Những Bài Học ASEAN Có Thể Rút Ra Từ EU
Có thể bạn quan tâm
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU) thường được so sánh với nhau và một số người còn cho rằng ASEAN nên đi theo mô hình của EU.
Tờ todayonline đăng bài bình luận của tác giả Hoàng Thị Hà, người đã có 9 năm công tác tại Ban thư ký ASEAN và hiện là nghiên cứu viên thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tại Singapore, cho rằng mặc dù mô hình của EU không phải là lý tưởng nhưng ASEAN vẫn cần rút ra một số bài học từ EU.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU) thường được so sánh với nhau và một số người còn cho rằng ASEAN nên đi theo mô hình của EU. Quan điểm này dĩ nhiên không còn được ủng hộ nhiều từ sau việc Anh rời khỏi EU (hay còn gọi là Brexit) - một sự kiện đã làm dấy lên những lo ngại về sự bền vững của các khối liên minh quốc gia.
Tuy nhiên, ASEAN vẫn giữ được sự ổn định, vì đặc điểm và cơ cấu thể chế của ASEAN đã giữ cho khối đứng vững trước những thách thức tương tự như Brexit. Được hình thành với bối cảnh lịch sử khác nhau, rõ ràng ASEAN và EU đi theo những con đường khác nhau trong quá trình định hình chủ nghĩa khu vực.
Các nước châu Âu đã là những quốc gia phát triển khi thành lập Cộng đồng Than Thép châu Âu (ECSC) vào năm 1951 – tổ chức tiền thân của EU. Họ hình dung rằng việc huy động nguồn tài nguyên từ nhiều nước có chủ quyền và với những cách tiếp cận hội nhập khác sẽ giúp châu Âu tránh được việc xảy ra một cuộc chiến tranh khác.
Trong khi đó, vào lúc ASEAN được thành lập năm 1967, hầu hết các nước thành viên mới chỉ bước ra khỏi cái bóng của các nước đô hộ. Khi các nước này bắt đầu công cuộc xây dựng đất nước, các lãnh đạo đều phải cố gắng giữ vững nền độc lập còn non trẻ của mình. Đây là một điểm quan trọng để hiểu cách ASEAN tiếp cận vấn đề hợp tác khu vực.
Thêm vào đó, sự đa dạng của Đông Nam Á về văn hoá, tôn giáo, hệ chính trị, dân tộc và trình độ phát triển kinh tế cũng là cơ sở cho một cách tiếp cận thận trọng hơn trong vấn đề khu vực. Do đó, ASEAN được thiết kế như một tổ chức liên chính phủ thuần tuý, và không có tham vọng trở thành một cơ quan siêu quốc gia như EU.
Sự khác biệt cơ bản này thể hiện rõ nhất trong cách hai tổ chức đưa ra những quyết định. Khoảng 80% luật của EU được thông qua đa số phiếu đủ điều kiện, đòi hỏi sự ủng hộ của 55% các nước thành viên và 65% dân số EU.
Đa số phiếu bầu kiểm soát định hướng của EU, ngoại trừ một số vấn đề nhạy cảm nhất định như chính sách đối ngoại và an ninh chung. Ngược lại, các nước thành viên ASEAN bao gồm cả lớn và nhỏ, đều có tiếng nói ngang bằng trong quá trình đưa ra quyết định dựa trên tham vấn và thống nhất.
Do đó, trong khi EU làm mờ biên giới các quốc gia thì việc tham gia ASEAN lại là một cách để tăng chủ quyền của các nước thành viên, đặc biệt là vấn đề an ninh-chính trị.
“Lấy lại đất nước” là một khẩu hiệu Brexit mạnh mẽ nhằm khôi phục lại quyền kiểm soát của Anh đối với các vấn đề trong phạm vi quốc gia. Điều này không có nhiều ý nghĩa trong bối cảnh các nước thành viên ASEAN hoàn toàn tin tưởng vào việc không can thiệp vào tình hình của nước khác.
Mô hình ASEAN là đặc trưng của “chủ nghĩa khu vực mềm”, nhấn mạnh vào thoả thuận đồng thuận và không chính thức. Không có một cơ quan mang quyền kiểm soát hoàn toàn ở ASEAN như Uỷ ban châu Âu – một tổ chức siêu quốc gia có quyền đưa ra hành động ngay cả khi không có sự đồng ý của một nước thành viên.
Nếu lý tưởng của EU có thể đã bị đẩy đi quá mạnh mẽ và quá nhanh thì ASEAN lại thường bị chỉ trích là quá chậm và quá ít. Thị trường chung châu Âu - nơi mà hàng hoá, dịch vụ, nguồn vốn và con người có thể di chuyển tự do - là một thành tựu đáng nể.
Đồng tiền chung châu Âu được coi là một "cây cầu nối" cho những thành viên kém phát triển hơn. Trong khi đó, ASEAN mới chỉ tiến hành các bước nhỏ và dần dần trong việc hoàn tất giai đoạn đầu của quá trình hội nhập, với việc xoá bỏ các dòng thuế cho việc trao đổi thương mại hàng hoá (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam vẫn còn hạn đến năm 2018).
Cách tiếp cận theo kiểu từng bước này giúp tạo ra được một bệ đỡ, cho phép các nước ASEAN giảm áp lực trong thời kỳ toàn cầu hoá, một trong số đó là vấn đề nhập cư. ASEAN rõ ràng không áp dụng việc dịch chuyển xuyên biên giới tự do theo cách của EU.
Một số dòng dịch chuyển của các lao động chất lượng cao đã được ASEAN tạo điều kiện thông qua, chẳng hạn như kỹ sư, y tá, kiến trúc sư, nhân lực trong y tế, y khoa, du lịch và kế toán. Tuy nhiên, tác động của sự dịch chuyển này vẫn còn hạn chế.
Trong tương lai gần, ASEAN sẽ không phải đối mặt với sự phản đối trực tiếp liên quan tới vấn đề nhập cư - một tình huống tương tự đã dẫn đến Brexit và làn sóng bài trừ nhập cư dấy lên tại châu Âu.
ASEAN và EU cũng khác biệt về sự đóng góp của các nước trong việc xây dựng khu vực. Riêng năm 2016, chi tiêu cho hoạt động của các cơ quan thuộc EU đã lên tới 9,6 tỷ euro, trong khi ngân sách hành chính lớn nhất của ASEAN là cho Ban thư ký, với chỉ vỏn vẹn 20 triệu USD.
Những người ủng hộ Brexit quan ngại rằng quá nhiều tiền thuế của dân chúng đổ vào các thể chế khu vực sẽ không diễn ra với ASEAN. Trên thực tế, số tiền dành cho Ban thư ký ASEAN là quá khiêm tốn.
Mặc dù ASEAN không có ý định hay khả năng trở thành một EU khác, khối này vẫn có thể học được một số bài học quý giá từ EU sau sự kiện Brexit. Một trong những bài học đó là cách truyền đạt hiệu quả lợi ích của liên kết khu vực tới công chúng, vì lợi ích của việc liên kết khu vực không phải lúc nào cũng được thể hiện rõ nét và đôi khi còn có sự đánh đổi.
Trong bối cảnh các kỳ vọng về ASEAN đang tăng lên, nhóm cũng bị nhiều áp lực hơn trong việc mang lại lợi ích rõ nét cho người dân. Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để cân bằng giữa cách tiếp cận từ trên xuống dưới của ASEAN với tư cách là tổ chức liên chính phủ, trong khi vẫn phải đáp ứng kỳ vọng và áp lực của dân chúng tại một số quốc gia.
Cách ASEAN đi từng bước chậm rãi cũng phản ánh sự khôn ngoan của khu vực trong việc tìm ra điểm chung tại một số vấn đề rất đa dạng trên cơ sở nhiều lợi ích khác nhau. Công thức ASEAN là phù hợp với 10 nước thành viên vì các nước sẽ ở trong ASEAN một thời gian dài, và giúp khối này trở nên bền bỉ và linh hoạt hơn.
Tuy nhiên, kể cả khi không có Brexit, ASEAN không thể đắm chìm trong sự tự mãn. Rõ ràng mô hình EU là không phù hợp với Đông Nam Á, do đó, ASEAN cần phải lèo lái theo cách riêng để mang lại hoà bình và thịnh vượng cho khu vực.
ASEAN cần phải tìm được điểm chung giữa chủ quyền quốc gia và liên kết khu vực, thu hẹp khoảng cách giữa mong muốn và thực hiện, đồng thời phải đạt được tiến bộ thực sự thay vì chỉ xây dựng các tiến trình.
Nguồn: TTXVN
Từ khóa » Eu Khác Gì Với Asean
-
Sự Khác Nhau Giữa EU Và ASEAN
-
Mô Hình Hội Nhập Của EU - ASEAN: Những Tương đồng, Khác Biệt Và ...
-
Những điểm Giống Và Khác Nhau Giữa Liên Minh Châu Âu (EU) Và ...
-
[ĐÚNG NHẤT] So Sánh Eu Với Asean - Top Lời Giải
-
Nét Khác Biệt Cơ Bản Giữa Tổ Chức ASEAN Với Liên Minh Châu Âu (EU
-
EU Và ASEAN Thiết Lập Quan Hệ Đối Tác Chiến Lược - Auswärtiges Amt
-
ASEAN-EU: Thông Cáo Báo Chí Chung Của Cuộc Họp Lần Thứ ... - EEAS
-
Mô Hình Liên Kết Và Hội Nhập Của EU Và ASEAN - VNU
-
Sự Khác Nhau Giữa EU Và ASEAN 2022 - Xã Hội
-
Vai Trò Của EU ở Đông Nam Á: Góc Nhìn Từ ASEAN
-
Sự Khác Biệt Giữa Liên Minh Châu Âu (EU) Và Tổ Chức ASEAN Thể ...
-
So Sánh Liên Minh Châu Âu Và ASEAN | CPKT THPTQG Lịch Sử
-
ASEAN-EU: Đối Tác Tiềm Năng Và Tin Cậy, Vì Thịnh Vượng Chung Của ...
-
ASEAN-EU: Từ Quan Hệ đối Tác Chiến Lược đến FTA - Xem Chi Tiết