Những Bài Thuốc Hay Từ Cây Đơn Trắng (Hé Mọ)

Cây đơn trắng (hé mọ)

Cây đơn trắng (hé mọ)

Đặt lịch

Cây đơn trắng là một loại cây thuộc họ Cà phê (Rubiaceae) và được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: Hé mọ, Bời lời, Lấu,… Theo sự ghi nhận của giới Đông y cổ truyền, cây đơn trắng có vị nhạt, chát, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát huyết, an thai, bổ gân cốt, hỗ trợ điều trị bệnh tiêu chảy, kiết lỵ, rối loạn tiêu hóa, mẩn ngứa, viêm loét ngoài da, băng huyết, bạch đối ở nữ giới,…

cây đơn trắng
Tìm hiểu những thông tin về cây đơn trắng: Đặc điểm sinh thái, tác dụng dược lý, tính vị – quy kinh, bài thuốc chữa bệnh hay và một số lưu ý khi sử dụng

Tên gọi – Danh pháp khoa học

  • Tên gọi khác: Hé mọ, Lấu, Bồ chát, Cây men sứa, Bời lời,…
  • Tên khoa học: Psychotria reevesii Wall
  • Họ: Thuộc họ Cà phê (Rubiaceae)

Đặc điểm sinh thái của cây đơn trắng

1. Mô tả cây đơn trắng

Cây đơn trắng là loại cây thân gỗ, sống lâu năm. Chiều cao trung bình của cây chừng 1 – 9m. Thân cây nhẵn, không có gai và không có lông. Lá của cây đơn trắng có hình trứng thuôn dài, mọc đối, hẹp về phía cuống và nhọn về hai đầu. Mặt trên của lá có màu xanh sẫm và mặt dưới có màu nhạt gân. Phiến lá dài khoảng 10 – 20 cm và rộng khoảng 2 – 7cm. Gân có hình dạng xương cá và hiện rõ ở mặt dưới.

Hoa của cây đơn trắng có màu trắng nhạt và mọc thành từng chùm ở đầu cành. Quả có dạng hình cầu với đường kính khoảng 5 – 7cm. Khi chín, quả chuyển sang màu đỏ và ngả dần sang đen. Mỗi quả chia thành 2 hạch, mỗi hạch có 5 sống trên lưng và một hạt màu đen nhỏ.

Cây đơn trắng thường ra hoa và kết quả vào mùa hè, dao động từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm.

2. Cây đơn trắng phân bố nhiều ở đâu?

Cây đơn trắng là loại cây mọc hoang, xuất hiện nhiều ở một số tỉnh thành vùng trung du và miền núi nước ta. Bên cạnh đó, loại cây này cũng được trồng khá nhiều để làm cảnh hoặc bóng mát vì cây có loài hoa nhỏ đẹp, tán cây rộng.

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản

  • Bộ phận dùng: Phần rễ và lá của cây đơn trắng có bản chất dược phẩm nên được sử dụng để làm thuốc chữa bệnh.
  • Thu hái: Có thể thu hoạch quanh năm. Thu hoạch những phần rễ của cây đã trưởng thành.
  • Chế biến: Làm sạch toàn bộ dược liệu đã thu sạch bằng nước sạch để loại bỏ bụi bẩn, tạp chất và bụi bẩn. Đối với phần rễ của cây đơn trắng, sau khi được làm sạch, đem thái thành từng lát mỏng rồi đem phơi hoặc sấy khô. Còn lá cây, có thể dùng dạng tươi hoặc khô.
  • Cách bảo quản: Bảo quản dược liệu khô ở nhiệt độ phòng, nơi thoáng mát. Tốt nhất nên bảo quản trong bao bì. Thi thoảng nên đem ra phơi để tránh tình trạng mốc meo.

Thành phần hóa học của cây đơn trắng

Hiện nay, cây đơn trắng chưa được giới y học công bố cụ thể về thành phần hóa học. Tuy nhiên, trong một số xét nghiệm sơ bộ cho thấy, bộ phận rễ và lá của cây đơn trắng cho những phản ứng với hoạt chất ancaloit rất mạnh.

Tác dụng dược lý của dược liệu đơn trắng

1. Theo nghiên cứu của giới y học hiện đại

Chưa có tài liệu nghiên cứu khoa học công bố cụ thể về tác dụng dược lý của cây đơn trắng.

2. Theo sự ghi nhận của Đông y cổ truyền

Trong Đông y, dược liệu đơn trắng có công dụng và chủ trị cụ thể sau:

+ Công dụng: Cây đơn trắng có tác dụng mát huyết, thanh nhiệt, bổ gân xương cốt, an thai, hỗ trợ trị lỵ và tiêu chảy.

+ Chủ trị: Dược liệu đơn trắng có công dụng điều trị một số trường hợp sau:

  • Đau lưng, đau nhức gân cốt, nhức xương khớp;
  • Viêm tai dẫn đến đau nhức và chảy mủ;
  • Băng huyết và bạch đới ở nữ giới;
  • Đau nhức răng do bị sâu;
  • Tiêu chảy, kiết lỵ, rối loạn tiêu hóa do tiêu thụ thức ăn sống hoặc lạnh;
  • Thận yếu, thận suy;
  • Tiểu nhắt, tiểu ra máu;
  • Sốt rét;
  • Rắn cắn;
  • Mẩn ngứa, viêm loét ngoài da.
cây đơn trắng
Cây đơn trắng được ứng dụng trong nhiều bài thuốc như: trị kiết lỵ, tiêu chảy, đau nhức xương khớp, băng huyết hoặc bạch đới ở phụ nữ sau khi sinh, mẩn ngứa, viêm loét ngoài da,…

Tính vị và quy kinh của dược liệu đơn trắng

Trong một số tài liệu Đông y cổ truyền cho biết:

  • Tính vị: Đơn trắng có vị nhạt, chát, tính bình.
  • Quy kinh: Chưa có tài liệu nào trình bày về mục này.

Cách dùng và liều lượng sử dụng của đơn trắng

  • Liều dùng: Dùng 10 – 20 gram/ ngày. Liều dùng có thể thay đổi tùy vào từng đối tượng và từng bài thuốc.
  • Cách dùng: Có thể sử dụng độc vị lá, rễ cây đơn trắng hoặc kết hợp với một số vị thuốc khác ở dạng thuốc sắc hoặc nấu nước tắm, ngâm rửa vết thương. Một số trường hợp khác giã nát lá cây đơn trắng, thêm một ít nước rồi gạn lấy nước để uống.

Ứng dụng lâm sàng của vị thuốc đơn trắng

Như vừa mới đề cập, dược liệu cây đơn trắng được ứng dụng trong khá nhiều bệnh lý và dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh cụ thể. Bạn đọc có thể tham khảo và áp dụng điều trị khi cần thiết.

cây đơn trắng
Tổng hợp những bài thuốc chữa bệnh hữu hiệu từ dược liệu đơn trắng (hé mọ)

1. Bài thuốc trị rối loạn tiêu hóa do tiêu thụ thức ăn sống hoặc lạnh

  • Chuẩn bị: 15 gram rễ cây đơn trắng.
  • Cách thực hiện: Rửa sạch rồi đem sắc cùng với 250 ml nước lọc. Tiến hành đun cho đến khi lượng nước cô đặc lại còn khoảng 100ml để dùng. Dùng hết trong 1 lần và kiên trì uống liên tục trong 3 – 5 ngày.

2. Bài thuốc chữa tiêu chảy do bụng lạnh, kiết lỵ, đi ngoài ra máu

  • Chuẩn bị: 20 gram lá cây đơn trắng và 30 gram lá sim. Dùng tất cả ở dạng tươi.
  • Cách thực hiện: Mang hai nguyên liệu đã được chuẩn bị sắc cùng với 350 – 400 ml nước lọc. Tiến hành đun sôi cho đến khi lượng nước cô đặc lại còn khoảng 150ml. Uống hết trong 1 lần. Kiên trì sử dụng trong 3 – 5 ngày.

3. Bài thuốc trị chứng tiểu sẻn đỏ do nóng

  • Chuẩn bị: 16 gram lá cây đơn trắng, lá huyết dụ và rễ cây ráng mỗi vị 12 gram; 10 gram lá tiết dê cùng với 4 gram ngũ bội tử. Dùng tất cả nguyên liệu ở dạng tươi.
  • Cách thực hiện: Đem toàn bộ nguyên liệu trên rửa sạch rồi giã nát. Thêm một ít nước rồi gạn để uống. Chia phần nước thành 2 phần nhỏ để dùng vào mỗi buổi sáng và chiều tối.

4. Bài thuốc chữa băng đới, phụ nữ bị băng huyết sau khi sinh

  • Chuẩn bị: 20 gram lá đơn trắng tươi cùng với lá tiết dê và lá huyết dụ với mỗi vị là 16 gram.
  • Cách thực hiện: Làm sạch toàn bộ nguyên liệu đã được chuẩn bị rồi giã nát. Thêm một ly nước nhỏ và gạn lấy phần nước. Chia nhỏ thành 2 lần uống trong ngày. Kiên trì áp dụng liên tục trong 3 ngày.

5. Bài thuốc chữa đau nhức răng do bị sâu

  • Chuẩn bị: 50 gram lá cây đơn trắng tươi.
  • Cách thực hiện: Rửa sạch lá cây đơn trắng vừa được chuẩn bị bằng nước để loại bỏ bụi bẩn và tạp chất. Sau đó đem đun cùng với 350ml nước. Tiến hành đun trên ngọn lửa nhỏ còn chừng 100ml nước. Chắt lọc lấy phần nước và chia thành 3 phần nhỏ để uống trong ngày. Uống thuốc cho đến khi chứng đau răng thuyên giảm hoàn toàn.

6. Bài thuốc hỗ trợ điều trị sốt rét

  • Chuẩn bị: Lá cây đơn trắng và lá na mỗi vị 40 gram; 30 gram vỏ cây gòn cùng với 20 gram lá thường sơn.
  • Cách thực hiện: Làm sạch toàn bộ những nguyên liệu trên, sau đó thái nhỏ rồi đem phơi khô. Khi dược liệu đã khô, đem sao vàng hạ thổ rồi đem sắc cùng với 500 – 600 ml nước lọc còn chừng 150 – 200ml nước. Chắt lọc lấy phần nước cốt rồi chia thành 3 lần uống trong ngày.

7. Bài thuốc chữa mẩn ngứa, vết thương chảy máu

  • Chuẩn bị: Một nắm lá cây đơn trắng.
  • Cách thực hiện: Làm sạch một nắm lá đơn trắng rồi thái thành từng đoạn nhỏ. Sau đó đem sắc đặc để lấy nước tắm hoặc ngâm rửa vết thương. Áp dụng mỗi ngày 3 – 4 lần và kiên trì thực hiện cho đến khi vết thương lành hẳn.

Một số lưu ý khi sử dụng bài thuốc từ cây đơn trắng

Trong quá trình sử dụng các bài thuốc từ cây đơn trắng, người dùng cần lưu ý đến một số vấn đề sau:

  • Người bị dị ứng hoặc mẫn cảm với một số thành phần có trong dược liệu đơn trắng, tuyệt đối không nên sử dụng. Nếu sử dụng, có thể gây ra một số trường hợp rủi ro làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe;
  • Tuyệt đối không sử dụng nước sắc từ cây đơn trắng để tắm cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. Bởi thời điểm này, làn da của trẻ còn khá nhạy cảm và dễ bị kích ứng;
  • Các đối tượng bị viêm loét dạ dày hoặc mắc phải các bệnh về tim mạch không nên uống nước sắc từ cây đơn trắng.

Trên đây là những thông tin liên quan đến dược liệu cây đơn trắng: Đặc điểm, tác dụng dược lý, tính vị, quy kinh và một số bài thuốc chữa bệnh hay. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho bạn đọc trong việc cải thiện và bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, loại dược liệu này chưa được giới Y học hiện đại nghiên cứu và chứng minh cụ thể. Do đó, người bệnh không nên tự ý sử dụng khi chưa có sự cho phép của bác sĩ hoặc lương y.

Thuocdantoc.vn không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Những thông tin hữu ích cho bạn đọc:

  • Cây xuyến chi có tác dụng gì với sức khoẻ?
  • Cây cỏ sữa lá nhỏ: Các bài thuốc thường dùng và lưu ý
  • Cây atiso: Công dụng với sức khoẻ và cách dùng

Từ khóa » Cây đơn Núi