Nhớ Về Anh Nguyễn Chánh Khê - Exryu

Nhớ về anh Nguyễn Chánh Khê

Cao minh Thái

Đây là một hồi ký của tôi về anh Nguyễn Chánh Khê, nó có tính chuyên môn, nhưng tôi cố viết bằng những lời lẽ thông thường để ai cũng hiểu.

Khi anh Khê còn sống, một số người công kích anh về một số vấn đề liên quan đến máy phát điện nước. Lúc đó tôi cười không trả lời, vì thời đó anh Khê còn sống, anh ấy còn làm bussiness nên tôi không nói, chỉ cười thôi.

Anh Khê mất rồi, bussiness cũng không còn, nên tôi viết lại hồi ký này, để những người đã công kích anh Khê có cái nhìn lại về anh Khê, một người bạn đã ra đi. (CMT)

Khê và tôi – một cặp bài trùng

Tôi và anh Khê cùng học Hóa học, nhưng Khê học về Cao phân tử, sau đó lên cao học chuyển sang ngành Điện tử hóa học. Còn tôi thì học hóa công, sau đó lên cao học nghiên cứu về độ bền vật liệu.

Sau khi lấy xong tiến sĩ, Khê vào làm cho một hãng in ấn, rồi được Kodak mời sang Mỹ, làm trong lãnh vực có liên quan đế phim ảnh, in ấn. Và sau khi được Khu Công Nghệ Cao mời về Việt Nam, Khê bắt đầu đổi sang việc nghiên cứu các loại công nghê gọi là hi-tech của thời đó, liên quan đến công nghệ nano và các ứng dụng của nó.

Tôi thì sau khi tốt nghiệp, tiếp tục ở lại Nhật, làm trong viện R&D của Toshiba, tập trung nghiên cứu về các loại vật liệu hóa học dùng trong ngành điện, như các loại nhựa cách điện (electrical insulating materials) trong đó có cả vật liệu dùng trong xe maglev, vật liệu dùng trong semiconductor (Epoxy modling compound), và sau đó lấn sang việc nghiên cứu cách xử lý các chất thải nhựa khó phân hủy như epoxy, urethane. Và sau Khê vài năm, tôi trở về Việt Nam, bắt tay vào việc chế biến và kinh doanh đậu hũ cho đến ngày nay.

Ở đại học, chúng tôi rất thân nhau, nhất là sau sự kiện 30/4/75, tôi và Khê cùng thuê một căn hộ ở gần trường, sống chung với nhau khoảng gần một năm, thì tôi quay về cư xá Komaba, và sau khi cư xá Tokodai được thành lập thì tôi và Khê lại cùng ở chung trong một cư xá. Lúc đó tôi có gia đình rồi, bà xã tôi và Khê cũng là bạn bè nhau, nên Khê thường sang phòng vợ chồng tôi chơi, nấu ăn chung, nói chuyện này chuyện nọ. Chúng tôi chơi với nhau rất thân, thân đến nổi có lời đồn chúng tôi là PD, nhưng như thế là oan cho tôi, thật ra chúng tôi chỉ là cặp bài trùng, khi tôi chưa có gia đình, chúng tôi thường đi chung với nhau, vì lý do rất đơn giản là cùng thuê một căn hộ.

Trung tâm R&D công nghệ cao – Lại là cặp bài trùng

Khê về nước theo lời mời của Khu công nghệ cao, khoảng năm 2003, trước tôi 4 năm. Công trình đầu tiên Khê bắt tay nghiên cứu tại Việt nam là chất Carbon Nano Tube, hay còn gọi là Carbon Nano Fiber. Và tiếp đến là dùng chất này làm pin nhiên liêu … rồi từ đó triển khai ra thành phát điện nước, và cuối cùng là chất graphene.

Vốn là một cặp bài trùng, nên sau khi về VN, theo đề nghị của Khê, tôi được tham gia Trung tâm R&D của khu công nghiệp CNC với tư cách là chuyên gia không chính thức.. Tôi được anh Khê xếp cho một chỗ ngồi với một máy tính để làm việc, và được một đặc quyền là muốn đến làm việc ngày nào giờ nào cũng được, giờ giấc tự do.. và dĩ nhiên không lương, không trợ cấp, không gì hết. Công việc thời đó Khê giao cho tôi là nghiên cứu ứng dụng của Carbon nano fiber như là một loại Composite.

Thời đó tôi mới về nước, xưởng đậu hũ của tôi mới thành lập, hàng chưa bán được, công nhân vài đứa lèo tèo, giám đốc như tôi, ngoài việc chở hàng đi giao cho các nhà hàng Nhật, thì.. rảnh lắm, không có việc làm, nên tôi nhận lời đề nghị của anh Khê, xem như.. một cách để tiêu bớt thời giờ nhàm chán

Một tuần tôi đến Trung tâm R&D vài lần, tra cứu tài liệu, bàn bạc với anh Khê. Nhưng khoảng 6 tháng sau đó, sau khi bàn bạc và tranh luận với anh Khê, tôi thấy việc nghiên cứu không có hướng phát triển nên đã nộp đơn xin rút lui, với lý do là cần phải tập trung vào việc kinh doanh làm đậu hũ.

Máy phát điện nước – những dấu hỏi chưa có câu trả lời

Tháng 3 năm 2012, một tin chấn động, anh Khê công bố máy phát điện chạy bằng nước, gây tranh cải rất lớn trong giới khoa học Việt nam. Là cặp bài trùng, nên tôi không thể không quan tâm. Tôi biết anh Khê rất nhiều, anh ấy là nhà khoa học chính thống, được đào tạo bài bản, nên dù không rỏ thực hư về máy phát điện nước, nhưng tôi vẫn tin vào những điều anh ấy nói.

Tôi có tham gia buổi hội thảo về máy phát điện, có gặp anh Khê nói chuyện, và sau đó tôi tham gia với anh Khê như là một người tư vấn về mặt kinh doanh, cũng với tư cách là tự nguyện, không thù lao.

Tôi cùng với anh Khê tiếp một số nhà đầu tư, lập đề án làm star-up v.v… và cùng đi tìm nhà xưởng để xây dựng cơ sở nghiên cứu và ứng dụng các công trình nghiên cứu của anh Khê.

Nhưng công việc không tiến triển như ý, và rồi công việc kinh doanh đậu hũ của tôi bắt đầu lên quỉ đạo, ngoài đậu hũ ra tôi còn phát triển các các loại bún mì nưa, rồi cả natto, mạng lưới bán hàng đi cùng khắp, nhân công tăng lên.. nên tôi không thể tiếp anh Khê được, chỉ lâu lâu một lần, nhất là những dịp tết, hay có bạn bè nào từ nước ngoài đến Việt Nam, tôi mới gặp anh Khê thôi. Lần cuối cùng tôi gặp anh Khê là ngày 9/6/2019, và lá thư cuối cùng tôi và anh Khê trao đổi với nhau là ngày 6/1/2020.

Máy phát điện nước --- có không ?

Sau vụ công bố máy phát điện nước, anh Khê bị nhiều nơi công kích, và bị mất lòng tin với nhiều người.

Nhưng thực hư câu chuyện thế nào ?

Theo quan điểm của tôi, nếu nói có là có, mà nếu nói không là không.

Về nguyên lý, bản thân nước không thể phát điện được, nhưng việc đổ nước vào máy phát điện thì điện phát ra thiệt, đèn cháy, quạt chạy …

Nhưng máy chỉ chạy khoảng 30 phút thì hết, đổ nước vào nó cũng không chạy. Nên không thể bảo là nó chạy bằng nước.

Anh Khê ít nói về nguyên lý máy phát điện nước của ảnh. Nói chung là tôi tôn trọng bí mật công nghệ nên không hỏi, nhưng qua hiện tượng và qua cách nói thì thực chất máy phát điện này không phải chạy bằng nước mà bằng một loại kim loại khi gặp nước sẽ phát ra hydro. Và anh Khê dùng hydro đó phát điện.

Bây giờ nhiều người biết rồi, chứ thời đó, việc phát hydro của kim loại xxx đó ít người biết. Nó là kim loại nhôm pha trộn với một ít tạp chất như Cr, Mo, Ni v… . chất này khi gặp nước thì thảy ra hydro, và khi gặp cồn, thì phát ra oxy. Ban đầu người ta định đùng chất này chở theo phi thuyền vũ trụ, khi vào quỉ đạo, thì người ta bơm nước vào để nó phát điện và bung ănteng ra, hay làm gì đó.

Anh Khê tìm được chất này, nên anh ấy cũng định biến chất này thành hydro đế phát điện, chạy ô tô điện … Hydro là chất dễ cháy dễ nổ, nên không thể mang theo một bình hydo lớn cồng kềnh chất lên xe chạy được, nhưng có thể mang theo chất bột nhôm này trên xe, gọn nhẹ thôi, khi nào cần hydro thì đổ nước vào cho nó phát điện.

Về ý tưởng thì rất tốt, Nasa định mang lên trời để phát điện còn anh Khê muốn biến nó thành nguồn năng lượng để cho xe chạy dưới mặt đất. Và anh Khê đã thành công trong việc làm mô hình phát điện, máy chạy tốt, đèn sáng quạt quay.

Nhưng nếu mô hình phát điện này thành công thì sẽ là một business lớn, nên anh Khê không công bố đó là chất gì, anh làm cho nhiều người tò mò, người đoán thế này, người đoán thế kia, rồi nào là đòi minh bạch … Anh Khê kiên nhẫn không nói gì hết, và tìm cách thị trường hóa máy phát điện này.

Một số nhà đầu tư, cũng đã tiếp xúc với anh Khê, có đề nghị là lập công ty start up, anh Khê giữ 35% cổ phần, còn phần khác là kêu gọi đầu tư ..vân vân và vân vân.

Công việc dừng ở đó, không tiến triển đươc hơn,vì để thị trường hóa máy phát điện này, ta cần phải làm nhiều việc nửa, trong đó phải xác định sẽ làm sản phẩm gì, qui cách ra sao, và ..bán cho ai nữa. Nó là một công việc còn khó khăn nhiều lần hơn làm một mô hình máy phát điện. Và đây là vấn đề chung của việc nghiên cứu, phát hiện ra hiện tượng đã khó, mà tìm ra ứng dụng cho nó, và đưa nó ra thị trường là công việc cũng không phải dễ dàng.

Và sau một thời gian bàn luân chúng tôi đi đến kết luận là làm một máy phát điện nhỏ dùng trong văn phòng, để hổ trợ cho việc cắt điện. Thời đó, ở Sài gòn và các thành phố lớn thường bị cúp điện, khi cúp điện là máy tính không chạy, máy in không chạy, không làm việc gì được cả, nên nếu có một máy phát điện nho nhỏ, chỉ đổ nước vào là nó phát điện, thì có thể bán được.

Khê và tôi rất nghiêm chỉnh trong việc nặn óc để tạo ra sản phẩm bán ra thị trường .. nhưng chuyện đời không đơn giản, là cái máy đó không bao giờ ra đời được… Một số lỗi kỹ thuật mà không có cách nào khắc phục được, trong đó vấn đề môi trường.. nó làm cho mọi nổ lực của anh Khê trở nên vô nghĩa.

Khi cho máy phát điện chạy, cần đổ nước vào, phản ứng xẩy ra, hyro tạo nên dòng điện, nhưng sau đó thì trong máy còn cái bả kim loại, mà một ít nước sệt sệt. Xăng mình chạy xe, hết xăng là hết, nhưng cái máy này, hết hydro thì còn bả kim loại và ít nước. Nó vô hại, ở qui mộ nhỏ chúng ta có thể đổ bỏ ngoài vườn, vĩa hè, nhưng nếu chúng ta cung cấp cho thị trường cả ngàn, cả chục ngàn cái, thì nó sẽ thành một nguồn rác thải khổng lồ !

Và từ đó, anh Khê chuyển sang việc làm những máy phát điện lớn, trạm lớn, thì việc xử lý chất thảy dễ hơn.. và cũng từ đó tôi bắt đầu bận, không thể tiếp anh Khê đươc.. và lời khuyên cuối cùng của tôi cho anh Khê là, phát điện nước không khả thì, nên buông bỏ đi, tập trung sức vào việc nghiên cứu graphene.

Và hiện nay, nghe nói chất grapheme đó đang chào mẫu cho một công ty qui mô thế giới, nhưng anh Khê đã bỏ ra đi, công trình grapheme đành phải chờ ai đó đến tiếp nối …

Máy phát điện nước của anh Khê tới đó, nó không phải là một sự lừa gạt hay bùa phép gì cả, mà là một ý tưởng nghiêm chỉnh của một nhà khoa học, muốn ứng dụng một hiện tượng gì đó vào một sản phẩm cống hiến cho đời.

Phần tôi, tôi không giúp được gì cho người bạn của tôi, vì tôi còn cả đống đậu hũ phải làm và phải bán. Công việc của ông thợ làm đậu hũ, nó không to lớn gì, nhưng nó vô cùng bận bịu.

Tôi chấm dứt câu chuyện về người bạn tôi, và mong bạn tôi sẽ không giận tôi vì những gì tôi mới tiết lộ, chỉ mong sau này có ai đó đứng ra tiếp nối giấc mơ graphene, vậy được không Khê !

Cao minh Thái (Exryu VN - Toko-dai OB)

Từ khóa » Ts Nguyễn Chánh Khê