Những Câu Hỏi đáp Liên Quan đến Chăm Sóc Trẻ Bị Sốt Xuất Huyết

HỎI: bé bị muỗi đốt, như vậy có chắc chắn bị sốt xuất huyết không?

ĐÁP:  không phải trường hợp nào bị muỗi đốt cũng bị sốt xuất huyết. Chỉ có muỗi vằn (thân và chân có những vằn đen trắng) và đã chích người đang bị nhiễm bệnh thì sẽ lây truyền bệnh sang người bị muỗi đốt. Tuy nhiên rất khó biết con muỗi nào mang mầm bệnh. Do vậy bệnh sẽ xuất hiện theo vùng, theo khu phố có nhiều muỗi và có vài người có bệnh sốt xuất huyết.

HỎI: làm sao biết được khẳng định bé bị sốt xuất huyết?

ĐÁP:  hiện nay để chẩn đoán sốt xuất huyết, có 2 mức độ chẩn đoán

  • Nghi ngờ sốt xuất huyết: đối với các trường hợp sốt liên tục trên 2 ngày, sống ở khu vực có những trường hợp bị sốt xuất huyết.
  • Chẩn đoán xác định sốt xuất huyết: xét nghiệm tìm kháng nguyên siêu vi sốt xuất huyết Ns1Ag (+) của các trường hợp nghi ngờ thì khẳng định là nhiễm bệnh. Xét nghiệm này có thể làm sớm trong vài ngày đầu của bệnh tại các cơ sở y tế để phát hiện bệnh nhằm theo dõi sát hơn người bệnh và lưu ý các thành viên trong gia đình cũng như khu phố về tình trạng nhiễm bệnh. Tuy nhiên, không phải trường hợp nhiễm sốt xuất huyết nào thì xét nghiệm Ns1Ag cũng dương tính, do vậy khi nghi ngờ bệnh cần khám và được theo dõi, tư vấn của nhân viên y tế

HỎI: khi bị sốt xuất huyết rồi, chăm sóc cho bé tại nhà như thế nào?

ĐÁP:  hầu hết các trẻ bị sốt xuất huyết mà không có triệu chứng nguy hiểm cần nhập viện, có thể chăm sóc tại nhà. Vì là bệnh do siêu vi gây ra, nên chủ yếu là điều trị triệu chứng là chủ yếu

  • Sốt: uống thuốc hạ sốt với paracetamol liều 10 – 15mg/kg/lần cho mỗi lần sốt, cách nhau mỗi 4 – 6 giờ khi sốt lại. Sốt thường khá cao trong 3 ngày đầu. Vì vậy khi uống thuốc hạ sốt chỉ cần giảm nhiệt độ so với trước khi uống hạ sốt là đủ. Không nên sốt ruột uống thuốc liên tục vì nguy cơ tổn thương gan. Hạn chế uống hạ sốt nhóm ibuprofen vì tăng nguy cơ xuất huyết trong giai đoạn nặng sau này.
  • Bổ sung nước thường xuyên. Với những trẻ bị sốt cao, sẽ cần bổ sung nhiều nước, bên cạnh đó, những trẻ được uống nước đủ thì nguy cơ diễn tiến nặng phải nhập viện ít hơn. Có thể cho trẻ uống từng li nhỏ, uống nhiều lần trong ngày, tránh uống 1 lúc quá nhiều nước. Nước đun sôi để nguội, nước bù điện giải, nước trái cây, nước canh đều được, không sử dụng những nước có gas hoặc nước có màu đen hoặc đỏ. Hiệu quả của bù nước đủ sẽ biểu hiện bằng bé đi tiểu thường hơn, mỗi 3 – 6 tiếng đi tiểu 1 lần và nước tiểu trắng trong là đủ.
  • Thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu. Khi trẻ sốt sẽ biếng ăn, do vậy cho trẻ em thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, ăn nhiều lần trong ngày, mỗi bữa ít một sẽ giúp trẻ dễ tiêu hơn và vẫn bù năng lượng cho trẻ. Khi trẻ nôn ói thì đừng vội cho trẻ ăn lại ngay, nghỉ ngơi 1 – 2 tiếng khi trẻ bớt cơn ói hãy cho ăn ít lại dần. Tránh sử dụng những thức ăn có màu đen, màu đỏ vì khi trẻ nôn ói ra khó phân biệt có xuất huyết hay không
  • Tắm rửa, vệ sinh cho trẻ bình thường, không kiêng.
  • Đưa trẻ đi khám theo đúng hẹn của bác sĩ

HỎI: những triệu chứng nào cần phải đưa trẻ đến khám bệnh?

ĐÁP:  Bất cứ trẻ nào có biểu hiện sốt trên 2 ngày cần đưa đến khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết không, được hướng dẫn cách theo dõi, chăm sóc tại nhà và hẹn tái khám thường xuyên. Khi đã chẩn đoán bệnh rồi, những dấu hiệu sau cần đưa trẻ đến khám lại NGAY:

  • Sốt cao không hạ mặc dù đã uống hạ sốt, hoặc co giật khi sốt cao.
  • Lừ đừ, li bì khó đánh thức
  • Đau bụng vùng bụng phải, đau ngày càng tăng.
  • Tiểu ít, nước tiểu sậm vàng.
  • Nôn và nhợn ói nhiều, ói ra thức ăn và nước uống nhiều, không thể ăn uống được
  • Tay chân lạnh, tím tái
  • Chảy máu mũi, chảy máu chân răng, chảy máu kinh bất thường, nôn ra máu, tiêu ra phân đen hoặc máu

HỎI: dấu hiệu nào cho thấy bé sắp khỏi bệnh?

ĐÁP:  nếu trẻ không diễn tiến nặng, các trẻ sẽ có dấu hiệu hồi phục vào ngày thứ 6 kể từ ngày sốt đầu tiên. Trẻ tỉnh táo hơn, ăn uống ngon miệng hơn, thậm chí đòi ăn những món bình thường, nổi những mảng đỏ, ngứa ở chân tay (ban hồi phục). Các biểu hiện nặng của trẻ dần dần thuyên giảm.

HỎI: khi bị sốt xuất huyết có cần kiêng gì không?

ĐÁP:

  • Không nên cạo gió, cắt lễ vì sẽ làm đau và có thể gây chảy máu, nhiễm trùng cho trẻ, đôi khi sẽ khiến trẻ chảy máu không cầm
  • Không tự ý cho trẻ uống thuốc mà không đi khám bệnh vì có thể bỏ sót các triệu chứng nặng của trẻ và khiến chủ quan.
  • Không cho trẻ uống những loại nước có màu đen hoặc đỏ như Coca, Pepsi, Xá xị… vì có thể gây nhầm lẫn với tình trạng xuất huyết tiêu hóa ở trẻ. Không dùng hạ sốt bằng Aspirin, Ibuprofen (vì dễ gây xuất huyết nặng)
  • Không cho trẻ sốt xuất huyết truyền dịch tại các phòng khám tư hoặc cơ sở y tế không đủ điều kiện vì nguy cơ sốc dịch truyền hoặc bỏ sót các triệu chứng nặng của bênh. Trong quá trình hồi phục bệnh trẻ chưa thể ăn uống ngon miệng như bình thường cũng làm chậm quá trình hồi phục, bố sung thêm thuốc bổ cho trẻ trong trường hợp này là cần thiết, theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

HỎI: có thể phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết được không?

ĐÁP:  hiện nay chưa có vaccin phòng ngừa bệnh. Do đó phương pháp duy nhất để phòng ngừa bệnh là không để muỗi đốt để lây truyền bệnh. Đó là 2 cách:

  • Không tạo môi trường cho muỗi sinh sản
  • Không để muỗi đốt

HỎI: cách  Không tạo môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản là làm những gì?

ĐÁP:

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, chỉ một chiếc nắp chai cũng đã chứa đủ nước cho muỗi sinh sản và khuyến cáo người dân hãy chung tay loại bỏ nơi sinh sản của muỗi bằng 5 cách đơn giản sau:

– Cọ rửa và đậy kín các dụng cụ chứa nước, đổ hết nước khi không dùng đến.

– Cọ rửa bình hoa, chậu cây và thay nước cho hoa.

– Vệ sinh cống và máng xối.

– Loại bỏ vật phế thải gây đọng nước.

– Lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến, ngăn không cho nước mưa vào.

WHO khuyến cáo, muỗi gây sốt xuất huyết sinh sản ở các dụng cụ chứa nước như lốp xe, chai, lọ, lon, hũ và vỏ dừa. Hãy loại bỏ những vật dụng không cần thiết này khỏi nhà và xung quanh nhà. Tháo nước và cọ rửa các dụng cụ chứa nước hàng tuần để bảo vệ bạn và gia đình khỏi sốt xuất huyết.

HỎI: làm sao không để muỗi đốt?

ĐÁP:

Làm vệ sinh nhà cửa, thông thoáng để tránh muỗi lẩn trốn và đốt

Mặc quần áo màu sáng sẽ giúp muỗi ít đến hơn

Lau mồ hôi thường xuyên. Mùi mồ hôi đôi khi là yếu tố hấp dẫn muỗi đến đốt, do vậy cần hạn chế ra mồ hôi hoặc lau mồ hôi, tắm rửa sạch sẽ giúp ít bị muỗi đốt hơn

Sử dụng những mùi hương tự nhiên để xua đuổi muỗi hoặc không cho muỗi lại gần. Có thể những tinh dầu xả, tỏi, cam quýt, bạc hà xông không khí trong nhà, hoặc sử dụng những tinh dầu bôi lên quần áo, lên da an toàn cho trẻ

Sử dụng những thuốc diệt muỗi, nhang chống muỗi hoặc nằm mùng chống muỗi, tuy nhiên bất tiện và không sử dụng thường xuyên được

HỎI: đã từng bị sốt xuất huyết rồi, có thể bị lại không?

ĐÁP:  siêu vi gây bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng nhỏ, mỗi chủng đều có khả năng gây bệnh và không có phản ứng bảo vệ chéo nếu đã nhiễm bệnh. Vì vậy có thể bị lại do các chủng nhỏ khác nhau, nên mặc dù đã bị bệnh 1 lần thì vẫn có thể mắc bệnh lần sau.

Phòng Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố

Từ khóa » Chăm Sóc Fo Bị Sốt