Nhộng Tằm: Món ăn Bổ Dưỡng Bạn Không Nên Bỏ Qua - Hello Bacsi

Nhộng tằm chẳng những là một món ăn ngon miệng với vị béo bùi đặc trưng mà còn có tác dụng hỗ trợ trị bệnh còi xương, suy nhược cơ thể, liệt dương… Nếu bạn vẫn còn hơi sợ vì nhộng tằm dễ liên tưởng với hình dáng con sâu thì sẽ bỏ lỡ một món ăn bổ dưỡng đấy!

Tìm hiểu nhộng tằm có tác dụng gì và lưu ý khi ăn nhộng tằm qua bài viết dưới đây!

Nhộng tằm là gì? Giá trị dinh dưỡng của nhộng tằm

Nhộng tằm là loại côn trùng giàu chất dinh dưỡng, được dùng làm thức ăn phổ biến ở Việt Nam. Trong 100g nhộng tằm có 79,7g nước, còn lại có 13g protid, 6.5g lipid và cung cấp tới 206 calo.

Nhộng tằm còn là một loại thức ăn nhiều vitamin (vitamin A, B1, B2, PP, C…). Đặc biệt, thực phẩm này có nhiều acid amin thiết yếu như valin, tyrosin, trytophan… và các chất khoáng, nhất là canxi (40mg) và photpho (109mg) mang đến nhiều lợi ích rất tốt cho sức khỏe. 

Lợi ích khi ăn nhộng tằm

Tác dụng của nhộng tằm
Ăn nhộng có tốt không?

Nhiều người rất thích vị béo bùi của nhộng tằm và cũng thắc mắc ăn nhộng có tốt không. Thật ra, các thành phần có trong loại thực phẩm này tốt cho sức khoẻ và cung cấp cho cơ thể con người những hàm lượng dinh dưỡng thiết yếu.

1. Tác dụng của nhộng tằm – Chống còi xương cho trẻ em

Theo các chuyên gia dinh dưỡng thì nhộng tằm rất tốt cho trẻ, có thể chống bệnh còi xương và suy dinh dưỡng. Đó là nhờ nhộng chứa nhiều canxi và photpho, cần thiết cho sự phát triển của trẻ. So với các loại thịt cá thường dùng, nhộng tằm không hề thua kém về hàm lượng canxi.

2. Có lợi cho người bị bệnh thận

Người cao tuổi bị yếu thận, hay tiểu tiện són, táo bón dùng thực phẩm này thường xuyên cũng cải thiện được tình hình sức khỏe.

3. Tốt cho người bị bệnh khớp

Nhộng tằm không chỉ là một món ăn ngon, bổ dưỡng mà còn rất hữu ích trong việc chữa trị các chứng bệnh như bị đau nhức xương khớp hay bị chứng phong thấp. Bổ sung món ăn này thường xuyên sẽ giúp giảm các triệu chứng bệnh rõ rệt.

4. Tăng cường sinh lực phái mạnh

Tác dụng của nhộng tằm là gì? Chiết xuất từ nhộng tằm chứa hàm lượng cao acid amin arginine, đây là một tiền chất giúp tổng hợp nên oxit nitrit có tác dụng tăng cường khả năng tình dục.

3 cách chế biến nhộng tằm hấp dẫn, bổ dưỡng

Nhộng tằm là món ăn có tính hàn, vị béo, bùi rất lạ miệng. Các món ăn phổ biến là nhộng xào với lá chanh, bông hẹ hay các loại rau quả khác. Ngoài ra, nhộng còn được sử dụng để làm gỏi, kho hay tẩm bột chiên, ăn cũng rất ngon miệng.

1. Nhộng tằm rang lá chanh

Nhộng tằm rang lá chanh
Nhộng tằm có tác dụng gì?

Nguyên liệu

  • 300g nhộng tằm
  • 10 lá chanh
  • 3g hành tím băm
  • 1/4 thìa cà phê muối
  • 1/2 thìa cà phê hạt nêm
  • 1 thìa cà phê nước mắm
  • 1 thìa súp dầu ăn
  • 1/2 thìa cà phê bột ngọt
  • 1/2 thìa cà phê tiêu xay

Cách làm

– Rửa sạch nhộng, ngâm với nước muối pha loãng khoảng 5 phút, đổ vào rổ thưa để ráo nước. Ướp nhộng với muối, hạt nêm, nước mắm, bột ngọt trước khoảng 15 phút cho nhộng thấm gia vị.

– Rửa sạch và cắt nhuyễn lá chanh. Cho dầu ăn vào chảo, phi thơm hành tím băm. Sau đó, trút nhộng vào xào nhanh tay, xào cho nhộng săn lại.

– Tiếp theo, cho lá chanh vào, đảo thêm khoảng 2 phút nữa cho lá chanh dậy mùi thơm. Nêm nếm gia vị lại cho vừa ăn rồi tắt bếp.

2. Nhộng tằm chiên xù

Nguyên liệu

  • 500g nhộng
  • 1 gói bột cà ri
  • 2 quả trứng gà
  • 1 thìa súp sốt tương cà chua
  • 100g bột rán xù
  • 1 thìa cà phê hạt nêm
  • 50g rau cải xanh
  • Rau mùi, dầu ăn

Cách làm

– Nhộng rửa sạch, vớt để ráo. Sau đó, đập trứng vào tô, cho hạt nêm, cà ri vào rồi đánh tan đều.

– Nhúng nhộng vào trứng, lăn qua bột xù rồi thả vào chảo dầu chiên cho vàng, giòn. Khi nhộng chín thì bạn cho vào lá cải xanh, quấn lại.

– Bạn có thể dùng kèm với tương cà chua. Khi bày ra đĩa có thể trang trí với rau mùi cho đẹp mắt.

3. Nhộng tằm xào măng chua

Nhộng tằm xào măng chua

Nguyên liệu

  • 200g nhộng
  • 200g măng chua
  • Ngò gai
  • Hành, tỏi băm; ớt sừng
  • Đường, tiêu, nước mắm, dầu ăn, hạt nêm
  • Giấm gạo lên men

Cách làm

– Nhộng tằm rửa sạch, để ráo, trộn với giấm gạo lên men trong vài phút rồi chắt bỏ nước giấm. Ướp 1 muỗng hành, tỏi băm, một chút tiêu, đường, hạt nêm.

– Măng chua vớt ra xả nước, vắt ráo, cắt miếng nhỏ vừa ăn. Rau ngò gai cắt nhỏ. Tiếp theo rang hành tỏi trên chảo cho thơm, cho nhộng vào rang cho ráo nước và thấm gia vị. Tiếp tục cho dầu ăn vào, đảo đều.

– Cho măng chua vào, nêm 1 chút nước mắm, đảo đều cho măng thấm gia vị, nêm nếm vừa ăn rồi tắt lửa, thêm ngò gai và ớt sừng vào trộn đều.

Lưu ý khi ăn nhộng tằm

tác dụng của nhộng tằm

Tuy đây là món bổ dưỡng nhưng nếu bạn ăn nhộng không rõ nguồn gốc hoặc không biết cách bảo quản đúng sẽ gây ngộ độc thực phẩm hoặc dị ứng.

1. Không ăn nhộng tằm để lâu

Khi nhộng tằm chết thường chuyển màu sang vàng nhạt, thâm đen, các đốt trên thân rời rạc, không dính chắc vào nhau. Lúc này, chất đạm sẽ bị phân hủy không còn giá trị dinh dưỡng nữa, mà trở thành chất độc gây hại cho cơ thể.

Nếu nhộng tằm để quá 1 tuần khi thời tiết lạnh hoặc quá 20 giờ khi thời tiết nóng thì bạn tuyệt đối không nên ăn.

2. Không ăn nhộng chưa chế biến

Nhộng tằm khi còn sống hay chưa được chế biến cẩn thận có chứa chất độc chết người. Vì vậy, bạn cần tuyệt đối không sử dụng nhộng sống, chưa chế biến kỹ, hay chưa rửa sạch. Bạn nên nấu chín nhộng trong một lần, tránh sơ chế trước, chế biến sau vì có thể khiến nhộng bị biến chất trong quá trình sơ chế.

Bạn không chế biến nhộng chung với các loại hải sản như như tôm, cá… để tránh bị ngộ độc hay dị ứng do phản ứng phụ giữa các loại thực phẩm này.

3. Không dùng nhộng tằm nếu bị bệnh gút

ăn con tằm có tốt không

Bệnh gút là một loại viêm khớp đột ngột gây sưng đỏ và đau ở các khớp. Bên cạnh nguyên nhân chính gây ra bệnh gút là ăn nhiều thực phẩm chứa purine, còn rất nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh như chế độ ăn quá nhiều đạm và hải sản. 

Những ai không nên ăn nhộng tằm

Những người bị bệnh gút nên tuyệt đối kiêng nhộng tằm, vì nhộng tằm rất nhiều chất đạm ăn vào sẽ khiến biểu hiện bệnh tái phát đau ngay lập tức.

4. Không ăn quá nhiều nhộng tằm

Nếu bạn ăn quá nhiều nhộng tằm thì hàm lượng chất dinh dưỡng có trong nhộng sẽ khiến cơ thể khó hấp thụ hết, gây dư thừa và có thể dị ứng thực phẩm. Trẻ em cần cho ăn một ít nhộng để thăm dò trước. Nếu trẻ không có dấu hiệu dị ứng thì mới tiếp tục cho ăn lần sau.

Theo chuyên gia dinh dưỡng, dù bổ dưỡng nhưng bạn không nên ăn nhộng tằm quá nhiều mà chỉ khoảng 2 – 3 bữa/tháng là vừa phải.

5. Cách bảo quản nhộng tằm

Bạn nên chọn loại nhộng còn tươi, màu sắc sáng bóng, không bị thâm đen hay có mùi. Để loại bỏ những con nhộng đã bị hư, nên cho nhộng vào chậu nước sạch pha ít muối, những con bị bầm, giập sẽ tự động nổi lên trên mặt nước. Nhộng tằm có chứa nhiều protein nên khó bảo quản được lâu, dễ bị ôi thiu. Khi không được bảo quản tốt, chất đạm sẽ bị phân hủy thành chất độc gây hại cho cơ thể.

Nhộng tằm đã mua về thì tốt nhất là bạn nên chế biến, nấu chín ngay trong ngày hoặc bảo quản trong nhiệt độ từ 0 đến 5 độ C.

Đây là loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, do đó bạn nên mạnh dạn thưởng thức vì có thể bạn sẽ thấy thích món ăn này. Tuy nhiên, bạn cũng lưu ý không nên ăn nhiều và nắm rõ các trường hợp không nên ăn nhộng tằm để bảo vệ sức khỏe cả gia đình.

Tham khảo thêm các công thức nấu ăn khác

  • Cách nấu bún bò Huế chuẩn vị với 3 bước đơn giản tại nhà
  • Cách nấu bò kho ngon chuẩn vị, đơn giản tại nhà
  • 2 cách làm kho quẹt tôm khô tóp mỡ bá cháy
  • 2 Cách làm bánh bông lan bằng nồi cơm điện: truyền thống và trứng muối
  • Gà hầm ngải cứu tốt như thế nào? Công thức gà tần ngải cứu không bị đắng

Hy vọng bài viết trên, bạn đọc đã có thông tin về tác dụng của nhộng tằm, cũng như các công thức chế biến hấp dẫn.

[embed-health-tool-bmr]

Từ khóa » Châu Chấu Rang Bao Nhiêu Calo