Những Bộ Phim "bối Cảnh Xưa" Chưa Bao Giờ Lỗi Thời Của đạo Diễn ...

“Ải mỹ nhân”, “Hoán nhân tâm”, “Tơ đồng vương vấn”…lần lượt là các bộ phim nổi tiếng và ăn khách hoài niệm về thời xưa cũ, số phận con người, nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc…

Phận làm dâu

Tiếp bước sự thành công vang dội, Phận làm dâu tiếp tục là bộ phim lấy “bối cảnh xưa” trong thời kỳ phong kiến. “Phận làm dâu” dài 30 tập của đạo diễn Xuân Phước sắp ra mắt khán giả trong thời gian sắp tới. Hình ảnh hậu trường dần hé lộ khiến khán giả không khỏi xót xa trước số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến bị vùi dập và chịu nhiều thiệt thòi. Bên cạnh đó những mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, vợ lớn vợ bé, chị dâu em chồng cũng khiến khán giả không khỏi chạnh lòng.

Phận làm dâu xoay quanh cuộc đời đầy biến động của Thảo (Lê Bê La), cô gái hiền lành lễ phép, đảm đang, thẳng tính, sẵn sàng chống lại những điều sai trái. Vì chữ hiếu cô đành phải phụ người yêu về làm dâu nhà ông Hội đồng Tâm. Tưởng chừng khi được được gả vào gia đình giàu có cuộc sống của mình sẽ được sung sướng, nhưng không ngờ cuộc đời Thảo lại chìm trong những chuỗi ngày đau khổ. Từ ngày về nhà chồng, Thảo phải trải qua nhiều tủi nhục và đắng cay khi phải đối đầu với những mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu, vợ lớn vợ bé, chị dâu em chồng. Bên cạnh đó Thảo còn phải chịu sự ghẻ lạnh của gia đình chồng và chồng vì không “Môn đăng hộ đối”, “sinh con gái”…

Bộ phim sắp được phát sóng, tình tiết ngày càng kịch tính và hấp dẫn tạo sức hút, mong đợi cho khán giả truyền hình.

Hoán nhân tâm

Đây được xem là bộ phim tạo nên tên tuổi của đạo diễn Nguyễn Xuân Phước. Khai thác đề tài xưa được khán giả yêu thích và đón nhận với chỉ số rating rất cao. Không chỉ mang tính nhân văn sâu sắc mà cuộc sống đậm chất Nam Bộ xưa được tái hiện một cách sống động và nguyên vẹn.

Với bối cảnh vào những năm 1930 - 1940 câu chuyện xoay quanh các mối quan hệ trong một gia đình đa thê của Hội đồng Thanh. Những mâu thuẫn, xung đột, tranh giành quyền lực giữa các bà vợ hay sự lừa lọc giữa những con người trong xã hội. Cuộc chiến đa thê, với ba bà tranh giành ngôi vị, quyền lợi, chuyện gian tình sau bức rèm đạo đức. Tuy nội dung không xa lạ với người xem nhưng vẫn thu hút nhờ sự biến hóa tài tình của đạo diễn Nguyễn Xuân Phước.

Phim không nặng giáo lý, mà đơn thuần kể chuyện – một câu chuyện hay. Sự thận trọng trong cách dàn dựng bối cảnh, phục trang những năm 1950 đẹp, sáng, cách hóa trang cho nhân vật đẹp cuốn hút đúng với bối cảnh xưa. Nhạc phim trau chuốt phù hợp với câu chuyện xưa nhưng vẫn toát lên được âm hưởng hiện đại và hỗ trợ rất tốt cho các tình huống phim.

Tơ đồng vương vấn

“Tơ đồng vương vấn” là dự án phim có ý nghĩa rất quan trọng khắc họa nhân vật trong lịch sự Cao Văn Lầu và giữ gìn phát huy truyền thông tốt đẹp của dân tộc. Bộ phim dài 20 tập kể lại cuộc đời gian truân, tình cảm trắc trở và sự nghiệp của cố nhạc sĩ tài hoa Cao Văn Lầu. Dưới chế độ áp bức của địa chủ, Cao Văn Lầu trải qua tuổi thơ đầy khốn đốn, lớn lên ông phải vất vả mưu sinh để nuôi sống gia đình. Sinh trưởng ở Long An nhưng cuộc đời của ông trôi nổi khắp nơi và mảnh đất Bạc Liêu là nơi dừng chân cuối cùng. Cũng tại nơi này, mối tình gian nan của ông và người vợ Thị Tấn đã làm nên bài Dạ cổ Hoài Lang – tác phẩm tinh hoa của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và cho bài vọng cổ Việt Nam. Có thể nói, đã khá lâu trên diễn đàn điện ảnh và truyền hình, mới có một bộ phim nhận được khá nhiều khán giả theo dõi và yêu mến như “Tơ đồng vương vấn”. Đó là một “tín hiệu đỏ” về tinh thần, ý thức bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa truyền thống dân tộc và nét đẹp văn hóa người Việt.

Ải mỹ nhân

“Ải mỹ nhân” là một trong số bộ phim có bối cảnh Nam Bộ xưa hay nhất từ trước tới nay. Cách xây dựng cốt truyện, thể hiện tuyến nhân vật trong phim đã lột tả sâu sắc bối cảnh xã hội lúc bấy giờ. Sự phân biệt giàu nghèo, sự ích kỉ của con người đã dày vò lẫn nhau, mưu toan hại nhau vì dã tâm, tham vọng…

Bộ phim lấy bối cảnh những năm đầu thế kỷ 20, nội dung phim xoay quanh câu chuyện gia đình Ông Hội đồng Thanh (NSƯT Thanh Điền) giàu có nổi tiếng đất Cù Lao. Ông Hội đồng Thanh có bốn bà vợ gồm bà Cả (Thiên Hương), bà Hai (Đan Thy), bà Ba (Trương Hải Vân), bà Tư (Dương Cẩm Lynh) với những cảnh tình éo le, nhiều gút mắc rắc rối, yêu, ghét, hận thù…Bộ phim không chỉ phản ánh những mối mâu thuẫn gia đình từ hệ quả của chế độ đa thê mà còn đề cập đến thực trạng phân biệt giai cấp tạo ra một khoảng cách lớn giữa ông chủ và người làm, giữa Hội đồng và người nông dân. Câu chuyện "một ông bốn bà", những dòng xúc cảm ân tình, những oán hận hờn ghen, dã tâm, tham vọng...

Với giá trị nhân văn, thông điệp sâu sắc được truyền tải qua bộ phim. Ải mỹ nhân xứng đáng là một trong những bộ phim bối cảnh Nam Bộ xưa hay nhất hiện nay.

Từ khóa » Phim Bối Cảnh Nam Bộ Xưa