Những Biến Chứng Tăng Huyết áp Thường Gặp Và Cách Phòng Ngừa
Có thể bạn quan tâm
Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân gây tử vong sớm ở bệnh nhân tim mạch. Việc không điều trị hoặc điều trị nhưng không kiểm soát được huyết áp sẽ dẫn đến biến chứng tăng huyết áp lên trên tim, não, thận và một số cơ quan khác.
Huyết áp cao ảnh hưởng đến cơ thể bạn như thế nào?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2015, cứ 4 người nam hay 5 người nữ, có 1 người bị tăng huyết áp. Một khảo sát gần đây cho thấy, gần 1/3 người lớn ở vùng thành thị Đông Nam Á có huyết áp cao. Tương tự, ở Việt Nam tỷ lệ này là 25% đối với người trên 25 tuổi, trong đó gần 60% người bị tăng huyết áp chưa được phát hiện và trên 80% chưa được điều trị. Và cứ 5 người tăng huyết áp được điều trị, chỉ có 1 người đạt được kiểm soát huyết áp. (1)
Huyết áp là áp lực máu trong lòng mạch, gồm có hai trị số: huyết áp tâm thu (số đầu) là áp lực máu trong lòng mạch lúc tim co bóp và huyết áp tâm trương (số sau) là áp lực máu trong lòng mạch lúc tim thư giãn (ví dụ: huyết áp 120/70 mmHg). Hệ thống mạch máu trong cơ thể giống như các ống dẫn, đưa máu đến các cơ quan.
Hệ thống ống dẫn này nếu chịu một áp lực cao lâu ngày sẽ bị phình giãn (thành ống yếu đi, dễ bị rách hay vỡ), hoặc cứng lại mất tính đàn hồi mềm mại, hoặc lớp bên trong bị tổn thương và tích tụ các mảng xơ vữa gây hẹp và bít tắc dần. Tất cả các mạch máu lớn (động mạch chủ, động mạch cảnh, động mạch đùi…) và mạch máu nhỏ (mạch máu ở đáy mắt, cầu thận, não…) toàn thân đều bị ảnh hưởng bởi bệnh tăng huyết áp.
Tăng huyết áp lâu ngày có thể dẫn đến những biến chứng gì?
Bệnh tăng huyết áp nếu để lâu không điều trị hoặc điều trị không kiểm soát được huyết áp sẽ dẫn tới các biến chứng như:
1. Suy tim
Khi huyết áp cao, tim co bóp tốn nhiều công hơn để bơm một lượng máu ra các mạch ngoại biên. Hậu quả của việc gắng sức lâu ngày này làm cơ tim dày lên, cứng hơn, ít đàn hồi giãn nở so với tim người bình thường, gây suy giảm chức năng hút máu về tim. Bệnh nhân sẽ có triệu chứng của suy tim khi máu về tim khó khăn, ứ đọng ở phổi gây khó thở, giảm khả năng làm việc gắng sức hoặc tức ngực.
Ngoài ra, người bệnh tăng huyết áp thường kèm bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim trước đó nên chức năng tim có thể giảm, tức là có suy tim phân suất tống máu giảm. Trong điều trị, nếu huyết áp không ổn định, thường xuyên cao sẽ thúc đẩy suy tim nặng lên, mất bù do tim làm việc với công lớn (suy tim mất bù), tải nặng.
2. Biến chứng ở mắt
Huyết áp cao gây tổn thương các mạch máu nhỏ ở đáy mắt (nằm phía sau nhãn cầu, gọi là võng mạc, nơi thu nhận hình ảnh khi nhìn), gọi là bệnh võng mạc do tăng huyết áp. Tổn thương mạch máu ở võng mạc mức độ nhẹ đến vừa có thể không gây triệu chứng gì, chỉ phát hiện được khi khám mắt, chụp võng mạc.
Khi đó sẽ thấy các mạch máu này đi ngoằn ngoèo, cứng, có chỗ hẹp, co thắt hoặc bị phù nề, nặng hơn là xuất huyết sau võng mạc hay phù gai thị dẫn đến nhìn mờ hoặc mù mắt.
Do đó, người bệnh tăng huyết áp cần khám mắt định kỳ, chụp võng mạc để phát hiện sớm biến chứng này. Điều trị kiểm soát huyết áp tốt giúp phòng tránh bệnh võng mạc do tăng huyết áp.
3. Phình và bóc tách động mạch chủ
Huyết áp cao gây tăng áp lực lên thành động mạch chủ, lâu ngày làm thành mạch bị suy yếu, giãn lớn ra. Giãn động mạch chủ lên (đoạn vừa ra khỏi tim) hay gặp ở bệnh nhân tăng huyết áp.
Động mạch chủ lên ở người trưởng thành có kích thước trung bình 30mm. Khi kích thước > 45mm thì gọi là phình động mạch chủ. Đoạn động mạch chủ bị phình có thành mạch yếu, nếu huyết áp cao dễ gây tổn thương, xé rách các lớp trong thành mạch dẫn đến bóc tách thành động mạch hay vỡ động mạch chủ, khiến người bệnh tử vong.
Khi động mạch chủ lên giãn ≥ 55mm thường cần can thiệp phẫu thuật hoặc đặt stent động mạch chủ để phòng ngừa bóc tách hay vỡ động mạch chủ.
Bệnh nhân tăng huyết áp có phình động mạch chủ cần kiểm soát huyết áp chặt chẽ (< 120/70 mmHg), điều trị tích cực xơ vữa động mạch và theo dõi kích thước động mạch chủ thường xuyên bằng siêu âm tim hay chụp CT động mạch chủ.
4. Bệnh động mạch ngoại biên
Ảnh hưởng của huyết áp lên toàn bộ hệ thống mạch máu trong cơ thể như động mạch cảnh, động mạch cột sống, động mạch thận, động mạch nội tạng, đặc biệt là những mạch máu ở xa như động mạch hai chân. Các mạch máu này cứng lên, bị xơ vữa, vôi hóa gây hẹp hoặc tắc nghẽn.
Nếu hẹp hoặc tắc mạch ở chân, bệnh nhân có triệu chứng đau cách hồi, có nghĩa là đau đùi hoặc bắp chân khi đi được một đoạn đường, bệnh nhân ngồi nghỉ thì hết hoặc bớt đau, khi đi lại đoạn đường dài tương tự thì triệu chứng đau lại xuất hiện. Nặng hơn là người bệnh đau nhức chân cả khi nghỉ hoặc loét chân không lành do mạch máu bị hẹp, không đưa máu tới chỗ xa được.
5. Rối loạn trí nhớ và sa sút trí tuệ
Tăng huyết áp và rối loạn trí nhớ thường gặp ở người cao tuổi. Nhiều nghiên cứu cho thấy tăng huyết áp làm tăng xơ vữa động mạch, dễ đưa đến nhồi máu não im lặng (nhồi máu não lỗ khuyết khi chụp cắt lớp hoặc cộng hưởng từ não) và bệnh lý chất trắng dưới vỏ não, là nguyên nhân dẫn đến rối loạn trí nhớ và sa sút trí tuệ.
Nguy cơ sa sút trí tuệ hay bệnh Alzheimer tăng gấp 6 lần ở người bị đột quỵ sau 5 năm. Tỷ lệ bệnh này đang tăng ở các nước châu Á, đặc biệt là các nước đang phát triển. Điều trị tích cực bệnh tăng huyết áp giúp giảm đột quỵ, giảm tiến triển bệnh lý chất trắng và ngăn ngừa rối loạn trí nhớ hay sa sút trí tuệ, đặc biệt ở người cao tuổi, tăng huyết áp lâu năm.
6. Rối loạn cương dương
Cứ 3 người tăng huyết áp thì có 1 người than phiền về rối loạn cương dương (bất lực). Tình trạng này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh nên cần phải được điều trị. Có khi rối loạn cương dương là dấu hiệu sớm của bệnh tăng huyết áp khiến người bệnh đi khám. Nguyên nhân của rối loạn này là do nhiều cơ chế, trong đó do bệnh huyết áp cao hoặc cũng có thể là do thuốc huyết áp gây ra.
Tăng huyết áp làm tổn thương lớp trong cùng của thành mạch máu, gọi là lớp nội mạc. Lớp này tiết ra chất NO (nitrite oxide), là một chất giãn mạch máu nội sinh trong cơ thể, chống lại co thắt mạch. Khi thiếu chất NO, cơ trơn mạch máu ở dương vật bị co thắt, không giãn ra được và gây rối loạn cương cứng.
Để khắc phục tình trạng này, người bệnh cần được điều trị huyết áp và có thể sử dụng thuốc giãn mạch loại ức chế phosphodiesterase-5 (tadalafil hoặc sildenafil) sau khi đã tham khảo ý kiến bác sĩ. Một số thuốc hạ huyết áp có tác dụng phụ gây bất lực, tuy nhiên ít, và nếu có xảy ra thì bác sĩ sẽ thay thế bằng nhóm thuốc khác cho người bệnh.
Một số biến chứng khác của tăng huyết áp có thể kể đến như:
- Đột quỵ;
- Tổn thương thận;
- …
Tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch tăng khi huyết áp cao. Với mức huyết áp (HA) bình thường 115/75 mmHg, cứ mỗi mức tăng HA thêm 20/10 mmHg, nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch sẽ nhân lên gấp đôi. (2)
Ví dụ, người có mức HA 135/85 mmHg có nguy cơ tử vong tim mạch gấp đôi người có HA 115/75 mmHg; người có HA 155/95 mmHg thì nguy cơ tăng gấp 4 lần, mức HA 175/105 mmHg nguy cơ tăng gấp 8 lần và 195/115 thì nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch tăng gấp 16 lần người có huyết áp bình thường.
Mối liên quan giữa tăng huyết áp và đột quỵ
Theo thống kê của Hoa Kỳ, cứ mỗi 40 giây có một bệnh nhân đột quỵ, mỗi 4 phút có 1 người tử vong do đột quỵ. Đột quỵ có khuynh hướng xảy ra ở người cao tuổi, nhưng không hiếm ở người trẻ tuổi. Có đến 34% người nhập viện vì đột quỵ dưới 65 tuổi.
Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nước ta. Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ quan trọng đưa đến đột quỵ. Người có huyết áp cao > 160/100 mmHg tăng 4,3 lần nguy cơ bị xuất huyết não. Khoảng 50% người bệnh nhồi máu não có kèm tăng huyết áp.
Đột quỵ là tình trạng một phần của não bị ngừng cấp máu đột ngột do vỡ mạch máu (gọi là xuất huyết não) hoặc do cục máu đông hay mảng xơ vữa gây tắc nghẽn hoàn toàn một mạch máu nuôi vùng não đó (gọi là nhồi máu não), làm người bệnh bất tỉnh hoặc yếu liệt. (3)
Thời gian vàng để điều trị nhồi máu não là trong vòng 3 giờ đầu khi bắt đầu có triệu chứng. Do đó, người bệnh phải đến bệnh viện ngay khi có một trong các dấu hiệu cảnh báo sau:
- Đột ngột tê cứng hoặc yếu mặt, tay hoặc chân, đặc biệt ở nửa bên người (bên phải hoặc bên trái);
- Đột ngột lú lẫn, nói khó hoặc có vấn đề về hiểu ngôn ngữ;
- Đột ngột mất thị lực hoặc có vấn đề về nhìn ở một hoặc hai bên mắt;
- Đột ngột yếu liệt tay chân, không đi lại được, không giơ tay lên được, chóng mặt, mất thăng bằng, không kiểm soát được động tác;
- Đột ngột nhức đầu dữ dội mà không tìm ra nguyên nhân.
Mối liên quan giữa tăng huyết áp và nhồi máu cơ tim
Một nghiên cứu cho thấy 30 – 40% bệnh nhân nhồi máu cơ tim ST chênh lên, 70% nhồi máu cơ tim không ST chênh lên có bệnh nền tăng huyết áp trước đó.
Huyết áp cao làm tăng xơ vữa mạch máu, thành mạch cứng hơn và dễ bị tổn thương. Các mảng xơ vữa bám trong lòng mạch vành (là mạch máu nuôi cơ tim) gây hẹp dần lòng mạch, không dẫn đủ máu nuôi cơ tim khi tim cần làm việc gắng sức, gây ra triệu chứng mệt, đau ngực khi gắng sức.
Mảng xơ vữa này có thể đột ngột bị vỡ ra do stress hoặc do huyết áp cao, các tế bào máu (hồng cầu, tiểu cầu) đến bám vào chỗ thành mạch bị tổn thương này, tạo nên cục huyết khối cấp tính, gây tắc nghẽn hoàn toàn mạch vành và đưa đến nhồi máu cơ tim cấp. (4)
Các dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim cấp cần nhập viện ngay gồm:
- Đau tức ngực trái hoặc sau xương ức dữ dội, đau lúc nghỉ ngơi, kéo dài trên 20 phút, đau lan lên cổ, cằm, vai, cánh tay hay sau lưng. Trong cơn đau kèm vã mồ hôi, hốt hoảng, khó thở, bứt rứt, huyết áp và nhịp tim thường tăng trong cơn đau;
- Người lớn tuổi có thể có triệu chứng không điển hình khác như rối loạn tri giác (lừ đừ, ngủ gà hay hôn mê) hoặc khó thở, khò khè, nôn ói hoặc ngất xỉu.
Mối liên quan giữa tăng huyết áp và bệnh thận mạn
Bệnh nhân tăng huyết áp lâu ngày sẽ gây tổn thương thận, làm giảm chức năng thận. Ngược lại, có khoảng 5% trường hợp bệnh nhân bị tăng huyết áp là do hậu quả của bệnh chủ mô thận mãn tính (ví dụ, bệnh nhân viêm cầu thận mãn trước đó, đưa đến suy giảm chức năng thận và gây cao huyết áp).
Huyết áp cao làm tăng áp lực lọc nước tiểu trong các cầu thận (là đơn vị lọc nước tiểu trong thận), lâu ngày gây tổn thương màng lọc ở cầu thận đưa đến tiểu đạm (khi xét nghiệm nước tiểu thấy có protein hoặc microalbumine trong nước tiểu, nhìn bằng mắt thường không thấy được).
Ở bệnh nhân tăng huyết áp, xét nghiệm nước tiểu thấy có đạm niệu là có tổn thương ở thận. Mức độ tiểu đạm càng nhiều khi tổn thương thận càng nặng, nhất là khi huyết áp không được điều trị ổn định. Khi thận bị tổn thương, mức độ lọc để đào thải nước và chất độc ra khỏi cơ thể giảm dần, làm ứ đọng các chất này trong cơ thể gây triệu chứng phù, mệt mỏi, chán ăn, ngứa ngoài da.
Thận có chức năng cân bằng chất điện giải (natri, kali, phospho…) cho cơ thể nên người bệnh thận mạn mức độ nặng có thể bị tăng kali máu do giảm đào thải. Kali máu tăng trên 6.0 mmol/L dễ bị rối loạn nhịp tim hay ngưng tim. Ngoài ra, thận còn có chức năng tiết hormone erythropoietin có tác dụng tạo ra hồng cầu. Khi suy thận nặng, chất này do thận tiết ra bị thiếu hụt, làm cho người bệnh bị thiếu máu mãn tính. Người bệnh sẽ có triệu chứng mệt mỏi, xanh xao.
Dựa vào xét nghiệm creatinine máu có thể tính được độ lọc cầu thận ước lượng (theo công thức được tính toán sẵn). Khi độ lọc cầu thận < 15ml/phút kéo dài từ 3 tháng trở lên được coi là suy thận mạn giai đoạn cuối, người bệnh cần được xem xét chỉ định điều trị thay thế thận với bác sĩ chuyên khoa.
Làm sao để phát hiện sớm biến chứng tăng huyết áp?
Người bệnh tăng huyết áp dễ bỏ thuốc hoặc không tái khám vì không có triệu chứng. Người bệnh thường bỏ qua, không điều trị cho đến khi có biến chứng, di chứng hoặc tử vong.
Các nghiên cứu cho thấy khi kiểm soát huyết áp đạt mục tiêu thì giảm được 30% nguy cơ đột quỵ, 25% nhồi máu cơ tim và 23% bệnh thận mãn.
Để ngăn ngừa và phát hiện sớm biến chứng của tăng huyết áp, người bệnh cần:
- Người ≥ 50 tuổi nên đo tầm soát huyết áp mỗi 6 tháng – 1 năm/lần;
- Nếu đã được chẩn đoán tăng huyết áp, người bệnh cần uống thuốc đều đặn, theo dõi mức huyết áp khi điều trị. Mức huyết áp mục tiêu thông thường là ≤ 130/80 mmHg, trừ một số trường hợp đặt biệt có mức mục tiêu khác sẽ được bác sĩ thông báo;
- Định kỳ (ít nhất mỗi năm 1 lần) làm các kiểm tra cận lâm sàng: tổng phân tích nước tiểu, tỷ lệ microalbumin/creatinin niệu, đo điện tim, siêu âm tim, xét nghiệm chức năng thận, đường máu, cholesterol máu, chụp võng mạc, siêu âm động mạch cảnh và đo ABI;
- Duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh như tập thể dục đều đặn, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, kiểm soát cân nặng, ăn uống hợp lý, giảm căng thẳng, áp lực trong cuộc sống cũng góp phần phòng ngừa các biến chứng do tăng huyết áp gây ra.
>> Tham khảo:
- Chế độ ăn phù hợp cho người bị tăng huyết áp là gì?
- Huyết áp 130/60 là cao hay thấp? Cần uống thuốc hay bị sao không?
Được trang bị hệ thống máy móc hiện đại (máy đo ECG – đo điện tâm đồ để kiểm tra nhịp tim, máy theo dõi huyết áp 24h tại nhà để phát hiện sớm bệnh lý tăng huyết áp, máy holter ECG theo dõi nhịp tim liên tục trong khoảng thời gian từ 24 giờ đến 14 ngày với 12 chuyển đạo…), Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh là nơi thực hiện tầm soát, thăm khám và điều trị hiệu quả chứng tăng huyết áp cũng như các bệnh lý tim mạch. Nhờ đó, phát hiện sớm và phòng ngừa kịp thời những biến chứng nguy hiểm của tăng huyết áp.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:
- 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội
- Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM:
- 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh – Quận 8:
- 316C Phạm Hùng, P.5, Q.8, TP.HCM
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
- 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TP.HCM
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh/
- Website: https://tamanhhospital.vn
Tăng huyết áp nếu được kiểm soát tốt sẽ không gây ra biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Quan trọng nhất là bệnh nhân không được bỏ thuốc và tái khám theo lịch, ngay cả khi không xuất hiện triệu chứng nào. Việc tuân thủ phác đồ điều trị là yếu tố tiên quyết giúp ngăn ngừa biến chứng của tăng huyết áp.
Từ khóa » Khoảng Huyết áp Bình Thường
-
Chỉ Số Huyết áp Bình Thường Và Phân Loại Tăng Huyết áp Của ESC ...
-
Huyết áp Bao Nhiêu Là Bình Thường
-
Huyết áp Bao Nhiêu Là Bình Thường? | Vinmec
-
Chỉ Số đo Huyết áp Bình Thường ở Người Khỏe Mạnh Là Bao Nhiêu?
-
Bác Sĩ Tư Vấn: Chỉ Số Huyết áp Bình Thường Là Bao Nhiêu? | Medlatec
-
Huyết áp Bình Thường: 5 điều Nên Biết Càng Sớm Càng Tốt!
-
Chỉ Số Huyết áp Trung Bình Từng độ Tuổi Là Bao Nhiêu? • Hello Bacsi
-
Huyết áp Bao Nhiêu Là Bình Thường?
-
Bố Tôi 85 Tuổi, Huyết áp Là 160/80 MmHg, Có Phải Là Bình Thường ...
-
Chỉ Số Huyết áp Bao Nhiêu Là Bình Thường? Các Yếu Tố ảnh Hưởng?
-
Thế Nào Là Huyết áp Kẹt?
-
Huyết áp Người Già Bao Nhiêu Là Bình Thường?
-
Theo Dõi Huyết áp động Mạch - Bệnh Viện Quân Y 103