Những Câu Hỏi Thường Gặp Về đông Y
Có thể bạn quan tâm
Ảnh minh họa. Nguồn: trynotlaughs.us
Có phải điều trị bệnh theo đông y cần thời gian dài hơn?
Bên cạnh lợi thế trong hỗ trợ điều trị các bệnh mãn tính như tiểu đường, ung thư, đông y còn có thể điều trị tốt một vài trường hợp bệnh cấp tính, ví dụ như trường hợp hôn mê ở các bệnh nhân bị đột quỵ có thể điều trị khỏi bằng châm cứu hoặc bằng một loại thuốc được làm từ sỏi mật của của một loài bò (ngưu hoàng)… Cũng như tây y, liệu trình điều trị của đông y vẫn phụ thuộc vào tình trạng của từng cá thể, bệnh mãn tính thì cần nhiều thời gian để điều trị, còn đối với bệnh cấp tính hay bệnh nhiễm trùng, bệnh nhân có thể hồi phục trong thời gian ngắn.
Có phải thuốc đông y luôn luôn có vị đắng?
Không phải như vậy, nói một cách đơn giản là tính vị của thuốc đông y thường chia thành 5 loại gọi là "ngũ vị" bao gồm vị cay, vị ngọt, vị chua, vị đắng và vị mặn. Vị của thuốc và hiệu năng của thuốc có mối liên hệ chặt chẽ với nhau:
- Vị cay: Có tác dụng phát tán, hành khí hoạt huyết (như xuyên khung);
- Vị ngọt: Có tác dụng bổ ích, hoãn cấp (như cam thảo);
- Vị chua: Có tác dụng thu liễm, cố sáp (như ngũ vị tử);
- Vị đắng: Có tác dụng thanh nhiệt, giáng tiết (như hoàng liên);
- Vị mặn: Có tác dụng nhuyễn kiên, tán kết, tả hạ (như mang tiêu);
Một số người sau khi tẩm bổ bằng thuốc đông y lại xuất hiện một số triệu chứng bất lợi, ví dụ như chảy máu mũi, trường hợp này có thể cho là khi cơ thể hư yếu thì không thể tẩm bổ có phải không?
Nguyên tắc trị bệnh của đông y là "hư thì bổ, thực thì tả". Bất luận là điều trị bệnh hay là tẩm bổ thường ngày, đều phải chú ý là hư chứng (hư nhược, suy yếu) thì mới dùng phương pháp tẩm bổ, thực chứng (dư thừa, ứ đọng) thì không nên tẩm bổ.
Căn cứ vào tổn thương của âm, dương, khí, huyết, mà thuốc bổ đông y có thể chia thành 4 loại tác dụng: Ích khí, bổ huyết, tư âm, bổ dương. Nếu sử dụng phép bổ không phù hợp thì sẽ xuất hiện cái gọi là "hư bất thụ bổ". Nghĩa là cơ thể hư suy vẫn không thể hấp thụ được chất bổ.
Ví dụ như một trường hợp bệnh nhân âm hư hỏa vượng, với chứng trạng miệng khô lưỡi táo, hoa mắt chóng mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân và vùng giữa ngực nóng, thì phải dùng thuốc có tính vị cam hàn (ngọt, lạnh) để tư âm thanh nhiệt, trường hợp này nếu như dùng thuốc bổ có tính tân ôn (cay, nóng) và trợ dương, sẽ càng giúp cho hỏa làm tổn thương âm tất sẽ dẫn đến triệu chứng càng nặng hơn, đó là xuất hiện hiện tượng "hư hỏa" bốc lên trên, làm cho chảy máu mũi là vậy.
Trạng thái "sức khỏe dưới mức bình thường" là gì?
Sức khỏe dưới mức bình thường nghĩa là sức khỏe cơ thể không được tốt, nhưng chưa biểu hiện đầy đủ các tính chất để được gọi là một bệnh. Ví dụ một người thường xuyên than phiền nhức đầu, chóng mặt hay yếu sức, nhưng khi khám kiểm tra sức khỏe thì không phát hiện bất thường nào. Tuy nhiên theo quan điểm của đông y thì rõ ràng cơ thể đã biểu hiện một trạng thái mất cân bằng về âm dương, khí huyết và tạng phủ.
So sánh với một người khỏe mạnh, thì người có sức khỏe kém dễ dàng mắc các bệnh về tâm sinh lý hơn. Vì thế đông y rất coi trọng việc dự phòng và loại trừ tình trạng sức khỏe không tốt. Muốn phòng trị tình trạng "sức khỏe dưới mức bình thường", ngoài việc cần chú trọng đến sức khỏe về thể chất, tinh thần, ăn uống điều độ, chế độ làm việc, nghỉ ngơi, vận động rèn luyện hợp lý, thì nên phát hiện và điều trị sớm những rối loạn mất cân bằng của cơ thể.
Theo đông y "sức khỏe dưới mức bình thường" được phân chia thành các loại hình như sau:
- Thể can uất khí trệ;
- Thể đàm thấp nội sinh;
- Thể tâm tỳ lưỡng hư;
- Thể can thận âm hư;
- Thể phế vị khí hư;
- Thể tỳ thận dương hư,...
Nếu bạn muốn biết tình trạng sức khỏe của mình bị rối loạn như thế nào, hãy đến thầy thuốc đông y để thăm khám và được tư vấn.
Châm cứu là gì?
Châm và cứu là hai phương pháp điều trị khác nhau.
Châm là dùng kim bằng kim loại châm vào các điểm được xác định trên da, và thực hiện các thủ pháp kích thích, xoay kim theo các phương pháp bổ tả khác nhau.
Cứu pháp chủ yếu là dùng hơi nóng (và khí thuốc) của điếu ngải hoặc mồi ngải (chất liệu làm từ lá cây ngải cứu) được đốt cháy để tác động lên các điểm được xác định trên da để làm ấm và thông khí huyết.
Những điểm trên da này gọi là huyệt vị châm cứu. Việc chọn huyệt và vị trí để châm cứu tùy thuộc vào các loại bệnh khác nhau, phương pháp châm và phương pháp cứu đều thông qua kích thích lên các huyệt vị nhất định trên cơ thể để có tác dụng sơ thông kinh lạc, điều tiết tạng phủ, hành khí hoạt huyết… từ đó đạt đến sự lập lại cân bằng cho cơ thể, nâng cao sức đề kháng và tiêu trừ bệnh tật.
Phương pháp châm và cứu đều có bổ và tả, phương pháp cứu có sở trường về làm ấm, bồi bổ cơ thể và thông huyết mạch. Phương pháp châm có hiệu quả tương đối nhanh, phương pháp cứu có hiệu quả chậm nhưng lâu dài, hai phương pháp này thường được phối hợp sử dụng để tăng cường hiệu quả điều trị. Đối với một số huyệt vị cấm dùng phương pháp châm ví dụ như huyệt thần khuyết (lỗ rốn) hoặc một số huyệt hạn chế châm thì có thể dùng phương pháp cứu để thay thế.
Có thể lý giải về độc tính và phản ứng phụ của thuốc đông y như thế nào?
Phần lớn mọi người đều cho rằng dược tính của thuốc đông y thường bình hòa không có độc tính và không có tác dụng phụ khi dùng kéo dài. Điều này hoàn toàn sai lầm! Bất cứ một loại dược vật nào mà chúng ta sử dụng không hợp lý đều có thể gây độc và có phản ứng phụ cả. Ví dụ như nhân sâm là một loại thuốc đại bổ nguyên khí, nếu sử dụng trong trường hợp một người đang sốt cao, miệng đắng, da lở loét, đại tiện táo bón… thì sẽ có thể làm bệnh trầm trọng hơn. Vì vậy trước khi sử dụng loại thuốc đông y nào đều phải có ý kiến của thầy thuốc đông y.
Gần đây một số báo cáo trên thế giới cho thấy hàm lượng acid Arisolochic có trong Quan Mộc thông (Caulis Aristolochiae Manshuriensis) có thể gây suy thận. Nên biết rằng loại thường được dùng để kê đơn là Xuyên Mộc thông (Caulis Clematidis Armandii), đây là 2 loài khác nhau. Ngoài ra, đông y còn sử dụng một số thuốc có độc tính trong điều trị một số trường hợp, ví dụ như Phụ Tử (Radix Aconiti Lateralis Preparata) và Xuyên Ô (Radix Aconiti) được dùng trong điều trị thấp khớp, những thuốc này đều có sự theo dõi chặt chẽ về liều lượng, cách thức bào chế để tránh các tác dụng có hại. Vì thế việc giám sát chặt chẽ chất lượng thuốc đông y là rất quan trọng.
Có phải thầy thuốc đông y chỉ dùng phương pháp "bắt mạch" để chẩn đoán các loại bệnh?
Bắt mạch đóng một vai trò quan trọng trong chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên nếu chỉ dựa vào bắt mạch thì chúng ta chỉ biết được một phần của tình trạng bệnh lý, giúp cho ta có định hướng trong chẩn đoán mà thôi. Ví dụ trường hợp phụ nữ có thai thì có "mạch hoạt", tuy nhiên "mạch hoạt" cũng thường gặp ở bệnh nhân có trường vị bị đàm thấp…
Do đó để có một chẩn đoán chính xác, cần thiết phải kết hợp 4 phương pháp khám bệnh, mà đông y gọi là "Tứ chẩn" đó là:
- Vọng: Nghĩa là thầy thuốc sẽ quan sát thần, sắc, hình thái, mắt, mũi, môi, lưỡi… của bệnh nhân để biết được tình hình bệnh tật bên trong cơ thể biểu hiện ra bên ngoài như thế nào;
- Văn: Nghĩa là nghe và ngửi, thầy thuốc sẽ nghe tiếng nói, tiếng thở, tiếng ho, tiếng nấc… chú ý đến mùi của hơi thở, mũi, miệng, các chất thải như đờm, phân, nước tiểu để có thể phân biệt được tình trạng của bệnh;
- Vấn: Hỏi bệnh nhân về bệnh sử, các triệu chứng của bệnh, chú trọng đến hỏi về mồ hôi, hàn, nhiệt…
- Thiết: Bao gồm bắt mạch và sờ nắn để biết vị trí và tính chất của bệnh, thường xem ở da thịt, tay chân, ngực và bụng…
Như vậy, thầy thuốc đông y cũng cần phải tổng hợp đầy đủ các dấu chứng, triệu chứng toàn thân rồi mới đưa ra kết quả chẩn đoán.
Tại sao thầy thuốc đông y có thể sử dùng nhiều loại đơn thuốc khác nhau để điều trị một loại bệnh?
Thứ nhất, biện luận điều trị của đông y nhắm vào yếu tố cơ địa của từng cá nhân, vì vậy việc lựa chọn loại thuốc cũng như liều lượng trong đơn thuốc có thể tăng hoặc giảm là tùy theo từng cá nhân.
Thứ hai, theo quan điểm của đông y, những gì chúng ta gọi là bệnh là đại diện cho toàn bộ quá trình của biến đổi bệnh lý, trong khi một hội chứng sẽ phản ánh bệnh lý của bệnh đó ở giai đoạn nhất định. Trong đông y, hội chứng bao gồm các dấu hiệu và triệu chứng mất cân bằng theo tiêu chuẩn chẩn đoán của đông y, thường được gọi là thể bệnh. Thầy thuốc đông y sẽ điều trị theo một hội chứng (thể bệnh) của bệnh đó thay vì điều trị bệnh.
Ví dụ, bệnh cảm mạo, theo đông y gồm có các hội chứng (thể bệnh): thể phong hàn, thể phong nhiệt hoặc thể cảm mạo do cơ thể suy yếu, phương án điều trị tương ứng với mỗi thể bệnh sẽ khác nhau. Cụ thể: thể phong hàn thì dùng phương án khứ phong tán hàn, thể phong nhiệt thì dùng phương án khứ phong thanh nhiệt, thể cảm mạo do hư suy thì dùng phương án phù chính khứ tà, tăng cường ích khí cố biểu trị liệu. Vì vậy các đơn thuốc cũng sẽ khác nhau để điều trị "bệnh cảm mạo" này.
Các loại thảo dược được cho là có 4 tính: Lạnh, mát, ấm, và nóng. Vậy thực phẩm trong chế độ ăn uống hàng ngày có 4 tính chất như thế không?
Thuốc và thực phẩm đều có nguồn gốc giống nhau và cả hai đều có thể được sử dụng như thuốc. Trên thực tế, hầu hết các loại thực phẩm có tính bình. Tuy nhiên một số thực phẩm cũng có thể được phân loại thành hàn, lương, ôn, và nhiệt.
- Thực phẩm có tính hàn bao gồm măng, chuối, mướp đắng, ngao, cua, bưởi, tảo bẹ, rau diếp, dưa, thơm, hồng, muối, rong biển, khế, mía, hạt dẻ nước, dưa hấu và củ sen,…
- Thực phẩm có tính nhiệt bao gồm hạt tiêu, ớt, quế, hạt bông, gừng và hẹ,…
Điều quan trọng là nên biết về các tính của thực phẩm bởi vì thực phẩm với tính năng khác nhau sẽ tác động lên cơ thể con người theo những cách khác nhau và ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe. Nếu một người bị bệnh thấp khớp thể hàn, thường đau khớp, đặc biệt đau tăng vào mùa đông thời tiết lạnh, thì nên ăn thực phẩm có tính ôn hoặc nhiệt sẽ làm giảm đau đáng kể. Hoặc nếu một người thường bị phát ban làm cho da xấu đi khi tiếp xúc với nhiệt, thì nên ăn loại thực phẩm có tính mát và lạnh để làm giảm triệu chứng.
Đông y sử dụng các loại thảo mộc để điều trị bệnh nhưng không phải trên cơ sở của các thành phần hóa học của chúng. Vậy thì, dựa vào những nguyên tắc gì để điều trị bệnh trong đông y?
Đây là sự khác biệt lớn giữa y học phương Tây và y học phương Đông. Nói chung, phương pháp điều trị của đông y tập trung vào tình trạng tổng thể của cơ thể, chứ không phải là xác định tác nhân gây bệnh cụ thể gây ra tình trạng đó.
Dựa vào những nguyên tắc chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, thầy thuốc sẽ khám và quy nạp tất cả các tính chất, vị trí, sự thay đổi bệnh lý, cũng như quá trình của bệnh vào tám cương lĩnh (bát cương) đó là: âm, dương, biểu (bên ngoài), lý (bên trong), hàn, nhiệt, hư (thiếu hụt, suy yếu) và thực (dư thừa, ứ trệ). Sau đó, họ dựa vào một số thuộc tính của thảo dược để soạn thảo các đơn thuốc thích hợp. Thuộc tính của mỗi loại thảo dược dựa vào: Tính, vị, thăng, giáng, phù, trầm, quy kinh.
Tính (tứ khí): Lạnh, nóng, ấm, và mát;
Vị: Cay, ngọt, chua, đắng, mặn;
Tính chất di chuyển: Thăng (đi lên), giáng (đi xuống), phù (nổi, đi ra ngoài), trầm (chìm, đi vào trong);
Quy kinh: Khả năng đi vào một kinh mạch nhất định (đích tác dụng).
Thầy thuốc sử dụng các thuộc tính của các loại thảo mộc để kích thích sự tự phục hồi năng lượng của cơ thể, và làm cho cơ thể trở lại trạng thái cân bằng. Tính chất chữa bệnh của các thuốc được xác định qua nhiều năm tích lũy kinh nghiệm.
Dựa vào thuộc tính của các loại thảo dược để chống lại thuộc tính đối lập của bệnh, và thực hiện những thay đổi cơ thể đến một sự cân bằng mới. Ví dụ, các loại thảo mộc có thể điều trị hoặc loại bỏ nhiệt hoặc hội chứng nhiệt, chủ yếu có tính chất lạnh hoặc mát, chẳng hạn như hoàng cầm hoặc bản lam căn. Các loại thảo mộc có thể điều trị hoặc loại bỏ hội chứng hàn, chủ yếu có tính chất ấm hoặc nóng, chẳng hạn như phụ tử và gừng khô.
Trong sách Thần Nông bản thảo (sách cổ điển nói về dược thảo) cho rằng: "Trị hàn dùng thuốc nhiệt, trị nhiệt dùng thuốc hàn". Sách Nội kinh-Tố vấn cũng nói: "Hàn thì dùng nhiệt, nhiệt thì dùng hàn". Đây là những nguyên tắc cơ bản trong việc quy định sử dụng thuốc để điều trị trong đông y.
Người ta cho rằng các loại thuốc đông y không có tác dụng phụ và sử dụng chúng trong một thời gian dài sẽ không gây tổn hại cho sức khỏe. Và ngay cả khi dùng thuốc không phù hợp với các triệu chứng, nó cũng không làm hại nhiều. Điều này có đúng không ?
Trong điều trị bệnh, thuốc đông y có khả năng khôi phục lại sự cân bằng âm dương của cơ thể thông qua thuộc tính khác nhau của nó. Tất cả các loại thuốc đều có thuộc tính riêng và có một mức độ độc tính nhất định. Sử dụng không đúng sẽ gây tác dụng phụ cho cơ thể và làm rối loạn cân bằng âm dương.
Có phải thuốc đông y luôn là thuốc sắc ở dạng lỏng và có vị đắng hay không?
Thuốc đông y thường được sử dụng dưới nhiều hình thức khác nhau, tùy thuộc vào cách chế biến. Các hình thức phổ biến nhất là: Thuốc thang (sắc ở dạng lỏng), cao, đơn (viên tròn nhỏ), hoàn (viên tròn), tán (dạng bột), dạng xi-rô, dạng cốm, rượu, viên dẹt… Trong ứng dụng lâm sàng, các hình thức thích hợp sẽ được quy định theo tính chất của bệnh./.
Từ khóa » Thầy Thuốc đông Y Gọi Là Gì
-
Đông Y (Y Học Cổ Truyền) Là Gì? Khám Chữa Bệnh Bằng Đông Y
-
Đông Y – Wikipedia Tiếng Việt
-
Thuốc đông Y Là Gì? Dùng Như Thế Nào để Có Hiệu Quả Cao?
-
Khám đông Y (Y Học Cổ Truyền) Là Gì? | Vinmec
-
Thuốc Đông Y Là Gì? - Những Thông Tin Mới Nhất [2022 ]
-
Vì Sao Thầy Thuốc Đông Y ít Người Giàu? - Báo Đà Nẵng
-
Những Thuật Ngữ Và Câu Hỏi Liên Quan đến Thuốc Đông Y Mà Bạn ...
-
Những Lưu ý Khi Sử Dụng Thuốc Đông Y để đạt được Hiệu Quả Tốt Nhất
-
Hiểu đúng Về Thuốc đông Y - Báo Người Lao động
-
Đông Y (Y Học Cổ Truyền) Là Gì? Ngành Y Học Cổ Truyền Là Gì?
-
Bạn đã Biết đông Y Là Gì?
-
Đông Y Là Gì? Phương Pháp điều Trị, Chuẩn Bệnh, Triết Lý Y Học Trong ...
-
Thuốc Đông Y: Dùng Thuốc Như Dùng Binh, Lương Y Như Lương Tướng
-
Cảnh Giác Với Thuốc đông Y Không Rõ Nguồn Gốc