Nhức Mỏi Cổ Tay Phải Là Bệnh Gì? Làm Sao Khắc Phục?

Nhức mỏi cổ tay phải là tình trạng thường gặp ở những người làm công việc văn phòng. Mặc dù đây không phải là căn bệnh nguy hiểm nhưng lại gây khó khăn trong sinh hoạt và công việc thường ngày. Vậy có những biện pháp nào để cải thiện bệnh? Dưới đây là bài viết cung cấp cho bạn thông tin hữu ích về tình trạng này.

Mục lục

  • Nhức mỏi cổ tay phải là bệnh gì?
  • Triệu chứng khi bị đau nhức cổ tay phải
  • Nhức mỏi cổ tay phải là do đâu?
    • Tính chất công việc
    • Chấn thương
    • Thay đổi thời tiết
    • Mang thai
    • Hội chứng ống cổ tay
    • Hội chứng De Quervain
    • Viêm khớp
    • Bệnh Gout
  • Khi nào cần đi khám bác sĩ?
  • Các biện pháp cải thiện bệnh hiệu quả
    • Chế độ ăn phù hợp
    • Thực hiện các bài tập cổ tay đơn giản
    • Dùng thuốc giảm đau không kê đơn
    • Vật lý trị liệu

Nhức mỏi cổ tay phải là bệnh gì?

Cổ tay được cấu tạo từ nhiều khớp nhỏ khác nhau, đan xen là hệ thống dây chằng, mạch máu và dây thần kinh. Hai phần này phối hợp nhịp nhàng giúp bàn tay và cánh tay vận động linh hoạt. Cấu trúc xương khớp cổ tay được chia làm 2 nhóm là nhóm xương cổ tay và nhóm khớp cổ tay, trong đó khớp cổ tay bao gồm: khớp xương quay, khớp quay và khớp giữa xương cổ tay.

Nhức mỏi cổ tay phải là bệnh gì? 1
Cấu tạo khớp cổ tay

Nhức mỏi khớp cổ tay thường xảy ra khi bộ phận này gặp nhiều tổn thương hoặc phát sinh từ các cấu trúc khác bao quanh khớp như mô sụn, đầu xương, dây thần kinh, dây chằng, màng bao hoạt dịch,…. Trong đó, viêm gân là bệnh lý hay gặp nhất.

Đau khớp cổ tay phải có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng chủ yếu nhất là lứa tuổi trung niên và những người phải sử dụng lực cổ tay nhiều như vận động viên, người làm việc văn phòng,… Bệnh thường diễn biến lành tính và tự khỏi sau 1 – 2 tuần nhưng cũng thường xuyên tái phát trở lại nếu không được điều trị hiệu quả.

Triệu chứng khi bị đau nhức cổ tay phải

Tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây bệnh mà triệu chứng và mức độ của cơn đau cổ tay thường khác nhau. Ví dụ, đau mỏi cổ tay do bệnh thoái hóa khớp thường âm ỉ và kéo dài, trong khi hội chứng ống cổ tay thường gây ra những cơn đau tê liệt kèm theo cảm giác ngứa râm ran.

Triệu chứng khi bị đau nhức cổ tay phải 1
Triệu chứng điển hình của bệnh là sưng, đau ở khớp vùng cổ tay

Ngoài triệu chứng nhức mỏi cổ tay phải điển hình, người bệnh còn có thể gặp phải một số triệu chứng khác kèm theo như:

  • Đau, sưng, bầm tím và khó cử động cổ tay, khó khăn trong việc cầm nắm đồ vật.
  • Xuất hiện cảm giác tê hoặc ngứa ran ở bàn tay và cổ tay.
  • Đau nhức nặng hơn vào ban đêm.
  • Ngón tay và bàn tay sưng tấy, đặc biệt là ngón tay cái.
  • Thường xuyên xuất hiện cảm giác đau nhói đột ngột ở cổ tay phải.
  • Cứng khớp: các khớp cổ tay và ngón tay tê cứng, khó cầm nắm đồ vật.
  • Phát ra âm thanh răng rắc khi cử động cổ tay.
Nếu các triệu chứng trở nên nặng hơn hoặc xuất hiện sốt trên 38 độ C kèm theo tình trạng cổ tay nóng, đỏ, người bệnh nên thăm khám tại cơ sở y tế để được hỗ trợ điều trị kịp thời.

Nhức mỏi cổ tay phải là do đâu?

Tính chất công việc

Những người làm công việc đòi hỏi phải sử dụng nhiều lực ở cổ tay phải thường có nguy cơ bị đau nhức nhiều hơn bình thường, điển hình là người làm công việc văn phòng, vận động viên cầu lông, người chơi tennis, nghệ sĩ đánh đàn,… Những hoạt động này thường gây một áp lực lớn lên khớp cổ tay, khiến cho các mô xung quanh khớp cổ tay dễ bị viêm, thậm chí có thể gây ra nứt xương, làm cho cổ tay bị đau mỏi.

Tính chất công việc 1
Nhân viên văn phòng là đối tượng thường bị nhức mỏi cổ tay phải

Chấn thương

Đau nhức cổ tay phải có thể xuất hiện sau một chấn thương vật lý, khi bạn đột ngột bị va chạm mạnh hoặc dùng tay chống xuống khi té ngã. Lúc này, bạn có thể gặp phải tình trạng bong gân, trật khớp, giãn dây chằng, thậm chí là gãy xương. Trong một vài trường hợp, gãy xương còn không hiển thị trên kết quả phim X – quang, dẫn đến khó khăn trong việc chẩn đoán và điều trị.

Ngoài ra, giãn dây chằng cũng là nguyên nhân khiến cho các khớp xương không thể di chuyển cùng nhau nhịp nhàng. Điều này có thể trực tiếp dẫn đến viêm khớp khi các khớp xương cọ xát vào nhau. Viêm có thể xuất hiện ngay khi chấn thương xảy ra hoặc sau đó một thời gian dài.

Chấn thương 1
Chấn thương ở cổ tay có thể là nguyên nhân gây ra các cơn đau nhức kéo dài

Thay đổi thời tiết

Khi thời tiết thay đổi cũng là lúc bạn cảm nhận rõ hơn các cơn đau nhức xương khớp, đặc biệt là ở người cao tuổi và người bị thoái hóa khớp. Do ở điều kiện ổn định, các thành phần ở ổ khớp luôn được duy trì ở trạng thái cân bằng nhất với môi trường. Thời tiết thay đổi kéo theo sự thay đổi của áp suất và nhiệt độ, dẫn đến dịch ở ổ khớp biến đổi theo. Không những thế, phản ứng ở vùng mô lân cận khớp trở nên phức tạp và gia tăng tình trạng viêm nhiễm, khiến người bệnh cảm thấy đau nhức và khó chịu.

Mang thai

Tỷ lệ phụ nữ mang thai hoặc sau khi sinh bị đau nhức cổ tay thường khá cao. Do trong thai kỳ, nồng độ các hormone như Progesterone, Estrogen, Testosterone thường bị giảm sút. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tân tạo xương và khiến phụ nữ mang thai bị đau nhức tay chân, đặc biệt là đau mỏi cổ tay.

Hội chứng ống cổ tay

Hội chứng ống cổ tay là bệnh do dây thần kinh giữa bị chèn ép và gây ra những cơn đau ở bàn tay. Dây thần kinh giữa là 1 trong 3 dây thần kinh chính ở bàn tay, có vai trò dẫn truyền tín hiệu thần kinh đến các ngón tay. Khi nó bị chèn ép, xung động thần kinh không đến được bàn tay, từ đó làm cho bạn có cảm giác tê mỏi và ngứa ran khó tả.

Hội chứng ống cổ tay 1
Hội chứng ống cổ tay

Hội chứng ống cổ tay thường gặp ở những người phải lặp đi lặp lại một động tác như nhân viên văn phòng, thợ may,… hoặc người bị béo phì, bệnh tuyến giáp, bệnh tiểu đường, đang mang thai hay trong thời kỳ mãn kinh cũng có khả năng bị bệnh cao hơn bình thường. Trong đó, dân văn phòng công sở là đối tượng có tỷ lệ mắc hội chứng này ngày càng cao.

Hội chứng De Quervain

Hội chứng De Quervain còn gọi là bệnh viêm bao gân De Quervain, là tình trạng gân của ngón tay cái của cổ tay bị viêm và sưng lên, gây ra cảm giác đau rát phía bên trong cổ tay. Bệnh thường gặp ở nữ giới tuổi từ 30 – 50 và nguyên nhân gây bệnh thường liên quan đến một chấn thương hoặc phải dùng cổ tay để thực hiện một động tác quá nhiều lần.

Hội chứng De Quervain 1
Hội chứng De Quervain

Người bị hội chứng De Quervain sẽ bị sưng đau vùng cổ tay (đau nhiều hơn ở phía bên trong ngón tay cái), đau tăng lên khi cử động ngón cái và nặng hơn khi về đêm. Đau có thể lan ra các ngón tay khác và lan lên trên cẳng tay. Ngoài ra, người bệnh còn có thể tự sờ thấy bao gân ở ngón tay cái dày lên và nóng đỏ, sưng tấy, khi cử động ngón tay cái còn có thể nghe thấy tiếng kêu cót két.

Viêm khớp

Viêm khớp là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tình trạng nhức mỏi cổ tay phải. Có nhiều dạng viêm khớp khác nhau nhưng điển hình nhất là:

✔ Viêm khớp dạng thấp (RA): là bệnh tự miễn có cơ chế bệnh sinh được xác định là do hệ thống miễn dịch sinh ra các tự kháng thể (còn gọi là yếu tố dạng thấp) để chống lại niêm mạc khớp, gây ra các cơn đau nhức và sưng tấy ở vùng ổ khớp. Bệnh thường có tiên lượng nặng và dễ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm nếu như không được điều trị như cứng khớp, bào mòn đầu xương, ngón tay cổ cò hay biến dạng khớp.

✔ Viêm xương khớp (OA): là căn bệnh thoái hóa và thường gặp ở người cao tuổi. Nguyên nhân gây bệnh là do sụn ở đầu các khớp bị bào mòn bởi quá trình lão hóa. Sụn bị bào mòn làm tăng ma sát khi các xương cọ xát vào nhau, khiến người bệnh cảm thấy đau đớn và khó chịu.

Bệnh Gout

Bệnh Gout là bệnh sưng đau các khớp trong cơ thể do sự lắng đọng tinh thể Acid Uric trong ổ khớp. Acid Uric là hoạt chất hóa học được tạo ra khi cơ thể thủy phân các hợp chất giàu nhân Purin – có nhiều trong các loại thực phẩm như tôm, cua, cá, thịt bò,…. Vì vậy, người ăn nhiều các loại thực phẩm này có nguy cơ cao bị bệnh Gout.

Bệnh Gout 1
Bệnh Gout thường gây sưng đau tại các khớp tay – chân

Thông thường, hầu hết lượng Acid Uric được hòa tan trong máu và đào thải ra ngoài bằng đường nước tiểu. Khi cơ thể tạo ra quá nhiều, Acid Uric sẽ được lắng đọng trong ổ khớp, dẫn đến sưng và đau. Đau thường xuất hiện ở đầu gối, cổ tay, bàn tay, mắt cá chân và bàn chân. Hiện nay, bệnh Gout ngày càng có xu hướng gia tăng và gặp nhiều hơn ở nam giới, người bị huyết áp cao hoặc tiểu đường.

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Phần lớn các trường hợp nhức mỏi cổ tay phải thường có tiên lượng nhẹ và tự khỏi sau khi thực hiện biện pháp khắc phục tại nhà như chườm nóng/lạnh, tập bài tập cổ tay đơn giản hay dùng thuốc giảm đau không kê đơn.

Tuy nhiên, nếu tình trạng đau nhức kéo dài hoặc xuất hiện những triệu chứng sau đây thì người bệnh nên đến bệnh viện để kiểm tra:

  • Đau kéo dài hơn 2 tuần sau khi tự điều trị tại nhà.
  • Đau, sưng, tấy đỏ bất thường ở vùng cổ tay, bàn tay hoặc lan lên trên cẳng tay.
  • Không có khả năng cầm nắm đồ vật hoặc nặng hơn là mất đi khả năng cử động ngón tay và bàn tay.
  • Đau nhức ở cổ tay phải kèm theo triệu chứng sốt cao (trên 38 độ C).
  • Cơ thể mệt mỏi, khó chịu, chán ăn, gầy sút cân.

Các biện pháp cải thiện bệnh hiệu quả

Chế độ ăn phù hợp

Bên cạnh những phương pháp điều trị, người bệnh nên chú ý bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày các loại thực phẩm có công dụng giảm đau, chống viêm như:

  • Thực phẩm giàu Omega – 3 và vitamin D như cá hồi, cá ngừ, cá cơm,…
  • Các món ăn chế biến từ xương ống, xương sườn vì chứa một lượng lớn Glucosamine, Canxi, Chondroitin giúp hệ xương khớp chắc khỏe.
  • Bổ sung các loại rau xanh, hạt ngũ cốc, trái cây,… để cung cấp lượng Vitamin và khoáng chất dồi dào cho cơ thể.
  • Gừng và nghệ ngoài là gia vị còn có công dụng chống sưng, viêm hiệu quả.
Chế độ ăn phù hợp 1
Một số loại thực phẩm giàu Omega 3

Thực hiện các bài tập cổ tay đơn giản

☛ Bài tập 1:

Người bệnh ngồi hoặc đứng và chắp 2 tay trước ngực. Giữ 2 cánh tay áp sát vào nhau (từ ngón tay đến khuỷu tay). Từ từ tách cánh tay ra và hạ tay xuống ngang hông, 2 bàn tay vẫn chắp vào nhau. Giữ nguyên cơ thể ở tư thế này trong khoảng 30s, sau đó đưa tay lên và lặp lại động tác như ban đầu (ảnh 1).

☛ Bài tập 2:

Người bệnh đứng hoặc ngồi, đưa cánh tay phải ra trước mặt, bàn tay vuông góc với cánh tay và các ngón tay hướng lên phía trần nhà. Dùng tay trái để kéo nhẹ các ngón tay của bàn tay phải theo hướng xuống phía dưới và hướng vào trong cơ thể bạn. Giữ nguyên động tác này trong vòng 30s và thực hiện lại tương tự với cánh tay trái.

☛ Bài tập 3:

Người bệnh đứng và đưa cánh tay phải ra phía trước, lòng bàn tay hướng về phía dưới sàn. Tiếp theo bạn dùng tay trái để kéo nhẹ các ngón tay phải về phía cơ thể, giữ nguyên tư thế này trong vòng 30s và thả lỏng. Thực hiện tương tự với bên tay phải.

☛ Bài tập 4:

Trong khi ngồi, người bệnh đặt 2 tay lên trên đùi, lòng bàn tay hướng lên phía trần nhà. Từ từ khép nhẹ các ngón tay và nắm chặt tay lại, giữ cẳng tay ở trên chân, nâng nắm tay lên và đưa về phía cơ thể, uốn cong cổ tay. Giữ nguyên ở tư thế này trong vòng 10s và hạ nắm tay xuống đùi. Thực hiện bài tập này tối thiểu 10 lần/ngày.

☛ Bài tập 5:

Người bệnh ngồi thả lỏng trên ghế, tay đặt xuôi ở 2 bên hông, kéo căng cổ tay bằng cách hất cổ tay lên phía trên và giữ nguyên tư thế này trong vòng 10 giây. Sau đó, người bệnh hạ tay xuống và duy trì thực hiện bài tập 10 lần mỗi bên và tối thiểu 3 lần/ngày.

Thực hiện các bài tập cổ tay đơn giản 1
Một vài bài tập giúp cải thiện tình trạng đau cổ tay hiệu quả

☛ Bài tập 6:

Bài tập này có thể đứng hoặc ngồi tùy ý, hai cánh tay được giữ sát 2 bên sườn sao cho khuỷu tay gấp lại và vuông góc với cánh tay, lòng bàn tay hướng xuống dưới sàn. Bắt đầu xoay nhẹ cẳng tay để lòng bàn tay hướng lên trên, rồi lại xoay ngược lại để lòng bàn tay hướng xuống dưới. Thực hiện động tác 10 lần/ngày để đạt được hiệu quả.

☛ Bài tập 7:

Bài tập 7 cũng có thể thực hiện ở tư thế đứng hoặc ngồi, các ngón tay thả lỏng và mở rộng rồi dần dần nắm tay lại, sau đó duỗi thẳng các ngón tay ra một lần nữa. Thực hiện động tác 30 lần mỗi ngày.

☛ Bài tập 8:

Người bệnh bắt đầu thực hiện bài tập ở tư thế đứng và gập người lại sao cho 2 tay chạm tới bàn chân. Để bàn tay dưới các ngón chân sao cho lòng bàn tay hướng lên trên, có thể uốn cong đầu gối để giữ các ngón chân được gần với cổ tay hơn. Thực hiện động tác liên tục trong vòng 10 hơi thở (ảnh 2).

☛ Bài tập 9:

Sử dụng một dải băng quấn xung quanh 2 bàn tay để hỗ trợ thực hiện bài tập này. Đầu còn lại của sợi dây quấn xung quanh lòng bàn chân và giữ bàn tay hướng lên trên. Khuỷu tay được giữ ở 2 bên sườn, sử dụng cổ tay để cuộn tròn dải băng và siết chặt cơ tay, cẳng tay, từ từ thả lỏng. Thực hiện động tác này 15 lần ở mỗi tay.

☛ Bài tập 10:

Người bệnh đặt một quả bóng tennis hoặc bóng cao su trong lòng bàn tay, bóp bóng và giữ nguyên tư thế trong 10 giây. Thực hiện 15 lần ở mỗi bàn tay (ảnh 3).

Dùng thuốc giảm đau không kê đơn

Thuốc giảm đau không kê đơn thường được người bệnh sử dụng nhằm làm giảm bớt triệu chứng đau nhức, khó chịu của bệnh, trong đó 2 thuốc hay được sử dụng nhiều nhất là Paracetamol và Ibuprofen.

Tuy là nhóm thuốc giảm đau không cần kê đơn nhưng người bệnh cũng nên lưu ý tuân thủ chính xác cách dùng thuốc (liều lượng, thời gian dùng,…) nhằm hạn chế tác dụng phụ mà thuốc gây ra như loét dạ dày, chảy máu, suy giảm chức năng gan,…

Người bệnh không nên lạm dụng các loại thuốc giảm đau để hạn chế tác dụng phụ của thuốc.

Vật lý trị liệu

Đối với các trường hợp nứt hoặc gãy xương nhẹ, bác sĩ sẽ thực hiện liệu pháp để nắn chỉnh các mảnh xương vào đúng vị trí và để cơ thể tự chữa lành. Lúc này, bác sĩ sẽ thực hiện bó bột đến khi xương cổ tay bình phục hoàn toàn.

Ngoài ra, đeo nẹp cũng giúp điều trị đau khớp cổ tay do bong gân hoặc giãn, rách dây chằng. Đeo nẹp giúp người bệnh hạn chế cử động khớp cổ tay, tạo điều kiện cho tình trạng tổn thương sớm bình phục.

Vật lý trị liệu 1
Đeo nẹp giúp hỗ trợ các khớp xương đang bị tổn thương

Tập vật lý trị liệu cũng là biện pháp thường được áp dụng đối với các trường hợp đau khớp cổ tay thể nhẹ hay những đối tượng bị đau khớp cổ tay cần phải phẫu thuật cũng nên thực hiện các bài tập này để phục hồi chức năng hoạt động của cổ tay.

Đau khớp cổ tay gây ra tình trạng đau nhức, khó chịu ở vùng cổ tay, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh, thậm chí có thể gây mất chức năng hoạt động của khớp. Vì vậy, người bệnh cần phải tuân thủ lối sống khoa học bên cạnh các phương pháp điều trị để có thể cải thiện bệnh hiệu quả.

Nguồn tham khảo:

  • https://suckhoedoisong.vn/10-bai-tap-hieu-qua-giup-giam-dau-co-tay-169159346.htm
  • https://hellobacsi.com/benh-co-xuong-khop/dau-co-xuong-khop/dau-khop-co-tay/
  • https://www.healthline.com/health/wrist-pain
  • https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/17667-wrist-pain

Từ khóa » đau Mỏi Cổ Tay Trái