Những Chuyện Kể Ly Kỳ Về Rắn “khổng Lồ” ở Núi Cấm

Ổ RẮN “KHỦNG” DƯỚI CHÂN NÚI

Ông Phạm Bảo Trân - Phó giám đốc dự án điện năng lượng mặt trời của Tập đoàn Sao Mai - cho biết, cách nay 2 tuần, trong lúc thi công công trình dưới chân núi Cấm bất ngờ nhóm công nhân phát hiện ổ rắn hổ mây ngóc đầu trong hang. Khi ấy, tài xế lái xe cuốc liền chụp mấy cái bao bố ném vào, tiếp đó nhóm 3 công nhân đến phụ vây bắt.

“Họ dùng tay chộp 2 con rắn: một tay giữ phần đầu, tay còn lại nắm phần đuôi, do đặc điểm của loài rắn này chỉ chụp được cái đầu rồi vuốt toàn thân, nó sẽ không cựa quậy được. Đây là rắn hổ mây cực độc, nặng khoảng 60kg, dài 6 - 7m/con”, ông Trân nói.

Núi Cấm - nơi có nhiều chuyện kể về rắn hổ mây

Hiện đám rắn hổ mây mẹ và con được Tập đoàn Sao Mai chăm sóc, nuôi nhốt tại Khu du lịch đồi Tức Dụp (huyện Tri Tôn) để phục vụ khách tham quan. Theo quan sát của chúng tôi, trên mình 2 con rắn hổ này có vân như mây, hầu hết thân màu vàng nhạt, có khoang trắng ngắt quãng. Đây là loài được mệnh danh “đi mây về gió”, bởi thân dài, nhóng lên cao chấm đuôi xuống đất khi di chuyển.

Cặp rắn khủng hơn 60 kg mới bắt được ở núi Cấm

Trao đổi với phóng viên Báo CATP, ông Trương Vĩnh Thành - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai - cho biết: “Đơn vị đang làm hồ sơ xin phép được nuôi nhốt nhằm phục vụ mục đích bảo tồn, để người dân tham quan, nhưng nếu cơ quan chức năng yêu cầu thả thì mình phải tuân thủ. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ nên giữ lại sẽ tốt hơn, vì thả ra ngoài tự nhiên dễ bị bắt và làm thịt”.

Ông Bành Thanh Hùng - Trưởng phòng Quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên thuộc Chi cục Kiểm lâm An Giang - cho biết: “Hổ chúa hay hổ mây đều là rắn hổ và thuộc nhóm IB (động vật rừng nguy cấp, quý hiếm), phải thu lại vì cơ sở không đủ điều kiện nuôi nhốt. Ngoài ra, đơn vị bắt được rắn cũng chưa đăng ký nuôi, trong khi số rắn này bắt ngoài tự nhiên nên đằng nào cũng phải giao cho Trại rắn Đồng Tâm (Tiền Giang) quản lý”.

NHỮNG CHUYỆN LY KỲ VỀ RẮN KHỔNG LỒ Ở NÚI CẤM

Núi Cấm được bao phủ bởi tán rừng lộng gió, chính vì thế cũng ẩn chứa trong đó nhiều câu chuyện bí ẩn, nhất là về loài rắn hổ mây khổng lồ. Đại tá - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thành Cư (tự Hai Cư, 85 tuổi, ngụ huyện Tri Tôn) cho biết: “Ngày xưa vùng này rắn rất nhiều, giờ hiếm lắm rồi. Trước đây, xe khách chạy ban đêm sẽ thấy con rắn lớn nằm vắt ngang đường đen sì như cây thốt nốt ngã. Nay bắt được phải nuôi nhốt cẩn thận, bởi chỉ cần đầu lọt ra ngoài là xem như sổng chuồng. Loại rắn này cực độc, cắn vào là chết và rất kén ăn nên ít ai nuôi”.

Ông Hai Cư kể, năm 1977 một chiến sĩ của ông tên An - nguyên Đại đội trưởng Đại đội 512 - trong lúc lên đồi Chư Thần truy quét tàn quân bất ngờ gặp con rắn hổ mây có bề hoành bằng cái bình thủy, nặng chừng 20kg.

Ông Hai Cư

“Tui nghĩ nó chắc là con của con rắn hổ mây lớn nằm trong hang mà dân kể. An bắn chết con rắn này rồi về nhà vẫn còn hoảng, bởi vì khi thấy An, nó co cổ ngóc đầu lên cao, thè lưỡi hầm hừ định mổ thấy ghê lắm. Nhờ An vững tay súng mới bắn trúng đầu, hạ được nó”, ông Cư kể.

Trước đây, lúc còn sống, “đạo sĩ” Ba Lưới (nhà ở xã An Hảo) kể, vùng ông sinh sống rắn hổ mây còn nhiều. Chúng đi như gió cuốn và đã quyết ăn thịt ai thì người đó khó bề thoát thân.

Một lần, trong lúc cụ Ba đi từ chân lên đỉnh núi Cấm bất ngờ bị con rắn hổ mây dài gần chục mét, nặng cả trăm ký rượt từ phía sau, đầu vươn cao và cứ sàng qua sàng lại rất hung tợn. Khi trườn đến còn cách chục mét, bất ngờ nó há miệng mổ thẳng xuống đầu cụ. Cụ Ba liền nhanh nhẹn né, vừa tránh cú chụp vừa dùng đòn gánh phang vào sống lưng và cổ rắn.

“Tôi tung liên tiếp 3 cú đánh trúng đầu nó và lần cuối cùng chiếc đòn gánh gãy làm đôi. Tôi vừa rơi xuống đất trong tư thế sẵn sàng tiếp chiến bất ngờ thấy con rắn ngã vật xuống đất, đầu bất động nhưng thân còn vùng vẫy. Tôi phải bồi thêm 3 đòn gánh nữa vào đầu nó mới chịu nằm im mà chết”, cụ kể.

Sau khi hạ con rắn, cụ Ba kêu dân vào rừng xẻ thịt mang về ăn, nhưng chỉ có hơn chục người đến vì phần lớn sợ bị rắn... trả thù! Những tưởng đời người chỉ gặp rắn khổng lồ một lần, nào ngờ cụ Ba Lưới còn chạm trán loài này thêm lần nữa.

Đó là khoảng năm 1960, chỗ cụ ở có đàn khỉ cả trăm con lui tới vặt bắp của người dân. Một ngày nọ, con rắn hổ mây ở đâu tìm về săn khỉ, bị rắn ăn thịt một số nên đám khỉ đành kéo đi nơi khác, sau đó bầy chó của cụ Ba cũng lần lượt vào bụng rắn “khủng”.

Lần đó, cụ Ba Lưới vào rừng hái thuốc bỗng con rắn hổ mây lớn xuất hiện tấn công. Khi nó vừa phóng tới, cụ né sang bên rồi dùng rựa chặt đứt đầu rắn. “Dù không lớn bằng con đầu tiên tôi hạ nhưng nhìn nó nằm sõng soài dưới chân cũng thấy ớn lạnh”, khi còn sống, cụ Ba Lưới từng kể với chúng tôi.

Clip cận cảnh cặp rắn hổ nặng 60kg bắt được trên núi Cấm

Clip cận cảnh cặp rắn hổ nặng 60kg bắt được trên núi Cấm

(CAO) Như CAO đã đưa tin, ngày 15-5, đại diện dự án điện năng lượng mặt trời (tại xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang) cho biết, vừa qua trong lúc san ủi mặt bằng rậm rạp dưới chân núi Cấm, các công nhân đã phát hiện cặp rắn hổ mây “khủng”, và dùng bao bố, lưới vây bắt. Mỗi con rắn nặng 30kg, dài 6 - 7m. Ngoài hai con rắn "khủng" còn có một số rắn con, nhiều khả năng đây là gia đình nhà rắn. Theo nhiều người dân, đây là loại rắn hổ mây vốn nổi tiếng với nhiều huyền thoại trên núi Cấm, bởi độ "khủng" của nó. Hiện cặp rắn đã được đưa về nuôi tại một khu du lịch ở đồi Tức Dụp, xã An Tức, huyện Tri Tôn.  Nguyễn Nhân

Từ khóa » Kể Chuyện Về Rắn