Nhóm Các Nền Kinh Tế đang Nổi Lên (BRIC) | Hồ Sơ - Nhân Chứng
Có thể bạn quan tâm
Bốn nước này là những nền kinh tế chủ chốt đang nổi lên trên thế giới, góp phần thúc đẩy kinh tế toàn cầu tăng trưởng và đóng một vai trò quan trọng trong việc bình ổn nền kinh tế thế giới trong bối cảnh khủng hoảng tài chính thế giới lan rộng.Hội nghị cấp cao đầu tiên của BRIC diễn ra vào đúng thời điểm cơ cấu kinh tế toàn cầu đã thay đổi và hợp tác kinh tế thế giới được xem như một dấu hiệu tích cực của hợp tác đa phương.
Đây là những nước có dân số lớn, diện tích rộng, tiềm lực quân sự hùng mạnh. Về mặt kinh tế, là các nền kinh tế có tiềm lực hùng hậu, đang cải cách mạnh mẽ và đều có tốc độ tăng trưởng khá cao. Nhóm BRIC càng đóng vai trò quan trọng trên vũ đài quốc tế, khi 4 nước này hợp tác cùng nhau chặt chẽ hơn nữa. Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của bốn nền kinh tế của BRIC trong những năm gần đây khiến cho các nước này thấy cần phải định vị lại vị thế của họ trên vũ đài quốc tế. Mặt khác, cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay càng khiến 4 quốc gia này nhận rõ về tính cấp thiết của việc lập ra một trật tự kinh tế - chính trị quốc tế mới. Ngoài ra, các mối quan hệ song phương đang được củng cố và sự tin tưởng lẫn nhau về chính trị cũng được cải thiện, đặc biệt các mối quan hệ thương mại ngày một mật thiết giữa các nước này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy hợp tác trong nhóm BRIC.
Là cuộc họp thành lập khối, nhưng tại Hội nghị cấp cao lần đầu này lãnh đạo các nước BRIC cũng tập trung thảo luận tình hình kinh tế, hệ thống tài chính, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, hợp tác năng lượng và bảo vệ môi trường trên thế giới hiện nay. Các nguyên thủ quốc gia nhóm BRIC đã thỏa thuận sớm soạn thảo các văn bản về một cơ cấu tài chính quốc tế mới và giao cho lãnh đạo các bộ, ngành chức năng chuẩn bị những văn bản liên quan đến cơ cấu này. Nhóm BRIC ủng hộ việc cải cách các thể chế tài chính quốc tế và cho rằng các nước đang phát triển hoặc có nền kinh tế quá độ cần có tiếng nói trọng lượng hơn trong các thể chế tài chính đó. Bốn nước BRIC hiện có những đặc điểm phát triển kinh tế rất riêng biệt nên có thể bổ sung cho nhau trong những lĩnh vực khác nhau như tài chính, năng lượng, dịch vụ, công nghệ, nông nghiệp, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm cũng như ủng hộ lẫn nhau tại các cuộc đàm phán mậu dịch đa phương của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nguyên thủ bốn nước cũng xem xét việc thực hiện những thỏa thuận của Hội nghị cấp cao G-20, trong đó có sự tham gia của bốn nước BRIC, diễn ra đầu tháng 4 vừa qua tại Luân Ðôn (Anh).
Tuy chỉ có bốn nước thành viên, nhưng BRIC chiếm 26% diện tích, 42% số dân và năm 2008 chiếm 14,6% GDP toàn cầu, 33% dự trữ ngoại tệ và 12,8% khối lượng giao dịch thương mại thế giới.Trong tổng giá trị trao đổi thương mại toàn cầu là 60700 tỷ đô la, tỷ trọng kim ngạch mậu dịch của nhóm bốn nuớc là 15%. Trong giai đoạn 1999-2008, Braxin có tỷ lệ tăng trưởng trung bình là 3,3%, Nga và Ấn Độ 7% và Trung Quốc lên tới 9,75%. Về tài chính, theo số liệu 2008, Braxin có hơn 200 tỷ đô la, Ấn Độ hơn 300 tỷ, Nga xấp xỉ 450 tỷ và Trung Quốc 1950 tỷ. Xét về tầm quan trọng của thị trường nội địa, với 42% tổng dân số toàn cầu, cũng như sự năng động của các đối tác mới trên thế giới, nhóm bốn nước đóng vai trò quan trọng trong việc đưa nền kinh tế thế giới thoát ra khỏi khủng hoảng. Theo một số nhà khoa học,nếu không có gì xảy ra ngoài dự tính, 50 năm nữa các nước BRIC sẽ là những thế lực kinh tế rất lớn của thế giới.Trong vòng 40 nămtới,kể từ năm 2003, quy mô kinh tế của các nước BRIC sẽ vượt qua các nước G6 (Anh, Đức, Ý, Mỹ, Nhật Bản, Pháp) về GDP. Quy mô nền kinh tế của Ấn Độ sẽ vượt Nhật Bản vào năm 2032, còn của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2041. Năm 2050, sáu nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ lần lượt là Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Braxin và Nga.
Tại Hội nghị thành lâp, bộ tứ này không hề giấu giếm tham vọng phủ định vai trò độc quyền của câu lạc bộ các nước giầu G-8, qua đó khẳng định vai trò quan trọng của các nền kinh tế đang nổi lên trong các quyết định chính trị và kinh tế thế giới. Theo Tổng thống Braxin, Lula da Silva, từ nay trở đi, khi nói đến sản xuất và tiêu thụ trên thế giới, không thể chỉ chú ý đến các nước giầu. Lãnh đạo bốn nước kêu gọi “thành lập một trật tự thế giới công bằng và dân chủ hơn”.
Tại cuộc họp, lãnh đạo bộ tứ thảo luận về việc cải cách hệ thống tài chính quốc tế và khả năng lập ra một đồng tiền dự trữ chung. Tuy nhiên, cả bốn nuớc chưa sẵn sàng, chưa có những chuẩn bị cần thiết để thành lập một đơn vị tiền tệ dự trữ chung, từ bỏ đồng tiền quốc gia, quyền kiểm soát chính sách tiền tệ trong nước v.v. Cuộc họp đầu tiên mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn là đưa ra những quyết định quan trọng về kinh tế.
Braxin và Nga mong muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ. Điều này thể hiện rõ qua việc Tổng thống Lula da Silva đã đồng ý cho Quỹ Tiền tệ quốc tế vay 10 tỷ đô la, dưới dạng mua trái phiếu của định chế này. Nga thì cho biết sẽ giảm bớt tỷ trọng công trái Hoa Kỳ trong khoản dự trữ của mình và gia tăng việc mua công trái của IMFvà Nga có thể chuyển các khoản đầu tư, các quỹ dự trữ của nước này từ đồng USD sang trái phiếu do Trung Quốc, Ấn Độ hoặc Braxin phát hành nếu các nước này cũng hành động như vậy.Còn Trung Quốc tránh không muốn gây căng thẳng trong quan hệ với Hoa Kỳ. Bởi vì công trái Hoa Kỳ chiếm một tỷ lệ quan trọng trong dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc.
Hội nghị kết thúc với việc ký Tuyên bố chung giữa các nước thành viên.Đề cập đến vấn đề an ninh lương thực toàn cầu, Tuyên bố chung nhấn mạnh để đối phó hiệu quả với cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay, thế giới cần thực thi những biện pháp đồng bộ, mang tính ngắn hạn và dài hạn trong khuôn khổ hành động phối hợp chặt chẽ của cộng đồng quốc tế.
Các nhà lãnh đạo nhóm BRIC cho rằng các nước phát triển và đang phát triển cần giải quyết những vấn đề an ninh lương thực trên cơ sở nguyên tắc trách nhiệm chung.
Trong lĩnh vực an ninh năng lượng, Nhóm BRIC chủ trương đẩy mạnh hợp tác, tăng cường hành động phối hợp giữa các nước sản xuất, tiêu thụ và vận chuyển quá cảnh nhằm bảo đảm việc cung cấp năng lượng ổn định và bền vững; đa dạng hóa các nguồn dự trữ và cung cấp, tạo nguồn năng lượng mới, thành lập cơ cấu hạ tầng năng lượng mới và thu hút đầu tư vào lĩnh vực phát triển năng lượng. Nhóm BRIC ủng hộ sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, sẵn sàng đối thoại xây dựng về các vấn đề đối phó với tình trạng thay đổi khí hậu, đồng thời thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường và giải quyết các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Nhóm BRIC kêu gọi nhanh chóng thông qua Công ước chung của Liên hợp quốc về hoạt động chống khủng bố quốc tế, cực lực lên án mọi hình thức và hoạt động khủng bố quốc tế.
Nhóm BRIC ủng hộ việc cải cách Liên hợp quốc, trao cho Ấn Độ và Braxin vai trò lớn hơn trong các vấn đề quốc tế, ủng hộ vai trò trọng tâm của Liên hợp quốc trong cuộc đấu tranh chung của cộng đồng quốc tế nhằm đối phó với những nguy cơ và thách thức mới, ủng hộ việc thiết lập một trật tự thế giới đa cực, dân chủ và công bằng hơn, dựa trên luật pháp quốc tế, sự tôn trọng và hợp tác lẫn nhau, ủng hộ việc giải quyết hòa bình các cuộc tranh chấp trong quan hệ quốc tế. Nhóm BRIC phản đối mọi hình thức bảo hộ mậu dịch, kể cả trong lĩnh vực buôn bán hàng nông sản thế giới, ủng hộ việc thiết lập quy chế bình đẳng và công bằng trong thương mại quốc tế.
Từ khóa » Nhóm Bric
-
BRICS – Wikipedia Tiếng Việt
-
BRIC – Wikipedia Tiếng Việt
-
Tìm Hiểu Khái Niệm: Nhóm BRIC | Tạp Chí Tuyên Giáo
-
Iran đệ đơn Xin Gia Nhập Nhóm Các Nền Kinh Tế Mới Nổi BRICS
-
BRICS Có Thể Kết Nạp Thêm Một Số Nước ở Châu Á, Châu Phi Và Châu ...
-
Định Vị BRICS Sau 20 Năm - Công An Nhân Dân
-
Ngoại Trưởng Nhóm BRICS Quyết Thúc đẩy Và Cải Cách Hệ Thống đa ...
-
BRIC Group - Global Perspective On Local Real Estate
-
BRIC Group (@bricgroup) • Instagram Photos And Videos
-
ABOUT BRICS
-
BRIC Group (@BRIC_Group) / Twitter
-
Brazil, Russia, India, China And South Africa (BRICS) - Investopedia
-
Iran Nộp đơn Xin Gia Nhập Nhóm Các Nền Kinh Tế Mới Nổi BRICS - PLO