Nhọc Nhằn Nghề “ăn” Ong Rừng - Công An Nhân Dân
Có thể bạn quan tâm
- Ông lão đi rừng chặt gỗ bằng... đôi mắt mù
Theo dấu ong rừng
Ông Võ Anh Ngọc, 54 tuổi. Dân địa phương ở xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, quen gọi ông bằng cái tên cúng cơm là Tám Lộc. Cái tên Tám Lộc mấy chục năm nay đã vang danh khắp khu vực Đông Nam bộ, thậm chí “bay” tới tận vùng Tây Nguyên với biệt tài bắt ong rừng.
Ong rừng có nhiều loại nhưng ông chuyên trị 3 loại: Ong mặt cọp, ong lỗ và ong mật. Trong số chúng, có lẽ dữ dằn nhất là ong mặt cọp, có người gọi là ong vò vẽ, hay ong mặt quỷ cũng không sai. Chúng dữ dằn, người trị chúng chắc phải dữ hơn - trước khi gặp ông, chúng tôi nghĩ vậy. Nhưng thật bất ngờ, trông ông không có vẻ gì là “rừng rú”, trái lại còn mang dáng dấp của một thương gia nếu được nghỉ ngơi và tân trang đôi chút.
Mở đầu câu chuyện, ông nói nợ đời đâu cứ dễ đổi thay? Đang khi sức dài vai rộng, tuổi mới ngoài đôi mươi, chỉ kém đường chữ nghĩa, ban đầu cứ nghĩ mưu sinh nghề này là tạm bợ, nào ngờ đến nay đeo đẳng gần trọn kiếp vẫn chưa thể dứt bỏ. Mặc dù biết cái nghề nguy hiểm cả dưới đất lẫn trên trời, tuổi tác không còn thích hợp cho việc leo trèo hay băng rừng vượt suối do chân run gối mỏi nhưng cũng phải ráng đi để kiếm cơm.
Ông Tám Lộc mặc bộ đồ “phi hành gia” của mình. |
Có điều những chuyến đi xa thời gian gần đây thưa dần, chứ trước kia khắp các tỉnh thành Đông Nam bộ, kể cả vùng Tây Nguyên, nơi nào có ong rừng thì nơi đó lưu dấu chân ông. Mỗi chuyến đi xa hàng trăm cây số, kéo dài có khi cả tuần lễ nhiều lúc trở về tay không do non kinh nghiệm. Nhìn lên trời thấy ong bay từng đàn nhưng không biết tổ chúng đóng ở đâu mà bắt. Đêm đến nằm bên vợ con nghe tiếng thở dài não ruột, còn mình thì bụng sôi ọc ạch...
Sau vài lần ra đi hết vốn trở về, tiền lộ phí sạch trơn, lúc đầu tìm đến người thân, sau đó sang hàng xóm vay mượn. Nợ chồng nợ, một triệu, hai triệu rồi đến dăm, sáu triệu. Ở nhà vợ con bữa đói bữa no, còn mình suốt ngày cứ lạc quan ngẩng mặt lên trời dõi theo những con ong đi tìm sự sống, ông chia sẻ.
Sau mấy chục năm mưu sinh, đến nay ông đã có kinh nghiệm “thượng thừa” về săn ong. Nhiều lúc đang chạy xe máy trên đường nhìn thấy ong bay, biết được chính xác chúng đang bay đi ăn hay bay về tổ, khu vực làm tổ của chúng ở đâu. Bởi ông hiểu đặc tính chung của chúng là chọn vị trí làm tổ theo mùa, chẳng hạn mùa nắng ong mật thường làm tổ ở những vườn cây rậm rạp gần bìa rừng, hoặc những nơi có nhiều hoa. Còn ong mặt cọp nơi ưa thích làm tổ là dọc theo bờ suối, bờ rào. Ong lỗ mưa nắng gì cũng thích trốn trong những hóc cây, nơi gò đất cao...
Chúng còn có điểm chung nữa là “đi xuôi về ngược”, miệng tổ luôn hướng xuôi theo chiều gió. Từ trong tổ phóng ra bay xuôi theo chiều gió, lúc trở về bay ngược lại và khi về gần tới tổ chúng đột ngột “nhiểu” xuống. Thế nên, để dõi theo chúng bay hàng trăm mét trên trời không hề đơn giản, chỉ một cái chớp mắt thôi cũng coi như mất dấu.
Bởi vậy, muốn tìm tổ ong mật trước tiên phải tìm những nơi có bông hoa. Ong mật có đặc tính là ăn no bụng mới bay về, nhưng thường chúng đi ăn xa 2 - 3 cây số nên theo khá vất vả. Trong khi sở thích ong mặt cọp là cạp vỏ cây bạch đàn, vỏ cây tràm rồi mới tới các loại vỏ cây khác và, thường đi xa không quá nửa cây số. Còn sở thích con ong lỗ “khoái” vỏ cây rừng, bắt ăn những con ong, con dế nhỏ hơn và chỉ bay đi cách tổ chừng 300 - 400 mét.
Mỗi loài ong có “tính nết” và sở thích khác nhau. Có loài thích đi ăn xa, có loài thích đi gần, có loài thích ăn vỏ cây khô, có loài thích hưởng thụ nhụy hoa, hương phấn... Người bắt ong chuyên nghiệp nào cũng lấy đó làm căn cứ xác định tổ của chúng.
Với ông, một khi đã tỏ được “tính nết” của từng loài, từ lúc thấy chúng bay đến khi tìm ra tổ của chúng hút chưa tàn điếu thuốc. Và cũng bằng kinh nghiệm của mình, nhìn con ong mặt cọp đi ăn cặp đôi, cặp 3, cũng có thể đoán tương đối chính xác “quân số” trong tổ của nó phải từ 3.000 - 5.000 con; ong đi ăn lẻ tẻ số lượng ong trong tổ nhiều lắm cũng chỉ cỡ 1.000 - 2.000 con.
Còn ong lỗ thì khác, nó có màu đen, to và dài hơn ong mặt cọp một chút. Chúng thường đi ăn lẻ và số lượng con trong tổ không nhiều, chừng 1.000 - 2.000 con. Tổ thường làm sâu dưới đất chừng 5 tấc. Cực nhất là gặp những tổ đóng trong bụi tre, hoặc hốc cây cổ thụ... đào lên rất gian nan.
Một khi tìm thấy tổ của chúng, dù ở trên cây hay dưới đất chúng đều hung dữ như nhau. Để trị loài ong hung dữ này, ông Tám Lộc trang bị cho mình bộ đồ nghề khá lạ và đơn giản. Một cái vợt bằng lưới cước, đôi găng tay bằng nhựa và một bộ đồ may bằng vải bạt nylon trùm kín người trông giống như “phi hành gia” thứ thiệt. “Ong có đánh đến gãy kim cũng không chạm được vào da thịt”, ông nói.
Sau khi phát hiện tổ, tiếp theo là chọn vị trí thích hợp dùng cây vợt có cán dài chọc tổ cho ong bay ra rồi vợt bắt chúng. Nếu là ong mặt cọp thì sau khi bắt xong trèo lên cây cắt tổ hạ xuống đất, chờ những con ong đi ăn bay về tóm luôn một thể. Còn nếu là ong lỗ, sau khi vợt bắt hết những con ong bay ra thì tiến hành đào đất lấy tổ lên.
Một tổ ong mặt cọp 9 - 10 tầng bắt khoảng 20 phút là xong. Còn ong lỗ do làm tổ dưới đất, dễ bắt và đôi lúc bắt cũng nhanh hơn. Nhưng có lẽ bắt ong mật là dễ nhất. Sau khi mặc áo “phi hành gia” vào, chỉ cần đốt một bó nhang hun khói chừng 1 phút rồi cắt lấy phần sáp có mật đem xuống dễ như chơi.
Sau khi bắt xong, cho cả tổ và ong vào chung bao lưới và phải tìm cách bán hết trong ngày, nếu để qua hôm sau chúng rất dễ bị chết. Do vậy, những tổ ong không bán được trong ngày phải đem ngâm rượu để bán dần. Theo dân gian, cứ 1.200 con ong ngâm 4 lít rượu đế, đủ 100 ngày là uống được. Sau mỗi bữa cơm chiều nhấp một chung mắt trâu có tác dụng trị nhức mỏi, xương khớp...
Hiện ong mặt cọp bán tại nhà 1.000 đồng/con; đem xuống TP HCM tùy lúc có giá 2.000 - 2.500 đồng/con. Ong lỗ 3.000 đồng/con, bán ở đâu cũng vậy. Riêng mật ong rừng, 500.000 đồng/lít, nhưng phải đặt trước mới có. Ông bảo có ngày “hên” kiếm được 500 - 1 triệu đồng là chuyện thường. Nhưng nhiều ngày có khi không tìm thấy tổ ong nào. Thấy vậy chứ nghề bắt ong bữa đói bữa no chứ giàu có gì đâu. Không chữ nghĩa, không nghề ngỗng gì nên phải làm thôi, ông Tám Lộc chia sẻ. Ông nói ngay cả ngôi nhà mình đang ở cũng mới được cất mấy năm nay do bên vợ cho đất và hỗ trợ thêm tiền xây cất mới có chỗ chui ra chui vào.
Phần chóp của tổ ong mặt cọp 16 tầng bắt ở Bình Phước được ông Tám Lộc giữ lại làm kỷ niệm. |
Ông cho biết một năm ông bắt từ 100 - 200 tổ, nhiều nhất là ong mặt cọp và ong lỗ. Ông ngẫm, nếu hơn 30 năm qua không bắt, nay chắc ong đã tràn đồng. Nhưng cũng không có gì tàn phá thiên nhiên bằng con người. Riêng ở vùng rừng núi Tây Ninh ngày xưa ong bay đầy trời, nay gần như tuyệt chủng, tìm đỏ con mắt mấy ngày mới gặp được một tổ ong cũng coi là may lắm.
Bởi theo ông Tám Lộc, ong mặt cọp, ong lỗ coi hung dữ vậy nhưng ong non (nhộng) nấu cháo đậu xanh, cho chút nước cốt dừa vào thì ngon tuyệt. Bởi vậy, chúng được xem là đặc sản ngon hơn con đuông dừa một bậc nên có giá rất cao và không phải ai cũng có cơ hội thưởng thức. Tùy thời điểm, nhộng ong mặt cọp bán cho nhà hàng giá 600.000 - 800.000 đồng/kg; ong lỗ 1 - 1,2 triệu đồng/kg, có bao nhiêu, nhà hàng thâu mua hết. Như thế gì mà chẳng tuyệt chủng đến nơi.
Ăn của rừng rưng rưng nước mắt…
Dẫu biết mưu sinh bằng cái nghề bắt ong rừng là nguy hiểm, chuyện đi xa, leo trèo thường ngày là không tránh khỏi. Người trẻ đôi lúc còn ngán ngại, nói chi đã lớn tuổi như ông, trèo lên những cây cao rất dễ chóng mặt, té ngã. Ông nói biết vậy nhưng vì chuyện mưu sinh, cơm áo gạo tiền nên phải ráng sức đó thôi.
Ông nói, với sức khỏe hiện tại, ráng lắm chắc cũng chừng 5 - 7 năm nữa là “hết gân”, giải nghệ. Ông kể chừng chục năm trước ở Tây Ninh có hai ông bạn cùng làm nghề như ông, nhưng rồi bị ong “đánh” mấy trận thừa sống thiếu chết, sau khi nhập viện về sợ quá bỏ nghề luôn.
Ngay cả như ông là người rất cẩn trọng vậy mà có lần do chủ quan, không mặc áo “phi hành gia”, ông bị một tổ ong mật “phản kèo” đốt gần 300 mũi, nằm liệt giường gần một tuần lễ. Ông nói cũng may, nếu lần đó mà bị ong mặt cọp “đánh” thì chắc là tiêu đời rồi. Độc tính của nọc ong mặt cọp, ong lỗ khá cao. Người lớn bị đốt 40 - 50 mũi rất dễ bị tử vong nếu không được cứu chữa tích cực, đúng cách và triệt để. Nếu một người bị chúng đốt 10 - 15 mũi, độc tố của chúng có thể gây sốc phản vệ, đau buốt, dẫn đến tổn thương gan và suy gan, thận...
Tuy vậy, trước giờ cũng có nhiều người làm nghề này, nhưng một số người do “ẩu”, thiếu kinh nghiệm… nên bị ong “đánh” vài lần chạy dài, bỏ nghề luôn. Với lại nghề này thường phải leo trèo nên cũng nguy hiểm, không khéo bị té hay bị chúng “đánh” chỉ có nước nhập viện...
Ông Tám Lộc cho biết từ trước tới giờ đệ tử của ông có đến mấy chục người, nhưng sau thời gian chúng thấy nguy hiểm nên bỏ nghề hết chỉ còn lại hai người là anh S. ở Bình Dương và anh L. ở Đồng Nai. Nhưng cả hai đệ tử một thời thân thuộc này gần đây ông không thừa nhận nữa, bởi theo ông chúng có tính ẩu. Ông đã cảnh báo nhiều lần nhưng cả hai không chịu sửa đổi, sớm muộc gì chúng cũng trả giá cho việc leo trèo. Ăn được của rừng, đâu phải chuyện đùa.
Những keo rượu ong mặt cọp được khách hàng ở Hà Nội đặt mua. |
Với ông, đi bắt ong chẳng có gì phải sợ hay kiêng kỵ, chỉ có nghề cứng hay không mà thôi. Tuy vậy, ông kể cũng có vài lần ông vào sâu trong những cánh rừng ở Bình Phước, Lâm Đồng, nhiều cây cổ thụ có đến 5 - 7 tổ ong mật. Có tổ to bằng mặt bàn tròn, lòng thòng như chiếc võng thì có kiêng kỵ đôi chút. Chẳng hạn như đứng dưới gốc cây thành tâm khấn “thần rừng” cho mình được phép trèo lên cây suôn sẻ để làm cái chuyện mưu sinh.
Ông nhớ cách đây mấy năm, trong một lần vào sâu rừng Lâm Đồng cùng với một đệ tử thì bị 6, 7 con voi rượt chạy vắt giò lên cổ. Hai thầy trò chạy từ trưa đến chiều tối mới ra đến bìa rừng, hỏi một người làm rẫy mới biết cách điểm gửi xe gắn máy lúc sáng 60 km. Đành tìm nhà dân xin ngủ lại, sáng hôm sau mới tìm về chỗ lấy xe. Sau lần thoát chết kinh hoàng này, đệ tử của ông bỏ thầy và cũng bỏ nghề luôn.
Còn chuyện gặp heo rừng đi ăn từng bầy là thường xuyên. Nguy hiểm hơn, có lần ông đi một mình vào cánh rừng ở Bình Phước suýt chết vì sa chân vào bẫy thú. Nhưng cũng may là nhờ có đôi giày đế thép nên không sao. Bởi vậy, bằng kinh nghiệm của mình, ông nói tìm ong trong rừng là nguy hiểm nhất. Hai con mắt nhìn lên cây, nhưng có đến 4 con mắt (cá) nhìn xuống đất, sơ sẩy là không có đường về, vợ con cũng không biết ở đâu mà tìm. Gẫm ra cái câu “ăn của rừng rưng rưng nước mắt” của người xưa nói đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Từ khóa » Tổ Ong Mặt Cọp
-
Ong Mặt Cọp - Khoa Học Phổ Thông
-
Sát Thủ Ong Mặt Quỷ Kinh Khủng Thế Nào, Xử Lý Sao Nếu Bị đốt?
-
Cháo Ong Mặt Cọp - :: ::
-
Nhận Biết Các Loài Ong Và Cách Sơ Cứu Khi Ong đốt
-
Liều Mạng Lấy Tổ Ong Mặt Quỷ Xem Bên Trong Nó Có Gì - YouTube
-
Cận Cảnh Tách Vỏ Tổ Ong Mặt Quỷ Hung Dữ Và Âm Thanh Rợn ...
-
Ong Mặt Quỷ đốt Phải Làm Sao? Cách Phá Tổ Ong Mặt Quỷ An Toàn
-
Long An: Người đàn ông Bị đàn Ong Mặt Quỷ đốt Phải Cấp Cứu
-
Cháo Ong Mặt Cọp - VnExpress Đời Sống
-
Nọc Ong Mặt Quỷ độc Không Kém Nọc Rắn - Hànộimới
-
Người đàn ông Nhập Viện Cấp Cứu Vì đụng Phải Tổ Ong Mặt Quỷ
-
Người đàn ông ở Hà Tĩnh Bị đàn Ong Mặt Quỷ đốt Tử Vong - 24H
-
Người đàn ông ở Hà Tĩnh Bị đàn Ong Mặt Quỷ đốt Tử Vong - Kenh14