Những Cách Xét Nghiệm Phát Hiện Vi Khuẩn HP Phổ Biến | Medlatec

1. Tìm hiểu về vi khuẩn HP

Helicobacter Pylori là tên đầy đủ của vi khuẩn HP. Đây là một dạng xoắn khuẩn gram âm tồn tại và phát triển ở bên trong dạ dày. Để có thể duy trì sự sống, vi khuẩn này phải sản sinh ra nhiều chất gây tổn hại cho dạ dày.

Nếu như không được phát hiện và điều trị sớm, vi khuẩn HP rất dễ gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm. Một trong số đó là viêm loét tá tràng, viêm dạ dày mạn tính, u lympho hay thậm chí là ung thư dạ dày.

Vi khuẩn HP là một dạng xoắn khuẩn gram âm tồn tại phía bên trong dạ dày

Vi khuẩn HP là một dạng xoắn khuẩn gram âm tồn tại phía bên trong dạ dày

Hiện nay, tỷ lệ người bị nhiễm khuẩn HP ở nước ra khá cao. Nguyên nhân gây ra có thể là do sinh hoạt hoặc ăn uống mất vệ sinh. Bên cạnh đó, vi khuẩn này còn rất dễ lây từ người sang người qua các con đường sau:

  • Đường miệng: Đây được xem là con đường lây nhiễm vi khuẩn HP dễ dàng nhất thông qua nước bọt hoặc dịch tiết ra từ hệ tiêu hoá. Do vậy, chỉ cần một người trong gia đình bị nhiễm vi khuẩn này thì tất cả các thành viên khác đều có nguy cơ cao mắc phải.

  • Đường phân: Vi khuẩn HP có thể bài tiết ra ngoài cùng với phân. Do đó, việc dùng nhà vệ sinh công cộng có thể làm tăng khả năng lây nhiễm loại vi khuẩn này. Chính vì vậy, chúng ta chỉ sử dụng toilet công cộng trong trường hợp thật sự cần thiết. Bên cạnh đó, luôn luôn nhớ phải rửa tay sạch sẽ trước khi ăn cũng như sau khi đi vệ sinh.

  • Một số con đường khác: Ngoài 2 con đường trên, vi khuẩn HP cũng có thể lây truyền khi dùng chung các dụng cụ y tế để nội soi dạ dày hoặc mũi họng,… Vì thế, việc vệ sinh thật kỹ các thiết bị này sau khi thăm khám là điều rất cần thiết.

Cần thực hiện các cách xét nghiệm phát hiện vi khuẩn HP để có phương pháp điều trị nhằm ngăn chặn sự lây lan cho người khác và những biến chứng xấu có thể xảy ra. Bởi vì, khi đã xâm nhập vào cơ thể người, vi khuẩn này sẽ phát triển một cách âm thầm và rất khó để phát hiện được.

2. Triệu chứng khi bị nhiễm vi khuẩn HP

Trong cơ thể người thường sẽ tồn tại vi khuẩn HP. Tuy nhiên, chúng sẽ không gây ra bất kỳ dấu hiệu nào. Chỉ khi số lượng vi khuẩn phát triển quá lớn thì mới gây ra nhiều tổn thương đến dạ dày. Lúc này, chúng ta sẽ xuất hiện những triệu chứng sau:

  • Bị đầy hơi, khó tiêu và đau bụng âm ỉ.

  • Sụt cân bất thường.

  • Ợ hơi hoặc ợ chua thường xuyên.

  • Thường xuất hiện cảm giác buồn nôn.

  • Phân màu đen và có lẫn máu.

  • Chóng mặt và hoa mắt.

  • Xuất hiện các dấu hiệu của viêm loét dạ dày,…

Khi lượng vi khuẩn HP tăng cao có thể gây ra các triệu chứng như ợ hơi hoặc ợ chua

Khi lượng vi khuẩn HP tăng cao có thể gây ra các triệu chứng như ợ hơi hoặc ợ chua

3. Cách xét nghiệm phát hiện vi khuẩn HP

Dưới đây là các cách xét nghiệm phát hiện vi khuẩn HP phổ biến:

3.1. Xét nghiệm hơi thở

Đây được xem là phương pháp xét nghiệm nhằm phát hiện ra sự xuất hiện của vi khuẩn HP có độ chính xác cao và thời gian thực hiện nhanh chóng. Đặc biệt, ai cũng có thể áp dụng được xét nghiệm này.

Có 2 kỹ thuật xét nghiệm hơi thở, đó là:

  • Kiểm tra hơi thở bằng bóng: Người bệnh sẽ thổi vào dụng cụ test hơi thở có hình quả bóng.

  • Kiểm tra hơi thở thẻ bằng thẻ: Người bệnh sẽ thổi vào dụng cụ test hơi thở có hình giống với thẻ ngân hàng.

Test hơi thở là một trong những cách xét nghiệm phát hiện vi khuẩn HP

Test hơi thở là một trong những cách xét nghiệm phát hiện vi khuẩn HP

Sau khi thổi hơi thở vào dụng cụ test, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra và phân tích. Dựa vào các chỉ số để có thể đánh giá người đó âm tính hay dương tính với vi khuẩn HP.

3.2. Xét nghiệm phân

Vi khuẩn HP khi sinh sống trong dạ dày thì khi chúng ta đi vệ sinh, chúng sẽ đào thải ra ngoài cùng với phân. Chính vì vậy, xét nghiệm phân để kiểm tra sự tồn tại của vi khuẩn này cũng cho kết quả khá chính xác.

Thông thường, phương pháp xét nghiệm này sẽ được áp dụng đối với những người đang bị viêm loét dạ dày hoặc tá tràng nhẹ. Quá trình lấy mẫu cũng khá đơn giản. Chúng ta chỉ cần lấy một mẫu phân nhỏ cho vào lọ sạch được đậy lại bằng nắp kín rồi đem đến phòng xét nghiệm.

3.3. Xét nghiệm máu

Khi cơ thể bị nhiễm vi khuẩn HP thì trong máu của chúng ta sẽ xuất hiện một lượng kháng thể HP nhất định. Chính vì vậy, xét nghiệm máu cũng là một trong những cách để có thể phát hiện ra sự tồn tại của vi khuẩn này trong cơ thể người. Tuy nhiên, xét nghiệm máu thường rất dễ cho kết quả dương tính với vi khuẩn Hp giả.

Xét nghiệm máu để phát hiện vi khuẩn HP rất dễ cho kết quả dương tính giả

Xét nghiệm máu để phát hiện vi khuẩn HP rất dễ cho kết quả dương tính giả

Nguyên nhân là do vi khuẩn HP không chỉ tồn tại trong dạ dày mà còn ở rất nhiều bộ phận khác như đường ruột, hốc xoang hay khoang miệng,… Ngoài ra, đối với những bệnh nhân nhiễm khuẩn HP khi đã điều trị khỏi vẫn có thể còn lưu lại kháng thể này ở trong máu. Do vậy, xét nghiệm máu chỉ được áp dụng đối với những người muốn kiểm tra xem liệu mình có nguy cơ nhiễm khuẩn HP hay không.

3.4. Nội soi dạ dày

Phương pháp nội soi không còn xa lạ với mọi người. Bác sĩ sẽ dùng một ống nhỏ chuyên dụng có gắn camera đưa từ miệng người bệnh xuống dạ dày. Sau đó, điều chỉnh đến đúng vị trí loét và lấy một mẫu sinh thiết ở vùng này rồi đem đi nuôi cấy vi khuẩn. Cuối cùng là áp dụng kỹ thuật Clo-test hoặc quan sát hình thái để xác định sự tồn tại của vi khuẩn HP.

Thông qua kết quả nội soi, bác sĩ còn chẩn đoán được những tổn thương của dạ dày gây ra bởi loại vi khuẩn này. Từ đó, có phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả.

Hy vọng với bài viết trên của MEDLATEC, các bạn đã nắm được cách xét nghiệm phát hiện vi khuẩn HP phổ biến, để nếu được chỉ định sẽ có những chuẩn bị cần thiết. Nếu cần được tư vấn về những thông tin sức khỏe khác, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua số 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.

Từ khóa » Cách Xem Vi Khuẩn