Những Câu Chuyện Ngụ Ngôn Hay Nhất Của Aesop - Sách Hay 24H

Aesop, một nhà văn Hy Lạp cổ đại. Aesop đã được xem là tác giả của rất nhiều câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng trên thế giới và đã được truyền miệng và được sưu tập qua nhiều thế kỷ và bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau theo truyền thống kể chuyện vẫn tiếp tục đến ngày nay. Trong những câu chuyện này, động vật có thể trò chuyện và có tính cách con người, chẳng hạn như Thỏ và rùa, Kiến và châu chấu. Đây là một kho tàng truyện ngụ ngôn đồ sộ cả về mặt số lượng lẫn giá trị. Với đa số nhân vật là những con vật đã được nhân cách hóa, truyện ngụ ngôn Aesop hàm chứa những thông điệp sâu sắc mà giản dị, được chuyển tải đến người đọc bằng giọng văn nhẹ nhàng, hóm hỉnh. Truyện ngụ ngôn Aesop tràn đầy ý nghĩa nhân văn, song lại mang tính chấm biếm cao.

  • Top truyện ngụ ngôn hay và ý nghĩa, đơn giản mà sâu sắc
  • Ý Nghĩa Và Bài Học Rút Ra Từ Truyện Ngụ Ngôn Rùa Và Thỏ

1. Sử tử và chuột

Trời nóng bức, một con Sư tử mệt mỏi, chán nản nằm ngủ dưới bóng cây. Một đàn Chuột chạy ngang qua chỗ Sư tử nghỉ ngơi, trèo cả lên lưng nó để vui đùa. Sư tử tỉnh dậy, thò vuốt bắt ngay được một con Chuột. Chuột biết chắc mình không có cơ may trốn thoát, liền chắp tay xin lỗi Sư tử vì sự thô lỗ táo tợn của mình, và bảo rằng mình không đáng bõ bèn gì cho cơn giận của Sư tử. Nghe lời phân trần nhũn nhặn đó, Sư tử quyết định thả Chuột ra, vì thấy rằng một con vật tầm thường lại không có khả năng tự vệ như thế quả là không đáng cho mình ra tay giết hại.

Sử tử và chuột

Thế rồi một hôm Sư tử không may bị rơi vào bẫy của những người Thợ săn trong rừng. Nó cố hết sức vùng vẫy gầm vang nhưng không thể nào thoát ra được. Chuột nghe tiếng gầm thì biết đây chính là con Sư tử đã tha mạng sống cho mình bèn chạy tới cứu. Nó bò quanh gặm đứt dây lưới, giúp Sư tử thoát được ra khỏi chiếc bẫy.

Câu chuyện là bài học về sự đền ơn, những kẻ mạnh thường áp đặt sức mạnh lên những kẻ yếu đuối mà không nhận ra rằng, kẻ mạnh nhất cũng cần đến bạn bè. Vì vậy, chúng ta cần hiểu rằng, nếu ban cho kẻ yếu một ân huệ, họ sẽ trả lại bằng nhiều ân huệ khác. Đó là quy luật của đạo lý biết ơn.

2. Gà trống và chồn

Buổi sáng kia, có tiếng gà gáy ở gần một nông trại. Một con chồn tới gần quan sát, thấy gà đậu trên cao, ngoài tầm vói. Nó liền gọi to:

- Bác gà ơi! Tôi đến thăm bác đây. Tại sao bác không xuống để tôi được chào bác cho phải lẽ?

Con gà không đến nỗi quá ngu, trả lời:

- Tôi muốn xuống lắm, nhưng có một loài thú luôn rình rập để hại tôi

- Tầm phào! Bác chưa nghe gì hay sao? Mọi loài thú bây giờ đều đồng ý sống chung hoà bình với nhau rồi đấy.

Gà trống và chồn

Chồn đang nói thì gà trống ngỏng cổ lên như vừa thấy việc gì đằng xa. Chồn tò mò:

- Sao bác nhìn chầm chập thế? Bộ có cái gì đẹp lắm phải không?

- Không, không có gì cả. Hình như lũ chó săn đang chạy về đây, nhanh như cắt!

Chồn hốt hoảng:

- Xin kiếu bác nhé! Tôi phải đi ngay vì tôi vừa quên một điều rất quan trọng.

- Khoan, gì mà vội thế! Ðể tôi xuống, chúng ta cùng trò truyện về chương trình sống chung hoà bình.

Chồn vừa nói vừa vắt chân lên cổ:

- Cũng có thể lũ chó săn kia chưa hề nghe gì về tin mới đó đâu.

Câu chuyện khuyên chúng ta phải cảnh giác trong mọi hoàn cảnh, luôn tồn tại xung quanh ta là những cạm bẫy và vì vậy, cần phải thông minh và tỉnh táo để không bị lừa, giữ cho mình được an toàn.

3. Sói và cừu non

Sói và cừu non

Một con Sói uống nước trên đầu nguồn, nhận thấy một con Cừu non đang uống nước dưới chân suối, liền tiến lại gần giận dữ. Sói kết tội Cừu non dám làm bẩn đục dòng nước của nó. Để xin lỗi, Cừu non phân trần rằng chỉ uống nước thấp dưới chân Sói, và nước không thể chảy ngược lại đầu nguồn. Sói càng giận điên lên, bảo rằng hơn sáu tháng trước Cừu non đã nói xấu nó. “Lúc đó tôi còn chưa sinh ra”, - Cừu non trả lời. “Thế thì chính là cha hay mẹ của mi đó”, - Sói đáp lại. Và không cần viện thêm lí lẽ gì, Sói nhảy vào vồ lấy Cừu non mà ngấu nghiến. “Cho đáng đời cái tội bất kính, - nó nói, - và cho bõ ghét hai cha mẹ Cừu.”

Không nên phân trần và giải thích đối với những kẻ xấu, đối với họ, thứ duy nhất đúng chính là bản thân họ và thứ chúng muốn. Không nên ngây thơ và yếu đuối như cừu, để rồi bị sói ăn thịt, cần phải mạnh mẽ và tinh ranh hơn khi đối mặt với cái ác.

4. Con cáo và chùm nho

Một ngày nọ, Cáo ta xuống triền núi và phát hiện ra phía trước có một vườn nho. Dưới tán lá xanh, từng chùm nho căng tròn mọng nước, dưới ánh sáng mặt trời trông lại càng hấp dẫn. Những chùm nho này khiến người ta thèm thuồng. Cáo thèm tới mức nước bọt cứ trào ra hai bên mép. Cáo ta nhìn trước ngó sau thấy chẳng có ai, nho lại nhiều như thế này, cũng muốn chén ngay mấy chùm.

Ý nghĩa truyện ngụ ngôn Con Cáo Và Chùm Nho

Cáo đứng thẳng người, vươn tay hái nho. Nhưng giàn nho thì cao quá, Cáo ta dù có vươn người đến đâu cũng không thể tới được. Cáo nhanh trí nghĩ ra một cách, thử nhảy lên xem sao nhưng cố lắm cũng chỉ với tới lá nho mà thôi.

Cáo ta không đành lòng rời khỏi vườn nho khi chưa chén được quả nào, thế là nó lượn mấy vòng quanh vườn, cuối cùng cũng phát hiện ra một cây nho khá thấp. Cáo ta lại nhảy lên, không tới được chùm nho, lại gắng sức nhảy lên lần nữa, vẫn không hái được quả nho nào. Cáo ta lại lượn xung quanh giàn nho. Ha ha, cuối cùng thì cũng phát hiện ra một chùm nho còn thấp hơn chùm lúc nãy. Thích chí quá, Cáo ta tự đắc:

– Không có việc gì có thể làm khó ta được, ha ha!

Nước dãi trong cổ họng cứ trào ra, lùi lại mấy bước lấy đà, Cáo nhảy lên, nhưng hỡi ôi, vẫn chẳng với tới được.

Cáo ta dù có làm thế nào cũng không thể hái được nho, thở đánh thượt một cái rồi nói:

– Làm sao mà mình lại cứ phải cố ăn mấy cái chùm nho này nhỉ? Vỏ thì xanh thế, chắc chắn là chưa chín rồi. Không biết chừng còn vừa chua vừa chát, không nuốt được, có khi còn phải nhổ ra, đúng là chả ra làm sao cả. Nói xong, Cáo rầu rĩ rời khỏi vườn nho.

Đừng bao giờ ngụy biện cho sự thất bại của mình, có chăng bởi chúng ta chưa đủ mạnh, nên chưa thể thành công. Đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh bên ngoài, đồng thời câu chuyện cũng phê phán lối thắng lợi tinh thần, ảo tưởng và không bao giờ đối diện với bản thân mình.

Xem thêm: Ý nghĩa truyện ngụ ngôn con cáo và chùm nho

5. Chuột nhũi chuột đồng

Ngày xưa, chuột đồng và chuột nhũi đánh nhau nhiều lần. Lần nào chuột đồng cũng thất bại.

Cuối cùng, chuột đồng họp nhau lại tuyên bố:

- Lỗi tại các cấp chỉ huy.

Hôm sau, toàn dân đồng lòng bầu lại những vị tướng mới. Những vị tướng này thấy mình chẳng khác gì thường dân, nên về nhà may áo mão rồi gắn lên đầu.

Chuột nhũi chuột đồng

Một lần nữa, chuột nhũi tới đánh. Chuột đồng ra nghênh chiến và bị thiệt hại nặng nề. Quan quân đua nhau rút về hang. Riêng những ông tướng, vì áo mão quá cao, nên bị kẹt bên ngoài và bị bắt làm tù binh.

Đây cũng là câu chuyện phê phán tính thích đổ lỗi cho người khác, không bao giờ thừa nhận thất bại nên cũng không bao giờ giành được thắng lợi cho mình. Sự thay đổi của chuột đồng chỉ là yếu tố bên ngoài chứ không phải nội lực, nên đương nhiên không thể chiến thắng.

Truyện ngụ ngôn Aesop triết lí, thường dùng động vật để nói lên những tư tưởng của tác giả, vì vậy, truyện trở nên gần gũi và dễ hiểu, dễ tiếp thu cũng như dễ giáo dục con trẻ hơn.

Thảo Nguyên

Từ khóa » Truyện Ngụ Ngôn Esop