Những Chất Phản Dinh Dưỡng Trong Thực Phẩm | Báo Dân Trí

Lương thực, thực phẩm bổ dưỡng thì ai cũng biết nhưng ít người để ý đến các chất phản dinh dưỡng trong một số thực phẩm. Nếu không chú ý loại trừ nó thì chẳng những ăn vào không bổ, mà còn có hại cho cơ thể.

Các chất phản dinh dưỡng có nhiều loại: có chất thì ngăn cản cơ thể hấp thu các chất dinh dưỡng, có chất thì phá hủy vitamin, có chất gây độc thậm chí có thể làm chết người. Ở một số thực phẩm nguồn gốc động vật và thực vật, người ta đã tìm thấy có những chất phản dinh dưỡng ấy:

Những chất làm giảm hấp thu protein

- Trong lòng trắng trứng sống có chất antitrypsin chống lại sự tiêu hóa protein. Người ta cho rằng đó là do quy luật sinh tồn, giúp bảo vệ mầm sống trong trứng đang hình thành.

Nếu chúng ta ăn trứng sống, không chỉ khiến đầy bụng, khó tiêu mà còn ảnh hưởng đến sự tiêu hóa các chất protein có trong thịt, cá, sữa...

Do chất kháng men tiêu hóa antitrypsin này cũng là một protein nên dưới tác dụng của nhiệt độ cao, nó sẽ mất hoạt tính kháng protein. Vậy nên, khi trứng chín hẳn, cơ thể lại hấp thu bình thường.

- Trong sữa tươi cũng có chất kháng men tiêu hóa protein. Do đó có một số người ăn sữa tươi đầy bụng lâu tiêu, nhưng ăn sữa đã qua chế biến (sữa đun sôi, sữa hộp, sữa bột) thì không sao.

- Trong hạt một số loại cây, nhất là cây họ đậu cũng có những chất phản dinh dưỡng. Các chất này là để bảo vệ phôi mầm chống lại tác động xấu của môi trường xung quanh. Bản chất hóa học của nó cũng là một loại protein, người ta đã chiết xuất và kết tinh được.

Chính vì thế nếu ăn sống các hạt lạc, đậu ván, đậu Hà Lan, đậu tương... sẽ giảm khả năng hấp thu protein của cơ thể. Các chất phản dinh dưỡng này còn ngăn cản hấp thụ pipit, gluxit và làm tiêu hóa khó khăn. Nhưng các hạt đó đem đun nấu chín thì các chất phản dinh dưỡng bị phá hủy và hệ tiêu hóa lại có thể hấp thu tốt.

Những chất làm hỏng vitamin

- Trong cá sống có một chất kháng vitamin B1 (pyrithiamin). Thí nghiệm trên mèo và chó cho thấy nếu chúng ăn cá sống một thời gian dài thì đều có hiện tượng bị thiếu vitamin B1 nghiêm trọng nhưng nếu ăn cá chín thì không sao cả.

Như vậy nếu ai hay gỏi cá sống thì không những mất vệ sinh mà còn có thể bị thiếu vitamin B1.

- Trong trứng sống còn có một chất nữa gọi là avidin. Khi ăn vào nó sẽ kết hợp với vitamin H (còn có tên biotin) thành phức chất avidin-biotin làm cho cơ thể bị thiếu vitamin H. Nhưng nếu trứng đun nấu từ 80oC trở lên thì chất avidin sẽ bị phá hủy.

- Trong một số loại rau như bắp cải, bầu bí, dưa chuột... có một men phá hủy axít ascocbic (vitamin C) gọi là ascocbioxyđaza. Nếu thái dưa chuột thành miếng chưa ăn ngay để ngoài khí trời một lúc lâu thì vitamin C sẽ bị mất hết. Rau bắp cải thái vụn để lâu mới nấu cũng bị mất hết vitamin C do bị men nói trên oxy hóa.

Cản trở hấp thụ chất khoáng

Một số rau quả như khế, chua me... có hàm lượng axit oxalic khá cao. Axit oxalic và các muối hòa tan của nó cản trở việc hấp thụ canxi của cơ thể.

Thiếu niên đang tuổi dậy thì, trẻ em còi xương cơ thể đang cần tới nhiều canxi thì không nên ăn khế, chua me...

Những người bị sỏi thận loại sỏi canxi oxalat cũng không nên ăn nhiều các loại rau quả này.

Những người có thời gian đông máu kéo dài do thiếu canxi cũng không nên ăn thực phẩm có nhiều axit oxalic và các muối của nó.

- Trong một số rau thuộc họ cải (bắp cải, củ cải, cải bẹ...) có một số chất kháng tuyến giáp trạng. Chúng thuộc loại chất đường phức hợp (glucozit). Khi ăn vào cơ thể dưới ảnh hưởng của các men, chất glucozit bị phân hủy tạo ra các chất thioxyanat và izothioxyanat cản trở việc kết hợp iốt của tuyến giáp trạng. Nhưng nếu các rau này đem nấu chín, chất kháng giáp trạng sẽ bị phân hủy.

Những người bị bệnh bướu cổ do ăn uống thiếu iốt thì không nên ăn rau sống (ăn ghém, món ăn tươi trộn dầu giấm...) các rau củ họ cải. Nếu ăn chỉ ăn chín.

Và chất độc hại

- Ở măng tươi và sắn tươi có một loại glucozit khi gặp nước, axit, hoặc men tiêu hóa sẽ giải phóng ra axit xyanhydric (công thức hóa học HCN) ở thể tự do. HCN là một chất độc rất hay gây ngộ độc ở những người ăn nhiều sắn mà dân gian gọi là "say sắn".

HCN tập trung nhiều ở vỏ sắn, là chất dễ hòa tan vào nước, dễ bay hơi. Muốn ăn sắn không say khi chế biến sắn phải bóc hết lớp vỏ dầy, cắt khúc đem ngâm nước, khi sôi mở vung...

- Trong quả cà chua xanh và củ khoai tây có chứa một chất ancaloit có tên là solanin. Ở củ khoai tây thì solanin chỉ tập trung nhiều ở vỏ và nhất là mầm khoai (ở thịt củ có rất ít) dễ gây ngộ độc cho người ăn.

Để tránh bị ngộ độc solanin không ăn cà chua xanh. Ăn khoai tây cần gọt hết vỏ, khoét bỏ hết chân mầm rồi mới ngâm rửa, chế biến. Nếu củ khoai đã mọc nhiều mầm thì bỏ đi, không nấu ăn.

Theo B.S Định Vũ

Ykhoa.net

Từ khóa » Chất Kháng Dinh Dưỡng Trong Các Bộ Phận Của Cây Sắn Là