Những Bông Sen Sẽ Tiếp Tục Tỏa Hương Thơm!

Khi còn sống, anh Cường là người nhiệt tình, đam mê làm từ thiện

Đó là những lời chia sẻ xúc động của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong lá thư chia buồn và động viên vợ con, gia đình anh Vũ Quốc Cường- Chủ quán cơm chay xã hội Cường Béo, người tích cực hoạt động thiện nguyện tại TP Hồ Chí Minh vừa qua đời vì nhiễm COVID-19.

Trưa 29/8, thăm hỏi, chia buồn cùng chị Nguyễn Thị Tuyết Lan (vợ anh Cường) và gia đình, chúng tôi được biết hiện tại 3 mẹ con chị đã được xuất viện và đang tiếp tục điều trị, theo dõi sức khỏe tại nhà. Anh Cường mất nên 3 mẹ con chị Lan hiện đang ở nhà người thân. Cô con gái thứ 2 là sinh viên Đại học Y Dược hiện vẫn đang tham gia chống dịch tại Quận 7. Những ngày qua, chị cũng nhận được nhiều sự động viên, chia sẻ của mọi người nên cũng nguôi ngoai đi phần nào nỗi đau khi anh ra đi.

Theo chia sẻ của chị Tuyết Lan, hai vợ chồng chị đã mở 2 quán cơm chay xã hội Cường Béo (151/4 Tôn Thất Đạm, quận 1, TP Hồ Chí Minh) này từ rất lâu rồi. Ban đầu cơm bán với giá 5.000 đồng/phần, nhưng sau đó vợ chồng anh chị quyết định không nhận tiền mà anh chị bỏ sẵn một cái thùng rồi tùy tâm mọi người đóng góp. Dù nằm trong hẻm nhỏ nhưng quán cơm của vợ chồng anh Cường luôn là nơi ấm áp nghĩa tình, là địa chỉ thân thuộc của hàng ngàn người nghèo tại TP Hồ Chí Minh.

Nói về cơ duyên ra đời quán cơm nghĩa tình ấy, chị Lan bảo trước đây, từ khi anh chị lấy nhau cho tới lúc sinh các con, kinh tế gia đình rất khó khăn. Không muốn người thân hay chính quyền phải lo lắng cho mình, anh chị đã từng phải tìm kiếm những quán cơm chay nào bán rẻ nhất để vào ăn. Chị nhớ lại lúc đó có 2 ngàn rưỡi/phần cơm. Từ chính cuộc sống của bản thân, thấu hiểu, đồng cảm với sự vất vả, nhọc nhằn của bà con nghèo nên anh chị đã quyết định mở quán cơm chay để chia sẻ, giúp đỡ những mảnh đời khó khăn như mình đã từng.

"Quán được mở ra tại nhà bác của anh Cường chứ anh chị tới giờ này cũng đâu có nhà riêng. Người bác ấy không có chồng, con nên gia đình anh Cường qua ở cùng bà' - Chị Lan cho biết.

Không chỉ mở quán cơm chay xã hội giúp bà con khó khăn, anh còn tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện khác

Khi quán đi vào hoạt động, cũng nhiều người nói ra nói vào, chín người mười ý. Người dè bỉu nhà đã nghèo, đông con không lo cho gia đình mình còn bày ra làm từ thiện. Người thì nghi ngờ chắc lợi dụng từ thiện… Biết vậy, nhưng anh chị chẳng màng suy nghĩ, bởi đã làm bằng cái tâm của mình thì đâu phải cứ giàu có mới giúp được người khác. “Mình sinh ra đầy đủ tay, chân, mắt, mũi, miệng đã là hạnh phúc. Thế thì tại sao không dùng chính sức lực của bản thân để chia sẻ, giúp đỡ những người thiếu may mắn hơn trong xã hội? Chúng tôi làm vậy mà chúng tôi xây được nhà lầu, mua được xe hơi thì mới nói lợi dụng. Đây, bao năm chúng tôi vẫn chẳng có gì thì đâu lợi dụng ai. Càng khó khăn, chúng tôi càng động viên nhau cố gắng mỗi ngày, và đặc biệt là không cần phải thanh minh với ai. Mình làm trong khả năng của mình. Ngoài quán cơm chay ở quận 1, anh chị còn mở thêm một quán nữa ở quận 7. Mỗi người tới ăn cơm, nhìn nét mặt họ vui vẻ, họ cười tươi với chúng tôi thế là quá đủ hạnh phúc rồi. Gia đình tôi vẫn nghèo bao năm nay nhưng tôi chưa bao giờ buồn về điều đó, mà luôn thấy cuộc sống rất hạnh phúc”, chị Lan kể.

Dù người ngoài nói gì nhưng chưa khi nào chị Lan trách chồng một lời khi anh chỉ nghĩ đến giúp đời, giúp người mà ngược lại, chị luôn ủng hộ và sát cánh đồng hành cùng anh. “Chồng tôi đi khắp nơi, thậm chí không có một đôi dép nhưng tôi vẫn luôn tự hào về chồng mình”, chị Lan bộc bạch.

Mặc dù gia đình khó khăn, nhưng 4 đứa con của anh chị đều rất ngoan và học giỏi. Chị bảo đó là niềm vui lớn nhất của gia đình mình. Lúc trước, quần áo của tụi nhỏ cũng là anh đi xin về cho chúng nó mặc, chứ mấy đứa cũng chẳng bao giờ đòi hỏi ba mẹ phải mua cho đồ mới. Biết ba mẹ làm cơm chay hỗ trợ người khó, đứa nào rảnh đều ra phụ, đứa bới cơm, đứa múc canh. Chị kể: “Vợ chồng tôi luôn nhắc nhở các con, ba mẹ không nhà cửa, không bằng ai nhưng mong các con học giỏi, để sau này có thể giúp đỡ được thật nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Bé lớn cũng tốt nghiệp đại học mới lập gia đình. Bé thứ hai, đợt dịch rồi xung phong đi tuyến đầu chống dịch, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ và thấy rất hạnh phúc khi con hiểu chuyện, có tấm lòng yêu thương”.

Quán ăn của anh chị trước dịch cũng rất nhiều sinh viên trường Cao đẳng Cao Thắng từng ghé ăn. Chị kể: “nhắc tới má Tuyền là nhiều đứa biết lắm” (Chị Tuyết Lan có pháp danh là Diệu Tuyền). Anh chị coi các bạn sinh viên như con cháu mình, luôn nhắc nhở các em ăn uống thoải mái, ăn no hãy về đồng thời không quên động viên các em ráng học tập cho tốt, vì học tốt sau mới giúp được nhiều người.

Khi TP Hồ Chí Minh bùng phát dịch, anh chị đã đóng quán ăn lại rồi cùng với bạn bè tiếp tục thành lập bếp cơm từ thiện để nấu các suất ăn đưa vào các khu cách ly, khu phong tỏa. Công việc vẫn diễn ra đều đặn với hàng trăm phần ăn mỗi ngày. Tuy nhiên, sau 2 tháng thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện cho bà con nơi tâm dịch, ngày 16/8, anh Cường đã mắc COVID-19, và 1 tuần sau đó thì qua đời. Trái tim giàu lòng nhân ái ấy dường như có mặt trên đời này là để sẻ chia những yêu thương cho mọi người. Cả khi đã vô viện điều trị COVID-19, anh vẫn lo lắng cho bà con nghèo khó, anh vẫn dặn dò bạn bè, cộng sự tiếp tục giúp đỡ người khó khăn hơn mình.

Anh Cường ra đi! Đó là mất mát to lớn, là nỗi đau đớn khôn xiết cho gia đình, và khiến bạn bè, những người từng quen biết anh xót thương. Trái tim ấy đã ngừng đập để khép lại một kiếp nhân sinh nhưng nó vẫn luôn ấm áp, đầy sức sống. Sự nhiệt huyết ấy có lẽ vẫn tiếp tục được lan tỏa, truyền đi thông điệp lớn lao và ý nghĩa cao cả về giá trị tốt đẹp của tình người.

Chị Lan nói, anh Cường ra đi không để lại tài sản vật chất gì ngoài mấy bộ đồ lam làm kỷ niệm cho các con. Nhưng cái ý nghĩa hơn là anh để lại nhân đức và tấm lòng vì cộng đồng. Chị mong các con sẽ luôn tự hào về ba của mình và giữ mãi nhiệt huyết sống vì mọi người.

Những suất ăn chay được gia đình anh Cường đưa vào các khu phong tỏa, khu cách ly để hỗ trợ tuyến đầu chống dịch và bà con khó khăn

Bày tỏ sự buồn thương khi biết tin anh Vũ Quốc Cường ra đi, trong thư gửi gia đình anh, Chủ tịch nước chia sẻ, sự ra đi của anh Cường không chỉ là lời nhắc nhở về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, hình ảnh kiên cường, tận tâm của anh với cộng đồng trong lúc khó khăn, mà còn là niềm tự hào của tất cả chúng ta về sự quả cảm và những tấm lòng nhân ái, thiện nguyện trong xã hội, sẵn sàng phụng sự, dấn thân vì cộng đồng, về tinh thần một Việt Nam.

Chủ tịch nước cũng động viên mẹ con chị Lan và gia đình lúc này hãy mạnh mẽ như cách sống, niềm tin và tinh thần thiện nguyện của anh Vũ Quốc Cường. “Xin nén đau thương và hãy tự hào về người chồng, người cha, người con, người bạn của mình”, Chủ tịch nước bày tỏ.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm trình, đề xuất tôn vinh tấm gương hy sinh, cống hiến của anh Vũ Quốc Cường và yêu cầu các cơ quan nhà nước các cấp kịp thời phát hiện, tuyên dương và nhân rộng những tấm gương sáng, sẵn sàng xả thân, hy sinh quên mình vì cộng đồng, những trái tim thiện nguyện đôi khi không ồn ào mà lặng lẽ đóng góp cho xã hội tốt đẹp hơn.

"Những con người bình dị nhưng phi thường đó, tôi tin rằng họ đã sống và làm theo tấm gương của cha ông mình, những người anh hùng vệ quốc thời chiến", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Về quán cơm chay xã hội Cường Béo, chị Lan cho biết, hết dịch quán sẽ hoạt động trở lại bình thường tại quận 1, còn bên quận 7 họ đã lấy lại mặt bằng. Không có anh ở bên, chị cũng sẽ cố gắng hết mình để làm tốt công việc thiện nguyện theo đúng tâm nguyện của anh lúc anh còn sống.

Dịch bệnh, người giàu hay người nghèo đều gặp phải những khó khăn riêng và đều phải gồng mình vượt qua. Bản thân chị Lan và gia đình mình cũng đang chịu những mất mát to lớn. Chị chia sẻ: Chúng tôi cũng chỉ là những con người bình thường, không bao giỡ nghĩ giúp ai để được họ mang ơn hay nhiều người biết. Bao năm nay chúng tôi vẫn lặng lẽ làm, giúp đỡ một cách tự nhiên như vậy. “Tôi không mong được gì lúc này ngoài mong mọi người hãy luôn cầu nguyện cho dịch bệnh mau qua đi, mọi người được bình an, ai cũng khỏe mạnh, hạnh phúc bên gia đình và nhất là đừng ai phải chịu cảnh chia ly như tôi. Dịch bệnh đã quá đau khổ rồi, dịch đi qua sẽ có nhiều người khó khăn lắm. Mọi người hãy bình an, khỏe mạnh để cùng chung tay giúp đỡ những người khó khăn xung quanh mình”, chị Lan chia sẻ.

Qua câu chuyện về anh Cường, chúng ta càng cảm nhận sâu sắc hơn về tình người, về lòng nhân ái. Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện nay cũng có rất nhiều những tấm gương hy sinh quên mình vì cộng đồng, “những trái tim thiện nguyện đôi khi không ồn ào mà lặng lẽ đóng góp cho xã hội tốt đẹp hơn”. Trong lúc dịch bệnh hiện nay, họ đã cùng với chính quyền Thành phố, với các lực lượng chức năng ngày đêm hỗ trợ bà con có hoàn cảnh khó khăn về lương thực thực phẩm, hỗ trợ bình ô xy, đưa bệnh nhân nhiễm COVID-19 đi cấp cứu; lo hậu sự miễn phí cho người qua đời vì COVID…Họ làm không vì bất kỳ lý do gì ngoài mệnh lệnh của trái tim.

Tuy nhiên, trong lúc dịch bệnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp như hiện nay, thiết nghĩ các cá nhân, các nhóm thiện nguyện cũng cần hết sức cẩn thận, đảm bảo các quy định về phòng chống dịch để luôn có sức khỏe tốt nhất vì hiện nay, rất nhiều người đang cần sự giúp đỡ của các anh, các chị. Đồng thời, do hoạt động thiện nguyện thường di chuyển nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người nhất là những người nghèo khó, nên việc mình có sức khỏe tốt cũng là để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho bà con.

Xin gửi tới anh Vũ Quốc Cường cùng gia đình một nén tâm nhang!

Từ khóa » Cơm Từ Thiện Cường Béo