Những Bài Học Từ Scandal Của Kiên Trần - Chính An
Có thể bạn quan tâm
Mấy hôm nay, cộng đồng học IELTS nói riêng và những người học tiếng Anh nói chung dậy sóng với một bài viết “bóc phốt” anh chàng Kiên Trần về chuyện làm giả bằng IELTS – nói đúng hơn là làm giả điểm thi IELTS 8.5.
Kiên Trần là ai?
Kiên Trần (sinh năm 1992) từng là một du học sinh tại Canada và sau đó bạn định cư tại đất nước này với thẻ xanh. Năm 2014, Kiên Trần ra mắt quyển ebook “Kien Tran’s IELTS Handbooks” chia sẻ bí quyết tự học IELTS miễn phí trên website cá nhân kientranhandbook.com vạch trần bản chất về sự hỗn tạp của thị trường dạy IELTS ở Việt Nam cùng những kinh nghiệm cá nhân để tự ôn luyện IELTS và đạt tới band điểm 8.5. Trong ebook, Kiên Trần có đưa ảnh chụp bảng điểm IELTS cá nhân của mình vào để chứng minh.
Sau đó, bản thảo quyển ebook này được phía công ty sách Saigon Books đón nhận và xuất bản thành sách giấy, tạo nên một hiện tượng lớn trong lĩnh vực xuất bản sách học tiếng Anh. Tiếp nối thành công trên, Kiên Trần viết tiếp một số quyển sách về tư duy (mindset) như Chuyến Tàu Một Chiều Không Trở Lại, Lập Trình Quỹ Đạo Cuộc Đời, và mới đây nhất (sau Tết) là quyển Đừng Chạy Theo Đám Đông.
Trên Facebook cá nhân, Kiên Trần thường xuyên chia sẻ những status về đổi mới tư duy với những quan điểm cá nhân khác biệt đám đông về phát triển bản thân, chuyện ăn uống khoa học, tập thể dục, học tập và đi làm v.v. Từ đó, Kiên Trần sở hữu được một lượng người theo dõi rất lớn tầm khoảng 100K followers ở Facebook (hiện tại đã ẩn đi) và nhiều người hâm mộ theo dõi, bình luận và chia sẻ những status trên.
Mình là ai?
Mình là một người hâm mộ (có thể gọi là fan) của Kiên Trần từ những năm 2014 khi đọc quyển ebook “Kien Tran’s IELTS Handbook” kể trên. Tất nhiên, ban đầu mình đọc cũng vì ấn tượng điểm số IELTS 8.5 quá cao của bạn này, đặc biệt là phần Speaking tới 8.5 còn Writing 9.0 là 2 phần mình yếu nhất. Sau đó khi chưa kịp thi IELTS thì mình từ bỏ ý định tìm học bổng du học vì đã có một vị trí công việc ổn định, môi trường làm việc chuyên môn cũng không yêu cầu bằng cấp tiếng Anh nên từ đó mình cũng không dành thời gian quá nhiều cho việc học tiếng Anh. Nhưng quyển ebook trên với mình là một sự khai sáng về quan niệm học tiếng Anh và khi đọc mình bị mind-blowing (bùng nổ tâm trí) khá nhiều.
Sau đó, mình theo dõi Kiên Trần trên Facebook vì rất ấn tượng với những gì bạn chia sẻ, từ việc tập thể dục, ăn uống dinh dưỡng tới tự học piano. Mình không chỉ hâm mộ mà còn là ngưỡng mộ Kiên Trần ở 3 phương diện: tài năng, tư duy và cả lối sống.
Có thể tự nhận là một fan chính hiệu của Kiên Trần khi đã mua hết tất cả các ebook học tiếng Anh lẫn 4 quyển sách giấy bạn xuất bản. Khi có bạn bè, người quen nào có nhu cầu học IELTS thì mình đều giới thiệu website của Kiên Trần để tải bản ebook về đọc và mua thêm các ebook khác nếu cần. Từ mình giới thiệu, cũng có tầm chục bạn người quen của mình cũng thành fan của Kiên Trần trên Facebook.
Diễn biến scandal Kiên Trần như thế nào?
- Trong group Tự học IELTS 9.0, một nick ẩn danh có tên “Canomile Phan” đăng một bài bóc phốt chuyện Kiên Trần fake bằng với những minh chứng cho thấy hình ảnh tấm bằng đã qua chỉnh sửa và không giống với bằng IELTS thực tế. Hình ảnh chiếc bằng fake trên nằm trong quyển ebook “Kien Tran’s IELTS Handbook”.
- Sau phốt trên, Kiên Trần tiến hành xóa toàn bộ website cá nhân – nơi đăng tải quyển ebook và cũng là nơi bán ebook học IELTS, audio phát triển bản thân. Trên Facebook, Kiên Trần tiến hành khóa bình luận từ người lạ và ẩn luôn số lượng followers của bạn.
- Nick Canomile tiếp tục đăng đàn bóc phốt tập 2 để dập Kiên Trần vì sau bài đầu tiên từ phía Kiên Trần không có động thái gì và hoàn toàn im lặng trên Facebook cá nhân. Quá trình này kéo dài khoảng 10 ngày, và sau đó Kiên Trần viết một series 3 bài trên Facebook để giải thích lý do đồng thời thông báo chính thức nghỉ chơi Facebook.
- Trong nội dung 3 bài viết đó, Kiên Trần không trực tiếp thừa nhận việc bằng là real hay fake mà tập trung vào câu chuyện drama tình anh em giữa Kiên Trần và Tú Anh – Phan Quỳnh để bóc phốt ngược lại chính Tú Anh (bạn cùng nhà ở Canada với Kiên ngày trước) là người đầu têu mọi chuyện đã dụ dỗ KT vào con đường sai lầm ngay từ đầu (làm giả bảng điểm) để viral quyển ebook IELTS, đồng thời Tú Anh cũng thông đồng với Phan Quỳnh chuyện hợp đồng hôn nhân, cả hai đều hợp tác để chơi xấu KT.
- Trước đó, Phan Quỳnh bị dính phốt làm giả bảng điểm IELTS để tạo tên tuổi chiêu mộ học sinh, cũng như ăn cắp nội dung trong sách của Kiên Trần ra dạy nên từng bị Kiên lên án, và hiện truyền thông đang lên án ì xèo.
Tóm gọn lại là một câu chuyện hết sức drama trong mối quan hệ tay ba Kiên Trần – Tú Anh – Phan Quỳnh và cả ba cùng nhau dìm nhau xuống.
Nhận xét cách xử lý khủng hoảng truyền thông của Kiên Trần
Ở góc độ của một người từng học và làm truyền thông, mình sẽ nhận xét đôi chút về cách xử lý khủng hoảng của Kiên Trần.
Trong scandal trên, mũi dùi dư luận đang tập trung việc Kiên Trần fake bằng (hay fake điểm) để tạo dựng tên tuổi, từ bán sách tiếng Anh cho đến ebook IELTS. Quyển IETLS Handbooks cũng như các quyển ebook IELTS khác của Kiên Trần chính là nền tảng xây dựng nên thương hiệu và sự nổi tiếng của bạn sau này. Việc fake bằng được số đông xem như là “lừa đảo” sự tin tưởng của người hâm mộ để kiếm tiền.
Đối với Kiên Trần, đây là một cuộc khủng hoảng truyền thông thật sự.
Về bản chất, việc làm của Kiên Trần hoàn toàn sai và ngay cả mình cũng không chấp nhận được hành vi đổi trắng thay đen. Trong PR thì đây được gọi là black PR, đi lên bằng chiêu trò không trong sạch, y như cách mà cánh nghệ sĩ showbiz vẫn thường dùng để tạo scandal thu hút sự quan tâm của công chúng.
Trong showbiz, bạn có thể từng chứng kiến những nghệ sĩ gặp phải tai tiếng phải họp báo công khai xin lỗi dư luận và báo giới. Đây là một trong những cách tốt nhất để xử lý khủng hoảng truyền thông, thay vì im lặng và trốn tránh.
Tương tự, hướng xử lý khủng hoảng truyền thống tốt nhất trong case study của Kiên Trần là bạn nên thừa nhận lỗi sai của mình ngày trước và show bảng điểm thật, đồng thời xin lỗi với độc giả đã tin tưởng mua sách cũng như fan đã ủng hộ Kiên Trần bấy lâu nay, cũng như chịu trách nhiệm về hành động của mình một cách cụ thể (qua hành động) chứ không chỉ bằng lời nói. Bởi lẽ, khi bạn làm sai, bạn chỉ xin lỗi công chúng thôi thì chưa đủ mà cần có hành động chứng mình.
Theo đề xuất của mình, hành động chịu trách nhiệm này có thể là:
- Hoàn trả lại tiền tác quyền sách cho Saigon Books. Xem như bạn không nhận được lợi ích vật chất (bằng hiện kim) từ quyển sách IELTS Handbook đã xuất bản.
- Làm việc lại với phía Saigon Books và cam kết hoàn tiền lại cho người mua sách (dựa trên số tiền trên bill họ trả) nếu có độc giả muốn được hoàn tiền. Còn chi phí hoàn thì Kiên Trần phải thương lượng lại với phía SGB.
Thực tế mình ủng hộ cách xử lý khủng hoảng theo hướng này, có gì thì show ra thật là tốt nhất. Bởi lẽ đánh người chạy đi chứ không ai đánh kẻ chạy lại, với một người thành tâm nhận lỗi thì dư luận sẽ được hạ hỏa phần nào rồi cũng bỏ qua, từ từ qua thời gian họ cũng quên đi, cái họ nhớ cuối cùng là người đó làm sai và đã nhận sai.
Tuy nhiên, cách Kiên Trần xử lý khủng hoảng ngược lại, không trực tiếp nhận lỗi mà còn gián tiếp sử dụng ngôn từ được vận dụng triệt để marketing và tâm lý học (với một thái độ rất trịch thượng) để bẻ lái dư luận qua câu chuyện drama của Tú Anh và Phan Quỳnh. Kiên Trần gián tiếp đổ lỗi cái sai của mình do 2 con người đó mà ra, và vô tình rơi vào khá nhiều lỗi ngụy biện khi nói vì sao ở Việt Nam có nhiều quan chức bằng cấp giả đầy ra, họ sai được mà tôi lại không được sai? Từ đầu tới cuối series 3 bài viết đó, Kiên Trần không nhận lỗi về phần mình mà đổ lỗi hết người này tới người khác, cho thị trường, cho hoàn cảnh, cho mục đích cao đẹp mình muốn thực hiện v.v. và có phần tự cao khi cho rằng “bàn tay mình chạm đâu cũng hóa vàng” chứ không cần tới mớ tiền bản quyền bán sách hay ebook.
Đây cũng là điều mình thất vọng khá nhiều ở Kiên Trần trong sự việc lần này. Bởi trong quyển sách “Đừng Chạy Theo Đám Đông”, bạn từng chia sẻ không nên chạy theo bằng cấp vì bằng cấp không có giá trị, và cũng đừng chạy theo sự nổi tiếng như đám đông. Nhưng bây giờ, cách hành xử của bạn ngược lại khi chính bạn đang là người chạy theo bằng cấp và sự nổi tiếng ngay từ đầu để xây dựng được thành quả của ngày hôm nay.
Trong thời gian này, từ vụ của Phan Quỳnh và Kiên Trần, hàng loạt giáo viên IELTS nổi đình nổi đám hơn chục năm nay như Ngọc Bách, Dương Chí Vinh (cả hai từng lên VTV) và hàng tá người khác lần lượt bị bóc phốt sử dụng bằng fake điểm, thậm chí có người còn chưa thi IELTS bao giờ nhưng vẫn soạn tài liệu IELTS để bán và dạy IELTS bao nhiêu năm qua, thu mỗi khóa từ vài triệu đến cả chục triệu đồng.
IELTS như một ngành công nghiệp hết sức bát nháo và hỗn loạn, mà Kiên Trần xuất hiện trong vai trò một người muốn chứng minh cho cộng đồng học tiếng Anh thấy họ đang đốt tiền cho những lò luyện thi IELTS như thế nào. Tuy nhiên, phương tiện Kiên Trần lựa chọn là một chiến lược black PR để tạo dựng tên tuổi mình nên vốn dĩ đã sai ngay từ đầu. Không thể phủ nhận được tài năng và tư duy của Kiên Trần, nhưng một cái cây không có gốc rễ vững vàng hay một cái nhà không có nền móng vững chắc thì sẽ có ngày nó bị sụp đổ.
Về case study của Kiên Trần, có 3 câu nói hay có thể tóm gọn lại:
- Xưa nay, người tài giỏi mà bại hoại, là vì tính kiêu. (Tăng Quốc Phiên)
- Nền không chắc mà tường cao… thì sự đổ nát đã nằm sẵn ở đó rồi. (Hậu Hán Thư)
- Sống với người bạn thân, phải phòng lúc họ hết thân, và biến thành kẻ thù của mình. (Richelieu)
Một góc nhìn khác về đơn vị phát hành sách của Kiên Trần
Trong scandal lần này, đơn vị phát hành sách của Kiên Trần là Saigon Books cũng bị vạ lây trong cuộc bóc phốt và tẩy chay của cộng đồng mạng khá dữ dội. Bản thân mình cũng từng làm việc ở một công ty sách nên có sự am hiểu nhất định về tính chất của ngành. Cho nên, mình sẽ chia sẻ một góc nhìn khác để bạn thấy được thiệt hại của họ trong scandal này.
Trước hết, bạn cần tách bạch 3 chủ thể sau đây:
- Kiên Trần – tác giả quyển sách
- Saigon Books – công ty sách mua bản quyền bản thảo sách của Kiên Trần và thực hiện việc dàn trang, thiết kế, xin giấy phép xuất bản và marketing tới độc giả.
- NXB Thế giới – đơn vị in sách theo đơn đặt hàng của Saigon Books. Trước khi in thì phía NXB vẫn sẽ kiểm duyệt và biên tập lại bản thảo theo đúng quy định của Cục Xuất bản.
Thông thường, chỉ ai trong ngành sách mới hiểu chuyện này, theo luật xuất bản thì các công ty sách (tư nhân) không có quyền in ấn, phát hành sách, mà chỉ có các nhà xuất bản (nhà nước) mới được quyền với điều kiện bản thảo sách đó phải có giấy phép xuất bản của Cục Xuất bản. Lẽ vậy, trong scandal này thì NXB Thế giới vô can, nên đương sự chỉ còn (1) tác giả) với (2) công ty phát hành sách.
Ở góc độ của người làm nghề, cho dù một biên tập hay tổng biên tập có kỹ lưỡng kỹ tính thế nào, việc kiểm tra tấm bằng IELTS của một tác giả viết sách tiếng Anh là chuyện nằm ngoài chuyên môn và khuôn khổ công việc của họ. Có lẽ vì hiệu ứng hào quang quá lớn của một influencer nổi tiếng như Kiên Trần, chẳng ai nghĩ tới việc phải kiểm tra bằng IELTS của bạn ấy là thật hay giả. Mình ví dụ một tình huống tương tự cho bạn suy ngẫm, ví như bạn là nhà tuyển dụng và tiếp nhận hồ sơ xin việc của ứng viên. Bạn có rảnh quỡn tới mức đi tra xem bằng ĐH hay bằng TOEIC/IELTS của ứng viên đó là thật hay giả không? Nếu rảnh thiệt, bạn kiểm tra bằng cách nào?
Cơ bản là không có cách nào kiểm tra được ngoài việc test tình huống thực tế để đánh giá năng lực của ứng viên. Vì bạn đâu thể liên hệ trường ĐH họ từng học để kiểm chứng, hay đâu có thông tin cá nhân hay tài khoản của ứng viên để đăng nhập vô mấy trang xem điểm TOEIC/IELTS vì đây là hệ thống hoàn toàn bảo mật.
Một điểm quan trọng khác là, trong bản thảo quyển Kien Tran’s IELTS Handbook bản in thì chính Kiên Trần đã bỏ hình bảng điểm IELTS ra (có lẽ vì biết dùng bằng giả nên không dám đưa vào) thì thử hỏi phía công ty sách họ kiểm tra kiểu gì và làm sao ngờ được chuyện bằng IELTS đó là fake? Lẽ vậy, đây là một tình huống không ai mong đợi và không thể nào lường trước được.
Khi phát hành một quyển sách của tác giả trong nước, công ty sách sẽ trả cho họ 10% tiền bản quyền dựa trên giá bìa và số lượng sách in. Ví dụ, 1 quyển sách in 1.000 bản với giá 100.000/quyển –> tiền bản quyền = 10%*100K*1000 = 10.000.000đ. Như quyển “Đừng chạy theo số đông” in 20.000 bản –> 200.000.000đ tiền bản quyền (giả định giá bìa 100K cho tròn). Tuy nhiên, ở những lần tái bản sau thì tiền bản quyền tác giả nhận được chỉ 5% thôi chứ không còn 10% nữa.
Khi nhìn vào con số trên, có thể bạn thấy wow số tiền Kiên Trần nhận được quả thật quá lớn (nhưng KT vẫn hay bảo in sách tiền chẳng được bao nhiêu mà còn bị sửa lên sửa xuống, nên có lẽ với bạn ấy số này là nhỏ). Trong scandal trên, nếu Kiên Trần xử lý khủng hoảng truyền thông theo hướng mình đề xuất, thì đây là số tiền Kiên phải trả lại cho phía Saigon Books.
Nhưng có một thực tế bạn phải nhìn nhận công tâm và khách quan: Khi scandal xảy ra, Kiên Trần thiệt hại 1 (về vật chất, chứ không nói tới fame) thì Saigon Books thiệt hại tới 9.
Tại sao? Vì một quyển sách (giả định) giá bìa 100K, ví như in 10.000 quyển thì ước tính doanh thu = 100.000đ*10.000 = 1.000.000.000đ = 1 tỷ đồng. Bạn đừng nhìn vào con số 1 tỷ này mà thấy lớn, vì thực tế đó chỉ là doanh thu dự kiến. Bạn chỉ đạt được mức doanh thu này với điều kiện bán được hết sách – một chuyện rất hiếm trong lĩnh vực xuất bản nếu đó không phải là sách best-seller. Thực tế nhiều tựa sách của tác giả trong nước (hay thậm chí tác giả nước ngoài) ế dầm dề lưu kho năm này qua tháng nọ.
Một điểm nữa là thực tế bạn không bao giờ mua sách với giá bìa gốc, mà đa phần mua trên các trang thương mại điện tử như Tiki với giá đã giảm từ 20-30% giá bìa, đồng nghĩa phía công ty sách khi bán sỉ cho các đơn vị này sẽ bán với chiết khấu từ 30-40% để những đơn vị này ăn tiền chênh lệch. Đây là tính chất đặc thù trong ngành kinh doanh sách. Do vậy, doanh thu thực tế một lần nữa giảm xuống chỉ còn khoảng 600 triệu, vẫn với điều kiện phải bán hết sách hay các nhà sách, cửa hàng sách, các trang thương phải điện tử phải đặt thật nhiều đơn sách.
Giả định doanh thu đạt được là 600 triệu đi, thì 10% đã trả tiền bản quyền cho tác giả, 90% còn lại là chi phí cho các việc sau (bạn sẽ hiểu nếu là một doanh nhân khởi nghiệp):
- Lương biên tập viên
- Lương nhân viên thiết kế bìa/họa sĩ
- Lương nhân viên dàn trang
- Tiền in ấn cho NXB
- Tiền làm thủ tục xin giấy phép xuất bản
- Lương cho nhân viên marketing
Mình đi qua một số quy trình và tính chất ngành như trên để bạn hiểu được một điều là, sau khi scandal xảy ra, vì một lý do gì đó mà Cục Xuất bản bắt buộc thu hồi sách hoặc độc giả tẩy chay không mua thì doanh thu 600 triệu trên cũng tan theo mây khói, kéo theo đó là hiệu ứng domino gây hệ lụy cho cả một tập thể với bao nhiêu con người vốn dĩ không phải là “đồng thủ phạm” với Kiên Trần.
Ngành sách vốn dĩ là một lĩnh vực kinh doanh khó đạt lợi nhuận cao, chưa kể còn hiện trạng sách giả tràn lan nên đời sống của nhân viên trong ngành so với các lĩnh vực khác ở mặt bằng chung cũng chẳng khấm khá gì.
Bạn có thể là nạn nhân của Kiên Trần, và cảm thấy bị lừa đảo khi mua các quyển sách của Kiên Trần (dù là ebook hay sách giấy). Nhưng với những phân tích ở trên, mình hy vọng các bạn sẽ hiểu và thấu cảm với khó khăn của người trong nghề để có “đánh” thì “đánh” Kiên Trần, chứ đừng đi đập hay tẩy chay Saigon Books làm gì khi thực tế họ cũng là nạn nhân của Kiên Trần đấy thôi.
Khi bạn ở tâm thế của người ngoài cuộc, bị lừa mấy trăm ngàn, bạn tức thì chửi hay rủa Kiên Trần mấy câu là xả được cục tức, xem như đó là “tiền ngu” bạn mua học phí trường đời. Nhưng với một công ty như Saigon Books, ngoài mấy quyển sách Kiên Trần, họ vẫn còn rất nhiều quyển sách khác và chuyện dựa vào tên tuổi tác giả nổi tiếng để kiếm cơm cũng là lẽ thường tình.
Nếu như bảo cần thu hồi quyển Kien Tran’s IELTS Handbook, mình hoàn toàn đồng ý, và thiệt hại này thì Kiên Trần nên là người đứng ra chịu trách nhiệm và gánh vác cùng tổn thất của Saigon Books nếu bạn là một người đàn ông có trách nhiệm. Nhưng còn 3 quyển sách còn lại của Kiên Trần về tư duy, quan điểm sống, nó có thể hợp với người này, không hợp với người kia, nhưng không có lý do gì để phía Saigon Books phải thu hồi và ngưng phát hành cả.
Khi họ thu hồi và ngưng phát hành, 4 quyển sách với hàng chục ngàn bản in và tái bản, tính sơ sơ thiệt hại từ 3-5 tỷ bạc. Số tiền này không phải là nhỏ đối với một công ty sách tư nhân, nó có thể gây khánh kiệt và làm phá sản một công ty chứ chẳng phải “con bò rụng cọng lông” như mấy trăm ngàn bạn mất khi mua ebook của Kiên Trần.
Tựu trung lại, điều mình muốn gửi gắm đến độc giả là nên suy ngẫm thật kỹ về hệ quả sẽ xảy ra nếu bạn muốn ném đá bất kỳ ai. Chuyện là cọng lông với bạn có thể là con bò với người khác.
Lời kết
Bài phân tích này mình chia sẻ dưới góc độ là một người từng-thần-tượng Kiên Trần, am hiểu về lĩnh vực truyền thông & xuất bản để đưa ra nhận định khách quan. Mình không phải nhân viên hay không nhận được lợi ích nào từ Saigon Books để lên tiếng cho họ, vì blog này của mình vốn dĩ vô danh, ngày có vài trăm lượt views thì ai rảnh mà mua bài.
Đến bây giờ, có một số bạn vẫn nhiệt tình bóc phốt và lên án Kiên Trần không-mệt-mỏi và không-ngừng-nghỉ mỗi ngày, trên các fanpage hay group Facebook. Có một câu, dù thoát fan nhưng mình thấy Kiên Trần nói khá đúng trên mấy status cuối cùng, mình chỉ nhớ đại ý: Kiên Trần đã cho qua mọi chuyện nhưng nhiều bạn vẫn còn để Kiên Trần sống trong não các bạn hằng ngày.
Sau scandal này, đơn giản là mình hết hứng thú và không còn quan tâm tới Kiên Trần, và mình tiếp tục sống cuộc đời của riêng mình. Rồi xã hội hay người đời cũng sẽ lãng quên Kiên Trần, như một Bà Tưng, Công chúa Thủy Tề, Lệ Rơi trước đây.
Còn bạn, đến khi nào bạn mới buông bỏ được chấp niệm với Kiên Trần, hay vẫn cho mình là nạn nhân rồi dành dăm ba tháng hay vài năm tới để tiếp tục lên án Kiên Trần?
Cập nhật 13/07/2020:
Về chuyện FB Canomile Phan có phải là FB ảo của Phan Quỳnh hay không? Ở bài phân tích trên (viết cuối tháng 5), mình chỉ đưa ra giả định (chứ không khẳng định) vì sự nhiệt tình “lạ thường” của bạn này trong việc bóc phốt Kiên Trần từ FB cá nhân, lập group nạn nhân, fanpage cho tới tạo hẳn một blog WordPress để thu thập bằng chứng về scandal của Kiên Trần.
- Nếu FB Canomile Phan không phải là Phan Quỳnh, rất xin lỗi bạn vì mình đã kết luận vội vàng. Ý kiến của mình cũng chỉ là một nhận định cá nhân (có thể đúng hoặc sai), nếu thật sự muốn khẳng định ngay từ đầu thì mình đã đưa ra chứng cứ để chứng minh.
- Nếu FB Canomile Phan là Phan Quỳnh, mà vẫn còn đăng đàn Facebook và khắp social media bêu rếu Kiên Trần thì mình cũng công nhận… Quỳnh thù hằn KT dữ quá và rảnh thiệt.
Về nguồn gốc lời đồn, nhận định FB Canomile Phan là nick ảo của Phan Quỳnh thì mình đọc được từ một comment trong các group tiếng Anh bóc phốt ở thời điểm đó khi rất nhiều người tham gia bình luận và thấy cũng hợp lý nên lựa chọn tin theo giả thuyết đó. Còn comment của bạn nào thì chuyện từ 2 tháng trước rồi nên chẳng thể nào nhớ được.
Tựu trung lại, bởi không có gì xác thực và chỉ là nhận định cá nhân, cho nên mình tiếp nhận phản hồi của Canomile Phan và xóa các nội dung liên quan ở bài phân tích này & phần bình luận. Những phần khác mình vẫn giữ nguyên để độc giả khách quan nhận định.
Thân mến.
Chia sẻ bài viết:
Related
Từ khóa » Tự Học Ielts 8.0 Kiên Trần
-
IELTS Handbook Kiên Tran'S Hướng Dẫn Tự Học IELTS 8.5
-
Tải Trọn Bộ Sách Handbook IELTS Kien Tran's (PDF+Audio) Free
-
Kien-tran-s-handbook-huong-dan-tu-hoc-ielts-8-5 Compressed (1)
-
Hướng Dẫn Tự Học IELTS 8.5 - Thư Viện PDF
-
Tự Học IELTS 9.0 | Edit: Nhiều Bạn Nói Sách KT Hay Nên Có Giả điểm ...
-
[Ebook Siêu Hay] Cẩm Nang Tự Học IELTS - Kiên Trần - Tinhte
-
Cẩm Nang Tự Học IELTS | Tiki
-
Download Sách Cẩm Nang Tự Học IELTS-Kiên Trần Pdf Miễn Phí
-
Kien Tran's Handbook: Hướng Dẫn Tự Học IELTS 8.5
-
EBook Cẩm Nang Tự Học IELTS - Kiên Trần Full Prc Pdf Epub Azw3 ...
-
Tác Giả Sách Dạy Tiếng Anh Nổi Tiếng Kiên Trần IELTS Làm Giả Bảng ...
-
Hướng Dẫn Tự Học IELTS 8.5 (4th Edition) Kien Tran - Tài Liệu Text
-
IELTS Handbook For IELTS 8.5 (Vietnamese - Kien Tran)
-
Tự Học IELTS 8.5 Kiên Tran'S [DOWNLOAD] Miễn Phí