Những Bến Sông Vui - Người Đô Thị

Em nói bến sông ông Út rất nhiều cá chim trắng.

Tôi hình dung về những hàm răng nhọn vượt càn lên đồng loại để sinh tồn quá mức cần thiết. Những miếng thức ăn từ thiện nuôi lớn đàn cá chim trắng phải chăng là gián tiếp làm nghèo thêm những bến sông?

Những bến sông từ chục năm nay vốn đã quá nghèo nàn. Nào phải đâu Cửu Long hoàn toàn kiệt nước. Đàn cá nghèo nàn bởi những cánh đồng lúa bạt ngàn cần diệt những đàn ốc bươu vàng. Những dòng nước nhiễm độc từ ruộng chảy tới đâu cá, cua, lươn, trạch trồi đầu lật bụng tới đó. Những xiệc xung điện lạnh bán kính hàng đôi ba chục mét diệt cả trứng cá. Dòng Cửu Long ngọt lành trôi miên man kia đã sắp trở thành dòng sông chết.

Sự sống bỗng trở về bởi đâu đó những anh Năm Đặng, Năm Cường, Hữu Tâm từ khắp các dòng kênh của An Giang giữ những bến sông vui cho những đàn cá tự nhiên. Các anh chất chà để làm nhà cho cá, bỏ tiền mua thức ăn, bỏ thời gian ngồi canh chừng đàn cá trước những vòi xung điện không ngừng quơ quàu lùa hốt. Những đàn cá tự nhiên thân thiện với con người lớn dần, lan ra từng thước nước dài theo vùng đất tâm linh.  

Một ngày tôi nghe bến sông hung hãn Vàm Nao cũng đã cầm chân được một đàn cá mới. Nhưng cái thông tin về đàn cá chim trắng làm tôi vô cùng ái ngại. Phải chăng lòng nhân bất chấp lợi hại?

Chủ nhân của bến sông đã tốn khá nhiều tiền và tâm trí để có cách xóc những cọc sao, cọc sắt giữ đất. Bến Vàm Nao hẳm đứng. Mực nước ròng lùi xa, sâu gần hai mươi thước. Ngã ba sông lừng danh trong sách sử bởi sự hung hãn của con nước mỗi mùa lũ tràn về. Người đàn ông nhỏ nhắn đen đúa vẫn dành tiền tỷ để mua một bến dài trên voi đất ấy cho đàn cá ở. Bởi ông cậy mình dân sông nước: “Tôi có ba chiếc sà lan, tôi sẽ bỏ đá xuống bến này để giữ đất, giữ cát. Nơi này cá ở rất thuận”. Người đàn ông từng bữa sống bằng cơm trắng với rau cải dưa cà đã dùng gần như cả tuổi trung niên của mình để thả từng tấn cá xuống sông. Người ngồi nhìn những đàn cá vừa được thả ở khúc trên trôi xuống khúc dưới đã bị cào xiệc xung điện bắt gần như trọn bầy. “Giống như mình tự tay đổ từng đàn cá vào lưới điện của họ vậy”, ông Út tự sự. Sông dài cá lội biệt tăm nhưng dòng Cửu Long chín nhánh với hàng trăm ngàn kinh rạch chằng chịt mà những con cá tìm mãn đời không có chốn dung thân. Ông Út thấy xót xa. Ông nghĩ cách để cứu những đàn cá.   

Những bến sông nhộn nhịp cá của anh Năm Cường, Năm Đặng từ những bài báo đã len lỏi thông tin về bến Vàm Nao. Ông Út nghĩ họ làm được mình cũng làm được, và ông bắt tay vô mở rộng bến nước của mình, be bờ, thả lục bình, rải thức ăn.

Ông Út bắt đầu buổi cho cá ăn trên bến sông Vàm Nao. Ảnh: Võ Diệu Thanh

“Nó là những con cá dữ” - Ông Út nói về đàn cá chim trắng đang ngự trị dưới sông - “Người ta biểu tôi bắt chúng nó đi, diệt chúng nó để những con cá khác còn đất sống. Mình chay lạt thiện lành, cứu con hiền cũng không thể nào diệt con dữ được. Nhưng thức ăn rải xuống bao nhiêu nó đớp hết bấy nhiêu bởi nó mạnh lắm. Nó lớn nhanh không tả được. Những con cá khác bị hất bên lề. Tôi mất ăn mất ngủ. Ba tháng nay, từ khi bầy cá về,  tôi bỏ công ăn việc làm, chiều nào tôi cũng xuống bến ngồi suốt từ bốn giờ tới tối. Tôi nhìn sông, nhìn nước rồi nhìn bầy cá. Nắm thức ăn trong tay mà tôi không biết phải làm gì. Lúc mua bến sông, lúc chất chà vái bà cậu cho cá về để tôi hoạn dưỡng chăm nom, tôi chỉ mong được dưỡng chúng chớ nào nghĩ xa gần. Giờ cá về rồi nhưng đầy những con cá hung hăng. Tôi không biết mình nên tiếp tục hoạn dưỡng cách nào để bầy cá chim trắng nó không lớn nhanh, để những con cá khác còn chỗ sống”.

Ông Út ngồi rải từng hạt thức ăn xuống nước, hồn hậu kể tiếp: “Đó là cách tôi cho bầy cá he ăn. Mất ăn mất ngủ để tìm cách, cuối cùng cũng có cách. Trên bến nước này, bầy cá phân vùng cát cứ lãnh địa của mình…”.   Ông ngưng giọng kể, chỉ cho tôi lãnh địa của từng loại cá. Bãi nước trống giữa bến là nơi đàn cá he lặng lẽ kiếm mồi xen với những cơn sóng tranh chấp bạo tàn của đàn cá chim trắng. Cạnh đó, phía trong bờ là nơi kiếm ăn của những con cá lòng tong, cá rô, có trê, cá lóc...  Ven những đám lục bình dài lên đầu trên của bến là nơi kiếm ăn của đàn cá tra.  

Nếu như ở bến sông nhà anh Năm Đặng cá tra là chúa tể, nó chiếm gần trọn phần trọng đại của bến nước thì tại bến Vàm Nao của ông Út, cá tra hiền từ nép bên những đám lục bình: “Nhìn nó ốm đói tôi biết nó không được ăn, rất thương mà không biết làm sao để cho nó ăn vì nó sợ bầy cá chim trắng. Giờ biết cách rồi. Khi nước lớn mạnh nhất, tôi thả mồi trộn với đất cho mồi chìm sâu dưới đáy. Tôi báo cho mấy con cá tra đang trốn dưới lục bình biết là đã tới giờ ăn. Nó trồi lên từ từ, tôi rải mồi xen với lục bình. Vậy là nó chen lục bình mà ăn. Sự ăn của bầy cá tra coi ra cũng còn nhọc nhằn. Nhìn nó ốm đói tôi lại tiếp tục thử nghiệm những cách khác. Nhờ những bữa ngồi dưới bến tới chiều tới tối, rải thức ăn lai rai mà tôi phát hiện, khi nước lớn nhiều, tối trời, bầy chim trắng đi đâu hết không biết, đàn cá tra bắt đầu về ăn mạnh dạn hơn. Chúng lấn ra bãi nước nơi cá chim trắng hay kiếm mồi để ăn. Chúng tràn trắng mặt nước, tràn lên nhau mà ăn mạnh dạn. Đàn cá chim trắng không hay biết gì hết”.

Khi con nước ròng vừa chững lại, nước đứng mình để chuyển sang con nước lớn thì ông Út bắt đầu buổi cho cá ăn của mình. Đầu tiên ông tỉ mẩn rải từng nhúm thức ăn nhỏ như hạt ớt trên mặt nước: “Loại này là thức ăn cỡ nhỏ, mắc lắm, tôi mua để nuôi bầy cá lòng tong, cá trê con. Rải ven bờ, nhè nhẹ thôi. Xong rồi thì rải cho cá he ở xa hơn, nhưng cũng rải thiệt ít. Tôi phát hiện cá chim bắt hơi chậm hơn cá he. Khi rải ít nó không biết có mồi nên không tràn tới giành giật. Tôi ngồi cho ăn thật chậm. Để cá he được ăn thật no rồi mới cho cá chim ăn. Tôi hi vọng khi bầy cá he đủ lớn, đủ nhiều nó sẽ không còn sợ bầy cá chim trắng nữa mà có thể ăn uống tự do hơn”.

Nghe ông Út nói, tôi nhớ đàn cá nhà anh Năm Đặng. Nếu rải thức ăn ồ ạt, mặt nước sẽ dậy sóng bởi đàn cá tra khỏe mạnh đầy gai nhọn. Cá tra bò lên nhau mà tìm thức ăn. Chúng bò cả vào tay người. Nhưng khi thức ăn ít dần, cá tra lui đi dần thì những con cá mè vinh, cá rô, cá lòng tong bắt đầu xuất hiện, chúng lặng lẽ lụm những miếng thức ăn thừa. Nếu muốn nuôi dưỡng những con cá trắng hiền lành, người nuôi cá phải tinh ý đừng đánh động đám cá mạnh sức háo ăn bằng cách rải mồi ồ ạt.  

Tác giả Võ Diệu Thanh (đeo kính) trải nghiệm cho cá ăn tại bến sông nhà anh Năm Đặng. Hơn một năm nay, đàn cá tra tự nhiên hàng ngàn con đã kéo đến và ở lại đến nay. Ảnh: Văn Hai

Ông Út cho cá ăn mà cũng giống như ngồi thiền định vậy. Nhẩn nha bón từng hạt nhỏ. Đàn cá chim bị đánh lừa. Nó thấy nơi đó không có gì đáng bận tâm nên còn lục lạo cái hàm răng nhọn mạnh khỏe của nó đâu đó dưới đáy sông. Đàn cá he rủ nhau lặng lẽ nổi đỏ mặt nước, lặng lẽ chờ đợi từng miếng mồi. Nó đang ăn mà tưởng như nó đang ngồi thiền cùng người cho ăn. Lặng lẽ đớp một miếng nhỏ rồi lặng lẽ chờ đợi.

Nhìn cách ăn uống hiền lành của đàn cá he mà thấy thương. Ông Út cũng vì thương mà bỏ công ăn, việc làm, kỳ công ngồi bón từng hạt thức ăn cho nó. Ông nói nó hiền lắm, ăn no là lặn hà, không có giành giật kiểu như bầy cá chim. Bầy cá chim giống như những cái túi tham vậy, ăn bao nhiêu nó cũng chẳng thấy no.  Người ta thường thương những kẻ hiền. Người ta muốn tận diệt đàn cá chim trắng hung hăng, ông Út lắc đầu: “Hiền dữ gì cũng thương. Tại nó là con vật mà, nó khờ lắm. Phải bảo vệ nó. Đều là những sinh mạng cả. Tôi muốn tập luyện sao cho đàn cá có thể sống hòa đồng với nhau trên bến nước này”.

Vậy rồi người nhẩn nha, cá cũng nhẩn nha. Họ sống như đang dạo trên một miền nên thơ trong trẻo. Giữa tao nhã nhàn tản đó, bầy cá chim trắng thành ngoại cuộc. Nanh nhọn không có đất dụng võ. Những cái nanh không phải đã hết hung hăng mà chẳng qua nó không thèm nỗ lực đấu đá khi quanh quất chỉ là những nguồn lợi chẳng đáng bận lòng. Bầy cá tra vốn phàm phu tục tử cũng lặng lẽ nép một bên. Đợi khi ông Út thả những hạt mồi cuối cùng, những cái mõm phàm ăn mới từ tốn chen lục bình mút từng viên thức ăn nhỏ lẻ. Tất cả đều hồn nhiên như trẻ con. Ông Út biến những chiến binh giáo dài gươm nhọn phải xếp hàng yên ả sống. 

Đàn cá hàng ngàn con tụ về bến sông của anh Năm Đặng và ông Út. Clip do tác giả Võ Diệu Thanh thực hiện

Nhìn cách những người hàng xóm của ông Út hí hửng ngồi coi cá ăn như coi cảnh đẹp, hí hửng đổ những thùng cá phóng sinh xuống bến bằng tất cả niềm tin là cá sẽ có cuộc sống tốt hơn ở bến sông này thì ta sẽ thấy dòng sông đang cựa mình nói những tiếng nói thiện lương. Những tiếng nói nhẹ nhàng mà đi sâu vào nhận thức của bao người. Những tấn cá phóng sinh có chốn nương thân, để nó lớn, để nó đi tìm những mùa sinh sản mới của mình.

Dòng Vàm Nao rộng lớn đang cuồn cuộn một sức sống ngầm, lặng thầm mà mạnh mẽ. Nó như đang kể với nhân gian một câu chuyện dài về cuộc đồng hành của lòng người và tạo hóa. Vũ trụ mênh mông dung chứa muôn loài. Lòng người khoan dung sẽ rộng ngang bằng vũ trụ. Dẫu cuộc biến thiên không dừng có thể làm cho biển cả hóa nương dâu thì lòng khoan dung của tình người vẫn đọng lại đó muôn đời, tô điểm cho thế giới bằng những dòng sắc màu thầm lặng cuộn trào sức sống. 

Những bến sông sống trở lại, vui trở lại, giàu có trở lại từ những lan tỏa chân chất ngọt lành. Những bến sông vui sẽ còn mở rộng hơn, dài ra theo thời gian, dài theo chiều dài con nước. Và theo đó những câu chuyện lòng nhân cũng sẽ được kể lại bằng muôn vạn dáng hình, mặc kệ ngoài kia dòng sống không ngừng sôi sục cuộn trôi. 

Võ Diệu Thanh

Từ khóa » Thu Về Chưa Trên Bến Sông Năm Nào