Nhộng Ve Sầu đầu Mùa Cháy Hàng, Cẩn Trọng Kẻo Ngộ độc

Được biết đến là một món ăn dân dã của các gia đình thôn quê, nhưng vài năm trở lại đây, nhộng ve sầu trở thành món đặc sản quý hiếm. Chúng có thể chế biến được nhiều món như rán giòn, tẩm bột, rim mắm..., khi ăn có vị bùi, ngậy, béo, thơm. Nhiều quán nhậu mùa này đều ghi tên nhộng ve sầu vào hàng đầu tiên trong thực đơn "món đặc biệt".

ĐẶC SẢN ĐẦU HÈ

Theo lời bà chủ quán bia hơi trên phố Trần Quang Khải (Hà Nội), nhộng ve sầu là thứ thời vụ, không phải lúc nào cũng có. Thời điểm rộ nhất kéo dài từ cuối tháng 4 đến hết tháng 7 trong năm, vì vậy món này khá hiếm và đắt. Ngoài ra, nhộng ve có nhiều loại. Loại ngon, đắt và được thực khách gọi nhiều nhất là nhộng cánh tơ. Đây là loài nhộng vừa lột xác xong, thân ve còn rất non và cánh mới nhú. Lúc này nhộng khá béo và mềm.

Trước đây, nhộng ve sầu rất rẻ, nhưng vài năm trở lại đây, nhu cầu thị trường lớn nên giá ngày một leo thang. Trung bình, giá mua lẻ là khoảng nửa triệu đồng cho một kg, có thời điểm khan hàng, nhộng ve sầu được chào bán với giá 800.000 đồng/1kg.

“Thời điểm thích hợp và nở rộ nhất để bắt nhộng là giai đoạn mới chớm vào mùa hè. Vào ban đêm, những con sâu bướm từ dưới đất chui lên bám vào các gốc cây để lột xác thành ve sầu, lúc đó mình cần soi đèn và bắt. Sau khi bắt ngâm nước muối 20 - 30 phút rồi nhặt bỏ cánh, trần qua nước sôi một lần rồi rửa sạch,” anh Vũ Văn Dũng, một thương lái cho hay. "Quá trình săn nhộng ve rất phức tạp và cần nhiều thời gian trong đêm, có khi phải đi cả đêm mới săn được một kg nhộng nên có giá cao".

Trên các trang mạng xã hội, nhộng ve sầu đầu mùa được rao bán khá nhiều.
Trên các trang mạng xã hội, nhộng ve sầu đầu mùa được rao bán khá nhiều.

Chị Nguyễn Huyền, người chuyên bán ve sầu ở Hà Nội chia sẻ, để có đủ nguồn cung, chị phải thu gom hàng ở nhiều tỉnh thành như Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ. "Mùa này, trong các mặt hàng tôi bán thì nhộng ve là mặt hàng không bao giờ sợ ế, vì có bao nhiêu là khách hàng đặt mua hết bấy nhiêu, luôn trong tình trạng không có hàng để bán".

Theo những bà nội trợ sành ăn, ve sầu sau khi mua về nên ngâm nước muối 20 - 30 phút, sau đó nhặt bỏ cánh, trần qua nước sôi một lần rồi rửa sạch, sau đó mới đem chiên. Chảo đặt lên bếp, để dầu thật nóng mới đổ nhộng ve vào, cho mắm muối, tiêu bột vào đảo đều tay tầm 15 phút sau đó cho ít lá chanh vào đảo cho dậy mùi. Đổ ra đĩa, những chú nhộng ve căng tròn, vàng ươm đậy mùi lá chanh thật hấp dẫn.

NGUY CƠ NGỘ ĐỘC NHỘNG VE SẦU

Là sản phẩm lạ và có nhiều lời đồn thổi về dược tính hay tác dụng bồ bổ sức khỏe chưa được kiểm chứng, người tiêu dùng nên cẩn thận khi lựa chọn, sơ chế, chế biến nhộng ve sầu tránh nguy hại tới sức khỏe.

Hồi tháng 5/2019 tại Quảng Ninh, một người đàn ông đã phải nhập viện với các biểu hiện sốc phản vệ sau khi uống rượu và ăn ve sầu. Bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị sốc phản vệ độ III do ăn ve sầu, cấp cứu theo phác đồ sốc phản vệ... Đáng chú ý, từng có một người đàn ông ở Bình Phước tử vong do ăn ve sầu non vào năm 2018.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia của Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: "Có một loài nấm tên khoa học Gyrommitrin thường ký sinh trên thân ve sầu có độc tố rất cao, cấu trúc của nó tương tự cấu trúc của một loài nấm độc. Độc tố của nó không bị phá hủy bởi nhiệt độ cao, dù được nấu kỹ và lâu. Nếu bắt phải ổ nhộng ve sầu chưa lột xác và trên cơ thể chúng có sẵn loài nấm ký sinh này thì khi ăn phải, hậu quả sẽ khó lường".

Các chuyên gia y tế cũng chỉ rõ, những ấu trùng ve bị nấm ký sinh thường có hình dáng khác thường: đầu nhỏ, phần về cuối đuôi hơi phình ra. Nếu ăn phải loại này chắc chắn bị ngộ độc, tùy vào lượng ăn và độc tố của nấm có trên thân thể con nhộng mà mức nặng nhẹ khác nhau, có trường hợp chỉ ăn 1 con cũng bị ngộ độc.

TS. Phạm Duệ, nguyên Giám đốc trung tâm Chống độc (bệnh viện Bạch Mai) cũng khuyến cáo: “Dấu hiệu thường gặp trong các vụ ngộ độc do ăn côn trùng là: Buồn nôn, nôn, run tay chân, co giật tay chân, chóng mặt, cứng hàm, ý thức lơ mơ, ban dạng mảng toàn thân... và có thể tử vong. Ngộ độc càng tăng nặng khi uống kèm với rượu, bia".

Người tiêu dùng nên cẩn thận khi lựa chọn, sơ chế, chế biến nhộng ve sầu tránh nguy hại tới sức khỏe
Người tiêu dùng nên cẩn thận khi lựa chọn, sơ chế, chế biến nhộng ve sầu tránh nguy hại tới sức khỏe

Vì vậy, người dân lưu ý không nên sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn. Lựa chọn những loại nhộng, ấu trùng, côn trùng thông thường, phổ biến, còn tươi sống để chế biến thành thức ăn. Đặc biệt những người có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi ăn, nếu nghi ngờ thì không ăn.

Đồng thời khi chế biến làm thức ăn, người nấu cần sơ chế, chế biến bảo đảm an toàn: ngâm, thả côn trùng vào nước muối ấm, nước vôi… để côn trùng bị kích thích thải hết chất độc trong ruột, tại các tuyến ngoại tiết. Người tiêu dùng cũng phải loại bỏ ruột, cánh, chân, đầu, vòi; rửa sạch bằng nước ấm, nước muối để loại bỏ vi sinh vật, chất bẩn bám trên thân côn trùng, để ráo nước, đun chín kỹ và ăn ngay sau khi chế biến.

Trong trường hợp sau khi ăn có các biểu hiện, triệu chứng khác thường như mệt mỏi, choáng váng, buồn nôn, mẩn ngứa, đau bụng, rối loạn tiêu hóa… cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám xét và điều trị kịp thời.

Từ khóa » Cách Bắt Nhộng Ve Sầu