Những Cây Sâm Quý Bồi Bổ Sức Khỏe - Tin Tổng Hợp - Bộ Y Tế

Rất nhiều loại củ sâm có hình dáng hao hao giống hình người, đặc biệt là Nhân sâm, do đó một số vị thuốc khác không thuộc chi, họ sâm nhưng có hình dáng củ tương tự cũng thường được gọi là sâm. Thêm vào đó, sâm là một vị thuốc bổ nên nhiều vị thuốc khác có tác dụng bồi bổ cơ thể cũng được gọi là sâm hoặc gắn với chữ sâm. Ở Việt Nam có nhiều dược thảo có tên “sâm” được sử dụng từ rất lâu đời, với nhiều công dụng khác nhau.

Sâm Ngọc Linh

Sâm Ngọc Linh còn gọi là sâm Việt Nam, sâm Khu Năm. Có tên khoa học Panax Vietnamensis Ha et Grushv, thuộc họ Ngũ gia bì. Cây mọc tập trung ở các huyện miền núi Ngọc Linh thuộc Kon Tum và Quảng Nam, cây mọc dày thành đám dưới tán rừng dọc theo các suối ẩm trên đất nhiều mùn. Sâm Ngọc Linh có tới 52 loại saponin, chính yếu tố này đã đưa sâm Ngọc Linh thành loại sâm có hàm lượng saponin lớn nhất thế giới. Ngoài ra, trong sâm Ngọc Linh có tới 14 axít béo, 17 axít amin và 20 nguyên tố đa vi lượng. Các nghiên cứu gần đây cho thấy sâm Ngọc Linh với khả năng chống stress, trầm cảm, kích thích hệ miễn dịch, chống oxy hóa.

Theo y học cổ truyền, sâm Ngọc Linh có vị đắng, không độc, quy kinh Tâm, Thận. Thích hợp dùng cho người bị suy nhược cơ thể, trẻ còi xương, suy dinh dưỡng, người già, người bị thiếu máu, mới ốm dậy, nam giới cần tăng cường chức năng sinh dục. Dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc với liều 2 - 6g một ngày.

Sâm bố chính

Sâm bố chính còn gọi là sâm thổ hào, sâm báo, nhân sâm Phú Yên. Có tên khoa học Hibiscus sagittifoliusKurz var.quinquelobus Gagnep., thuộc họ Bông. Sâm bố chính mọc hoang và được trồng ở nhiều nơi ở Việt Nam. Miền Bắc có nhiều ở các vùng núi huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Hương Sơn (Nghệ An, Hà Tĩnh). Chứa nhiều tinh bột và các chất nhầy.

Sâm bố chính có vị ngọt đắng, tính mát; quy kinh Tỳ, Phế. Công dụng bổ khí, ích huyết, chỉ khát, sinh tân dịch; sao với gạo thì tính ấm, bổ tỳ vị, giúp tiêu hóa, thêm sức mạnh. Thường dùng chữa cơ thể suy nhược, ít ngủ, lao phổi, kém ăn, trẻ em gầy còm chậm lớn, sốt và ho dai dẳng, viêm họng, kinh nguyệt không đều, đau lưng, đau mình, hoa mắt, chóng mặt, khí hư.Thường được dùng với liều 10 - 20g mỗi ngày dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột, thuốc viên.

Sâm cau

Sâm cau còn gọi là ngải cau, tiên mao, cồ nốc lan. Tên khoa học Curculigo orchioides Gaertn., thuộc họ Tỏi voi lùn. Cây mọc hoang trên các đồi cỏ ven rừng núi nhiều nơi ở miền Bắc, vùng đồi núi Lang Bian cũng có gặp. Sâm cau có chứa chất nhầy, phenolic glycoside, saponin, hợp chất béo.

Sâm cau có vị cay, tính ôn, có độc; qui kinh Thận, Can. Có công dụng bổ thận tráng dương, ôn trung táo thấp, tráng gân cốt. Thường được dùng chữa nam giới tinh lạnh, liệt dương; phụ nữ đái đục, bạch đới, người già đái són lạnh dạ; thần kinh suy nhược, phong thấp, lưng gối lạnh đau, vận động khó khăn. Ngày dùng 6 - 12g phối hợp với các vị khác dạng thuốc sắc hay ngâm rượu. Dùng ngoài giã đắp chữa ngứa và bệnh ngoài da. Ngày dùng 10 - 15g dạng thuốc sắc, viên hoàn hoặc thuốc mỡ.

Sâm đại hành

Sâm đại hành còn có tên là tỏi Lào, hành đỏ, tỏi đỏ, hành Lào, kiệu đỏ, co nhọt (Lào). Có tên khoa học Eleutherine subaphylla Gagnep., thuộc họ La dơn. Cây thường mọc hoang ở các sườn đồi, bìa rừng hoặc dưới tán rừng và được trồng lấy củ làm thuốc tại nhiều nơi như Hà Tây, Hòa Bình, Nghĩa Lộ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đà Nẵng. Cây trồng rất đơn giản, chỉ việc dùng củ vùi xuống đất như trồng hành tỏi. Chứa các chất quinoid, eleutherin, isoeleutherin, eleutherol. Các nghiên cứu gần đây cho thấy sâm đại hành là thuốc có khả năng kháng khuẩn, kháng viêm, cầm máu.

Sâm đại hành có vị ngọt nhạt, tính hơi ấm vào Can, Tỳ. Công dụng tư âm dưỡng huyết, chỉ huyết, sinh cơ, chỉ khái. Thường được dùng để trị ho, đinh nhọt, lở ngứa ngoài da, chốc đầu, ho ra máu, thiếu máu, mệt mỏi, đau đầu. Liều dùng:  ngày 4 - 12g dạng sắc, hãm, bột, viên hoặc thuốc mỡ bôi ngoài.

Cát sâm

Cát sâm còn gọi là sâm nam, sâm chuột, ngưu đại lực, sơn liên ngẫu, đại lực thự. Tên khoa học Millettia speciosa Champ., thuộc họ Cánh bướm. Cây mọc hoang tại những vùng đồi núi của nhiều tỉnh miền Bắc nước ta, như Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Tây, Hòa Bình. Chứa alkaloids, terpenoids, flavones, phenylpropanoids, phytosterol và tinh dầu. Các nghiên cứu gần đây cho thấy Cát sâm có công dụng nâng cao miễn dịch, kháng viêm, long đờm, chống ho, chống oxy hóa.

Cát sâm có vị ngọt, tính bình; quy kinh Phế, Tỳ. Công dụng dưỡng Tỳ,  trừ hư nhiệt, bổ trung ích khí, lợi tiểu. Thường dùng trong những trường hợp suy nhược cơ thể, biếng ăn, ho đàm, sốt khát nước, nhức đầu, tiểu tiện khó khăn, dùng riêng hay phối hợp với nhiều vị thuốc khác. Mỗi ngày dùng 10 - 20g, đôi khi đến 40g dưới dạng thuốc sắc hoặc bột.

Sa sâm

Sa sâm có tên khoa học Launaea pinnatifida Cass., thuộc họ Cúc. Cây này mọc hoang phổ biến ở các bờ biển Việt Nam, vùng Quảng Ninh, Nam Định, Hà Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Sa sâm có tinh dầu, polysaccharid, nhiều dẫn chất coumarin… có tác dụng giãn mạch, tăng trương lực cơ tim, trừ đàm và kháng trực khuẩn

Sa sâm có vị ngọt, hơi đắng, tính mát; quy kinh Phế, Vị. Công dụng: dưỡng âm thanh phế, tả hỏa, chỉ thấu, ích vị sinh tân. Chủ trị: viêm phế quản mạn tính, ho, ho khan; bệnh nhiệt bao tân dịch, gầy róc, lưỡi khô, khát nước. Liều lượng: 10 - 15g dạng thuốc sắc. Dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác.

Đảng sâm

Đảng sâm là phòng đảng sâm, lộ đảng sâm, cỏ rầy cáy, lầy cáy. Tên khoa học Codonopsis pilosula (Franch) Nannf., thuộc họ Hoa chuông. Đảng sâm ở 14 tỉnh miền núi phía Bắc, còn ở phía Nam, chỉ có ở khuvực Tây nguyên. Vùng phân bố tập trung nhất ở các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam, Đà Nẵng, Lâm Đồng. Chứa sucrose, glucose, inulin, alcaloid, scutellarein glucoside. Tác dụng chống mỏi mệt có tác dụng trên cả hai mặt hưng phấn và ức chế của vỏ não.

Đảng sâm có vị ngọt, tính bình, không độc; quy kinh Phế, Tỳ. Công dụng bổ trung ích khí, hòa tỳ vị, trừ phiền khát. Vì vậy, đảng sâm thường được dùng thay thế cho nhân sâm trong các bài thuốc. Thường dùng trị cơ thể suy nhược do khí kém, ăn uống kém, ỉa chảy do tỳ hư, vàng da do huyết hư, tiêu ra máu, rong kinh, trị thiếu máu mạn, gầy ốm, phiền khát, phát sốt, mồ hôi tự ra, băng huyết, các chứng thai sản (Trung Dược Tài Thủ Sách). Liều lượng thường dùng: 8 - 20g.

Ngoài ra ở Việt Nam còn có các loại sâm chưa hoặc ít biết đến như: nam sâm, sâm rừng, sâm mây, sâm hoàn dương. Có một số loài sâm được di thực về Việt Nam và được nhân trồng rộng rãi như huyền sâm, đan sâm.

Lời khuyên của thầy thuốc

Sâm tuy là loại thuốc bổ nhưng cũng có những kiêng kỵ khi dùng nên không phải mọi đối tượng đều có thể dùng được. Tùy vào tình trạng sức khỏe, độ tuổi mà có chỉ định về liều lượng, cách sử dụng khác nhau. Trước khi sử dụng cần có sự hướng dẫn của thầy thuốc.

TS.BS. VÕ TRỌNG TUÂN, DƯƠNG THỊ NGỌC LAN

Nguồn: Sức khỏe  và đời sống

Từ khóa » Hàm Lượng Saponin Trong Sâm Bố Chính