Những 'bóng Hồng' Nơi Tuyến đầu Chống Dịch - Báo Tuổi Trẻ

Những bóng hồng nơi tuyến đầu chống dịch - Ảnh 1.

Đội ngũ chống dịch lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho trẻ em tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Có những nữ y bác sĩ đã trải qua tâm dịch của miền Nam, tiếp tục tham gia chống dịch ở phía Bắc. Có những người mới tiếp nhận công việc điều trị bệnh nhân COVID-19 vài tháng. Thế nhưng mỗi câu chuyện của những "nữ chiến binh" nơi tuyến đầu chống dịch đều thể hiện sự cố gắng không ngừng nghỉ. Những người mẹ không thể chăm sóc con khi con mắc COVID-19, những cô gái ở độ tuổi đẹp nhất không đụng đến son môi hàng tháng...

Nhân Ngày quốc tế phụ nữ 8-3, Tuổi Trẻ xin tri ân và ghi lại chia sẻ của những "nữ chiến binh" này.

Bác sĩ Đàm Thị Hương Lan (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội):

Cắt đi mái tóc dài yêu thích, chẳng cần son môi đỏ thắm

Những bóng hồng nơi tuyến đầu chống dịch - Ảnh 2.

Bác sĩ Đàm Thị Hương Lan

Tôi có nhiệm vụ tiếp đón, phân loại bệnh nhân nhập viện điều trị COVID-19. Trước khi xuống đây (bác sĩ thuộc Đại học Y Hà Nội được điều động đến Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Hà Nội làm việc), tôi đã cắt bỏ bộ tóc dài, bởi các đồng nghiệp chia sẻ hết ca làm việc phải tắm gội để đảm bảo phòng chống dịch. Tôi thích nuôi tóc dài lắm, 2 năm nay không dám cắt nhưng khi xuống đây mình phải cắt đi. Các nữ y bác sĩ ở đây chẳng còn ai nuôi được tóc dài nữa, ai cũng cắt ngắn cho gọn gàng.

Khi xuống đây, cuộc sống cũng bị đảo lộn, không có nhiều thời gian bên cạnh gia đình. Con gái 4 tuổi đợt vừa rồi cũng mắc COVID-19, cháu lại có tiền sử sốt co giật nên tôi cũng rất lo lắng.

Nhưng khi đó, tình hình dịch bệnh đang rất căng thẳng, số ca bệnh nhập viện tăng mà y bác sĩ nhiễm bệnh lại nhiều. Vậy nên tôi không thể nghỉ để chăm sóc con, tất cả phải nhờ chồng và ông bà. Chỉ cần khi nào nghỉ tay là lại gọi điện về để hỏi thăm, động viên con. Bé mới 4 tuổi thôi nhưng cũng rất hiểu chuyện, biết mẹ phải đi làm việc nên cũng không đòi mẹ hay làm nũng. Càng như vậy lại càng thấy thương con hơn.

Bản thân cũng mắc COVID-19, sốt cao hai ngày, đến ngày thứ ba hạ sốt, cảm thấy sức khỏe có thể làm việc được nên tôi xin được quay trở lại làm việc. Tất cả ai cũng đều nỗ lực để cứu sống bệnh nhân. Đối với các bác sĩ nam, có lẽ bác sĩ nữ vất vả hơn một chút thôi. Nhưng bù lại, các anh cũng tâm lý, luôn động viên và hỗ trợ công việc để mọi người đỡ vất vả hơn.

Khi hỏi về những mong ước trong ngày tôn vinh người phụ nữ 8-3, các chị chỉ muốn gửi những tri ân đến hậu phương vững chắc của mình. Những hậu phương đã luôn đồng hành, cảm thông và chia sẻ để các chị có thể an tâm chiến đấu với COVID-19, cứu sống bệnh nhân.

Những người phụ nữ ấy như những chiến binh trong màu áo blouse trắng, chẳng cần son môi đỏ thắm, những nụ cười sau lớp khẩu trang vẫn toát lên tinh thần lạc quan chiến đấu với dịch bệnh.

Chị Võ Thị Cẩm Nhung (phòng điều dưỡng Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM):

Nhận lại quá nhiều so với áp lực

Những bóng hồng nơi tuyến đầu chống dịch - Ảnh 3.

Chị Võ Thị Cẩm Nhung

Tôi bắt đầu tham gia chống dịch từ lúc Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM thành lập (2-8-2021) đến khi bệnh viện giải thể ngày 8-2-2022.

Sáu tháng chống dịch, trải qua nhiều khó khăn, áp lực nhưng những điều tôi nhận được lại nhiều hơn và chưa chắc sẽ xảy ra lần thứ hai trong đời. Tôi có thêm nhiều kinh nghiệm, cơ hội thử sức bản thân, học cách chấp nhận việc không muốn xảy ra, biết thêm nhiều đồng nghiệp, quen thêm các bạn tình nguyện viên...

Nhớ lại thời điểm bệnh viện phát lệnh điều động nhân viên y tế tham gia chống dịch, tôi nhận nhiệm vụ nhưng chưa hình dung rõ công việc của mình là gì, nghe chống dịch thì xách balô lên đi thôi vì mình còn trẻ và cũng chưa lập gia đình.

Từ một Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 "trống trơn", không có gì ngoài giường bệnh, phòng ốc thì chỉ trong 12 tiếng đã có trang thiết bị và thêm nhân sự. 12 tiếng tiếp theo, trung tâm đã cơ bản hoàn thiện và bắt đầu nhận bệnh nhân COVID-19. Nhiệm vụ của tôi từ việc hỗ trợ tiếp nhận nhân sự, phụ kiểm tra vật tư trang thiết bị đến giám sát, hỗ trợ chuyên môn điều dưỡng (chăm sóc bệnh nhân bị lở loét vết thương, dùng ECMO)...

Giai đoạn đầu công việc rất nhiều, tôi và các đồng nghiệp gặp nhiều rắc rối vì chưa biết sắp xếp như thế nào và luôn phải "chạy" vì số lượng bệnh nhân mới liên tục phát sinh. Lúc đỉnh dịch, thiếu nhân sự, trung tâm tiếp nhận số lượng lớn tình nguyện viên hỗ trợ, tôi phải tổ chức, sắp xếp vị trí các bạn nghỉ ngơi.

Để việc trao đổi thông tin từ tòa nhà này sang tòa nhà kia, phòng này sang phòng nọ được thuận lợi, chúng tôi sử dụng thiết bị bộ đàm. Đây là lần đầu chúng tôi sử dụng thiết bị này để làm việc và vì dùng liên tục nên chúng tôi bị ám ảnh thứ âm thanh này. Chúng tôi hay đùa rằng khi bệnh viện giải thể sẽ xin "vật bất ly thân" gây ám ảnh này về làm kỷ niệm.

Khi đối diện khó khăn, áp lực cao, có hôm thức xuyên đêm làm việc, thiếu ngủ nhưng tôi tự động viên bản thân rồi mọi việc cũng xong để không phải suy nghĩ quá nhiều, làm người nặng nề. Dẫu thế nhưng có lúc tôi rất buồn, không thể nào kéo cảm xúc lên được khi chứng kiến những bệnh nhân tử vong. Có người đi cách ly cùng cả gia đình nhưng khi ra đi lại chỉ một mình lặng lẽ.

Khi chống dịch được 2 tháng, bệnh viện sẽ xoay vòng nhân sự nhưng nguyện vọng của tôi là tiếp tục chống dịch, được trưởng phòng đồng ý. Ở trung tâm, đồng nghiệp và cả thầy Khôi (TS Lê Minh Khôi) hay gọi tôi là Nhung "nhún", "đầu xù".

Biệt danh này đúng như phong thái chống dịch của tôi: di chuyển liên tục từng giường bệnh này đến giường bệnh khác, phòng này sang phòng khác và mái tóc hay bị xù lên do mặc đồ bảo hộ, đội miếng chắn giọt bắn.

Thấy tôi tham gia chống dịch đã lâu, thầy Khôi hỏi tôi khi nào về. Tôi vui cười trả lời: "Thầy đi tới đâu thì con đi tới đó". Vậy mà tôi đã trải qua 6 tháng chống dịch. Tôi cảm ơn đồng nghiệp đã gánh vác phần công việc của mình tại bệnh viện, cảm ơn gia đình đã ủng hộ, động viên để tôi tiếp tục "bám trụ" chống dịch.

Với tôi, mọi vấn đề đều có hai khía cạnh. Biết chống dịch sẽ vất vả, áp lực, nguy cơ nhưng đổi lại điều tôi nhận lại quá nhiều hơn so với những khó khăn này.

Chị Nguyễn Thị Thu Phương (điều dưỡng trưởng, Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 Hoàng Mai, Hà Nội):

Gia đình là điểm tựa vững chắc nhất

Những bóng hồng nơi tuyến đầu chống dịch - Ảnh 4.

Chị Nguyễn Thị Thu Phương

Tôi đã tham gia chi viện điều trị bệnh nhân COVID-19 cho Bình Dương từ những ngày đầu dịch. Ngay khi bệnh viện COVID-19 tại Hà Nội hoạt động, tôi đảm nhiệm vai trò trưởng khoa điều dưỡng. Những ngày đầu ai cũng không tránh khỏi những lo lắng, nếu không may mình mang dịch về nhà thì sao. Chúng tôi có những quy định nghiêm ngặt để đảm bảo phòng chống dịch.

Tôi có hai con, hai bé đang học trung học phổ thông, đều lớn nên rất hiểu và cảm thông cho công việc của mẹ. Mới đây, cả hai bé đều mắc COVID-19 nhưng vì công việc tôi không thể ở nhà để chăm sóc cho con.

Tôi chỉ có thể gọi điện hỏi thăm tình hình ở nhà, hướng dẫn các con cách tự chăm sóc và điều trị. Khi hết giờ làm trở về nhà, tôi mới có thời gian dành cho con. Để hoàn thành được công việc, gia đình luôn là điểm tựa vững chắc nhất. Tôi rất biết ơn sự cảm thông và chia sẻ của chồng, con với công việc của mình.

Kỹ thuật viên Dương Thị Giang (kỹ thuật viên trưởng, khoa xét nghiệm Bệnh viện Đại học Y Hà Nội):

Chạnh lòng khi không kèm cặp con học trực tuyến

Những bóng hồng nơi tuyến đầu chống dịch - Ảnh 5.

Kỹ thuật viên Dương Thị Giang

Tôi năm nay 42 tuổi, đã có gần 20 năm công tác trong ngành y tế. Tôi được điều động xuống Bệnh viện COVID-19 để hỗ trợ xét nghiệm cho bệnh nhân. Nói về sự vất vả của những nữ y bác sĩ, tôi nghĩ chúng tôi không vất vả mà hậu phương chúng tôi mới là những người vất vả.

Trong thời gian công tác chống dịch, chồng và ông bà là người luôn động viên tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hai con nhỏ, một bé học lớp 7, một bé học lớp 1 cũng thường xuyên động viên mẹ mỗi khi mẹ đi làm về muộn hay mệt mỏi. Bé học lớp 7 mới đây cũng mắc COVID-19, bản thân là người chăm sóc bệnh nhân nhưng khi con mình mắc bệnh mình lại không ở bên cạnh con được. Còn bé học lớp 1 năm nay phải học trực tuyến, như các bạn bè khác sẽ được mẹ kèm cặp thêm nhưng con lại không được như vậy. Đôi khi cũng thấy chạnh lòng vì mình không có nhiều thời gian để bên cạnh các con.

'Phía tây thành phố': Nghe bác sĩ Lê Minh Khôi kể chuyện từ tuyến đầu chống dịch

TTO - Tập tản văn 'Phía tây thành phố' của bác sĩ Lê Minh Khôi vừa ra mắt. Phía NXB Trẻ cho biết toàn bộ lợi nhuận của tập sách đều được ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 tại TP.HCM.

Từ khóa » Những Người Nơi Tuyến đầu Chống Dịch