Những Biến Thể COVID-19 Nào Có ở Việt Nam?

TTND.GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính – Chủ tịch Hội đồng chuyên môn xây dựng, hướng dẫn, chẩn đoán và điều trị COVID-19 tại Việt Nam – Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam.

Vậy:

– Biến chủng ở Ấn Độ nguy hiểm như thế nào?

– Ở Việt Nam, ngoài biến chủng của Ấn Độ thì còn những biến chủng nào khác?

Tất cả những thắc mắc này đã được TTND.GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính – Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam – Nguyên Giám đốc Bệnh Nhiệt đới Trung ương giải đáp trong chương trình hôm nay. Mời bạn đọc theo dõi nội dung tư vấn:

Việt Nam đang có những biến thể nào?

GS có thể khái quát lại hiện tại Việt Nam đang có những biến thể nào? Theo GS, tốc độ giải trình tự gen và xét nghiệm tại nước ta có bắt kịp tốc độ xuất hiện biến thể mới không ạ?

TTND.GS.TS Nguyễn Văn Kính trả lời: Virus Corona có 4 nhóm (nhóm A, B, C, D) thì nhóm B là nhóm có khả năng đột biến nhiều nhất. Trước đây Coronavirus có thể gây bệnh cảm lạnh, dân gian gọi là cảm cúm, người ta tưởng rằng bệnh này giống như cảm cúm nhưng thực ra nó là do căn nguyên khác, nó có tính đột biến cao. Năm 2002, nó đã đột biến thành chủng virus gây ra SARS và nguy cơ tử vong khá cao, từ 40%-60%. Khi đó, Việt Nam là nước đầu tiên khống chế được bệnh này.

Sau 10 năm, nó xuất hiện đầu tiên ở Trung Đông hay còn gọi là MERS-CoV, những virus này ẩn trong các động vật hoang dã, lây sang các động vật linh trưởng và lây sang cho con người khi chúng ăn thịt hoặc tiếp xúc với động vật đó. Nhưng cũng có thể lây lan từ người sang người và làm cho dịch bệnh lây lan nhanh hơn.

Khi đó, vật mang của MERS-CoV là con lạc đà và khu vực Trung Cận Đông thu hút rất nhiều khách du lịch, du khách rất thích thú khi cưỡi, vuốt ve chúng. Vô tình chúng ta lại dính nước bọt của lạc đà lên tay và đưa lên mặt lau mồ hôi thì hít phải mầm bệnh. Sau đó, du khách trở về quê hương thì gây ra dịch ở khắp nơi, ví dụ điển hình là Hàn Quốc. Năm 2012-2013, Hàn Quốc đã vô cùng vất vả để chiến đấu với MERS-CoV và may mắn là Việt Nam khi đó không ghi nhận ca nhiễm nào.

Đến năm 2019, Corona tiếp tục biến đổi thành nCoV, nó gắn kết với 85% gen corona cổ điển, 15% đột biến ra chủng mới. Những ca bệnh đầu tiên được ghi nhận đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc), sau đó lây lan ra khắp thế giới và trở thành đại dịch. Trong quá trình lây truyền giữa các quốc gia, các châu lục, giữa người với người thì nó tiếp tục đột biến, đây là sự khác lạ của SARS-CoV-2 (tên gọi mới theo Tổ chức Y tế thế giới).

Người ta ghi nhận những biến thể mới này dựa trên những giải trình gen trong phòng thí nghiệm và điều tra dịch tễ học cộng đồng. 2 yếu tố này kết hợp để chúng ta xem xét khả năng đột biến của virus. Có 3 khả năng đột biến: đột biến rất đáng quan tâm vì khi đột biến sẽ lan truyền rất nhiều nơi, đột biến lo ngại về nguy cơ tăng tốc độ lây nhiễm, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ như đột biến N501Y của Nhật, đang lan tràn và làm cho Nhật phải đóng cửa nhiều lần, hoặc đột biến N440K của Ấn Độ. Đột biến ấy tăng nguy cơ tử vong lên gấp 15 lần, nhưng đột biến này chỉ có tỷ lệ rất thấp. Hiện nay người ta ghi nhận rất nhiều biến thể mới và chia làm 3 nhóm chính.

Riêng Việt Nam, chúng ta đã có ghi nhận 5 biến chủng. Biến chủng đầu tiên là D164G, nó gây bệnh ở châu Âu và lan tràn vào Việt Nam vào giai đoạn đầu. Tiếp theo là biến thể B117, biến thể này xuất hiện ở Anh Quốc và chúng ta phát hiện được ở ổ dịch Hải Dương. Tiếp đến chúng ta ghi nhận biến thể B1351 từ Nam Phi do có người nhập cảnh vào Việt Nam, tiếp theo là đột biến A231 từ Rubanda. Hiện nay, chúng ta có biến thể kép từ Ấn Độ là B.1.617, có khả năng lây lan tương tự biến thể B117, nhưng tăng cao gấp 1,5 lần so với chủng ban đầu. Nguy cơ tử vong chưa ở mức nghiêm trọng nhưng biến chủng mới 440R ở Ấn Độ sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn. Nhưng biến thể này chưa xuất hiện ở Việt Nam.

Việt Nam có thể thực hiện được giải trình tự gen và theo dõi những biến đổi của chủng này. Ngay từ đầu, chính nhờ giải trình tự gen, đặc biệt là nuôi cấy virus – Việt Nam là 1 trong 4 nước đầu tiên nuôi cấy được coronavirus, cho nên chúng ta đã sản xuất ra bộ test-kit với độ nhạy và hiệu quả rất cao, phục vụ cho công tác xét nghiệm.

Bên cạnh đó, vẫn phải sử dụng những bộ test khác của thế giới đang sử dụng để test nhanh tại những nơi tụ tập đông người hoặc khi sàng lọc cộng đồng như hiện nay. Những cơ sở y tế ở tuyến cuối như BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Viện Pasteur TPHCM, BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM đều có thể thực hiện giải trình tự gen này. Cho nên khi có những ca bệnh mới, chúng ta đều có thể xét nghiệm để phát hiện những biến chủng mới, để áp dụng biện pháp dự phòng và điều trị có hiệu quả.

Biến thể Ấn Độ nguy hiểm như thế nào?

Biến thể Ấn Độ được bàn đến rất nhiều gần đây, được gọi là “biến thể kép”, có thông tin rằng biến thể mới có thể “cắm” vào bất cứ nơi nào trong cơ thể, lây lan nhanh và nguy hiểm hơn, điều này có đúng không, thưa GS?

TTND.GS.TS Nguyễn Văn Kính trả lời: Thực tế, virus có lây lan được hay không là do hành vi của con người và do môi trường tạo cho virus khả năng lây lan nhanh hơn. Nhất là khi nghiên cứu dịch tễ học lâm sàng, người ta khẳng định rằng virus còn có khả năng lây qua không khí. Trong bầu không khí chật hẹp như trong gia đình, vì trong gia đình chúng ta hầu như không đeo khẩu trang, nếu có một người nhiễm bệnh và không có triệu chứng thì có thể lây cho bố mẹ, anh chị em, con cái. Cho nên, tại Ấn Độ hoặc Việt Nam thì có trường hợp cả gia đình cùng bị nhiễm bệnh.

Ngay trong khu cách ly tập trung, khi ở phòng cách ly từ 2 người trở lên là phải đeo khẩu trang, bởi vì đó là môi trường mà virus có thể lây. Thứ hai, đó là hành vi của con người khi ra môi trường, ví dụ như 4 triệu người Ấn Độ cùng tắm sông Hằng trong 1 buổi sáng thì nguy cơ lây lan sẽ rất nhanh.

Còn bản chất của virus khi đột biến kép thì nó sẽ tăng nguy cơ lây lan lên 70 lần so với chủng gốc thì cùng 1 thời điểm nó sẽ lây lan rất nhanh. Với sự di chuyển của con người bằng các phương tiện khác nhau thì sẽ đưa mầm bệnh đến nhiều địa phương cùng lúc và gây bùng nhiều ổ dịch khác nhau. Do đó, lo ngại về biến chủng chỉ là một phần, còn lại là do hành vi của mỗi người và môi trường lây lan của virus. Đó là 2 yếu tố quan trọng mà chúng ta cần xem xét và xử lý. Như vậy mới ngăn được sự lây lan của virus này.

Ứng phó thế nào với đại dịch COVID-19 có nhiều nguồn lây, ổ dịch khác nhau?

Những ngày vừa qua, thông tin liên tục về làn sóng COVID-19 thứ 4 được cập nhật liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá đợt dịch lần này phức tạp, có đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa chủng nên tốc độ lây nhiễm tăng cao hơn so với các đợt dịch trước.

Kết quả giải trình tự gene virus của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương từ 8 mẫu bệnh phẩm từ bệnh nhân COVID-19 ở Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, cho thấy nhiễm biến chủng Ấn Độ – chủng đã đưa quốc gia đông dân thứ 2 thế giới vào vực thẳm COVID-19 với tốc độ lây nhiễm nhanh hơn, mạnh hơn, có thể làm tình trạng bệnh nặng hơn và làm giảm tác dụng của vắc xin.

Trong khi đó, dịch bệnh xâm nhập đến các bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện K… – những “thành trì” quan trọng của ngành y tế khu vực phía Bắc. Chưa kể, thông tin về một trường hợp tử vong do sốc phản vệ trên nền cơ địa dị ứng non steroid (giảm đau kháng viêm) sau khi tiêm COVID-19 khiến nhiều người hoang mang:

Ứng phó thế nào với đại dịch COVID-19 có nhiều ổ dịch mới, biến thể mới?Mỗi người dân cần làm gì góp phần xây dựng những pháo đài chống dịch vững chắc?

Tất cả những thắc mắc này đã được Thầy thuốc nhân dân.GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính – Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam – Nguyên Giám đốc Bệnh Nhiệt đới Trung ương – Chủ tịch Hội đồng chuyên môn xây dựng, hướng dẫn, chẩn đoán và điều trị COVID-19 tại Việt Nam – giải đáp trong chương trình hôm nay. Mời bạn đọc theo dõi nội dung tư vấn:

1. Kỳ nghỉ lễ vừa qua là khởi nguồn cho những ổ dịch COVID-19 hiện nay?Gần đây Việt Nam ghi nhận cùng lúc nhiều ổ dịch tại nhiều địa phương, làm dấy lên nỗi lo lắng trong cộng đồng. GS có thể lý giải về tình hình này không ạ? Liệu có phải liên quan đến hoạt động vui chơi, tụ tập trong kỳ nghỉ lễ vừa qua?

TTND.GS.TS Nguyễn Văn Kính trả lời: Có 2 nguồn căn bản để tạo ra ổ dịch tại nhiều tỉnh thành cùng lúc. Thứ nhất, do nước ta cho nhập cảnh nhiều chuyên gia nước ngoài và đưa nhiều người Việt ở nước ngoài về nước. Chẳng hạn như đợt này, 1 người nhập cảnh ở Đà Nẵng sau khi cách ly 14 ngày đã trở về quê hương Hà Nam, nhưng do đây là chủng virus mới, có thời gian ủ bệnh lâu hơn và không triệu chứng nên khi bùng phát dịch thì mới phát hiện được.

Vấn đề thứ 2, đây là bệnh dịch lây qua đường hô hấp và bây giờ các chuyên gia Mỹ cũng khẳng định còn lây qua đường không khí. Do đó, nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng khá lớn, nhất là khi chúng ta có những hoạt động tập trung đông người. Vì vậy có những ca bệnh sau khi đi dự đám cưới, đám giỗ, các lễ tôn giáo trở về xuất hiện các bệnh cảnh lâm sàng thì sau đó chúng ta mới phát hiện ra.

 

Thầy thuốc nhân dân.GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính được mệnh danh là người xây thành lũy ngăn dịch bệnh bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam

2. Khoảng bao lâu dịch COVID-19 sẽ lắng dịu?Theo GS dự đoán, tình hình sắp tới sẽ diễn ra theo kịch bản thế nào và khoảng bao lâu nữa sẽ lắng dịu?

TTND.GS.TS Nguyễn Văn Kính trả lời: Trước hết, tình hình dịch hiện tại đang rất phức tạp, không chỉ riêng ở Việt Nam mà cả ở những nước láng giềng như Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia, đặc biệt là các nước Nam Á như Ấn Độ, Nepal, các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản cũng diễn biến khó lường.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho rằng dịch bệnh sẽ kéo dài, chỉ khi nào chúng ta đạt được miễn dịch cộng đồng thì lúc đó dịch mới có thể được không chế. Để đạt được miễn dịch cộng đồng thì chúng ta phải tiêm vắc xin ít nhất 2/3 dân số. Nhiều quốc gia đang lên chương trình rất lớn để tiêm vắc xin COVID-19, tuy nhiên nguồn cung ứng là vấn đề mà các quốc gia đều lưu tâm.

3. “Làn sóng” COVID-19 thứ 4, những nơi trọng yếu nào cần bảo vệ nghiêm ngặt?GS có thể chia sẻ các kinh nghiệm, phương pháp giúp ngăn chặn lây nhiễm COVID-19 trong bệnh viện? Những nơi nào là trọng yếu cần bảo vệ nghiêm ngặt? Về phòng ốc, cơ sở hạ tầng cần thay đổi gì không ạ?

TTND.GS.TS Nguyễn Văn Kính trả lời: Trước hết, để phòng chống bệnh truyền nhiễm gây dịch, chúng ta phải dựa vào đường lây, cơ chế bệnh sinh và các phương pháp điều trị có hiệu quả với nó hay không.

Đối với COVID-19 đến thời điểm này, chúng ta chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị trên diện rộng, trừ một số trường hợp có thể sử dụng kháng thể đơn dòng nhưng giá thành rất cao và số lượng sản xuất ở Mỹ cũng rất hạn chế. Một số thuốc khác cũng đang được thử nghiệm như remdesivir, nhưng hiệu quả chưa rõ ràng.

Việc tổ chức điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, ngăn ngừa các biến chứng. Hoặc khi biến chứng xảy ra thì chúng ta tổ chức điều trị. 2 hậu quả nghiêm trọng theo cơ chế bệnh sinh của COVID-19 là rối loạn hô hấp dẫn đến hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS) và rối loạn đông máu. Một số yếu tố khác như bội nhiễm dẫn đến nhiễm độc khuẩn.

Trong những hướng dẫn, chúng tôi đưa ra về cách thức chẩn đoán và điều trị, Bộ Y tế đã xếp loại các mức nặng để chúng ta tiếp cận và điều trị phù hợp. Trong đó, gần 80% các trường hợp không có triệu chứng, triệu chứng rất nhẹ, mơ hồ nên mọi người không để ý đến, 20% sẽ có triệu chứng và 5% trong số đó sẽ diễn tiến nặng, nguy kịch, cần phải chạy ECMO; 15% còn lại có thể thở oxy dòng cao.

Bộ Y tế đã xây dựng đầy đủ các hướng dẫn về tổ chức điều trị dự phòng cho các thầy thuốc. Thứ nhất là vấn đề chẩn đoán và điều trị phòng bệnh thì đều có cơ sở khoa học, chúng ta dựa trên cơ chế bệnh sinh và đường lây truyền để thực hiện.

Chúng ta biết rằng, virus này lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp, qua đường không khí, tiếp xúc gần, đặc biệt là qua giọt bắn. Dựa trên đó, chúng ta hoạch định chiến lược để dự phòng việc lây qua đường hô hấp, đường không khí.

Phương pháp này đã được Bộ Y tế ban hành, vì vậy tất cả các cơ sở y tế đều phải thực hiện quyết liệt, đầy đủ những hướng dẫn rất chi tiết. Trong đó có hình thành khu khám sàng lọc riêng biệt, đi theo đường 1 chiều riêng; đặt phòng khám này ở cuối ngõ để không phát tán; đưa bệnh nhân vào phòng cách ly nghiêm ngặt.

Như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung Ương thì đều đưa những ca bệnh đầu tiên vào phòng áp lực âm, không để mầm bệnh phát tán ra ngoài. Sau này, những ca bệnh nặng sẽ đưa vào phòng hồi sức tích cực được khử khuẩn tuyệt đối để tránh lây chéo giữa các bệnh nhân. Các bệnh viện hiện nay đang thực hiện hướng dẫn này.

Bộ Y tế còn ban hành quy chuẩn bệnh viện an toàn để phòng chống COVID-19, thường xuyên kiểm tra và giám sát. Sở Y tế và người đứng đầu phải thực hiện điều này thường xuyên. Trong quá trình kiểm tra, giám sát, nếu bệnh viện nào không đủ điều kiện an toàn để khám chữa bệnh thì lập tức bị đóng cửa.

Đối với mỗi người dân, chúng tôi đưa ra khẩu hiệu 5K. Mỗi người dân là 1 chiến sĩ chống dịch, thực hiện hiện tốt khẩu hiệu 5K thì sẽ hạn chế bớt nguồn lây nhiễm. Bởi vì với phòng chống bệnh dịch nói chung và phòng chống dịch COVID-19 nói riêng thì việc dự phòng là cần thiết, để hạn chế số ca nhập viện, tránh quá tải như Ấn Độ. Trong 3 giai đoạn vừa qua, chúng ta đã làm rất tốt việc dự phòng và điều trị. Vì vậy số ca bệnh của nước ta không nhiều và điều trị hiệu quả.

Ngay từ đầu, khi thế giới chưa có phác đồ điều trị thì chúng tôi đã dựa trên kinh nghiệm phòng chống bệnh SARS năm 2002 – 2003 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương – bệnh viện đầu tiên của thế giới phòng chống thành công dịch SARS, để xây dựng phác đồ điều trị COVID-19 cho các nhân viên y tế thực hiện.

Sau đó, dựa trên những kinh nghiệm thực tiễn và hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), CDC của châu Âu để chúng ta ngày càng chi tiết hóa, phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh hiệu quả hơn.

GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính tham dự lớp tập huấn do Tổng Hội Y Học Việt Nam chủ trì cùng với Sở Y tế TPHCM và Hội Y Học TPHCM tổ chức vào tháng 7/2021 với chuyên đề: “Tập huấn giáo dục Y đức, Y nghiệp và những kinh nghiệm trong phòng, chống điều trị COVID-19 tại Việt Nam”

4. Phát hiện SARS-CoV-2 lây qua không khí, có ảnh hưởng quy trình chống dịch của Việt Nam?Mới đây, CDC Mỹ nhấn mạnh đến việc phải chú ý nhiều hơn đến khả năng virus SARS-CoV-2 lây lan qua không khí, điều này có ý nghĩa gì với công tác phòng chống dịch ở nước ta không, thưa GS?

TTND.GS.TS Nguyễn Văn Kính trả lời: Như tôi đã nói trong một môi trường chật hẹp dù rằng chúng ta đang thực hiện nghiêm túc việc giãn cách thì vẫn phải đeo khẩu trang, vận dụng điều này trong từng gia đình, trong từng khu cách ly. Đặc biệt trong các cơ sở y tế phải 100% đeo khẩu trang bất cứ lúc nào. Từng loại khẩu trang đều có những ý nghĩa khác nhau.

– Nếu đi ra đường, chúng ta có thể đeo khẩu trang vải. Hiện nay có những loại khẩu trang vải 2 lớp, 3 lớp thậm chí có cả những chất sát khuẩn rất tốt vừa ngăn chặn bụi vừa ngăn chặn sự xâm nhập của virus.

– Nếu vào môi trường bệnh viện – đây là một môi trường rất quan trọng nên buộc bạn phải đeo khẩu trang y tế.

– Nếu đến khu điều trị và tiếp xúc trực tiếp với người bệnh thì cần nhớ nguyên tắc thực hiện tốt việc dùng các phương tiện phòng vệ cá nhân: khẩu trang, kính đeo mắt, mạng che mặt, bộ quần áo, giày, găng tay; tất cả đều phải cẩn thận sử dụng đúng quy định. Tuy nhiên riêng với khẩu trang bạn phải đeo loại N95 trở lên thì mới ngăn chặn được. Thậm chí ngay cả khẩu trang N95 cũng chỉ ngăn được 95%. Như vậy nếu chúng ta tiếp xúc rất lâu với người bệnh thì nguy cơ bị lây nhiễm vẫn tăng.

Do đó, có thể nói COVID-19 là một căn bệnh lây lan mạnh nhất cho cán bộ y tế, tỷ lệ lên đến 35%. Theo thống kê người ta nhận thấy trong tổng số những người nhiễm SARS-CoV-2 trên thế giới thì có 10% là cán bộ y tế; bệnh diễn biến cũng rất nặng và cuối cùng là dẫn đến tử vong.

Điều vô cùng quan trọng mà tôi muốn nhắn nhủ đến cán bộ y tế và nhân viên y tế: bạn chính là nhóm người ưu tiên số 1 trong việc phòng vệ, bởi bạn cần phải có sức khỏe tốt thì mới có thể giúp đỡ và chữa cho người khác. Hãy thực hiện việc bảo hộ một cách “vô cùng nghiêm ngặt” các quy trình về chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện, quy trình bảo hộ, bảo vệ cá nhân.

Hiện nay ở một số nước đã sử dụng robot thay cho con người để làm những việc như: mang cơm, nước, thuốc men cho bệnh nhân; dùng robot để giúp trao đổi giữa những bệnh nhân trong phòng cách ly với thầy thuốc (với những bệnh nhân còn đi lại được). Còn riêng với những bệnh nhân trong phòng ICU thì thầy thuốc buộc phải bên cạnh bệnh nhân để theo dõi.

Chúng ta có thể chia ca, kíp để làm việc, sau đó những người tiếp xúc vẫn phải cách ly, nghỉ ngơi rồi lại xuống phòng bệnh để tiếp tục điều trị cho bệnh nhân. Bản thân người thầy thuốc vô cùng vất vả, căng mình để nhận nhiệm vụ, thậm chí sau những ca làm việc tâm tư bác sĩ trĩu nặng, thậm chí không thể ngủ được. Nhất là các anh em bác sĩ ở tuyến đầu, những ngươi trực tiếp chăm sóc cho người bệnh.

Bên cạnh những lực bởi chăm sóc bệnh nhân thì còn đó nỗi nhớ nhà vì một tháng mới được gặp gia đình và sự cô đơn… Đó là lý do vì sao cán bộ y tế trong tuyến đầu chống dịch rất dễ bị rối loạn tâm lý.

Hơn thế nữa là sự e ngại, kỳ thị, tâm lý sợ lây của hàng xóm láng giềng. Tôi mong mỗi người dân cần hiểu rõ hơn để cảm thông, chia sẻ, có như vậy thì những cán bộ y tế mới yên tâm xử lý công việc. Mọi người cùng đồng lòng, xã hội cùng chung tay để có thể ngăn chặn được dịch tốt nhất, sớm nhất.

5. Dịch COVID-19 phức tạp, có cần mua máy đo SPO2 cầm tay?Trong đại dịch COVID-19, có một số người bàn đến việc mua máy đo SPO2 cầm tay để biết khi nào nên đến bệnh viện cấp cứu, theo GS điều này có cần thiết không?

TTND.GS.TS Nguyễn Văn Kính trả lời: Nếu có điều kiện mua thì cũng tốt. Nhưng thực tế điều này không cần thiết, bởi nếu SPO2 giảm được 92% thì cũng không chịu được tại nhà. Với COVID-19 việc tụt oxy diễn biến có thể rất nhanh, vì thế dù chỉ cảm thấy hơi khó khó thở một chút là phải đến cơ sở y tế ngay, không thể đợi ở nhà đến khi hôn mê rồi mới vào bệnh viện.

Với bối cảnh COVID-19 đang lây lan ở rất nhiều địa phương thì việc quan trọng là chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác. Xác định được F0 là rất quan trọng. Nhưng khi truy vết ra F1 thì bản thân những người này phải cách ly và được y tế theo dõi sát sao, không phải đợi ở nhà chờ khi SPO2 giảm rồi mới biết.

Theo tôi, SPO2 có 2 mặt, một là sẽ tạo cho chúng ta tâm lý chủ quan không đến bệnh viện sớm, hai là không phối hợp với y tế để khai báo giúp sớm tìm ra F1, F2. Khi xác định được bạn là F mấy, từ đó cán bộ y tế sẽ dựa theo đúng phác đồ để điều trị, như vậy việc điều trị và phòng chống sẽ được tốt hơn chứ không phải cậy nhờ vào những loại máy này.

6. Tích cực và chủ động, mỗi người sẽ là chiến sĩ chống dịch quan trọngGS có thông điệp dành cho cán bộ y tế tuyến đầu, dành cho cộng đồng trong tình hình dịch diễn biến căng thẳng như hiện nay?

TTND.GS.TS Nguyễn Văn Kính trả lời: Chúng ta cần cảm thông với những nỗi vất vả của các thầy thuốc nơi tuyến đầu chống dịch. Trên mặt trận chống dịch này có nhiều mặt trận nhỏ, trong đó mặt trận y tế là vô cùng quan trọng.

Nhưng không phải chỉ một mình ngành y tế có thể giải quyết được vấn đề. Thủ tướng đã kêu gọi chúng ta “Chống dịch như chống giặc”, vì thế mỗi người dân phải là một chiến sĩ chống dịch – đây mới chính là điều quan trọng.

Bản thân mỗi người hãy thực hiện tốt việc dự phòng cho mình, cho gia đình và cho cộng đồng, điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc ngăn chặn sự lây lan của mầm bệnh, giảm bớt số người mắc bệnh. Như vậy, cán bộ y tế mới có thời gian để cứu chữa những ca bệnh nặng, không được để quá tải giống như một số nước khác.

Trong 3 đợt dịch trước chúng ta đã làm điều này rất tốt. Đặc biệt với thời điểm hiện nay chúng ta cần tham gia vào việc chống dịch với tinh thần tích cực và chủ động. Xung quanh chúng ta là các nước với tình hình dịch bệnh rất phức tạp, số ca tăng lên hàng ngày.

Cần ngăn chặn trước tình hình nhập cảnh trái phép, không cho mang mầm bệnh về nước. Nếu có nhập cảnh thì cần cách ly ngay lập tức giúp việc truy vết được thực hiện sớm hơn. Lực lượng tuyến đầu lúc này chính là bộ đội biên phòng.

Thứ 2 là ngành công an và Bộ y tế hãy giúp cho việc truy vết thật sớm và nhanh những người được cho là F1, F2. Bởi chính những người F1 nếu không biết mình nhiễm bệnh sau đó di chuyển đến nhiều nơi, tỉnh khác nhau thì chính điều này sẽ tạo nên thêm nhiều ổ dịch mới.

Hãy quyết liệt, thật nhanh, truy vết càng sớm càng tốt người bệnh, ổ dịch để chúng ta dập dịch được sớm hơn và phát hiện được những ca bệnh nặng, từ đó giúp cứu được sinh mạng cho nhiều người.

Với bệnh tật, tốt nhất chỉ có chẩn đoán sớm và điều trị sớm, điều này giúp giảm tỷ lệ, số ca tử vong. Khi đã quá tải, con số tử vong không ai có thể tưởng tượng được, quá nhiều còn hơn cả sóng thần và chiến tranh.

Mỗi người hãy tự phòng vệ thực hiện nghiêm quy tắc 5K; tăng cường tiêm vắc xin. Trong bối cảnh số ca mắc còn ít và chúng ta vẫn có thể ngăn chặn thì 5K rõ ràng vẫn hữu hiệu. Nhưng khi đã lan tràn và bùng nổ rất nhiều rồi thì miễn dịch cộng đồng mới là điều quan trọng.

Mặc dù vắc xin còn khiến nhiều người e ngại nhưng chúng ta phải đặt lên bàn cân giữa lợi ích và nguy cơ. Phải làm sao để tiêm được cho 2/3 dân số, lúc đó khi đã có miễn dịch cộng đồng thì chúng ta mới có thể an yên hơn với virus này.

Cả thế giới cùng lúc cần vắc xin nhưng nhà máy san xuất có hạn, vì vậy Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đang đưa ra những chương trình vắc xin COVID-19 để mang đến sự tiếp cận công bằng cho cả những nước nghèo và những nước đang phát triển.

Hiện, chúng ta có ít nhất 3 nhà máy tham gia vào nghiên cứu sản xuất vắc xin. Trong đó đi đầu là Nanocovax đã được thử nghiệm sang giai đoạn 3, đang chạy đua với thời gian để khi đủ dữ liệu công bố và có những cơ quan thẩm định về tính an toàn, miễn dịch của vắc xin, khi đó người Việt sẽ sử dụng an toàn. Chúng tôi cũng đang cố gắng để làm sao có thể tiêm vắc xin cho nhiều người nhất có thể.

Từng biện pháp chống dịch góp ích vào một chút, như vậy mới sớm ngăn chặn được lây nhiễm. Thời gian trước đây khi chưa có vắc xin chúng ta đã làm rất tốt bây giờ phải làm tốt hơn nữa, mạnh hơn nữa và quyết liệt hơn nữa. Toàn dân hãy cùng chung tay với cán bộ y tế trong cuộc chiến vất vả, gian nan này.

Người đã chích ngừa, đã khỏi bệnh COVID-19 có được giảm K nào trong 5K không? Nội dung các câu hỏi:

1. Người đã được chữa khỏi COVID-19 liệu có miễn nhiễm với biến thể Ấn Độ?

2. Người đã khỏi bệnh COVID-19 có nên chích ngừa SARS-CoV-2?

3. Đã khỏi bệnh COVID-19 hoặc hoàn thành tiêm ngừa, có được giảm bớt K nào trong 5K?

4. Di chứng sau điều trị COVID-19, nên khám ở đâu?

5. Có cần tầm soát nguy cơ đông máu sau khi điều trị COVID-19?

6. 26% bệnh nhân sau điều trị COVID-19 rơi vào lo âu

7. Trung tâm nào hỗ trợ tâm lý cho nhân viên y tế?

1. Người đã được chữa khỏi COVID-19 liệu có miễn nhiễm với biến thể Ấn Độ?

Người đã được chữa khỏi COVID-19 liệu có miễn nhiễm với biến thể Ấn Độ không ạ? Kháng thể có được sau khi khỏi bệnh COVID-19 có thể tồn tại trong bao lâu, thưa GS?

TTND.GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính trả lời: Hiện nay, với thay đổi rất lớn của biến chủng coronavirus, nhất là COVID-19, người ta đã thấy một số trường hợp có hiện tượng tái nhiễm với các chủng khác. Tuy nhiên, trên thế giới chỉ mới ghi nhận 6 trường hợp.

Người mắc bệnh COVID-19 thì kháng thể có thể tồn tại khoảng 6 tháng và sau đó sẽ giảm dần.

2. Người đã khỏi bệnh COVID-19 có nên chích ngừa SARS-CoV-2?

Sau này, khi vắc xin đã chích đầy đủ cho các đối tượng ưu tiên thì người đã khỏi bệnh COVID-19 có nên chích ngừa SARS-CoV-2 nữa không ạ?

TTND.GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính trả lời: Theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin hiện nay thì không tiêm cho những người mắc COVID-19 trước đó 6 tháng. Vì vậy, trong vòng 6 tháng sau khi mắc COVID-19 thì không cần tiêm vắc xin.

 

3. Đã khỏi bệnh COVID-19 hoặc hoàn thành tiêm ngừa, có được giảm bớt K nào trong 5K?

Ai cũng mong muốn trở lại cuộc sống bình thường sau đại dịch. Với những người đã khỏi bệnh COVID-19 hay những người đã hoàn tất chích ngừa 2 mũi vắc xin, họ có được giảm bớt K nào trong 5K hay không, thưa GS?

TTND.GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính trả lời: Về nguyên tắc, khi mà trong cộng đồng vẫn còn dịch COVID-19 thì vẫn phải thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng vệ cá nhân, đặc biệt là 5K. Bởi vì, nếu đã mắc COVID-19 một lần nhưng khi có biến thể mới thì vẫn có thể mắc lại. Vì vậy, chúng ta vẫn phải thực hiện 5K cho đến khi công bố hết dịch.

4. Di chứng sau điều trị COVID-19, nên khám ở đâu?

Với những người đã khỏi COVID-19 gặp tình trạng khó thở, suy nhược và thay đổi khẩu vị… thì họ đến đâu để điều trị, có bắt buộc phải đến bệnh viện có chuyên khoa Bệnh nhiệt đới không ạ?

TTND.GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính trả lời: Đây chỉ là di chứng hoặc hậu quả của COVID-19. Bệnh nhân  có thể quay trở lại nơi ban đầu điều trị để được theo dõi, đánh giá toàn bộ quá trình điều trị và hậu quả của nó. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể đi khám tại các phòng khám chuyên khoa liên quan đến triệu chứng mà mình có.

5. Có cần tầm soát nguy cơ đông máu sau khi điều trị COVID-19?

Người đã khỏi bệnh COVID-19 hay đã chích ngừa có cần tầm soát nguy cơ đông máu không thưa GS?

TTND.GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính trả lời: Gần đây, Hoa Kỳ và các nước ở châu Âu cũng ghi nhận tỷ lệ rất thấp những trường hợp bị giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu dẫn đến tắc tĩnh mạch đối với người đã khỏi bệnh COVID-19 hay đã chích ngừa. Tuy nhiên tỷ lệ này không cao so với tỷ lệ bình thường cũng xuất hiện những biến cố đó trong cuộc sống đời thường.

Tuy vậy, nhưng những người sau khi tiêm vắc xin vẫn cần được theo dõi sức khỏe. Bản thân người tiêm vắc xin cũng phải theo dõi những triệu chứng sau tiêm như nhức đầu dai dẳng kéo dài, đau tức ngực, khó thở, đau âm ỉ vùng ngực và cần phải đi khám ngay.

Hiện nay, Bộ Y tế đã có hướng dẫn xử trí sau tiêm, do đó mỗi người tiêm chủng đều có phiếu theo dõi riêng. Những người tiêm chủng sẽ thông báo tình trạng sau tiêm qua online hoặc tại nơi tiêm chủng để theo dõi sát sao hơn. Những triệu chứng thường gặp sau tiêm đó là nhức đầu dai dẳng kéo dài, đau ngực, khó thở,…

6. 26% bệnh nhân sau điều trị COVID-19 rơi vào lo âu

Với những người đã khỏi bệnh COVID-19 ở nước ngoài, có ghi nhận rằng nhiều người bị mất ngủ, trầm cảm, còn bệnh nhân tại Việt Nam đã ghi nhận những triệu chứng “hậu COVID” liên quan đến sức khỏe tâm thần chưa ạ?

TTND.GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính trả lời: Hiện ở Việt Nam chưa có thống kê đầy đủ trên những người đã chữa khỏi bệnh COVID-19, song có xuất hiện tình trạng lo âu sau khi mắc bệnh. Một nghiên cứu của TS Trần Văn Giang, tỷ lệ bệnh nhân có biểu hiện lo âu sau khi điều trị COVID-19 ra viện khoảng 26%.

7. Trung tâm nào hỗ trợ tâm lý cho nhân viên y tế?

Một người mẹ có con nhỏ vì công việc đã nhiễm COVID-19 đang cách ly, tình trạng sức khỏe ổn nhưng lòng quặn thắt vì không biết con ở nhà có bị lây chưa… Không chỉ chịu thiệt thòi là bị người xung quanh nơi sinh sống kỳ thị mà chính bản thân nhân viên y tế cũng canh cánh nỗi lo mình có khả năng mang mầm bệnh về nhà. Hiện tại có hotline hay trung tâm nào hỗ trợ tâm lý cho nhân viên y tế ạ?

TTND.GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính trả lời: Hiện nay, tất cả các cán bộ ngành y tham gia vào tuyến đầu chống dịch thì hầu như đều bị cách ly và thời gian cách ly là gấp đôi so với người bình thường. Khi người tiếp xúc với nhân viên y tế ra viện thì họ được tính thêm 1 chu kỳ cách ly nữa. Vì vậy, hầu như thời gian cách ly của cán bộ y tế trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19 là gấp đôi so với bệnh nhân.

Chẳng hạn, nếu là trong bệnh viện thì sau khi cơ sở y tế không còn ca nhiễm ít nhất 21 ngày thì nhân viên y tế mới được về nhà. Và sau đó vẫn phải tiếp tục cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày.

Đó là sự thiệt thòi, gian nan của cán bộ y tế, đặc biệt là những người ở tuyến đầu chống dịch, ảnh hưởng đến sự kết nối tình cảm gia đình giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái. Nhưng tất cả đều tạm gác lại để thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, cứu chữa người bệnh COVID-19. Do đó, sự lo lắng của cán bộ y tế cho người thân của mình là lẽ đương nhiên, chúng ta phải cảm thông và động viên họ.

Bộ Y tế cũng như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương đã có hotline để trả lời những thắc mắc, tư vấn cho những gia đình có quan tâm, có âu lo để chúng ta cùng nhau chiến đấu với COVID-19. Mong rằng xã hội cũng không nên kỳ thị, bởi vì họ đã rất gian khổ trong quá trình chống dịch. Sự kỳ thị xuất phát từ lo sợ bị lây nhiễm. Với những quy trình cách ly hiện nay, sẽ đảm bảo an toàn cho những cán bộ đó sau khi tham gia chống dịch trở về nhà.

Từ khóa » Việt Nam Bn Ca Covid