Những Bản án Tử Hình Nổi Tiếng ở Mỹ - VnExpress

Vụ án phù thuỷ ở Salem

Trước khi Hợp chủng quốc Hoa Kỳ thành lập, nhiều người Mỹ đã bị kết án tử hình. Năm 1692, 19 người bị treo cổ ở Salem, bang Massachusetts sau khi bị quy kết làm phù thuỷ. Nhiều người khác đã chết trong tù trước khi được đem ra xét xử công khai và một người bị hành quyết sau khi lấy cung bằng cách đè đá lớn lên ngực.

Đợi tới khi sự phẫn nộ của dân chúng về các phù thuỷ lắng xuống, thống đốc bang Massachusetts, ông William Phips, mới ra lệnh rằng những bằng chứng mơ hồ dựa vào các bóng ma sẽ không được công nhận trước toà.

William Kemmler

Vào thế kỷ 19, số án tử hình tăng lên khi nước Mỹ khai phá miền Tây và tình trạng coi thường pháp luật ngày càng trầm trọng. Nhiều phương pháp hành quyết, như phòng hơi ngạt, ghế điện được phát minh để giảm bớt sự đau đớn cho can phạm.

Ngày 6/8/1890, William Kemmler là người đầu tiên bị xử tử bằng ghế điện tại nhà tù Auburn ở New York.

Sacco và Vanzetti

Hai người Mỹ gốc Italia, Nicola Sacco và Bartolomeo Vanzetti, đã trở nên nổi danh khi họ bị kết tội giết chết hai người đàn ông năm 1921 trong một vụ cướp ở Braintree, Massachusetts.

Năm 1925, Celestino Medeiros, kẻ thú nhận là thủ phạm vụ giết người này và cũng bị kết án tử hình, để lại một bức thư trong đó cho biết Sacco và Vanzetti không dính dáng gì đến vụ án. Nhưng ngày 23/8/1927, sau một loạt phiên toà phúc thẩm, hai người đó vẫn bị xử tử. Những lời cuối cùng của Vanzetti là: "Tôi ước ao được nói với các bạn là tôi vô tội". Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra ở một số thành phố sau việc hành quyết. Một số nhà văn có tên tuổi, gồm cả Dorothy Parker, đã bị bắt giữ vì phản đối. Nhà của người thi hành án, đao phủ Robert Elliott và quan toà, Webster Thayer đều bị đánh bom nhưng không ai bị thương.

Ruth Snyder

Snyder, một phụ nữ nội trợ ở Queens, NewYork và người tình của cô ta, Judd Gray, đã ám sát chồng mình, ông Albert.

Ngày 12/1/1928, Snyder bị tử hình tại nhà tù Sing Sing, NewYork. Nhà nhiếp ảnh Thomas Howard đã chụp được một bức ảnh vào thời điểm phạm nhân chết bằng một máy quay cực nhỏ gắn chặt vào mắt cá chân của mình. Tờ New York Daily News đã đăng bức ảnh này và bán hết 750.000 bản trong ngày nhưng suýt nữa phải hầu toà vì việc trên.

Bruno Hauptmann

Charles Lindbergh trở thành một trong những người đàn ông nổi tiếng nhất thế giới khi một mình vượt Đại Tây Dương năm 1927. 5 năm sau, con trai của ông, bé Charles Jr, bị Hauptmann bắt cóc ngay trong phòng ngủ của gia đình tại Đông Amwell, bang New Jersey. Hauptmann để lại lời nhắn đòi tiền chuộc 50.000 USD. Mặc dù tiền chuộc đã được đưa, đứa trẻ vẫn bị giết và xác được tìm thấy trong một khu rừng gần đấy.

Hauptmann, bị kết án năm 1935 sau “phiên toà thế kỷ” mặc dù anh ta chưa từng nhận tội. Hauptmann đã chết trên ghế điện ngày 3/4/1936.

Ethel và Julius Rosenberg

Vào cao điểm của chiến tranh lạnh và cuộc săn tìm chống cộng, một cặp vợ chồng người Isareal đã bị tử hình ngày 21/6/1953, do bị buộc tội trao các tài liệu mật về bom nguyên tử của Mỹ cho Liên Xô cũ. Các bằng chứng chống lại Julius Rosenberg khá rõ ràng và sau này được chứng minh bằng các ghi chép của một số nhà lãnh đạo Xô-Viết. Tuy nhiên, có rất ít chứng cứ kết tội người vợ, Ethel. Đây cũng là vụ xử tử phụ nữ đầu tiên của Mỹ sau vụ Mary Surratt bị treo cổ vì tham gia ám sát tổng thống Mỹ Abraham Lincoln.

Gary Gilmore

Trong những năm 50 và 60, 10 bang, gồm cả bang Michigan, NewYork đã xoá bỏ án tử hình và mức tử hình trên toàn nước Mỹ bắt đầu giảm xuống. Năm 1968, ngừng áp dụng hình phạt tử hình. Năm 1972, Toà án tối cao đã ra quyết định: “Việc áp dụng hình phạt xử tử là một cách trừng phạt nhẫn tâm”. Nhưng đáp lại, 35 bang đã soạn thảo quy chế mới về án tử hình. Do đó, năm 1976, Toà án tối cao phải thay đổi cách nghĩ của mình, quy định xử tử sẽ không vi phạm Hiến pháp, miễn là có “sự suy xét kỹ càng hợp lý” trước khi định án.

Tháng 10/1976, Gary Gilmore bị kết án tử hình do giết hai người ở Utah. Gilmore đã không thể chịu nổi cảnh tù ngục gần suốt quãng đời của mình nên đã thôi không kháng án. Hiệp hội Nhân quyền Mỹ, mặc dù không được chấp thuận, đã nhân danh anh ta tiếp tục kháng án. Tuy nhiên, ngày 17/1/1977, Gilmore vẫn bị xử tử tại trường bắn.

Robert Alton Harris

Năm 1979, Harris bị kết án tử hình vì giết hai nam thiếu niên khi ăn trộm chiếc ôtô của họ. Ngày 21/4/1992, Harris bị đưa vào phòng hơi ngạt tại nhà tù San Quentin State, bang California. Câu nói cuối cùng của Harris là: “Anh có thể là một ông vua hay một kẻ quét đường, nhưng ai cũng phải đối mặt với thần chết vô tâm”. Một quan toà liên bang đã đề nghị quay phim thời điểm tử hình để xem xét đó có phải là “cách trừng phạt tàn nhẫn và bất thường” không. Cuốn băng sau đó đã bị huỷ.

Karla Faye Tucker

Tucker, một gái đứng đường và nghiện ma tuý cùng với bạn trai của mình đã đập chết hai người bằng dùi cui, năm 1983. Trong khi chờ thi hành bản án tử hình, cô ta trở thành một con chiên của đạo Cơ đốc và được em trai của một trong hai nạn nhân tha thứ. Nhưng George W. Bush, thống đốc bang Texax, đã từ chối việc ân xá cho cô ta.

Một nhóm phụ nữ và những người truyền giáo đã cố gắng tìm cách cứu Tucker khỏi án tử hình. Tuy nhiên, tháng 2/1998, bản án vẫn được thực hiện bằng tiêm thuốc độc.

Gary Graham

Khoảng giữa giai đoạn vận động bầu cử tổng thống, George W. Bush đã từ chối ân xá cho Graham. Dư luận có nhiều nghi vấn xung quanh những bằng chứng buộc tội Graham giết một người đàn ông da trắng. Tình tiết khẩu súng mà cảnh sát tìm thấy trên người Graham không thể bắn ra viên đạn giết người đã không được đưa ra trước bồi thẩm đoàn.

Luật sư của Graham, ông Richard Bur (vừa qua là đại diện cho McVeigh), nói: “Tôi thực sự tin rằng người đàn ông này vô tội và tôi tin rằng nếu anh ta vô tội thì chúng ta sẽ là kẻ giết người, mà nạn nhân là anh ta”. Graham bị hành quyết ngày 22/6/2000 bằng thuốc độc ở Huntstville, bang Texas.

Mai Chi

Từ khóa » Những Tội Bị Tử Hình ở Mỹ