Những Bí Mật Hậu Trường Thú Vị Về Squid Game, Series ăn Khách ...

Squid Game có lẽ là phim truyền hình có sức lan truyền mạnh nhất trong năm 2021, thậm chí còn vượt qua các loạt phim nổi tiếng khác của Mỹ. Bộ phim đánh dấu một thử nghiệm thành công nhưng đầy rủi ro của Netflix Hàn Quốc với dòng phim thể loại tâm lý – sinh tồn. Bất chấp một số tranh cãi, Squid Game trở thành loạt phim được xem nhiều nhất trong lịch sử của Netflix. Series này cũng là loạt phim Hàn Quốc đầu tiên lọt vào top thịnh hành của Netflix tại Mỹ, chứng tỏ mức độ nổi tiếng của nó bất chấp những rào cản về văn hóa và ngôn ngữ.

Không chỉ khiến người xem khiếp sợ và tò mò về nhiều tình tiết, Squid Game còn chú trọng đến việc dàn dựng bối cảnh, nhân vật và cốt truyện của nó. Dưới đây là 5 bí mật hậu trường của Squid Game mà có lẽ nhiều khán giả chưa biết.

Những bí mật hậu trường thú vị về Squid Game:
  1. Những người thợ mặc đồ đỏ được lấy cảm hứng từ… loài kiến
  2. Những bậc thang phức tạp như mê cung là phép ẩn dụ cho trò chơi
  3. Theo kế hoạch ban đầu, dàn diễn viên sẽ mặc… đồng phục học sinh
  4. Squid Game không phải là cái tên gốc của series
  5. Phim hạn chế sử dụng kỹ xảo, tất cả đều là người thật

Những người thợ mặc đồ đỏ được lấy cảm hứng từ… loài kiến

Squid Game gây ấn tượng mạnh với người xem bởi những tên lính mặc áo đỏ, đeo mặt nạ đen với 3 biểu tượng đặc trưng: hình tròn, hình vuông và hình tam giác. Mỗi hình dạng trên mặt nạ thể hiện cấp bậc và nhiệm vụ cụ thể của người đeo nó. Vòng tròn có nghĩa là người lao động hay “lính thợ”, cấp thấp nhất của hệ thống phân cấp này. Hình tam giác là những người lính có vũ khí. Hình vuông là những người quản lý có nhiều quyền lực nhất.

Đạo diễn Hwang Dong Hyuk tiết lộ rằng những nhân vật và hệ thống cấp bậc này được lấy cảm hứng từ loài kiến. Kiến cũng làm việc với những nhiệm vụ riêng biệt và dành cả đời để phục vụ một cách siêng năng cho một mục đích duy nhất.

Những bậc thang phức tạp như mê cung là phép ẩn dụ cho trò chơi

Một trong những cảnh hay và ấn tượng nhất của Squid Game đó chính là những bậc cầu thang màu pastel sặc sỡ đến khó hiểu. Khi xem ‘Squid Game’, có lẽ ai cũng cảm nhận được bộ phim đang muốn truyền tải một khái niệm nào đó.

  • Bức tranh nổi tiếng Relativity của M.C Escher

Đối với những người mê trò chơi điện tử khi thấy những bậc thang này có thể sẽ liên tưởng ngay đến tựa game Monument Valley, fan kiến trúc thì sẽ nhớ đến “pháo đài” đỏ La Muralla Roja, còn các “con nghiện” Harry Potter sẽ nghĩ đến các cầu thang dịch chuyển trong trường Hogwarts. Tuy nhiên, thực tế thì cảnh cầu thang trong phim được lấy cảm hứng từ bức tranh nổi tiếng Relativity của danh hoạ người Hà Lan M.C. Escher. Bức tranh gốc thể hiện suy nghĩ của ông về một thế giới không trọng lực. Việc sử dụng ý tưởng này cũng ngầm cho thấy rằng trong thế giới của Squid Game thì các quy tắc và thói quen của thế giới thực không được áp dụng.

Theo kế hoạch ban đầu, dàn diễn viên sẽ mặc… đồng phục học sinh

Ý tưởng ban đầu của đạo diễn Hwang Dong Hyuk là cho những người chơi Squid Game mặc đồng phục học sinh – vì khi còn nhỏ, ông thường chơi các trò chơi thời thơ ấu trong bộ đồng phục. Tuy nhiên, càng về sau, trang phục thể thao xanh – trắng lại được ê-kíp thích hơn vì nó làm nổi bật màu máu đỏ. Theo đạo diễn, trang phục của các người chơi cũng gợi nhớ đến đồng phục thể dục của học sinh.

Ý đồ của đoàn làm phim cũng là tạo ra sự tương phản lớn giữa đồng phục của người chơi và lính trong thế giới Squid Game. Họ muốn khán giả liên tưởng đến hình ảnh “trẻ em chơi trong công viên và có người lớn quan sát”.

Squid Game không phải là cái tên gốc của series

Squid Game không phải là tên gốc của loạt phim này. Vào năm 2019, đã có thông tin về việc dự án này được Netflix triển khai. Lúc đó, cái tên xuất hiện trên các mặt báo thế giới là Round 6, có lẽ vì “Trò Chơi Con Mực” gồm 6 ván. Tuy nhiên, cái tên Round 6 nghe hơi chán và kém hấp dẫn hơn nhiều so với “Squid Game” gợi đầy sự tò mò. May mắn thay đạo diễn phim đã đổi nó và chúng ta có một Squid Game như hiện nay.

Phim hạn chế sử dụng kỹ xảo, tất cả đều là người thật

Có rất nhiều yếu tố trong Squid Game tạo nên cảm giác “siêu thực” cho khán giả, chẳng hạn như “cô bé” búp bê đầy ám ảnh trong trò chơi đầu tiên, khu phố Hàn Quốc thu nhỏ trong trò chơi bắn bi hay cầu thang kính đầy nguy hiểm. Tuy nhiên, thật bất ngờ là tất cả đều do đội ngũ làm phim thực sự xây dựng, và kỹ xảo điện ảnh chỉ được sử dụng để chỉnh sửa một vài chỗ.

Ngay cả trong trò chơi “Đèn đỏ, Đèn xanh” với sự tham gia của 456 người chơi, cũng có tổng cộng bấy nhiêu diễn viên thực sự đã tham gia diễn xuất. Thông thường, các loạt phim khác sẽ đơn giản sử dụng VFX để “điền vào chỗ trống” hơn là thuê vài trăm diễn viên cho một phân đoạn.

Từ khóa » Hình Nền Lính Squid Game