Những Bước Chuyển Mới Trong Chiến Lược Của Mỹ

Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine hiện nay, các cường quốc đã có những điều chỉnh chiến lược với nhiều trục quan hệ đang được định hình. Là một trong những cường quốc hàng đầu thế giới, Mỹ cũng có nhiều hoạt động mới về kinh tế, an ninh và đối ngoại, nhất là tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Đại sứ cao cấp Phạm Quang Vinh chia sẻ quan điểm về những chuyển động mới của Mỹ trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ảnh: Thu Thảo

Vậy Mỹ điều chỉnh chiến lược ra sao? Đại sứ cao cấp Phạm Quang Vinh - Chủ tịch Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Hoa Kỳ, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, đã có những phân tích sâu sắc về chủ đề này thông qua tọa đàm khoa học “Những chuyển động mới của Mỹ trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” do Khoa Quan hệ Quốc tế tổ chức tại Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM (Q.1) vào ngày 10/6.

Tăng cường ngoại giao, tránh đối đầu trực diện

Trong phần đầu của tọa đàm, Đại sứ Phạm Quang Vinh bàn luận về các vấn đề xoay quanh Chỉ dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời với trọng tâm là chính sách đối ngoại và an ninh mới của Mỹ.

“Sau 2 tháng bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden đã đưa ra bảng chỉ dẫn này. Việc công bố định hướng chiến lược sớm như vậy là để giải quyết các vấn đề cấp bách của nước Mỹ” - nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ đánh giá.

Ông Vinh cho biết, Chỉ dẫn Chiến lược An ninh Tạm thời này đã xác định nhiều thách thức nghiêm trọng mà Mỹ đang phải đối mặt. Trước tiên là cuộc khủng hoảng kép về kinh tế và y tế do đại dịch COVID-19 gây ra. Tiếp đến là sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ nước Mỹ thể hiện qua các mâu thuẫn giữa những đảng phái chính trị. Đồng thời, các đe dọa về vị trí dẫn đầu, tình trạng biến đổi khí hậu và an ninh, đối ngoại trong cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn cũng được xem là những thách thức trong chiến lược an ninh của cường quốc này.

“Việc tái thực hiện các cam kết đa phương như đưa Mỹ trở lại Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, Tổ chức Y tế Thế giới, quay lại với Thỏa thuận hạt nhân Iran, tăng cường hệ thống đồng minh và đối tác cũng như dành nhiều sự ưu tiên cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương… là những giải pháp được chính quyền của ông Joe Biden thiết lập để vượt qua những thách thức này” - Đại sứ Phạm Quang Vinh phân tích.

Chuyên gia ngoại giao này cho rằng, nước Mỹ sẽ tiếp tục xem quan hệ giữa các nước lớn là cạnh tranh chiến lược về ngôi vị và trật tự thế giới. Theo đó, sự đan xen giữa cạnh tranh và hợp tác của cường quốc này dựa trên bốn nguyên tắc là cạnh tranh khi cần, hợp tác khi có thể, sẵn sàng đối đầu khi bắt buộc và quản trị có trách nhiệm để không dẫn đến đối đầu trực diện.

Ông bình luận: “Chiến lược an ninh quốc gia của Tổng thống Biden tập trung vào lĩnh vực ngoại giao chứ không phải xung đột quân sự vì phải dựa vào cam kết và vai trò của Mỹ với đồng minh, hệ thống các tổ chức quốc tế mà trọng tâm là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Thu hút đối tác và đồng minh

Đại sứ Phạm Quang Vinh trò chuyện, giải đáp thắc mắc của giảng viên, nghiên cứu sinh và sinh viên ở phần sau của buổi tọa đàm. Ảnh: Thu Thảo

Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, việc Tổng thống Biden công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào giữa tháng 2 vừa qua là động thái cụ thể hóa Chỉ dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời mà chính quyền này ban hành trước đó.

Đại sứ nhận định: “Mục đích của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là tạo ra khu vực tự do, rộng mở, dựa trên luật pháp quốc tế. Trong đó, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhấn mạnh vai trò đồng minh, đối tác và các thiết chế đa phương của khu vực, đặc biệt là ba nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc”.

Ông Vinh cũng lưu ý, kể từ khi rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), kinh tế vẫn là điểm yếu của Mỹ trong toàn bộ chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Để giải quyết vấn đề này, Tổng thống Joe Biden đã phải công bố sáng kiến Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) vào hạ tuần tháng 5 năm nay.

“Khuôn khổ này không phải thỏa thuận mà chỉ là khung đàm phán để thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Mỹ và các quốc gia về hàng hóa, nguồn tài chính, công nghệ. IPEF dự kiến có bốn trụ cột: thương mại và chuỗi cung ứng, năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng, thuế và chống tham nhũng. Quá trình trao đổi khung gồm hai giai đoạn: tham vấn chung và thương lượng nhằm xây dựng các chuẩn mực, quy định chung” - Đại sứ Phạm Quang Vinh lý giải.

Ông bình luận thêm, trong sáng kiến kinh tế mới này, các nước có thể tự do lựa chọn lĩnh vực để đàm phán. Điều này tạo điều kiện cho Mỹ thu hút thêm đối tác và đồng minh trong khối ASEAN. Điển hình, IPEF có sự tham gia của một số nước ASEAN chưa từng liên quan đến TPP như Thái Lan và Indonesia.

Trả lời câu hỏi về triển vọng thực tế của IPEF của sinh viên Võ Thị Thúy An - Khoa Quan hệ Quốc tế, Trường ĐH KHXH&NV, Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng: “IPEF có giá trị địa chiến lược và địa kinh tế. Dù là cuộc chơi ‘cấp dưới’ nhưng các chính sách của IPEF sẽ đạt tiêu chuẩn cao, minh bạch và công bằng. IPEF tạo không gian đa tầng về sự hợp tác kinh tế và thỏa thuận thương mại trong khu vực, giúp mỗi quốc gia có nhiều sự lựa chọn hơn”.

Mỹ ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN

Đại sứ cao cấp Phạm Quang Vinh cho rằng, đa số các nước ASEAN cần Mỹ để cân bằng chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mỹ cũng tỏ ra kiên định ủng hộ sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN vì quốc gia này cần ASEAN để kết nối với các đối tác và đồng minh.

Mối quan hệ có nhiều điểm song trùng đã dẫn đến cam kết thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Mỹ và ASEAN tại Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ sẽ diễn ra vào tháng 11/2022.

Đại sứ chia sẻ: “ASEAN quan trọng với Mỹ trên cả hai góc độ: một thiết chế đa phương ở khu vực và tổ chức duy nhất kết nối tất cả đối tác lớn nhất trên thế giới. Muốn tạo ra những chuẩn mực để hợp tác chung với khu vực nào thì không thể không có sự chấp nhận của ASEAN”.

THU TRANG

THU TRANG - HƯƠNG NHU - THU THẢO

Từ khóa » Chiến Lược An Ninh Quốc Gia Của Mỹ