Những Anh Hùng Dân Tộc Pa Cô Và Ký ức Thời Lửa đạn

Nghe gợi lại câu chuyện đánh giặc, bảo vệ căn cứ địa cách mạng A Lưới, đặc biệt là tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây hơn 40 năm về trước, bà Kan Lịch hướng ánh mắt nhìn lên bầu trời xanh thẳm rồi kể, gia đình bà có 6 anh em thì cả 6 đều đi theo cách mạng. Năm 14 tuổi, bà nhận nhiệm vụ làm liên lạc cho cơ sở cách mạng ở xã Thượng Ninh (nay là xã Hồng Bắc, huyện A Lưới) để chuyển thư từ, công văn quan trọng.

Đến năm 1961, bà tham gia đội du kích của xã. “Vì sợ con gái bị thương, mất đi tay chân rồi khó lấy chồng nên lúc ấy, bố mẹ tôi cứ can ngăn. Phải thuyết phục mãi họ mới cho tôi đi làm du kích để cùng các đồng chí ở Thượng Ninh đánh giặc”, nữ anh hùng nay đã bước sang tuổi 73, nhưng chất giọng vẫn rắn rỏi hồi tưởng về ký ức năm xưa.

Bà Kan Lịch nhớ nhất là trận bà trực tiếp chỉ huy 7 du kích xã đánh đồn A Lưới, giành thắng lợi. Đặc biệt, năm 1964, trước khí thế lớn mạnh của phong trào cách mạng, nhiều cánh quân địch được huy động đổ lên A Lưới để tổ chức các trận càn vào những điểm căn cứ, bà được cấp trên giao nhiệm vụ dẫn 6 chị em du kích ra gần sân bay A Lưới để tập kích các máy bay cất cánh từ sân bay này. Chỉ sau 48 giờ đồng hồ “tập bắn” máy bay, bà đã bắn hạ một chiếc Đa-kô-ta của địch cách sân bay gần 2km, làm chết hàng chục tên lính và trở thành nữ du kích đầu tiên bắn rơi máy bay tại miền Tây tỉnh Thừa Thiên- Huế bằng súng trường.

Những năm sau đó, bà còn lãnh đạo đội nữ du kích Hồng Bắc (tổng số 160 người) tổ chức đánh 49 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 150 tên địch, thu giữ nhiều phương tiện, vũ khí. Vì thế, năm 1968, bà được dự Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc và được ra Bắc gặp Bác Hồ…

Một trong những người con khác của dân tộc Pa Cô ở tỉnh Thừa Thiên- Huế được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND là ông Hồ Vai (75 tuổi, chú ruột của bà Kan Lịch, hiện sống tại thị trấn A Lưới, huyện A Lưới). Bằng giọng nói mộc mạc, giản dị đậm chất của đồng bào miền núi, ông Vai nhớ lại: “Những năm đầu 1960, Mỹ đổ quân về đóng tại đồn A So, Đông Sơn, để tổ chức các cuộc càn quét và cho máy bay gầm rú, thả từng đợt bom liên hồi để mục đích tiêu diệt du kích, làm nhụt chí chiến đấu của quân ta. Lúc này, tôi được phân công làm liên lạc rồi gia nhập vào bộ đội địa phương, sau đó được cấp trên tín nhiệm bầu giữ làm Xã đội trưởng xã Thượng Ninh”.

Anh hùng Hồ Vai với công việc làm kinh tế giữa đời thường.

Ông Vai từng chỉ huy bộ đội địa phương đánh địch tại đồn A Lưới (năm 1965), đánh đồn A So (năm 1966), thu thắng lợi lớn. Năm 1964, ông Vai cùng Pi Năng Tăk (dân tộc Rắc Lây, tỉnh Ninh Thuận) là 2 du kích người dân tộc thiểu số được mời dự Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn miền Nam và được phong tặng Anh hùng LLVTND. Đặc biệt, ông Vai đã 4 lần vinh dự được gặp Bác Hồ.

Cuối năm 1967, ông gặp Bác Hồ lần cuối khi kết thúc lớp đào tạo chính trị viên tại Trường Sơn Tây và được Bác răn dạy rằng: “Chiến trường miền Nam đang rất ác liệt, đồng bào và chiến sĩ ta đang còn phải hy sinh, gian khổ. Vì thế, khi cháu trở thành cán bộ cách mạng rồi thì phải làm gương để mọi người học tập, noi theo!”.

Nghe lời Bác Hồ dạy, năm 1968, ông trở lại quê hương sau hơn 3 năm ra Bắc học tập. Đây cũng là thời điểm mà chiến trường miền Nam đang ác liệt như dự đoán của Bác. Ông kể thêm rằng, khi đó bộ đội chính quy của ta phải rút sang Lào, chỉ còn bộ đội địa phương ở lại bám làng. Nhiều người đã động viên để ông tạm sang Lào, nhưng ông vẫn ở lại để cùng đồng đội tiếp tục bám đất, bám làng đánh Mỹ và đã lập nên nhiều chiến công, góp phần vào đại thắng mùa xuân năm 1975...

Giờ đây, đã 40 năm trôi qua sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, anh hùng Hồ Vai, Kan Lịch và những người anh hùng đang còn sống của đồng bào dân tộc Pa Cô phấn khởi, vui mừng trước sự đổi thay từng ngày của quê hương. Và, để làm nên sự đổi thay kỳ diệu ấy, không thể không kể đến những chiến công của đồng bào dân tộc Pa Cô và những người đã ngã xuống vì mảnh đất A Lưới hôm nay.

Từ khóa » Những Vị Anh Hùng Dân Tộc Thiểu Số