Nhục đậu Khấu: Công Dụng Thần Kì điều Trị Rối Loạn Tiêu Hoá - YouMed

Nội dung bài viết

  • 1. Mô tả dược liệu
  • 2. Thu hái và bào chế 
  • 3. Thành phần hoá học
  • 4. Tác dụng dược lý
  • 5. Công dụng, liều dùng
  • 6. Đơn thuốc kinh nghiệm

Nhục đậu khấu là một vị thuốc có mùi thơm, có công dụng làm ấm đại tràng. Thường được dùng trong việc nấu ăn như một loại gia vị, đặc biệt là nấu các món hầm. Nhục đậu khấu còn có tác dụng trị tiêu chảy, nôn mửa, rối loạn tiêu hoá, và đôi khi dùng để tăng hương vị cho người biếng ăn. Bài viết này sẽ làm rõ về công dụng, cách dùng và những nghiên cứu mới về Nhục đậu khấu.

1. Mô tả dược liệu

Nhục đậu khấu còn có tên là Nhục quả, Ngọc quả. Tên khoa học là Myristica fragrans Houtt., thuộc họ Nhục đậu khấu (Myristicaeae). Tên tiếng Anh là Nutmeg.

Cây nhục đậu khấu cho ta 2 vị thuốc sau đây:

  • Nhục đậu khấu (Semen Myristicae): Là nhân phơi hay sấy khô của hạt Nhục đậu khấu.
  • Ngọc quả hoa hay còn gọi là Nhục đậu khấu y (Arillus Myristicae hay Macis): Là áo của hạt Nhục đậu khấu phơi hay sấy khô.

Cả 2 vị thuốc này đều có công dụng giống nhau.

Hạt nhục đậu khấu và áo hạt
Hạt nhục đậu khấu và áo hạt

1.1. Cây Nhục đậu khấu

Cây Nhục đậu khấu to, cao 8 – 10m. Toàn thân nhẵn. Lá mọc so le, màu xanh đậm, cuống dài, phiến lá hình mác rộng. Hoa màu vàng trắng.

Quả mọng, thõng xuống, hình cầu hay hình quả lê, khi chín mở theo chiều dài thành 2 mảnh.

Cành và quả Nhục đậu khấu
Cành và quả Nhục đậu khấu

Hạt có vỏ dày, cứng, bao bọc bởi một áo hạt bị rách, màu hồng.

Quả nhục đậu khấu và hạt của nó
Quả nhục đậu khấu và hạt của nó

Cây Nhục đậu khấu được trồng ở miền Nam Việt Nam, Campuchia. Còn mọc ở Indonesia, Malaysia và đã được di thực vào miền nam Trung Quốc, thuộc tỉnh Quảng Đông.

1.2. Dược liệu Nhục đậu khấu

Hạt hình trứng hoặc hình bầu dục, dài 2 cm đến 3 cm, đường kính 1,5 cm đến 2,5 cm. Mặt ngoài màu nâu tro hoặc vàng xám, có khi phủ phấn trắng, có rãnh dọc, mờ nhạt và nếp nhăn hình mạng lưới không đều. Có rốn ở đầu tù (rốn ở vị trí rễ mầm) là một điểm lồi tròn, màu nhạt. Chất cứng, mặt gãy có vân hoa đá màu vàng nâu. Khô, nhiêu dầu, mùi thơm nồng, vị cay.

Hạt nhục đậu khấu

Hạt nhục đậu khấu

2. Thu hái và bào chế 

2.1. Thu hái

Cây trồng được 7 năm thì bắt đầu thu hoạch. Mỗi năm thu hái quả hai lần vào các tháng 4 – 6 và 11 – 12. Có thể thu hoạch trong vòng 60 – 75 năm.

Sau khi hái quả, bóc bỏ vỏ, lấy riêng áo hạt ngâm nước rồi phơi sấy cho khô thu được Nhục đậu khấu y.

Hạt đem sấy ở nhiệt độ 60°C đến khi lắc có tiếng lọc cọc thì đem đập lấy nhân. Thường việc sấy này kéo dài tới 2 tháng. Nhân được phân loại to nhỏ rồi đem ngâm với nước vôi sau đó phơi hay sấy khô lại. Việc ngâm nước vôi là để chống hư hại do mối mọt.

2.2. Bào chế

  • Nhục đậu khấu sống: Loại bỏ tạp chất, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô.

  • Nhục đậu khấu lùi (ổi Nhục đậu khấu): Lấy bột mỳ hòa vào lượng nước thích hợp, cho Nhục đậu khấu vào khuấy đều đổ tạo lớp áo hoặc tẩm ẩm Nhục đậu khấu cho vào nồi bao, vừa quay nồi bao vừa cho bột mỳ vừa phun nước và đun nóng nhẹ để tạo 3 đến 4 lớp bao bột mỳ. Cho Nhục đậu khấu đã được bao ở trên vào chảo cát hoặc Hoạt thạch nóng, sao cho đến khi lớp bột mỳ có màu xém, sàng bỏ cát hoặc Hoạt thạch, bỏ vỏ bột mỳ và để nguội. Dùng 50 kg Hoạt thạch cho 100 kg Nhục đậu khấu.

  • Nhục đậu khấu sương: Lấy nhân hạt sao nóng, ép bỏ dầu, lấy hạt tán bột, gói vào giấy bản rồi ép bỏ dầu.

3. Thành phần hoá học

Hạt nhục đậu khấu chứa 30 – 40% chất béo gọi là Bơ Nhục đậu khấu và khoảng 5 – 10% tinh dầu dễ hay hơi. Chủ yếu bao gồm các terpen (α-pinene, camphene, p-cymene, sabinene, -phellandrene, -terpinene, myrcene), các dẫn xuất của terpene (linalool, geraniol, terpineol) và phenylopropanes (myristicin, elmicin, safrole).

4. Tác dụng dược lý

  • Các chiết xuất khác nhau và tinh dầu của hạt Nhục đậu khấu đã trình bày hoạt động kháng khuẩn mạnh mẽ chống lại vi khuẩn gram dương và gram âm, cũng như nhiều loại nấm. Do các hoạt động chống oxy hóa và kháng khuẩn cao, hạt nhục đậu khấu có thể được coi là một nguồn tự nhiên đáng kể của chất chống oxy hóa và chất chống vi trùng.
  • Nhục đậu khấu cho thấy hoạt động bảo vệ đáng kể trong loét dạ dày do cồn gây ra trên chuột thực nghiệm.
  • Chiết xuất hạt Nhục đậu khấu cải thiện viêm đại tràng do natri dextran sulfate ở chuột bằng cách ức chế các cytokine gây viêm.
  • Độc tính của hạt nhục đậu khấu là không chắc chắn, mặc dù các báo cáo trường hợp cho thấy rằng nếu uống đủ liều, độc tính cấp tính có thể xảy ra. Hai muỗng hạt nhục đậu khấu, một đến ba hạt nhục đậu khấu hoặc 5g bột nhục đậu khấu có thể gây ra các dấu hiệu lâm sàng của ảo giác, buồn nôn nghiêm trọng.
Nhục đậu khấu hạt
Nhục đậu khấu hạt

5. Công dụng, liều dùng

5.1. Công dụng

Làm ấm đường ruột, kích thích tiêu hoá, cầm nôn, cầm tiêu chảy.

Chủ trị: Tiêu chảy lâu ngàỵ kèm lạnh dụng, sôi bụng và phân lỏng như nước, tiêu phân sống, đau trướng bụng và đau thượng vị, biếng ăn, nôn mửa.

5.2. Liều dùng

Ngày dùng từ 3 g đến 6 g, thường phối hợp với các vị thuốc khác.

6. Đơn thuốc kinh nghiệm

6.1. Biếng ăn

Dùng cho người biếng ăn, ăn khó tiêu:

Nhục đậu khấu 0,5 g, Nhục quế 0,5 g, Đinh hương 0,2 g tán bột mịn trộn với đường sữa 1 g, chia làm 3 gói, uống 3 lần trong ngày.

6.2. Rối loạn tiêu hoá

Trị rối loạn tiêu hóa, biếng ăn, nôn ói, đau bụng:

Nhục quế tán bột 100 g, Nhục đậu khấu tán bột 80 g, Đinh hương tán bột 40 g, Sa nhân tán bột 30 g, Calci carbonat bột 250 g, đường 500 g tán nhỏ, trộn đều, ngày dùng 0,5 – 4 g.

>> Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm Tiểu hồi: Vị thuốc giúp cho đường tiêu hóa, Đi tiêu không tự chủ: Chuyện khó nói!

6.3. Tiêu chảy kéo dài

Tiêu chảy lâu ngày do viêm đại tràng mạn hay lao ruột có lạnh bụng, lạnh tay chân, yếu sức, mỏi mệt.

Bổ cốt chỉ 10 – 12 g, Ngô thù du 9 g, Ngũ vị tử 10 g, Đảng sâm 15 g, Nhục đậu khấu 6 g ( cho vào sau) sắc uống.

Hoặc bài Tứ thần hoàng: Bổ cốt chi 10 g, Nhục đậu khấu 5 g (sao), Ngũ vị tử 5 g, Ngô thù du 4 g, Đại táo 3 quả, Gừng tươi 3 lát sắc uống với nước muối nhạt trước lúc ngủ.

Tóm lại, Nhục đậu khấu có công dụng trị rối loạn tiêu hoá và dùng cho người biếng ăn. 

Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Tốt nhất, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các vị thuốc!

 Bác sĩ Trần Nguyễn Anh Thư

Từ khóa » Bột Nhục đậu Khấu