Nhóm Chỉ Số Phản ánh Cơ Cấu Nguồn Vốn Và Cơ Cấu Tài Sản

Cơ cấu nguồn vốn và cơ cấu tài sản được thể hiện rõ nét trên Bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp. Đối với việc đánh giá sức khỏe tài chính của doanh nghiệp, cụ thể hơn là về quy mô nguồn vốn cũng như khả năng sử dụng vốn từ các nguồn khác nhau của doanh nghiệp, nhóm chỉ số về cơ cấu nguồn vốn và cơ cấu tài sản đóng góp một vai trò quan trọng. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho người đọc thông tin về nhóm chỉ số này, từng chỉ số quan trọng trong nhóm và tính ứng dụng, để người đọc hiểu thêm về nhóm chỉ số này. 

Nhóm chỉ số phản ánh cơ cấu nguồn vốn và cơ cấu tài sản là gì? 

Cơ cấu nguồn vốn phản ánh tỷ trọng của từng bộ phận nguồn vốn trên tổng nguồn vốn của doanh nghiệp, 2 bộ phận chính của nguồn vốn là nợ phải trả và vốn chủ sở hữu.

Cơ cấu tài sản cũng sẽ cho chúng ta thấy được tỷ trọng của từng tài sản trong tổng tài sản hiện có của doanh nghiệp, bao gồm 2 bộ phận chính là tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn. 

Cơ cấu nguồn vốn có những gì và chỉ số về cơ cấu nguồn vốn cho nhà đầu tư thấy những gì? 

Cơ cấu nợ

Hệ số này cho chúng ta biết trong cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp có bao nhiêu phần trăm được hình thành bởi nợ phải trả. Chỉ số này càng cao thì cho thấy doanh nghiệp đang đi vay nợ nhiều để tài trợ cho phần tài sản, điều này mang đến cho doanh nghiệp rất nhiều rủi ro, và tất nhiên lợi nhuận kỳ vọng cũng rất lớn. Tuy nhiên hệ số này bao nhiêu là phù hợp thì còn tùy vào từng ngành khác nhau, thường là dưới 0.5 thì được coi là an toàn. 

=> Đừng bỏ lỡ khóa học Chứng Khoán Miễn Phí Let’s Investing K10 - Bứt phá năm 2023 với những cơ hội tiềm năng do chính bạn tự tay nắm bắt. Link đăng ký tại: https://takeprofit.vn/khoa-hoc-lets-investing

Hệ số vốn chủ sở hữu

Hệ số này phản ánh vốn chủ sở hữu chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng nguồn vốn của doanh nghiệp. Ngược lại với hệ số nợ, hệ số này càng cao càng cho thấy doanh nghiệp thận trọng trong việc sử dụng nợ. 

Hệ số nợ và hệ số vốn chủ cho chúng ta thấy mức độ về tự chủ tài chính, mức độ sử dụng đòn bẩy và thể hiện mức độ rủi ro tài chính của doanh nghiệp. Khi nhìn vào cơ cấu nguồn vốn, nhà đầu tư sẽ nhận biết được mức độ rủi ro của doanh nghiệp để từ đó đưa ra quyết định đầu tư sao cho phù hợp với khẩu vị rủi ro của mình.

Một ví dụ về doanh nghiệp có hệ số nợ cao là HSG, có thể thấy năm 2017 nợ phải trả của HSG rất cao, lên đến 75% tổng nguồn vốn. Chủ yếu doanh nghiệp vay nợ để tài trợ cho việc tích trữ hàng tồn kho với kỳ vọng giá thép HRC sẽ tăng trong tương lai. Nếu mọi chuyện diễn biến theo những gì HSG kỳ vọng, doanh nghiệp sẽ có thể ghi nhận khoản lợi nhuận rất lớn, tuy nhiên nếu thị trường đi ngược lại kỳ vọng của doanh nghiệp thì sao? Rủi ro ở đây là rất lớn đối với HSG. Tuy nhiên qua thời gian HSG đang cân bằng hơn về cơ cấu nguồn vốn khi tỷ trọng nợ phải trả đã giảm đáng kể. Từ đó cho thấy HSG đã bắt đầu thận trọng hơn về sự an toàn trong cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp. 

Hệ số cơ cấu tài sản

Hệ số cơ cấu tài sản phản ánh mức độ phân bổ vào các loại tài sản, hệ số này sẽ giúp nhà đầu tư có thể đánh giá được mức độ hợp lý về đầu tư và phân bổ tài sản trong doanh nghiệp. Hệ số này phụ thuộc vào từng loại hình kinh doanh, đối với những doanh nghiệp thương mại, dịch vụ thì hệ số này sẽ cao, còn đối với những doanh nghiệp sản xuất sở hữu tài sản cố định cao sẽ có hệ số này thấp. 

Một ví dụ về hệ số cơ cấu tài sản cao là SSI, đây là doanh nghiệp trong ngành chứng khoán, đặc điểm ngành này là tài sản ngắn hạn rất lớn chủ yếu bao gồm tài sản tài chính ngắn hạn, tài sản tài chính dài hạn và tài sản cố định thấp, điều này dẫn đến cơ cấu tài sản cao do tài sản ngắn hạn lớn hơn nhiều so với tài sản dài hạn. 

Trên đây là đôi nét về nhóm chỉ số phản ánh cơ cấu nguồn vốn và cơ cấu tài sản. Hệ số này sẽ không cố định đối với tất cả các trường hợp, vì thế nhà đầu tư nên hiểu rõ về ngành và loại hình kinh doanh để có thể đánh giá đúng nhất khi áp dụng nhóm tỷ số về cơ cấu nguồn vốn và tài sản cho việc đưa ra quyết định đầu tư của mình. 

 

=> Tham khảo: Nhóm chỉ số thanh toán - Chỉ số thể hiện sức khỏe tài chính doanh nghiệp

 

Từ khóa » Hệ Số Nợ Bao Nhiêu Là Tốt