Nhóm đối Tượng Không Nên Tiêm Phòng HPV - YouMed

Nội dung bài viết

  • 1. Những câu hỏi thường gặp liên quan đến tiêm phòng HPV?
  • 2. Những ai không nên tiêm ngừa HPV?
  • 3. Những lưu ý trước khi tiêm phòng Vaccine HPV

Việc lây nhiễm HPV khi quan hệ tình dục là rất thường xảy ra. HPV virus cũng có thể gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm. Do đó, tiêm ngừa Vaccine HPV vì vậy rất quan trọng, nhưng liệu có những đối tượng nào không nên tiêm ngừa HPV hay không? Bệnh nhân đang bị sùi mào gà có tiêm vaccine HPV được không? Tương tự, những đối tượng đã quan hệ có tiêm HPV được không?

1. Những câu hỏi thường gặp liên quan đến tiêm phòng HPV?

1.1 Đã quan hệ tình dục có thể tiêm ngừa HPV được hay không?

HPV là gì? Đã quan hệ tình dục có thể tiêm ngừa HPV được hay không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể được.

Vaccine HPV có thể bảo vệ chúng ta khỏi HPV 16 và HPV 18. 2 loại này gây nên 70% trường hợp ung thư cổ tử cung ở người. Dĩ nhiên, chúng cũng có thể giảm khả năng bị các loại ung thư ở vị trí khác do 2 loại này gây ra. Ở tất cả những đối tượng đã quan hệ tình dục, họ sẽ bị nhiễm HPV ít nhất 1 lần trong đời.

Minh hoạ Virus HPV
Minh hoạ Virus HPV.

Có 3 loại vaccin phòng ngừa HPV, bao gồm:

  • Nhị giá (Cervarix): Phòng ngừa 2 loại HPV là HPV 16 và 18. Loại này sử dụng ở độ tuổi từ 9 trở lên.
Vaccine nhị giá phòng ngừa HPV
Vaccine nhị giá phòng ngừa HPV.
  • Tứ giá (Gardasil): Phòng ngừa 4 loại HPV là HPV 6, HPV 11, HPV 16 và HPV 18. Độ tuổi sử dụng là 9 – 26 tuổi.
  • Cửu giá (Gardasil 9): Phòng ngừa 9 loại HPV, bao gồm 4 loại của vaccin tứ giá, kèm theo HPV 31, HPV 33, HPV 45, HPV 52, và HPV 58. Độ tuổi sử dụng là 9 – 45 tuổi.

Do một Vaccin có thể phòng ngừa rất nhiều chủng HPV virus khác nhau. Trong tình huống bệnh nhân đã quan hệ tình dục, việc đối tượng nhiễm cùng lúc tất cả các chủng HPV mà vaccin phòng ngừa là vô cùng hiếm. Do đó, việc tiêm ngừa sau khi quan hệ tình dục là hoàn toàn khả thi. Xem thêm: Nhiễm virus HPV trong một số bệnh ở miệng

1.2 Bị nhiễm HPV có tiêm phòng được không?

Câu trả lời là được.

Lý do khá tương tự với câu hỏi ở trên. Hiếm khi nào một đối tượng nhiễm tất cả các chủng HPV mà vaccin phòng ngừa. Do đó, tổ chức y tế thế giới cũng khuyên rằng có thể tiêm ngừa HPV mà không cần xét nghiệm HPV trước.

1.3 Bị sùi mào gà có tiêm vaccin HPV được không?

Không giống như 2 câu hỏi ở trên: “Đã quan hệ có tiêm HPV được không?” và “Bị nhiễm HPV có tiêm phòng được không“. Tình trạng bạn có sùi mào gà nghĩa là virus đang hiện hữu và đủ mạnh để tấn công cơ thể bệnh nhân. Điều này dấy lên lo ngại về việc vaccin HPV sẽ không hiệu quả trong trường hợp bệnh nhân đang bị sùi mào gà.

Nhưng khi nhìn lại lý do vẫn tiêm ngừa vaccin HPV ở 2 trường hợp trên, dễ thấy rằng dù bạn đang bị sùi mào gà, bạn vẫn có thể tiêm ngừa vaccin HPV.

Khi bị sùi mào gà, bạn đang nhiễm phải một chủng HPV virus nguy cơ thấp (HPV 6, 11…). Và 3 loại vaccin HPV hiện đều chủ yếu phòng ngừa HPV nguy cơ cao gây ung thư (HPV 16, 18).

Thậm chí khi bạn đang bị ung thư cổ tử cung, việc chích ngừa HPV vẫn mang lại những lợi ích nhất định. Dù rằng ở những đối tượng đã quan hệ tình dục, bị nhiễm HPV, bị sùi mào gà hiệu quả của vaccin không còn được như mong đợi.

1.4 Lưu ý

Dù đã tiêm ngừa HPV nhưng bạn vẫn nên tái khám tấm soát ung thư cổ tử cung.

Sau tiêm vaccin HPV nhị giá (Cervarix) bạn có thể giảm khả năng mắc ung thư cổ tử cung. Nhưng vẫn còn các chủng nguy cơ cao khác mà Cervarix không bao trùm được. Do đó, tiêm ngừa HPV không đồng nghĩa với việc không bao giờ bị ung thư cổ tử cung. Để giảm thiểu tối đa nguy cơ bị nhiễm HPV virus, ngoài tiêm vaccin bạn nên quan hệ tình dục an toàn:

  • Chỉ nên có một bạn tình (và người còn lại cũng vậy).
  • Không chia sẽ vật dụng cá nhân với nhân.
  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.

2. Những ai không nên tiêm ngừa HPV?

Hầu hết mọi người đều nên tiêm ngừa HPV, đặc biệt là khi độ tuổi còn trẻ. Người trẻ có đáp ứng tạo miễn dịch tốt hơn khi tiêm HPV so với người lớn tuổi.

Những người chưa quan hệ tình dục và chưa từng nhiễm HPV được lợi ích nhiều hơn khi tiêm ngừa HPV.

Hiệu quả bảo vệ của vaccin HPV ở đối tượng nữ <25 tuổi, chưa từng nhiễm HPV lên đến 100%.

Ở những đối tượng từ 29 đến 45 tuổi, việc tiêm ngừa HPV vẫn có thể được thực hiện. Tuy nhiên, nên gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn về loại vaccin nào có lợi ích rõ ràng.

  • Người có tiền căn dị ứng

Nên được bác sĩ tư vấn cụ thể, được kiểm tra về nguy cơ dị ứng vaccin. Có nhiều loại dị ứng, có những loại ở mức độ nhẹ, có thể tiêm nhắc lại. Tuy nhiên, cũng có những loại dị ứng tuyệt đối phải phòng tránh, không được tiêm nhắc lại, ví dụ: Phản vệ.

  • Phụ nữ có thai

Vaccin HPV vẫn chưa được cho phép sử dụng ở phụ nữ có thai. Nhiều nghiên cứu hiện nay cho thấy việc tiêm ngừa vaccin không gây hại gì cho thai nhi khi tiêm ngừa trong lúc đang mang thai. Tuy nhiên bằng chứng cho việc này vẫn chưa thực sự thuyết phục. Vì vậy, cần nhiều nghiên cứu hơn để cấp phép dùng vaccine HPV ở phụ nữ có thai.

Một phụ nữ có thai không nên tiêm bất kỳ một liều vaccin nào đến khi thai kỳ chấm dứt. Có nghĩa là, kể cả khi đối tượng đã tiêm 1 – 2 liều vaccine, hiện tại có thai thì trì hoãn không tiêm nữa đến khi kết thúc thai kỳ.

3. Những lưu ý trước khi tiêm phòng Vaccine HPV

Vaccin HPV có thể gây ra một số tác dụng phụ nhất định, tuy nhiên các tác dụng phụ này không thường gặp. Trước và sau khi tiêm  vaccin HPV không cần ăn uống kiêng cử gì.

Đối với những trường hợp sau, ta cần hỏi ý kiến bác sĩ trước tiêm ngừa:

  • Sốt.
  • Có tiền căn bệnh lý nặng như: Suy tim, suy gan, suy thận.
  • Mắc các bệnh lý cấp tính như nhiễm trùng.

Hầu hết đối tượng nhiễm HPV không gặp bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào. Những tác dụng phụ nhẹ và trung bình đôi khi có thể gặp phải. Chúng bao gồm: (2)

  • Sưng, đau vùng tiêm: Biểu hiện rất thường gặp sau tiêm.
  • Sốt nhẹ. Rất hiếm khi sốt kèm lạnh run.
  • Đau đầu.
  • Mệt mỏi, uể oải.
  • Đau cơ và đau khớp là 2 triệu chứng thường gặp nhất ở dân số châu Á sau tiêm HPV vaccin.
  • Nôn ói.
  • Buồn nôn.
  • Đau bụng.
  • Tiêu chảy.

Liên hệ với bác sĩ nếu gặp phải các triệu chứng bất thường sau tiêm vaccin, đặc biệt khi các triệu chứng này kéo dài.

Có những nghi vấn về việc tiêm ngừa Vaccin HPV gây ra vô sinh. Nhưng nhiều nghiên cứu lớn năm 2013, 2014, 2016 về việc tiêm ngừa vaccin HPV chứng mình rằng loại vaccin này có tỉ lệ gặp các tác dụng phụ lớn rất hiếm. Cũng như việc tiêm ngừa vaccin HPV có thể cải thiện khả năng sinh sản, đặc biệt là ở những đối tượng bị nhiễm các bệnh lý lây nhiễm qua đường tình dục.

Các nhà khoa học đã chứng minh được tính an toàn của vaccin HPV sau một thời gian dài thử nghiệm.

Một số lưu ý khác

HPV vaccine là phương pháp phòng ngừa HPV tốt nhất. Ngoài ra, có một số biện pháp khác giúp giảm khả năng nhiễm HPV – ung thư cổ tử cung, có thể được phối hợp với vaccin. Gồm:

  • Sử dụng bao cao su: Việc dùng bao cao su đúng cách giảm không rõ rệt nguy cơ nhiễm HPV. Nhưng dùng bao cao su giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung rõ.
  • Đối với phụ nữ: Tầm soát HPV, ung thư cổ tử cung qua các xét nghiệm định kỳ thường quy. Đối với việc thực hiện PAP test, đối tượng nên thực hiện mỗi 3 năm một lần. Đối với xét nghiệm tìm DNA của HPV thì nên thực hiện mỗi 5 năm 1 lần.
  • Duy trì một chế độ ăn uống khoẻ mạnh: Một chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng có thể làm giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung.

Hầu như tất cả mọi người đều nên tiêm ngừa vaccine HPV trừ người có tiền căn bị dị ứng hoặc ở phụ nữ có thai. 

Bị sùi mào gà có tiêm vaccine HPV được không? Được.

Đã quan hệ có tiêm HPV được không? Hoàn toàn có thể.

Vaccine HPV có nhiều tác dụng phụ nhỏ lẻ, thường tự khỏi nhanh chóng.

Từ khóa » Tiêm Vắc Xin Phòng Sùi Mào Gà