Những Bí ẩn Trong Chiến Tranh Việt Nam Làm "đau đầu" Người Mỹ

Những bí ẩn trong chiến tranh Việt Nam làm "đau đầu" người Mỹ 09:10, 30/04/2015

1. Chiến dịch OWS nhằm mục đích gì ?

Trong thời gian chiến tranh Việt Nam, Mỹ và chính quyền ngụy Sài Gòn đã phối hợp thực hiện một chiến dịch mang tên Operation Wandering Soul (Những linh hồn phiêu bạt), gọi tắt OWS. Đây là một chiến dịch tâm lý khai thác tín ngưỡng tâm linh của người Việt nhằm phục vụ cho công tác tâm lý chiến, làm suy yếu đối phương. Theo đó, chiến dịch OWS đã lợi dụng niềm tin cho rằng người chết nếu không được chôn cất tử tế, linh hồn sẽ vất vưởng, phiêu bạt trên thế gian và đến một thời khắc thích hợp sẽ tìm cách báo oán. Để giúp dự án trở thành hiện thực, chuyên viên quân sự Mỹ với sự giúp đỡ của người Việt đi khắp nơi hoang vắng trong rừng sâu, sáng tác một cuốn băng có tên Ghost Tape No. 10 (Cuốn băng Ma số 10), sau đó đem phát tán, nhưng hiệu quả của nó lại không được kiểm chứng. Các báo cáo liên quan đến chiến dịch OWS rất sơ sài, một số báo cáo cho biết băng này vô tác dụng, nhưng cũng có báo cáo lại cho biết nó ảnh hưởng lên sức chiến đấu của đối phương. Thực tế, đoạn băng thê lương, nặng tính dị đoan, chứa đựng những điều phi lý như giọng nói từ cõi âm rên rỉ, mắc kẹt do chết oan, khóc đòi về nhà… phần lớn đã bị đối phương loại bỏ, tịch thu vì nó không hợp với tín ngưỡng của người Việt, nhất là trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt hồi thập niên 60.

2. Bí ẩn cái chết của hạ sĩ thủy quân lục chiến Robert Daniel Corriveau

Năm 1968, hạ sĩ thủy quân lục chiến Mỹ Robert Daniel Corriveau đột nhiên biến mất khỏi Bệnh viện Hải quân Philadelphia (PNH) sau khi được đưa từ chiến trường Việt Nam về để điều trị hội chứng rối loạn tâm lý. Người ta không hiểu vì sao và bằng cách nào Corriveau lại biến mất mặc dù bệnh viện này được canh giữ rất cẩn thận. Ban đầu hạ sĩ Corriveau bị liệt vào danh sách đào ngũ, nhưng bằng sự cố gắng của gia đình nên hồ sơ của Corriveau được chuyển đổi sang tội nhẹ hơn, nhưng vẫn không ai biết Corriveau đi đâu.

Năm 2012, qua phân tích AND và so sánh với mẫu của người chị gái, người ta phát hiện thấy Daniel đã chết cách đây trên 40 năm, ngay sau khi báo mất tích khỏi bệnh viện khoảng 3 giờ, thi thể trước đây vẫn được cho là của một người tên John Doe. Và quan trọng hơn, Corriveau không phải là kẻ đào ngũ hay trốn tránh nhiệm vụ, mà là nạn nhân của một vụ giết người bí ẩn, bị đâm vào tim, xác vứt cách xa bệnh viện 50 km. Giờ đây Corriveau đã được minh oan, không phải là đào ngũ và được ghi nhận là cựu binh chiến tranh Việt Nam, tuy nhiên gia đình vẫn chưa hài lòng, nhất là nguyên nhân cái chết và ai là kẻ đã giết Corriveau.

3. Thủy quân tàu Mayaguez nay ở đâu?

“Sự cố Mayaguez” được ghi nhận là thảm họa cuối cùng của quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Vụ việc bắt đầu khi tàu SS Mayaguez của Mỹ bị lực lượng Khmer Đỏ đánh úp, buộc không quân và hải quân Mỹ phải phối hợp giải cứu. Cuộc xung đột đẫm máu diễn ra gần đảo Koh Tang, thuộc vịnh Thái Lan làm cho 15 người thiệt mạng và mất tích. Đến năm 1991, Campuchia và Hoa Kỳ đã hợp tác tìm kiếm hài cốt những binh lính tử trận. Đến nay vẫn còn 3 thủy quân mất tích là binh nhất Gary Hall, hạ sĩ Joseph Hargrove và binh nhì Danny Marshall. Có tin đồn từ một người tên là Em Son, thủ lĩnh Khmer Đỏ, rằng những binh lính này bị bắt làm tù binh, bị tra tấn đến chết, bị chết vì bom đạn hay bị giam giữ… Đã có ít nhất 20 cuộc điều tra được thực hiện nhằm làm sáng tỏ số phận của những người nói trên nhưng vô vọng bởi nơi xảy ra sự cố Mayaguez đã thay đổi quá nhiều. Việc tìm kiếm càng khó khăn khi người ta đang có kế hoạch xây dựng một khu nghỉ mát và khách sạn cao cấp tại khu vực nói trên.

4. Ai đã giết tướng Trịnh Minh Thế ?

Chiến tranh Việt Nam có thể có thêm những kịch bản mới nếu tay bắn tỉa nào đó không nhắm vào gáy tướng Trịnh Minh Thế ngày 3-5-1955. Theo Wikipedia, Trịnh Minh Thế (1922-1955) là người theo chủ nghĩa dân tộc, thủ lĩnh quân sự thuộc giáo phái Cao Đài trong thời gian cuối chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và đầu chiến tranh Việt Nam. Khi ra hợp tác với Ngô Đình Diệm, Trịnh Minh Thế đã mang hàm Thiếu tướng. Trong suốt thời gian diễn ra Chiến tranh Thế giới thứ II, Trịnh Minh Thế là một sĩ quan cảnh sát thuộc quân đội Nhật Bản, sau khi chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc Trịnh Minh Thế quay sang đầu quân cho Pháp. Năm 1951, Trịnh Minh Thế cùng hàng nghìn người đào thoát khỏi quân đội Pháp với ý định thành lập Liên hiệp lực lượng Dân tộc Việt Nam. Bên thứ ba này có mục tiêu chống lại chủ nghĩa cộng sản lẫn chủ nghĩa thực dân. Ngày 3-5-1955, khi đang ngồi trên xe Jeep chỉ huy đoàn quân tiến qua cầu Tân Thuận, Trịnh Minh Thế bị một viên đạn bắn tỉa bắn vào sau gáy. Vụ giết người này không bao giờ được làm sáng tỏ, một số người đổ lỗi cho phía Pháp, trong khi đó lại có nguồn tin đổ lỗi cho chính quyền Sài Gòn. Cái chết của Trịnh Minh Thế gây nhiều tranh cãi, thậm chí còn đối lập cả về thời gian, địa điểm, vết thương cho đến những tình tiết khác nên sự thật lại càng mờ mịt.

5. Bí mật chuyến bay 739

Ngày 16-3-1962, chuyến bay 739 đang trên hành trình từ đảo Guam đến Philippines đã bị mất liên lạc. Hai tháng sau, tất cả 107 hành khách trên máy bay được tuyên bố là tử nạn. Không thấy có bất kỳ dấu hiệu hay vết tích được tìm thấy chứng minh rằng máy bay đã gặp nạn. Vụ tai nạn này trở nên rối rắm hơn khi gia đình các nạn nhân cho biết những thanh niên đi trên máy bay là những người sẽ đến tham chiến tại chiến trường Việt Nam. Theo hồ sơ của Chính phủ Mỹ, số hành khách đi trên chuyến bay 739 chỉ là các cố vấn truyền thông và nhân viên hậu cần. Một số hồ sơ của gia đình các nạn nhân vẫn khẳng định rằng sự việc không đơn giản như vậy, thậm chí còn cáo buộc chuyến bay rất bất thường này liên quan đến một nhiệm vụ đặc biệt nào đó nên đã bị che giấu hàng thập kỷ. Theo hồ sơ của Cơ quan Hàng không dân sự, máy bay đang trên đường tới Sài Gòn, không chở hàng hóa, chỉ có hành khách gồm 93 người Mỹ, 3 lính quân đội Việt Nam Cộng hòa và 11 hành khách khác. Không hề có tín hiệu nào cho thấy máy bay gặp sự cố cho đến khi mất liên lạc. Một tàu chở dầu của Libya cho biết họ đã trông thấy một vụ nổ trên không trên tuyến đường máy bay nói trên đi qua. Tuy nhiên, sau đó không có bất kỳ mảnh vỡ hay vết tích nào của máy bay được tìm thấy. Sau sự kiện trên, gia đình các nạn nhân yêu cầu Chính phủ Mỹ lưu tên tuổi con em họ lên Bức tường tưởng niệm chiến tranh Việt Nam ở Washington nhưng chính phủ vẫn phớt lờ, chính sự im lặng khó hiểu này càng khiến người ta tin đây là một chiến dịch đặc biệt nên bị bưng bít.

Súng trường M16 được lính Mỹ sử dụng  trong chiến tranh Việt Nam.
Súng trường M16 được lính Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

6. Những điều bí ẩn về Chiến dịch Marigold

Trong thời gian từ năm 1965 đến năm 1968, chính quyền Mỹ và miền bắc Việt Nam đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán thông qua trung gian Ba Lan. Nếu các cuộc đàm phán thành công thì chiến tranh Việt Nam sẽ sớm kết thúc, tránh được nhiều tổn thất cho các bên. Đáng tiếc đàm phán hòa bình đã thất bại, nhưng nguyên nhân đến nay vẫn chưa được hé lộ.

Thông tin liên quan đến Chiến dịch Marigold (Operation Marigold) rất mơ hồ, thậm chí còn ghi sai cả ngày tháng và không đầy đủ, kể cả bên khởi xướng, bên bỏ cuộc, chỉ có một số thông tin chung chung như các bên đã tham gia gồm Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, còn địa điểm thì lúc ở Italia, lúc thì ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Nghe nói, phía Ba Lan và Italia là người khởi xướng chiến dịch này, nhưng về cuối Italia lại đưa ra nhiều câu hỏi hơn là trả lời. Khởi đầu, chiến dịch Marigold có vẻ khá thuận lợi, các bên đã đồng ý ngồi vào bàn đàm phán, các điều khoản được đưa ra, chiến tranh Việt Nam tưởng như đóng lại. Bỗng dưng mọi chuyện lại đảo lộn, các bên cứ chờ đợi các câu trả lời của nhau. Phía Ba Lan muốn Mỹ và miền Bắc Việt Nam tiếp xúc trực tiếp với nhau nhưng điều này đã không xảy ra, trong khi đó Mỹ lại tiếp tục ném bom xuống Hà Nội và miền Bắc Việt Nam. Cuối cùng cơ hội đàm phán tiếp không còn, vì vậy chiến tranh đã không kết thúc sớm như mong đợi.

7. Súng trường M16 báo hại lính Mỹ

Bắt đầu từ năm 1966, quân đội Mỹ được trang bị loại vũ khí mới, súng trường M16, khí tài được xem hiệu quả hơn so với súng AK 47 của quân đội miền Bắc bởi khả năng sát thương và tốc độ bắn. Đáng tiếc, mọi chuyện không như dự kiến, đặc biệt là khi được dùng ở Việt Nam, nơi có khí hậu nóng ẩm và bụi bẩn khiến M16 nhiều lúc dở chứng kẹt đạn, đôi khi lại cướp cò, nhất là khi đang giao tranh quyết liệt. Hậu quả là nhiều lính Mỹ và ngụy Sài Gòn phải trả giá bằng chính sinh mệnh của mình. Do hậu quả nặng nề do M16 gây ra, năm 1967, các ủy ban chuyên trách của Quốc hội Mỹ đã vào cuộc điều tra nhưng lúc đó chiến tranh đang ác liệt nên mọi thứ đâu lại vào đấy. Khẩu M16 như có “phép thần” đã vượt qua các đợt kiểm tra kỹ thuật và tiếp tục được sử dụng. Các nhà sản xuất không hề đưa ra các hướng dẫn về bảo dưỡng, khắc phục sự cố, nhất là kẹt đạn và cũng không lường trước sự cố do môi trường gây ra. Ngược lại, lính Mỹ lại quá tự tin vào M16, không chịu lau chùi, bảo quản. Đến nay, tranh cãi về M16 vẫn chưa có kết luận cụ thể lỗi tại ai, nhà sản xuất hay do chỉ huy quân đội kém hay sự lười nhác của người sử dụng.

Khắc Hùng

(Theo Listverse -2-2015)

Từ khóa » Cuốn Băng Ma Số 10