Nhóm đối Tượng Nào Nên Làm Xét Nghiệm Rubella?

Rubella là bệnh truyền nhiễm đã từng gây ra những đợt dịch bệnh lớn trên thế giới. Người bình thường nhiễm Rubella thì không nghiêm trọng, nhưng phụ nữ mang thai mắc Rubella vào thời gian đầu thai kỳ thì cực kỳ nguy hiểm. Vậy những ai nên làm xét nghiệm Rubella?

Sau khi phơi nhiễm, cơ thể sẽ tự sản sinh ra kháng thể miễn dịch với virus. Tuy nhiên, nếu không chắc chắn cơ thể đã có miễn dịch với Rubella hay chưa, thì xét nghiệm Rubella là biện pháp tối ưu để phát hiện bệnh.

Tìm hiểu về cách thức và kết quả xét nghiệm Rubella
Tìm hiểu về cách thức và kết quả xét nghiệm Rubella

1. Rubella là bệnh gì?

Rubella là bệnh do virus cùng tên gây ra. Bệnh thường khởi phát vào mùa đông xuân ở nhiều nơi trên thế giới. Virus Rubella xâm nhập vào cơ thể và cư trú trong cổ họng người bệnh. Sau thời gian ủ bệnh 12 đến 23 ngày, Rubella sẽ gây ra nhiễm trùng máu khiến bệnh nhân phát ban, nổi hạch, sốt nhẹ… Thời gian toàn phát bệnh khoảng 4 đến 6 ngày. Sau thời gian toàn phát khoảng 1 đến 2 tuần, bệnh nhân sẽ hoàn toàn bình phục.

Rubella có thể lây từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch nhầy hoặc giọt nước bắn ra từ cổ họng người bệnh. Do đó người bệnh cần được cách ly để tránh lây nhiễm cho người khác.

Nhìn chung, Rubella là bệnh lành tính nhưng lại rất nguy hiểm với phụ nữ mang thai. Trong 12 tuần đầu tiên của thai kỳ, nếu bà bầu phơi nhiễm Rubella thì sẽ có nguy cơ cao bị sảy thai. Không những vậy, có đến 80% thai nhi sẽ bị nhiễm rubella từ mẹ và gây ra hội chứng rubella bẩm sinh (CRS) với những di chứng rất nặng nề.

2. Đối tượng nên xét nghiệm Rubella

Xét nghiệm Rubella là phương pháp tốt nhất để xác định cơ thể đã có kháng thể miễn dịch với Rubella hay chưa. Thông qua kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ có những tư vấn phù hợp để phòng tránh bệnh này. Dưới đây là những đối tượng nên xét nghiệm Rubella.

2.1. Phụ nữ có kế hoạch sinh con

Xét nghiệm Rubella khi lên kế hoạch mang thai là quan trọng và cần thiết. Qua xét nghiệm để xác định chính xác bạn đã có kháng thể với rubella hay chưa. Trường hợp đã có kháng thể đồng nghĩa với việc mang thai sẽ không phải đối mặt những nguy cơ do virus Rubella gây ra.

Trong trường hợp chưa có kháng thể, chị em được khuyến cáo tiêm vắc xin phòng bệnh. Vắc xin phòng Rubella sẽ giúp cơ thể tạo kháng thể và ngăn chặn việc bị phơi nhiễm virus. Sau khi hoàn thành tiêm phòng 3 tháng, chị em có thể yên tâm và bắt đầu kế hoạch mang thai.

2.2. Thai phụ

Những thai phụ trước mang thai chưa tiêm vắc xin phòng Rubella hoặc không nhớ đã từng mắc Rubella hay chưa là những đối tượng cần được xét nghiệm. Thời điểm xét nghiệm là từ tuần 7 đến 10 của thai kỳ.

Nếu xét nghiệm cho thấy không bị nhiễm Rubella, thì bạn cần phải chú ý các biện pháp bảo hộ để phòng lây nhiễm. Trường hợp chẩn đoán nhiễm rubella, các bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi, làm các xét nghiệm khác và có tư vấn phù hợp.

2.3. Trẻ mới sinh gặp khiếm khuyết

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng khiếm khuyết sơ sinh. Một trong số đó là có thể bé gặp phải di chứng do hội chứng Rubella bẩm sinh gây ra. Do đó, đối với trẻ có những khiếm khuyết sơ sinh, xét nghiệm Rubella sẽ được tiến hành để chẩn đoán chính xác nguyên nhân và đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp.

Rubella igg là gì - Những ai cần xét nghiệm Rubella igg?
Rubella igg là gì – Những ai cần xét nghiệm Rubella igg?

2.4. Bất cứ ai có triệu chứng của bệnh rubella

Những người có triệu chứng lâm sàng của Rubella cần tiến hành xét nghiệm để xác định chính xác tác nhân gây bệnh. Nguyên nhân là dấu hiệu mắc Rubella có thể nhầm lẫn với các bệnh khác. Thông qua kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị chính xác, hiệu quả.

2.5. Nhân viên y tế chưa từng tiêm phòng Rubella

Nhân viên y tế là đối tượng có nguy cơ cao bị phơi nhiễm rubella. Do đó đối với những nhân viên y tế chưa từng tiêm phòng Rubella cần phải tiến hành xét nghiệm. Trường hợp đã có kháng thể do trong quá khứ đã từng nhiễm Rubella thì không cần tiêm phòng. Trường hợp không có kháng thể, cần phải tiêm phòng để tránh nguy cơ lây nhiễm từ bệnh nhân.

2.6. Học sinh, sinh viên

Rubella là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người. Không những vậy thời gian ủ bệnh là khá dài nên nguy cơ lây nhiễm chéo trong môi trường đông đúc như trường học là rất cao. Chính vì vậy, việc xét nghiệm Rubella với những học sinh, sinh viên chưa hoàn thành tiêm phòng hoặc không nhớ đã nhiễm Rubella hay chưa là rất cần thiết.

Ngoài ra, kết quả xét nghiệm sàng lọc ở các trường học cũng là dữ liệu cần thiết để đánh giá khả năng miễn dịch cộng đồng để đưa ra các chính sách tiêm phòng Rubella phù hợp.

3. Ý nghĩa của kết quả xét nghiệm huyết thanh học (IgM/IgG)

IgM và IgG là hai loại kháng thể của Rubella trong huyết thanh. Do đó, việc định lượng Rubella IgM và IgG là hai thông số để chẩn đoán bệnh này. Dưới đây là ý nghĩa của hai thông số đặc trưng này trong kết quả xét nghiệm Rubella.

3.1. Rubella IgM âm tính, IgG dương tính

Nếu định lượng IgM âm tính và định lượng IgG dương tính thì có nghĩa bạn đã có miễn dịch với Rubella và sẽ không bị phơi nhiễm loại virus này.

Do IgG dương tính cũng cho biết thời gian nhiễm là ít nhất 10 tuần trước khi xét nghiệm. Vì vậy riêng đối với phụ nữ mang thai cần phải làm lại xét nghiệm IgG sau hai tuần. Trường hợp IgG không thay đổi thì chứng tỏ thời gian nhiễm đã lâu. Nếu IgG tăng lên 3 đến 4 lần thì có nghĩa bạn mới nhiễm khi mang thai.

3.2. Rubella IgM dương tính, IgG âm tính

Trường hợp IgM dương tính (trên 1,1 IU/ml), IgG âm tính (dưới 7 kháng thể IgG/ml) thì có thể bạn bị nhiễm Rubella. Sau thời gian hai tuần làm xét nghiệm lại nếu IgM vẫn dương tính và nồng độ IgG tăng lên thì chắc chắn bạn đã nhiễm Rubella. Trường hợp kết quả xét nghiệm giữ nguyên như lần 1 thì kết quả IgM không đặc hiệu.

Cách xem kết quả xét nghiệm rubella IgG dương tính, âm tính; IgM dương tính, âm tính
Cách xem kết quả xét nghiệm rubella IgG dương tính, âm tính; IgM dương tính, âm tính

3.3. Rubella IgM âm tính, IgG âm tính

Trường hợp kết quả xét nghiệm có ít hơn 7 kháng thể IgG/Ml; IgG và ít hơn 0,9 kháng thể IgM có nghĩa là không miễn dịch với Rubella. Bạn có thể không bị nhiễm rubella hoặc đang trong thời gian ủ bệnh. Cần phải thực hiện xét nghiệm lần 2 sau 3 tuần để xác định chính xác. Trường hợp phụ nữ đang có kế hoạch mang thai, hãy nói chuyện với bác sĩ về việc tiêm vắc xin Rubella.

3.4. Rubella IgM dương tính, IgG dương tính

IgM dương tính, IgG dương tính có nghĩa IgM không đặc hiệu hoặc bạn đang mắc Rubella nguyên phát. Xét nghiệm lần 2 sẽ được thực hiện sau hai tuần để xác định chính xác nguyên nhân. Nếu xét nghiệm lần 2, IgM âm tính, IgG dương tính với nồng độ tăng thì có thể bạn mới nhiễm Rubella. Nếu kết quả lần 2, IgM dương tính thấp như lần 1, IgG dương tính nhưng nồng độ không tăng gấp đôi thì có thể bạn bị nhiễm Rubella thứ phát hoặc dương tính chéo với siêu vi khác.

4. Phòng ngừa Rubella như thế nào?

Rubella sẽ để lại di chứng rất nặng nề nếu như phụ nữ mang thai không may mắc phải bệnh này. Thêm vào đó, bệnh có thể lây lan từ người sang người tạo thành dịch bệnh ở quy mô lớn. Do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên tiêm phòng diện rộng, tạo miễn dịch cộng đồng là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa Rubella.

Vắc xin đang được sử dụng hiện nay thường là loại vắc xin MR (sởi, Rubella) hoặc vắc xin MMR (sởi, quai bị, rubella). Đây là loại vắc xin giảm động lực virus còn sống được đánh giá là hiệu quả và an toàn.

Tổ chức y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, vắc xin Rubella mũi đầu tiên cần được tiêm vào khoảng 12 đến 18 tháng tuổi và nhắc lại sau đó 36 tháng. Phụ nữ trong độ tuổi sinh nở hoặc có kế hoạch mang thai cần chủ động tiêm phòng, xét nghiệm Rubella để tránh phơi nhiễm và lây Rubella sang thai nhi. Tác dụng của vắc xin sẽ kéo dài trong nhiều năm sau đó nên phụ nữ hoàn toàn có thể yên tâm và chuẩn bị cho kế hoạch chào đón em bé.

Ngoài biện pháp phòng bệnh bằng tiêm chủng. Vào mùa đông, mùa xuân khi rubella dễ phơi nhiễm và lây lan mạnh, mọi người cần chú ý các biện pháp khác như mặc đủ ấm, duy trì chế độ ăn uống nghỉ ngơi khoa học, lành mạnh. Bên cạnh đó không nên tập trung ở những nơi đông người và chủ động vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ để giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm virus Rubella.

Từ khóa » Chỉ Số Igg Dương Tính Và Igm âm Tính