Những Câu Chuyện Về Lòng Hiếu Thảo Với Cha Mẹ Khiến Ai Cũng Xúc ...

Mục lục
  1. Những câu chuyện xưa về lòng hiếu thảo
    1. Từ quan tìm mẹ
    2. Cõng gạo nuôi cha mẹ
    3. Bá Du thương mẹ
  2. Những câu chuyện về tấm gương hiếu thảo trong lịch sử dân tộc
    1. Chử Đồng Tử - Tấm gương hiếu hạnh lưu truyền muôn đời
    2. Nguyễn Trãi - Tấm gương trung hiếu vẹn toàn
  3. Những câu chuyện về lòng hiếu thảo giữa đời thường
    1. Con trai tật nguyền 30 năm chở mẹ rong ruổi mưu sinh khắp đường phố Đà Nẵng
    2. Năm người con hiếu thảo cắt gan mình để năm bậc cha mẹ tái sinh
    3. Cậu bé miền Tây bất chấp hiểm nguy cứu mẹ nuôi “chỉ mong mẹ sống đời với con”
  4. Những câu chuyện cổ tích về lòng hiếu thảo
    1. Sự tích bông hoa cúc trắng - Câu chuyện về lòng hiếu thảo nổi tiếng của Nhật Bản
    2. Sự tích cây khoai lang – Truyện cổ tích về lòng hiếu thảo
    3. Bà cháu – Truyện cổ tích Việt Nam ý nghĩa về tình cảm gia đình

Từ một nghi lễ tôn giáo, ngày Vu Lan báo hiếu dần trở thành nét đẹp văn hóa mang tính truyền thống của dân tộc Việt Nam. Dù cuộc sống hiện nay có hối hả, bon chen nhưng con người vẫn luôn giữ trọn chữ “Hiếu”. Hãy đọc những câu chuyện về lòng hiếu thảo sau để bồi dưỡng thêm tình yêu gia đình.  

1. Những câu chuyện xưa về lòng hiếu thảo 

Đức Phật dạy:

“Hiếu với Mẹ Cha tức là kính Phật. Nếu ở đời không có Phật thì hãy khéo thờ cha mẹ. Khéo phụng thờ cha mẹ như phụng thờ Phật vậy.” (Kinh Đại Tập)

Trong đời người, hiếu thuận với cha mẹ là nghiệp lành lớn nhất, là phúc báo mà mọi người đều nên làm nhất trên đời. 

Sau đây là một số câu chuyện ngắn về lòng hiếu thảo của người xưa được ghi lại trong sách Nhị Thập Tứ Hiếu.

1.1 Từ quan tìm mẹ

Thời nhà Tống có một học nhân, tên là Chu Thọ Xương, mẹ của ông không phải là vợ chính thức của cha mình, vì vậy người vợ cả của cha rất hắt hủi mẹ ông, luôn tìm cách ép mẹ ông tái giá. Khi Chu Thọ Xương bảy tuổi, mẹ đã rời xa ông.

Sau khi ông trưởng thành, luôn muốn đón mẹ về để phụng dưỡng, nhưng vẫn không thể toại nguyện, năm mươi năm sau ông vẫn chưa tìm được mẹ. Khi đó ông đang làm quan, trong lòng luôn nghĩ, cuộc đời của một người mà không thể phụng dưỡng mẹ thì sẽ vô cùng hối tiếc, nên ông quyết tâm từ bỏ chức quan đi tìm mẹ. Ông nói với người nhà rằng, lần này ông đi tìm mẹ, nếu không tìm được thì ông sẽ không trở về. Và rồi ông cứ thế đi về hướng Thiểm Tây. Kết quả là, khi đi đến một nơi, bỗng nhiên trời đổ mưa, ông liền dừng ở đó trú mưa, vừa đúng lúc có một vài người, ông liền lại hỏi có gặp người nào giống với dáng vẻ mẹ ông không?

Thật vô cùng trùng hợp, mẹ của ông lại ở trong đó. Đây chính là lòng hiếu thảo làm cảm động trời đất, tấm lòng hiếu thảo của ông đã làm trời đất cảm động, và đã hoàn thành tâm nguyên hiếu thảo của ông. Sau đó, ông đón mẹ và tất cả anh chị em cùng trở về và hưởng niềm hạnh phúc gia đình.

Tổng hợp những câu chuyện về lòng hiếu thảo khiến bạn suy ngẫm 1
Chu Thọ Xương - Tấm lòng hiếu hạnh

1.2 Cõng gạo nuôi cha mẹ

Khổng Phu Tử có một người học trò tên là Tử Lộ. Tử Lộ rất hiếu thảo, thường đi rất xa cõng gạo về cho cha mẹ ăn. Sau này, Tử Lộ làm quan to, hàng ngày thức ăn vô cùng nhiều, nhưng Tử Lộ lại không thể nuốt trôi.

Mọi người mới hỏi ông: “Sơn hào hải vị ngon thế này, sao ông lại không nuốt được?”. 

Tử Lộ trả lời: “Những thức ăn này không thể thơm bằng gạo trắng mà tôi cõng từ xa về cho cha mẹ, nhưng giờ đây cha mẹ tôi không có cơ hội để ăn những thức ăn thịnh soạn thế này nữa”. 

Tử Lộ luôn luôn nhớ đến cha mẹ, chia sẻ cùng cha mẹ. Ông cảm thấy chỉ cần được phụng dưỡng cha mẹ, thì sống cuộc sống như vậy cũng vô cùng yên tâm, vô cùng vui sướng.

Tổng hợp những câu chuyện về lòng hiếu thảo khiến bạn suy ngẫm 2

Tử Lộ vác gạo đường xa về phụng dưỡng cha mẹ

1.3 Bá Du thương mẹ

Thời xưa có một người con hiếu thảo, tên là Hàn Bá Du. Mỗi khi cậu mắc lỗi, mẹ của cậu đều dạy bảo một cách nghiêm khắc, đôi lúc còn đánh đòn cậu nữa. Đến khi cậu khôn lớn, rồi trưởng thành, khi cậu mắc lỗi, cách dạy dỗ của người mẹ vẫn như xưa. Có lần, khi mẹ đánh đòn, cậu bỗng nhiên khóc rất lớn. Người mẹ rất ngạc nhiên, mấy chục năm bị đánh đòn mà cậu ấy chưa từng khóc, thế rồi bà liền hỏi, “Tại sao con khóc?”. Bá Du liền trả lời, “Từ nhỏ đến lớn, khi mẹ đánh, con đều cảm thấy rất đau.

Con có thể cảm nhận được mẹ vì dạy dỗ con nên mới làm như thế. Nhưng hôm nay mẹ đánh đòn, con đã không cảm thấy đau nữa. Điều này cho thấy sức khỏe của mẹ ngày càng yếu đi, thời gian con phụng dưỡng mẹ càng ngày càng ngắn lại. Nghĩ đến đây, con không cầm được lòng ạ”. Cha mẹ vì nuôi dạy con cái, để người con được cứng cáp mà trưởng thành, ngày qua ngày, năm tháng trôi đi, tuổi thanh xuân không còn, ngày càng già nua. Vì vậy, phận làm con chúng ta càng phải hiếu thảo phụng dưỡng cha mẹ.

Tổng hợp những câu chuyện về lòng hiếu thảo khiến bạn suy ngẫm 3
Câu chuyện Bá Du thương mẹ

Xem thêm: Phật Pháp và những câu nói giúp bạn nhận ra cuộc sống thật tươi đẹp

2. Những câu chuyện về tấm gương hiếu thảo trong lịch sử dân tộc

Từ ngàn đời này, chữ “hiếu” luôn đứng đầu trong tất cả các đức hạnh của con người. Trong chiều dài lịch sử của dân tộc ta, đã có rất nhiều tấm gương hiếu thảo được lưu truyền đến ngày nay. Sau đây là những câu chuyện về lòng hiếu thảo có thật khiến hậu thế xúc động. 

2.1 Chử Đồng Tử - Tấm gương hiếu hạnh lưu truyền muôn đời

Theo “Lĩnh Nam Chích Quái” của Vũ Quỳnh – Kiều Phú, Chử Đồng Tử sống cùng cha là Chử Vi Vân tại Chử Xá huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên (nay là xã Văn Đức, huyện Gia Lâm). Chẳng may nhà cháy, mất hết của cải, hai cha con chỉ còn lại một chiếc khố che thân phải thay nhau mà mặc. Lúc già ốm, ông gọi con lại bảo rằng hãy giữ chiếc khố lại cho bản thân. Thương cha nên Chử Đồng Tử liệm khố theo cha, mình thì chịu cảnh trần truồng khổ sở, kiếm sống bằng cách ban đêm câu cá, ban ngày dầm nửa người dưới nước, đến gần thuyền bán cá hoặc xin ăn.

Thời ấy vua Hùng Vương thứ XVIII có người con gái tên là Tiên Dung, đã đến tuổi cập kê mà vẫn chỉ thích ngao du sơn thủy, không chịu lấy chồng. Một hôm thuyền rồng của công chúa đến thăm vùng đó. Nghe tiếng chuông trống đàn sáo, lại thấy nghi trượng, người hầu tấp nập, Chử Đồng Tử hoảng sợ vội vùi mình vào cát lẩn tránh. Thuyền ghé vào bờ, Tiên Dung dạo chơi rồi sai người quây màn ở bụi lau để tắm, ngờ đâu đúng ngay chỗ ẩn náu của Chử Đồng Tử. Nước xối dần để lộ thân hình Chử Đồng Tử dưới cát. Tiên Dung kinh ngạc bèn hỏi han sự tình, nghĩ ngợi rồi xin được cùng nên duyên vợ chồng.

Vua Hùng nghe chuyện thì giận dữ vô cùng, không cho Tiên Dung về cung. Nàng biết ý nên cùng chồng mở chợ Hà Thám, đổi chác với dân gian. Buôn bán tấp nập, phồn thịnh, ai cũng kính thờ Tiên Dung và Chử Đồng Tử làm chúa. Một hôm có người bày cho cách ra ngoài buôn bán nhiều lãi, Tiên Dung khuyên chồng nghe theo, Chử Đồng Tử bèn theo khách buôn đi khắp ngược xuôi.

Một hôm qua ngọn núi giữa biển tên Quỳnh Viên, Chử Đồng Tử trèo lên am trên núi và gặp Sư Tăng Phật Quang. Chử Đồng Tử bèn giao tiền cho khách buôn đi mua hàng, còn mình thì ở lại học Đạo. Sau thuyền quay lại đón, Phật Quang tặng Chử Đồng Tử một cây gậy và một chiếc nón lá, nói rằng: “Linh thiêng ở những vật này đây”.

Về nhà, Chử Đồng Tử giảng lại đạo Phật cho vợ nghe. Tiên Dung giác ngộ bèn bỏ việc buôn bán, cùng chồng chu du tìm thầy học Đạo. Một hôm tối trời, đã mệt mà không có hàng quán ven đường, hai vợ chồng dừng lại cắm gậy úp nón lên trên cùng nghỉ. Bỗng nửa đêm, chỗ đó nổi dậy thành quách, cung vàng điện ngọc sung túc, người hầu lính tráng la liệt. Sáng hôm sau, dân chúng quanh vùng kinh ngạc bèn dâng hương hoa quả ngọt đến xin làm bầy tôi. Từ đấy nơi đó phồn thịnh, sung túc như một nước riêng.

Nghe tin, vua Hùng cho là có ý tạo phản, vội xuất binh đi đánh. Quân nhà vua đến, mọi người xin ra chống cự nhưng Tiên Dung chỉ cười và từ chối không kháng cự cha mình. Trời tối, quân nhà vua đóng ở bãi Tự Nhiên cách đó một con sông. Đến nửa đêm bỗng nhiên bão to gió lớn nổi lên, thành trì, cung điện và cả bầy tôi của Tiên Dung - Chử Đồng Tử phút chốc bay lên trời. Chỗ nền đất cũ bỗng sụp xuống thành một cái đầm rất lớn.

Nhân dân cho đó là điều linh dị bèn lập miếu thờ, bốn mùa cúng tế và gọi đầm đó là đầm Nhất Dạ Trạch (Đầm Một Đêm), bãi cát đó là Bãi Tự Nhiên hoặc Bãi Màn Trù và chợ đó là chợ Hà Lương…

Câu chuyện được lưu truyền hậu thế đã minh chứng rằng, khi người con biết lấy hiếu nghĩa làm đầu thì cũng như tích được phúc phận và tạo tương lai tốt đẹp cho chính mình.

Tổng hợp những câu chuyện về lòng hiếu thảo khiến bạn suy ngẫm 4
Chử Đồng Tử - Tấm gương hiếu hạnh lưu truyền muôn đời

2.2 Nguyễn Trãi - Tấm gương trung hiếu vẹn toàn

Nguyễn Phi Khanh tức Nguyễn Ứng Long, sinh năm Bính Thân 1356 tại làng Chi Ngại, huyện Phượng Sơn (sau đổi thành Phượng Nhãn), lộ Lạng Giang (ngày nay thuộc Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Tên thật là Nguyễn Ứng Long, lớn lên rời quê đến làng Ngọc Ổi, huyện Trường Phúc, châu Thượng Phúc, lộ Đông Đô, xứ Sơn Nam Thượng (ngày nay thuộc xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội).

Nguyễn Phi Khanh xuất thân nghèo khổ, nhưng có tài, ông nổi tiếng là hay chữ, nên được quan Tư đồ Trần Nguyên Đán (1326 – 1390) cho mời đến tư dinh làm gia sư kèm cặp con gái trong nhà. Có lẽ thầy đồ Nguyễn Ứng Long không lớn tuổi hơn cô học trò Trần Thị Thái, do đó trong lúc nghe giảng bài, có lần cô mới dám làm thơ quốc âm để trêu ghẹo thầy. Chuyện này cũng là lẽ thường tình, thầy trò cùng đang độ tuổi thanh xuân, nên tỏ ra quyến luyến cũng là điều dễ hiểu, mối quan hệ này ngày càng khăng khít, chẳng bao lâu cô học trò Trần Thị Thái có mang, Nguyễn Ứng Long sợ tai họa ập xuống đầu, nên liền bỏ trốn.

Quan Tư đồ Trần Nguyên Đán biết chuyện này, liền cho người tìm Nguyễn Ứng Long về và gả con gái cho. Cảm kích trước thái độ hào hiệp của bố vợ, Nguyễn Ứng Long ngày càng ra sức học tập, và đến khoa thi năm đó, khoa thi năm Giáp Dần 1374, Nguyễn Ứng Long thi đỗ Thái Học Sinh (Tiến sĩ), nhưng do quy định khắt khe của triều đình nhà Trần, con nhà thường dân mà lấy con gái của hoàng tộc thì không được trọng dụng.

Dù có tài năng nhưng không được vua Trần Duệ Tông (1336 – 1377) trọng dụng, nên Nguyễn Ứng Long liền trở về quê nhà dạy học ở làng Ngọc Ổi, sau này học trò ở làng Ngọc Ổi nhớ ơn ông nên mới đổi tên làng là Nhị Khê (hiệu của Nguyễn Ứng Long). Đến năm Canh Thân 1380, mối tình giữa Nguyễn Ứng Long với tiểu thư Trần Thị Thái, sinh người con thứ hai đặt tên Nguyễn Trãi.

Năm Ất Sửu 1385, Hồ Quý Ly bắt đầu chuyên quyền, quan Tư đồ Trần Nguyên Đán liền cáo quan và đưa cả Trần Thị Thái cùng Nguyễn Trãi về ở động Thanh Hư, núi Côn Sơn (ngày nay thuộc Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Đến Năm Canh Ngọ 1390 khi Trần Nguyên Đán và Trần Thị Thái đều mất thì Nguyễn Trãi mới trở về làng Nhị Khê ở với cha là Nguyễn Ứng Long. Năm Canh Thìn 1400, Hồ Quý Ly phế truất vua Trần Thiếu Đế (1396 – 1400), tự lập ra vương triều nhà Hồ, nhà Hồ cũng kén chọn nhân tài ra giúp nước. Nguyễn Ứng Long lúc đó mới đổi tên là Nguyễn Phi khanh ra làm quan với nhà Hồ, cũng trong năm đó, con ông là Nguyễn Trãi cũng thi đỗ Thái Học Sinh (Tiến sĩ) và cả hai cha con Nguyễn Phi Khanh đều làm quan cho triều đại nhà Hồ.

Năm Đinh Hợi 1407, cuộc kháng chiến chống quân nhà Minh xâm lược của vua tôi nhà Hồ bị thất bại, vua tôi nhà Hồ bị bắt giải về Trung Quốc. Bấy giờ Phi Khanh tuổi đã già yếu, buồn vì nỗi nhà tan nước vỡ, thân mình là một kẻ tù, trong lòng chua xót và biết mình chẳng thể sống được bao lâu. Khi bị giải đến Nam Quan, ngoảnh mặt lại thấy hai con là Nguyễn Trãi và Nguyễn Phi Hùng vẫn lõng thõng đi theo xe tù, ai nấy thương cha đều khóc đỏ ngầu cả hai mắt. Nguyễn Phi Khanh vốn biết người con lớn của mình là Nguyễn Trãi chí độ khác thường, sau này tất có thể làm nên rạng vẻ cho nhà, cho nước. Bấy giờ vẫy Nguyễn Trãi lại, thừa lúc vắng vẻ khẽ bảo rằng:

- Ta già rồi, chết cũng không còn hối hận gì nữa. Duy bình sinh ta rất ưa thích sơn thuỷ núi Bái vọng ở chốn cố hương. Vậy để một mình em con đi theo ta, hễ ta có chết thì nó nhặt lấy xương, đem về chôn ở núi ấy là đủ rồi. Còn con, ta khuyên con nên trở về.

- Con là người có học có tài, nên tìm cách rửa nhục cho nước, trả thù cho cha. Như thế mới chính là đại hiếu. Lọ là phải cứ đi theo cha, khúc ngút ngát như đàn bà ấy mới là hiếu sao!

Nguyễn Trãi nghe lời cha nói rất phải, từ tạ quay về, để một mình người em Phi Hùng theo cha đi sang Trung Quốc.

Nguyễn Phi Khanh sang đến đất Tàu, chưa bao lâu chết ở bên ấy. Phi Hùng theo lời cha dặn, chờ đợi ở Tàu mấy năm rồi thu thập hài cốt của cha đem về an táng ở núi Báo Vọng, để cha được thỏa nguyện ao ước trong lúc sinh bình.

Còn Nguyễn Trãi đã nghe theo lời cha, từ tạ cha và em để trở về Đông Quan (Thăng Long). Sau này, Nguyễn Trãi đã tìm cách trốn vào vùng đất Lam Sơn (Thanh Hóa) giúp Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa và cuối cùng đã giành được thắng lợi, giành lại độc lập cho dân tộc, trở thành khai quốc công thần của triều Hậu Lê, anh hùng giải phóng dân tộc.

Cái hiếu lớn nhất của người Việt Nam chính là hiếu với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Nguyễn Phi Khanh đã dạy con mình là phải có hiếu với ông bà cha mẹ, cho nên khi Nguyễn Phi Khanh bị bắt, Nguyễn Trãi định theo hầu cha, nhưng Nguyễn Phi Khanh bảo con mình là phải biết yêu nước, lấy tổ quốc làm trọng: “Con là người có tài có đức phải lo rửa hận cho nước, trả thù cho cha, như thế mới là đại hiếu.”

Tổng hợp những câu chuyện về lòng hiếu thảo khiến bạn suy ngẫm 5
Nguyễn Trãi khóc cha tại ải Nam Quan

Xem thêm: Rút ra bài học kinh nghiệm từ những mẩu chuyện ý nghĩa kể về Bác Hồ

3. Những câu chuyện về lòng hiếu thảo giữa đời thường

Ba trong số hàng ngàn câu chuyện về đứa con hiếu thảo giữa đời thường sau chính là minh chứng cho thấy, dù cuộc sống có ra sao, cha mẹ vẫn luôn là nguồn sống của con. 

3.1 Con trai tật nguyền 30 năm chở mẹ rong ruổi mưu sinh khắp đường phố Đà Nẵng

Năm 2017, mạng xã hội xôn xao với câu chuyện người con trai tật nguyền, trí nhớ lúc mê lúc tỉnh suốt mấy chục năm qua chở mẹ già rong ruổi khắp các đường phố Đà Nẵng để mưu sinh.

Hình ảnh người đàn ông 43 tuổi, chú Nguyễn Hùng, ở quận Hải Châu, Đà Nẵng đi chân trần trên chiếc xe ba bánh, chở phía sau một người mẹ già yếu đi vòng quanh thành phố khiến nhiều người động lòng trắc ẩn, nên chuyện người này cho cái bánh, người kia cho ít thức ăn là chuyện thường tình. Qua mỗi đoạn đường, có cảnh đẹp hay có những tòa nhà cao, chú đều đi chậm lại hoặc dừng hẳn để chỉ cho mẹ xem. Người mẹ già run rẩy lắc lư cả người thường gật gù với những địa điểm con vừa chỉ, chắc lòng mẹ vui lắm!

Chú không được khỏe mạnh hoàn toàn, chú không nhớ rõ hết các thông tin về tuổi tác cũng như hoàn cảnh mình; những mẩu chuyện của chú chắp vá, rời rạc. Nhưng điều chú thường nhắc lại là nhà có hai mẹ con, mẹ chú già, yếu, hay đau ốm, bà thích ăn sôcôla... Có vẻ như trong tâm tưởng của người con trai này, mẹ là nguồn sống, là động lực để chú vững vàng mỗi ngày.

Tổng hợp những câu chuyện về lòng hiếu thảo khiến bạn suy ngẫm 7
Đi đâu, ông Nguyễn Hùng cũng chở mẹ theo cùng

Khi được hỏi sao thi thoảng không để cụ ở nhà mà lúc nào cũng chở cụ theo thế; chú bảo rằng mẹ chú 80 tuổi rồi, yếu rồi, để ở nhà không yên tâm, đi đâu cũng phải có mẹ theo cùng.

Với người con hiếu thảo ấy, được hôm nào người ta cho quà bánh thì vui hơn; còn không thì mỗi ngày đều cần mẫn nhặt chai bao trên đường đi, chất đầy xe, về bán kiếm thêm tiền mua gạo, mua rau - nhưng vui nhất và an lòng nhất là lúc nào cũng chăm được mẹ, lúc nào cũng có mẹ có con.

Điều khiến nhiều người khôn nguôi nghĩ về chú không phải là hoàn cảnh khó khăn, mà chính là lòng hiếu thảo. Lòng hiếu thảo của một người đàn ông không lành lặn và nghèo khó ấy đẹp đến rạng ngời!

3.2 Năm người con hiếu thảo cắt gan mình để năm bậc cha mẹ tái sinh

Ngày 25/4/2019, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM công bố các bác sĩ của bệnh viện này cùng với sự hỗ trợ của Bệnh viện ASAN (Hàn Quốc) đã thực hiện thành công 5 ca phẫu thuật ghép gan từ người cho sống trong khoảng thời gian từ tháng 6/2018 đến tháng 3/2019. 

Bệnh viện Đại học Y dược là bệnh viện thứ 2 tại TP.HCM tiến hành ghép gan cho người lớn, sau Bệnh viện Chợ Rẫy.

Người cho gan những bệnh nhân này là những người thân trong gia đình của bệnh nhân như con rể, con ruột…

Trường hợp thứ 5 được ghép gan vào tháng 3/2019. Đó là trường hợp của bà  Đặng Thị H., 68 tuổi, ngụ tại TP.HCM. 

Bà H. có tiền căn viêm gan C nặng dẫn đến xơ gan và được chẩn đoán ung thư gan cách đây nhiều năm. 

Trước đây, bà H. đã điều trị tại Singapore, được bơm chất phóng xạ để khống chế tạm thời các khối u, nhưng tình trạng ung thư vẫn ngầm tiến triển. Ghép gan là cơ hội giúp bà khỏi hẳn bệnh.

Bà H. có hai người con gái, nhưng chỉ có người con gái út là chị Nguyễn Ngọc Ly H., 39 tuổi, phù hợp các  tiêu chuẩn về y học để tiến hành hiến gan cho mẹ nên đã quyết định hiến gan cho mẹ. Cả hai mẹ con bà đều đã hồi phục sức khỏe.

Tổng hợp những câu chuyện về lòng hiếu thảo khiến bạn suy ngẫm 8
Các bác sĩ đang ghép gan cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y dược

Còn ông Nguyễn Ngọc H., 60 tuổi, ngụ tại Nha Trang, mắc nhiều bệnh lý về gan, bao gồm viêm gan C (đã điều trị khỏi hẳn cách đây 4 năm), xơ gan, ung thư gan. Khối u trong gan có kích thước khoảng 3cm và nằm ở vị trí rốn gan, một vị trí rất khó điều trị.

Ông bị gan xơ quá nhiều nên việc điều trị ung thư bằng các phương pháp khác không hiệu quả, thậm chí sẽ làm gan suy yếu nhanh hơn. Tình trạng sức khỏe của ông H. ngày một nghiêm trọng và thời gian sống ước tính chỉ còn khoảng một năm. Phương pháp ghép gan là hy vọng sống cuối cùng của ông. 

Người hiến gan phù hợp cho ông cần có nhóm máu O giống người bệnh.

Cả 3 người con ruột của ông H. đều mang nhóm máu O và đồng ý tự nguyện hiến gan cho bố. Tuy nhiên, qua các xét nghiệm đánh giá, lá gan của các con ông tương đối nhỏ, không đủ an toàn cho người hiến gan cũng như sự phục hồi sau ghép.

Trong khi đó, con rể của ông là anh Trương Thanh T., 31 tuổi cũng có nhóm máu O, lá gan có kích thước phù hợp, đảm bảo cuộc sống hoàn toàn bình thường sau khi hiến. Anh T. đã tình nguyện hiến gan cho bố ghép.  

Hiện hai bố con ông đã quay lại cuộc sống bình thường, lao động chăm sóc gia đình như những người khỏe mạnh.

Xem thêm: 5 người con hiếu thảo hiến gan cứu cha mẹ

3.3 Cậu bé miền Tây bất chấp hiểm nguy cứu mẹ nuôi “chỉ mong mẹ sống đời với con”

Chuyện xảy ra cách đây gần 2 năm về cậu bé Nguyễn Hữu Chính (12 tuổi, ngụ ấp An Nghiệp, xã An Mỹ, H.Kế Sách, Sóc Trăng) dũng cảm cứu mẹ nuôi. Sau tai nạn kinh hoàng đó, giờ đây Chính vẫn phải chịu đựng những cơn đau hành hạ mỗi ngày vì các vết bỏng chằng chịt trên cơ thể. Gương mặt em biến dạng, da không còn đủ để vá các vết sẹo…

Chính là con trai út trong gia đình có 9 anh chị em. Nhà em nghèo nên trong đợt nghỉ hè năm đó em đã xin đi chăn vịt gần nhà. Chính ngoan ngoãn, lễ phép lại rất chăm chỉ nên được vợ chồng người thuê chăn vịt nhận làm con nuôi. Mọi chuyện tưởng êm đẹp thì tai họa ập xuống khiến em và mẹ nuôi gặp nạn.

Mẹ ruột của Chính là bà Thạch Thị Sà Ra cho biết vào chiều ngày 7.10.2020, bà nhận tin con gặp nạn. Qua lời kể lại thì Chính phát hiện bình ga bị rỉ rồi bắt lửa, nhà bắt đầu cháy, Chính phát hiện ra mẹ nuôi vẫn còn bị kẹt ở đám cháy. Chính đã liều mình chạy ngược vào trong rồi kéo tay bà ra ngoài. Sau đó là một tiếng nổ rất lớn, đẩy hai mẹ con xuống sông.

Chính được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), mẹ nuôi được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Tuy nhiên, mẹ nuôi tử vong, Chính bị phỏng 96% diện tích cơ thể, tiên lượng tình trạng rất xấu.

“Sau khi tai nạn xảy ra, ba nuôi của Chính thường xuyên ghé thăm. Tuy nhiên, nhà ông cũng nghèo nên không hỗ trợ được gì. Gần đây thì ông không ghé nữa”, bà Sà Ra nói.

Tổng hợp những câu chuyện về lòng hiếu thảo khiến bạn suy ngẫm 9
Dù biết nguy hiểm nhưng em Nguyễn Hữu Chính vẫn lao mình cứu mẹ nuôi khỏi tai nạn nổ bình gas

Sau khi đến bệnh viện, bà Sà Ra thấy con quấn băng trắng kín mít, xung quanh toàn máy móc, dây truyền dịch. Chính tỉnh lại một cách kỳ diệu.

Khi tỉnh lại, Chính liên tục hỏi về mẹ nuôi, biết được bà không qua khỏi, Chính rất đau buồn. Đến nay, mỗi lần nhớ đến mẹ nuôi, em lại khóc, ray rứt vì không cứu được bà.

Bà Sà Ra kể, khi Chính ra phòng hồi sức, thều thào nói chuyện, bà hỏi: “Lúc trở lại cứu mẹ nuôi, con có biết vào đường chết không. Chính nói biết, nhưng không sợ, chỉ có một suy nghĩ duy nhất là cứu mẹ để mẹ sống đời với con. Tôi hỏi nó có hối hận không, nó nói không, nhưng buồn vì đã cố hết sức mà không cứu được mẹ”.

Suốt 2 năm qua, Chính đã trải qua hơn 20 cuộc đại phẫu thuật tạo hình, ghép da, phục hồi cử động. Hầu hết phần da trên người đều không còn đủ để lóc ghép vào những phần da bị bỏng. Tay chân em bị biến dạng, các ngón dính liền vào nhau, nói chuyện khó khăn, một bên tai bị điếc. Điều em mong ước là mau phục hồi để có thể trở lại trường học như các bạn.

Sắp tới, Chính phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật để tiếp tục ghép da, hồi phục cử động... Ngoài việc được một số nhà hảo tâm hỗ trợ, để có tiền lo cho con, bà Sà Ra cùng 2 người con phải làm thuê. Cha Chính bị gãy xương sườn, sức khỏe giảm sút, mất khả năng lao động. 

Câu chuyện dũng cảm của cậu bé cứu mẹ nuôi khiến ai cũng xúc động và khen ngợi. 

Xem thêm: Tổng hợp những mẩu truyện ngắn về mẹ sẽ khiến bạn rơi nước mắt

4. Những câu chuyện cổ tích về lòng hiếu thảo

Không chỉ Việt Nam mà ở các nước khác trên thế giới, lòng hiếu thảo luôn là đức tính cao đẹp nhất của con người. Điều này được thể hiện rõ qua các câu chuyện cổ tích về lòng hiếu thảo trong các nền văn hóa khác nhau. Đọc những câu chuyện về lòng hiếu thảo cho bé nghe sẽ giúp nuôi dưỡng tâm hồn và dần hình thành đức tính tốt đẹp cho trẻ. 

4.1 Sự tích bông hoa cúc trắng - Câu chuyện về lòng hiếu thảo nổi tiếng của Nhật Bản

Ngày xưa, có hai mẹ con nhà nọ sống trong một túp lều nơi xóm vắng. Người chồng mất sớm, nên mẹ con làm lụng vất vả lắm mới đủ ăn. Hằng ngày, gà chưa gáy sáng, bà mẹ đã phải dậy làm việc cho đến mãi tận đêm khuya.

Một hôm, gà gáy lâu lắm rồi mà vẫn chưa thấy mẹ dậy. Cô bé thức giấc vội đến bên mẹ, cô biết là mẹ đã ốm rồi! Làm thế nào bây giờ, giữa nơi hoang vắng và cảnh nghèo túng này? Cô chỉ còn biết đắp chiếc áo ấm độc nhất của mình cho mẹ, rồi ngồi đấy chăm sóc mẹ. Mẹ cô thỉnh thoảng hé đôi mắt khô héo lên nhìn con.

Tổng hợp những câu chuyện về lòng hiếu thảo khiến bạn suy ngẫm 10
Sự tích bông hoa cúc trắng

Một buổi chiều, khi ánh nắng chiếu qua khe liếp, bà mẹ chợt tỉnh lại. Bà cất tiếng thều thào:

– Con ơi! Con đi mời thầy thuốc về đây. Mẹ thấy trong người khó chịu lắm.

Cô bé vội vã ra đi. Vừa đi cô vừa lo cho mẹ. Được một đoạn đường dài, cô gặp một cụ già tóc bạc phơ. Thấy cô bé đi một mình, cụ liền hỏi:

– Cháu đi đâu mà vội thế?

– Thưa cụ, cháu đi tìm thầy thuốc. Mẹ cháu ốm đã lâu, mà bệnh tình mỗi ngày một thêm nặng.

Tự nhận là thầy thuốc, cụ bảo em dẫn về nhà để xem bệnh giúp. Về đến nhà, xem mạch cho người ốm xong, cụ quay lại hỏi cô bé:

– Chỉ có hai mẹ con cháu ở đây thôi ư?

– Thưa, vâng ạ!

– Từ hôm mẹ ốm, cháu chăm sóc mẹ như thế nào?

– Thưa cụ, cháu chỉ biết quanh quẩn bên giường làm vui lòng mẹ cháu.

– Mẹ cháu bị bệnh nặng lắm. Ta sẽ cố chữa cho mẹ cháu khỏi. Bây giờ cháu cần đi đến gốc đa đầu rừng, hái cho ta một bông hoa trắng thật đẹp, mang về đây để ta làm thuốc.

Bên ngoài trời rất lạnh. Cô bé chỉ có mỗi một chiếc áo mỏng trên mình. Cô lẳng lặng bước đều trong gió rét. Vừa đi cô vừa lo cho mẹ. Cô đi mỏi chân mới đến gốc đa đầu rừng. Quả nhiên cô thấy trên bụi cây trước mặt có một bông hoa trắng rất đẹp. Cô ngắt bông hoa, tay nâng niu với tất cả tấm lòng tha thiết, cầu mong cho mẹ tai qua nạn khỏi. Bỗng cô nghe như văng vẳng bên tai tiếng cụ già tóc bạc ban nãy lại khuyên nhủ cô:

– Cháu hãy yên tâm, mỗi cánh hoa trên bông hoa sẽ là một ngày mẹ cháu được sống thêm.

Cô bé cúi xuống nhìn hoa, cô đếm: “Một, hai, ba, bốn, …, rồi hai mươi. Trời ơi! Còn có hai mươi ngày nữa thôi ư?…”

Suy nghĩ một lát, cô rón rén chạy ra phía sau cây đa. Cô nhẹ tay xé mỗi cánh hoa ra thành nhiều sợi. Bông hoa trở nên kì lạ. Mỗi sợi nhỏ biến thành từng cánh nhỏ dài và mượt, trắng bong như tấm lòng ngây thơ trong trắng của cô. Những cánh hoa mọc thêm ra nhiều không sao đếm được! Cô bé nâng niu trên tay bông hoa lạ đó. Trời ơi! Sung sướng quá! Cô vùng chạy về. Đến nhà, cụ già tóc bạc bước ra cửa tươi cười đón cô và nói:

– Mẹ cháu đã khỏi bệnh! Đây chính là phần thưởng cho tấm lòng hiếu thảo[2] của cháu đấy!

Từ đó hàng năm, về mùa thu, thường nở những bông hoa có nhiều cánh nhỏ dài mượt, trông rất đẹp.

Đó chính là bông hoa cúc trắng.

4.2 Sự tích cây khoai lang – Truyện cổ tích về lòng hiếu thảo

Ở bìa rừng có hai bà cháu nghèo khổ sinh sống. Hàng ngày, hai bà cháu phải đi đào củ mài để ăn. Một hôm, cậu bé nói với bà:

– Bà ơi, bây giờ cháu đã lớn. Từ nay trở đi, cháu sẽ đi kiếm củi, đổi lấy thóc giống và cây lúa để có gạo nấu cơm cho bà ăn. Ăn củ mài mãi thì khổ lắm!

Từ đó, cậu bé cấy cày và chăm chút cho nương lúa của mình. Nhìn cây lúa trổ bông, rồi chín vàng, cậu sung sướng nghĩ: “Thế là sắp được ăn cơm trắng rồi!”.

Nhưng chẳng may, một hôm, cả khu rừng bị cháy. Nương lúa cũng cháy thành tro. Cậu bé buồn quá, ôm mặt khóc. Bỗng, có ông Bụt hiện lên và bảo:

– Hỡi cậu bé hiếu thảo và chăm chỉ, ta cho con một điều ước, con hãy ước đi!

– Thưa ông, con chỉ mong bà của con không bị đói thôi. Bà của con đã già yếu lắm rồi!

Ông Bụt mỉm cười, gật đầu, rồi biến mất.

Tổng hợp những câu chuyện về lòng hiếu thảo khiến bạn suy ngẫm 11
Sự tích cây khoai lang

Buổi trưa hôm ấy, cậu bé vào rừng đào củ mài nhưng kiếm mãi cũng chẳng còn củ nào. Đến vài cái nấm hay khóm măng chua cũng chẳng có.

Đột nhiên, cậu bé đào được một củ gì rất lạ. Ruột nó có màu vàng nhạt và bột mịn mềm. Cái củ đó cũng bị lửa hun nóng và bốc mùi thơm ngòn ngọt. Cậu bé bẻ thử một miếng nếm thử thì thấy ngon tuyệt. Cầu bèn đào thêm mấy củ đem về mời bà ăn. Bà cũng tấm tắc khen ngon và thấy khỏe hẳn ra. Bà hỏi:

– Củ này ở đâu mà ngon vậy hả cháu?

Cậu bé hào hứng kể lại câu chuyện được gặp ông Bụt cho bà nghe. Bà nói:

– Vậy thì thứ củ này là của ông Bụt ban cho người nghèo chúng ta đấy. Cháu hãy vào rừng tìm thứ cây quý đó, đem trồng khắp bìa rừng, bờ suối để cho mọi người nghèo cùng có cái ăn.

Cậu bé vừa tới cửa rừng thì một dải dây leo màu xanh mướt quấn vào chân cậu bé. Cậu nghĩ: “Chắc hẳn đây là cây quý” và mang cây đi trồng ở khắp bìa rừng. Chỉ hiếu thảo mấy tháng sau, những rễ cây đã phình to thành củ có màu tím đỏ. Nếu đem luộc hoặc nướng thì có vị thơm ngon, ngọt bùi. Cậu bé gọi đó là củ khoai lang.

Nếu ai muốn trồng, chỉ cần đem vùi dây khoai xuống đất và chăm bón thì tới mùa thu hoạch được rất nhiều củ.

Và cho đến bây giờ, khoai lang vẫn được nhiều người ưa thích.

Xem thêm: 67 câu ca dao, tục ngữ về mẹ cha thức tỉnh đạo làm con

4.3 Bà cháu – Truyện cổ tích Việt Nam ý nghĩa về tình cảm gia đình

Ngày xửa ngày xưa, ở một làng kia có hai em bé, một trai, một gái. Trai là anh, gái là em. Bố mẹ mất sớm, hai em về sống với bà ngoại. Bà già lắm và cũng nghèo lắm. Ba bà cháu rau cháo nuôi nhau, đời sống rất đỗi chật vật nhưng được cái lúc nào cũng hòa thuận vui vẻ. Các cháu ríu rít quấn quýt quanh bà. Bà móm mém cười hiền từ nhìn các cháu, dịu bớt những nỗi vất vả, cay đắng.

Một hôm, có bà tiên đi ngang qua, thấy tình cảnh ba bà cháu, mủi lòng , liền để lại một trái đào và dặn:

– Khi nào bà mất đi, hai cháu mang hạt đào này gieo lên mộ thì lập tức sẽ được giàu có, sung sướng.

Đời sống cực nhọc quá, cuối cùng rau cháo cũng không đủ ăn, bà ngoại thương cháu, nhịn ăn liền mấy ngày để cái chết mau đến, hi vọng lời bà tiên sẽ thành sự thật, cháu mình sớm được hạnh phúc.

Quả nhiên, mộ bà vừa đắp xong, hạt đào vừa gieo xuống, phút chốc đã hiển hiện điều lạ lùng. Hạt đào nảy mầm, cây lớn nhanh vùn vụt, rào rào nảy lá, đơm hoa, kết quả. Trùm lên mộ bà là một cây đào lực lưỡng, trĩu trịt trái vàng, trái bạc. Hai anh em hớn hở chạy quanh gốc đào, hái mỏi tay, cũng không hết của cải quý giá.

Nỗi nhớ bà khuây khỏa dần. Hai anh em trở nên rất giàu có, giàu hơn cả mọi ông hoàng, bà chúa khắp thế gian.

Tổng hợp những câu chuyện về lòng hiếu thảo khiến bạn suy ngẫm 12
Bà cháu – Truyện cổ tích Việt Nam ý nghĩa về tình cảm gia đình

Nhưng rồi phát vui sướng bồng bột ban đầu dần lắng xuống. Vàng bạc, châu báu lạnh lẽo không bù lại được tình thương đầm ấm của người bà. Sống giữa cung điện cao vọi, nhiều lúc anh em cảm thấy trống trải. Nhìn đâu cũng thấy vàng bạc mà không mảy may thấy bóng dáng thân thương của bà ngoại. Nỗi nhớ thương bà cồn cào gan ruột làm hai anh em ăn ngủ không yên, vẻ mặt lúc nào cũng rầu rĩ, héo hắt. Làm sao có thể sung sướng được nếu sống thiếu bà.

Bà tiên lại đi ngang qua. Thấy hai anh em đã trở nên vô cùng giàu có mà vẫn không được thanh thản, bà dừng lại, hỏi. Em gái òa lên khóc, cầu mong bà tiên hóa phép cho bà ngoại mình sống lại. Bà tiên nói:

– Nếu bà ngoại sống lại thì ba bà cháu lại cực khổ như xưa, liệu có chịu được không?

Cả hai anh em cùng nói như reo lên:

– Chúng cháu chịu được! Khổ sở đến đâu chúng cháu cũng chịu được, miễn là bà chúng cháu sống lại!

Bà tiên phất chiếc quạt lông màu nhiệm. Phút chốc, tất cả lâu đài, thành quách, cây đào với những trái vàng, trái bạc biến thành một áng mây hồng lơ lửng trôi về phía cuối trời. Bà ngoại lại hiện ra, móm mém cười, hiền hậu dang tay ôm hai cháu. Cậu bé, cô bé sà vào lòng bà ngoại thổn thức. Sẽ chẳng bao giờ họ xa nhau nữa. Ba bà cháu lại tần tảo rau cháo nuôi nhau, vất vả thật, nhưng lúc nào cũng tràn đầy tình thương mến.

Xem thêm: 65 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về lòng hiếu thảo với tổ tiên, ông bà cha mẹ

Những câu chuyện về lòng hiếu thảo trên là lời nhắc nhở mỗi chúng ta phải biết trân trọng và trách nhiệm với cha mẹ. Đại lễ Vu Lan đã đến! Hãy thể hiện tình cảm với đấng sinh thành, dưỡng dục khi còn có thể!

Sưu tầm

Nguồn ảnh: Internet

Từ khóa » Chị Bí đỏ Cô Bé Hiếu Thảo Tập 2