nhu: [có nghĩa là] nhu, tiếng gọi người có học thức và tài giỏi về nghệ thuật). Từ nhuvốn có nghĩa là « yếu đuối », « nhu nhược, » lại đồng thời có nghĩa là « thuận theo », « phục theo », « nhượng bộ » .

Sở dĩ nhuđược chuyển thành nhu hay nholà vì từ “nho” (bắt đầu từ đây trở đi chúng tôi chỉ dùng từ “nho” khi nói về từ cho gọn, trừ phi cần phải phân biệt) mới đầu được dùng để chỉ những người quí tộc có học thức trong thời nhà Thương/Ân bên Trung-quốc (gọi là Thương năm 1766-1401 TCN và Ân năm 1401-1122 TCN).

Sau khi nhà Thương/Ân bị nhà Châu (1122-256 TCN) diệt năm 1122 TCN, các nho Thương/Ân phải phục vụ các ông chủ mới, với tư cách là những chuyên gia về lễ nghi và kỹ thuật điều hành chính quyền. Là những người của một chế độ đã bị lật đổ, họ trở nên dễ bảo, khiêm nhường, và chẳng có chút quyền hành gì trong Châu

triều. Họ đã phải hy sinh, đem kiến thức và tài năng của mình ra phục vụ nhà Châu, mặc dù họ biết mình tài giỏi hơn các kẻ gọi là « » của nhà Châu, nghĩa là những con nhà võ, những người tinh thông chiến thuật, dũng mãnh, chỉ tài giỏi việc binh thôi, còn ngu dốt về các việc khác.

Hai nét đặc biệt của các nhoThương/Ân là tôn sùng tập tục và đề cao kiến thức về kỹ thuật điều hành chính quyền. Sự tôn sùng tập tục của họ được biểu hiện qua các nghi lễ trong triều đình cũng như ngoài dân gian mà họ là những nhà chuyên môn. Mặt khác, tuy tổ chức chính quyền ở Trung-quốc chỉ thực sự phát triển từ thời nhà Châu, định chế chính trị của nhà Châu lại mô phỏng theo định chế của nhà Thương/Ân. Vì vậy, đối với nhà Châu, các nhoThương/Ân là những người thiết yếu (một trong những nghĩa của từ đồng âm nhu), không có không được.

Các người tông thất nhà Châu tin rằng kiến thức về nghi lễ giúp họ có thể cảm thông với thượng đế, mà, trong quan niệm của nhà Châu, thượng đế chính là tổ tiên của họ. Trong khi đó căn bản tinh thần của nhà Châu là tổ tiên. Vua nhà Châu có thói quen là trước khi làm việc gì quan trọng đều cầu xin sự chỉ bảo của tổ tiên, mà, muốn thực hiện việc cầu xin này, họ cần phải có người có thể hội thông với tổ tiên nhà Châu được. Cũng vì lý do này, Khang-hi Tự Điển康熙字 典, để diễn giảng nghĩa của từ nhu/nhođã dẫn câu sau trong sách Pháp Ngôn法言 của Dương-Hùng 揚雄 (53-18 TCN) « thông thiên địa nhân viết nhu » 通天地人曰儒, nghĩa là người cảm thông được với trời đất gọi là nhu (nho). Mặt khác, kỹ thuật điều hành chính quyền của các nho Thương/Ân là vấn đề sinh tử trong việc nhà Châu duy trì địa vị và uy quyền cuả mình.

Như vậy, có thể nói được rằng trong thời nhà Châu, các nhoThương/Ân là những người bác học làm quân sư hay phụ tá cho triều đình nhà Châu và đóng một vai trò quan trọng, có nhiều ảnh hưởng trong triều đình cũng như ngoài dân gian.

Đến khi nhà Châu suy yếu, nghĩa là từ thời Xuân-thu Chiến- quốc 春秋戰國 (770-221 TCN), và trở thành một vương triều hữu danh vô thực, vai trò của nhoThương/Ân lại càng quan trọng hơn vai trò của các Châu là những người vào thời kỳ này đã bị xếp vào hạng thấp nhất trong giai tầng tổ chức xã hội của nhà Châu.

Thực vậy, một hiện tượng trái ngược đã xảy ra trong thời kỳ này. Các cải cách về kỹ thuật quân sự của nhà Châu (như: chiến xa trở nên không cần thiết vì đã lỗi thời trong các cuộc hành quân, chiến mã được sử dụng nhiều, quân đội gồm những người bị bắt đi lính chứ không còn là tình nguyện, v.v.) đã khiến cho các Châu không còn được ưu đãi nữa. Tình trạng của họ khi đó không khác gì tình trạng của các nho Thương/Ân vào đầu triều đại nhà Châu. Vì vậy nếu vào đầu thời nhà Châu các Châu luôn luôn thù nghịch và tranh chấp với các nho Thương/Ân thì đến lúc này lại quay ra làm thân với họ, muốn kết hợp với những người này để tạo thành một giai cấp mới.

Cũng vì thế tới cuối thời nhà Châu, hai giai cấp nho hầu như là hợp thành một vậy. Nếu vào đầu thời nhà Châu các Châu là những người bảo vệ thế lực quân sự của nhà Châu thì từ giữa thời nhà Châu trở đi các nho Thương/Ân trở nên các người bảo vệ tính cách thần bí uy quyền nhà Châu, vào lúc mà cái thần bí này đã thay thế thế lực quân sự rồi. Với tư cách người bảo vệ các tập tục làm căn bản cho tính cách thần bí uy quyền của nhà Châu, các nho Thương/ Ân đã khéo dùng kiến thức chuyên môn của mình để giúp duy trì thế lực của nhà Châu được thêm 500 năm nữa. Thành tích này là bằng chứng cụ thể và chắc chắn nhất cho thấy cái tài của các nho Thương/ Ân đã bầy mưu lập kế để bảo vệ uy quyền của nhà Châu trong một thời gian lâu dài sau khi nhà Châu đã mất hết thực quyền rồi.

Đúng vào thời gian đó vai trò của Khổng-tử 孔子 (551-479 TCN) xuất hiện. Chúng ta có thể nói được rằng Khổng-tử là một người bản thân mang cả hai đặc tính nho.

Thực vậy, ngài đã tự xưng mình là dòng dõi nhà Thương/Ân và là người có học thức, tức là một nho Thương/Ân, đồng thời lại có đức tính cương trực của một Châu. Nói cách khác, Khổng-tử đã thừa hưởng hai tinh thần nho. Điều này còn cho thấy là đến thời của Khổng-tử hai giai cấp nhođã hợp nhất thành một giai cấp xã hội mới, với một bản thể đồng nhất, đó là giai cấp nho sĩ .

Xét về một phương diện khác, học thuyết của Khổng-tử là một tổng hợp tính chất của nhomà chúng ta có thể thấy rõ trong thuyết « người quân tử « , một mẫu người lý tưởng, dung hoà sự tương phản của hai mẫu người (cương) và nho(nhu).

Các môn sinh của Khổng-tử đã kế tiếp khai triển học thuyết của ngài. Dù họ đôi khi bất đồng với ngài ở một vài điểm, nhưng tựu trung sự khác biệt chỉ là ở chỗ điểm nào cần được nhấn mạnh hay cần chú trọng hơn. Họ dần dần tạo thành một trường tư tưởng và một chương trình hành động có thể áp dụng cho mọi thế hệ, gọi là Khổng giáo 孔 教, Nho giáo 儒教, Khổng học 孔學, hay Nho học 儒學.

Tiện đây, tưởng cũng cần phải nói là các từ Khổng giáo hay Nho giáo không nên hiểu là một tôn giáo như một số người vẫn lầm tưởng. Khổng/Nho giáo không bao giờ tổ chức thành một giáo hội như Thiên chúa giáo, Hồi giáo, v.v. Nói cho đúng ra, Khổng/Nho giáo không có một tổ chức nào cả. Khổng-tử và các môn sinh của ngài không hề chủ trương một lý thuyết thần học nào. Chữ « giáo » ở đây phải hiểu là dạy dỗ, chỉ dẫn, đồng nghĩa với giáo dục 教育 hơn là với tôn giáo 宗教. Đáng lẽ chúng ta nên dùng danh từ « Khổng học » hay « Nho học » thì chính xác hơn nhưng vì danh từ « Khổng giáo« , « Nho giáo » đã được dùng từ lâu lắm rồi và trở nên thông dụng, do đó bốn từ « Khổng giáo« , « Nho giáo« , « Khổng học » và « Nho học » thường được dùng thay thế cho nhau không chút phân biệt.

Mặt khác, điều đáng chú ý là Khổng-tử không tự xưng mình là nho và cũng không gọi đạo (, với nghĩa là con đường, học thuyết, chứ không với nghĩa là tôn giáo) của ngài là đạo nho, mặc dù nhiều bộ tự điển Hoa ngữ, chẳng hạn tự điển Từ Hải, đã định nghĩa từ “nhu/nholà « Khổng-tử chi đạo dã » 孔子之道也 (đạo của Khổng-tử). Ngài chỉ khuyên các môn đồ nên sống cho ra một « chân nho » 真儒, hay như có lần ngài đã bảo môn sinh Tử-hạ 子夏 là « Nhữ vi quân tử nho, vô vi tiểu nhân nho » 女為君子儒無為小人儒 (Luận ngữ, Ung Dã, q. 6, ch. 11), nghĩa là ngươi nên làm nhà nho thuộc loại quân tử, chớ nên làm nhà nho thuộc loại tiểu nhân. Theo gương ngài, các môn sinh của ngài đã sống cũng như giảng dạy, truyền bá tư tưởng của ngài như một « chân nho » hay “quân tử nho”.

Lâu dần, từ nhohay nho sĩ được dùng để chỉ những người theo Khổng học, dù họ có đủ hai đặc tính nho hay không. Vì thế tự điển Từ Hải đã có bốn định nghĩa của từ “nho” là: (a) người có đạo học (hữu đạo học chi sĩ dã有道學之士也) và đã dẫn câu « phàm hữu đạo thuật giai vi nho » trong quyển Tư-mã Tương-như Truyện bộ Hán Thư của Ban-Cố đã nói ở phần I bên trên; (b) đạo của Khổng-tử (Khổng-tử chi đạo dã孔子之道也); (c) (người) nhu nhược (nọa nhược dã懦弱也); và (d) người lùn (chu nhu侏儒). Ba nghĩa đầu tiên có liên quan tới vấn đề chúng ta đang tìm hiểu. Ngoài ra, Từ Hải còn định nghĩa « nho sĩ » là “người tôn đạo của Khổng-tử ” (tôn Khổng-tử chi đạo giả 宗孔子之道者).

Tới đây chúng ta cũng nên biết thêm rằng trong thời nhà Thanh (1644-1911) từ « nho sĩ » ngoài nghĩa thông dụng chỉ một người theo học đạo Khổng ra (nghĩa thứ nhất), còn là tên một chức của lại viên (tương đương với nhân viên hành chính hay thư ký ngày nay) quản lý công việc của một văn phòng trong triều đình hay hoàng cung, như tôn nhân phủ 宗人府, nội các 內閣, thượng dụ quán 上諭館, văn uyên các 文苑閣, hàn lâm viện 翰林院, chiêm sự phủ 詹事府, trung thư khoa 中書科, Lễ bộ 禮部, v.v.

III. Các Loại Nho Sĩ

Nho sĩ thường được chia làm hai loại, tham chính hay không tham chính.

Những nho sĩ sau khi thi đỗ thường ra làm quan ở các cấp trung ương hay địa phương. Họ là các nho sĩ tham chính (hay xuất chính), còn gọi là hiển nho 顯儒. Họ có nhiều quyền hành, có địa vị trong xã hội, được coi như là cha mẹ của dân (dân chi phụ mẫu 民之父母). Họ chính là những người trực tiếp và tích cực thực hiện các lý thuyết và chính sách của Nho giáo.

Bên cạnh các nho sĩ tham chính là những nho sĩ học thức cũng uyên thâm, tài trí cao như các nho sĩ tham chính, nhưng vì một lý do nào đó đã không tham chính (như: không thi đậu, con cháu người làm nghề ca xướng, không muốn dính vào quan trường thối nát hay hắc ám, không muốn bon chen với đời, không ham danh vọng), hoặc là đã tham chính một thời gian rồi rút lui (chẳng hạn: từ nhiệm để về thụ tang cha mẹ, từ quan vì không tán thành phương pháp làm việc hay cách cai trị của cấp trên hoặc chính sách của triều đình, về hưu), hoặc không muốn ủng hộ hay phục vụ một triều đại mới hay một chế độ mới, v.v. Vì nhiều người ẩn náu một nơi, sơn lâm hay thôn dã, vui hưởng cuộc sống an nhàn trong sạch (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) nên họ thường được gọi là ẩn nho 隱儒. Họ thường sống trong nghèo

túng, cơ hàn, nên còn được gọi là hàn nho 寒儒. Tính cách ẩn tàng của các nho sĩ không tham chính khiến chúng ta chỉ có thể cảm thấy ảnh hưởng và vai trò của họ nhưng khó xác định, khó thẩm định hơn như đối với các nho sĩ tham chính.

Tuy nhiên, dù là ẩn nho hay là hiển nho, tham chính hay không tham chính, họ đã tạo thành một giai cấp trong xã hội và thường được kính trọng bởi vì, như lời giáo sư Dương-quảng-Hàm:

« … dù cảnh ngộ có khác, các nhà nho đều có một tư cách và một chí hướng chung, đều muốn bồi đắp cho cương thường, giữ gìn lấy chính giáo, hoặc lấy sự nghiệp mà giúp vua giúp dân hoặc lấy phẩm hạnh mà làm mẫu mực cho người đời, hoặc lấy giáo hóa mà tác thành bọn hậu tiến, nên đều được xã hội tôn trọng, dù chẳng được triều đình ban cho chức vị, bổng lộc cũng được dân chúng quí mến phục tùng. »(3)

Nho sĩ dù là ở Trung-hoa, Nhật-bản, Triều-tiên, hay Việt-nam, và dù ở cảnh ngộ nào, hiển đạt, ẩn dật hay hàn bạc, lúc nào cũng tự cho mình một chức vụ, hay, theo lời họ, một thiên chức, là nho hóa xã hội nơi họ sinh sống. Phạm-Quỳnh đã viết như sau về giai cấp và vai trò của nho sĩ trong xã hội Việt-nam:

« Cái tên ‘nhà nho’ không những là để chỉ người biết chữ, học đạo thánh hiền trong Nho giáo; lại là chỉ một giai cấp trong xã hội, tức là hạng thượng lưu trí thức trong nước. Vì xưa kia ngoài Nho học không có cái học nào khác nữa, nên phàm người đi học là học đạo Nho hết cả. Đạo Nho có cái địa vị độc tôn, nên hầu như thành một tôn giáo; mà thực ra cũng chính là cái quốc giáo của nước Nam từ xưa đến giờ. Những người phụng sự cái quốc giáo đó, tức là nhà nho. Vậy thời nhà nho là kẻ có học hành biết chữ nghĩa; nhà nho là bậc thức giả xã hội trong nước; nhà nho là tín đồ của cái tôn giáo họ Khổng. Về đường xã hội, về đường chính trị, về đường trí thức, tinh thần đều có một cái địa vị đặc biệt, đối với một chức vụ đặc biệt.

« Chức vụ này cao quí, có thể gọi là một thiên chức được, vì là chức vụ hướng đạo cho quốc dân, làm tiêu biểu cho cả nước… Xã hội nước ta chỉ có hai giai cấp lớn: một hạng bình dân, là dân quê làm ruộng, một hạng học thức, tức là nhà nho. Hạng bình dân coi hạng học thức là thầy dạy bảo, là người đưa đường, sẵn lòng phục tùng, không có đố kỵ. Hạng học thức cũng tự nhận cái chức trách đó,

không lạm dụng, không kiêu căng, vì coi mình như là kẻ giáo sĩ của đạo Khổng, Mạnh, thiên hạ thờ là thờ đạo, kính là kính đạo, mà nhờ cái dư oai của tôn giáo mới khiến cho mình có một địa vị tôn trọng vậy. Muốn cho xứng đáng với địa vị đó, thời như ông linh mục tuyên truyền đạo giáo, phải đem cái đạo của thánh hiền, cái học của tiên nho mà truyền dạy trong dân gian, đem thân tiêu biểu cho danh giáo, hộ vệ cho đạo đức. Mà thật thế: nhà nho chân chính thật là chức linh

mục của đạo Khổng, Mạnh. Đạo này là một đạo thông thường, một đạo nhập thế không có gì là siêu nhiên thần bí cho nên những người tuyên truyền phụng sự cũng không cần phải phát nguyện tu hành gì. Nhưng cái chức vụ truyền đạo dạy đời thời cũng chẳng khác gì nhà giáo sĩ, chức linh mục của các đạo khác vậy. »(4)

Chú Thích Phần 1

(1) Dương-quảng-Hàm, Việt-nam Văn Học Sử Yếu, Bộ Giáo dục, Sài-gòn, in lần thứ 10, 1968; Sống Mới, Ft. Smith, Arkansas, tái bản năm 1979, tr. 80.

(2) Xin xem thêm: (a) Frederick W. Mote, Intellectual Foundations of China, nxb. Alfred A. Knopf, New York, 1971, tr. 29-65; (b) Herrlee G. Creel, The Origins of Statecraft in China, Volume I: The Western Chou Empire, The University of Chicago Press, Chicago & London, 1970.

(3) Hàm, sđd, tr. 80.

(4) Phạm-Quỳnh, « Nhà Nho,” trong Nam Phong Tạp Chí, Hà-nội, tập XXX, số 172, tháng 5/1932. Phạm-Quỳnh tiêu biểu cho những người hiểu Khổng giáo hay Nho giáo như là tôn giáo.

Nguồn : http://www.dunglac.org/index.php?m=home&v=detail&ia=10616

Partager :

  • Facebook
  • X
J’aime chargement…

Articles similaires

Từ khóa » Nho Sĩ Có Nghĩa Là Gì