Những Chuyện Thú Vị Xung Quanh Cuốn Nhật Ký Đặng Thùy Trâm

  • Giây phút nghẹn ngào bên mộ anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm của cựu binh Mỹ
  • Người giữ cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” sang Việt Nam

Gương mặt của bà cụ đã ở tuổi 92 vẫn còn giữ những nét đẹp quý phái của người phụ nữ đất cố đô Huế luôn đằm thắm một nụ cười dịu dàng, thân thiện. Vừa đợi khách, bà vừa tỉ mẩn nhặt những chiếc lá úa trong những giỏ hoa rực rỡ đang bung nở bên ban công trước nhà. Gió từ hồ thổi lên nhè nhẹ, như nâng niu từng cảm xúc đẹp của bà… Không thể cảm nhận được phía sau gương mặt phúc hậu với nụ cười bao dung kia, là một trái tim người mẹ từng trải qua nỗi đau đớn tột cùng vì mất cô con gái yêu trong cuộc đời…

Carl Greifzu bước vào phòng, ngay lập tức đến bên bà Doãn Ngọc Trâm. Bà đón chào ông với một nụ cười hiền hậu và nói chuyện với ông bằng thứ tiếng Pháp nhuần nhuyễn đến mức cô phiên dịch đi cùng Carl Greifzu cũng phải bất ngờ, còn Carl Greifzu thì nhún vai và cười thú vị. Và ông đã thốt lên đầy ngạc nhiên rằng bà có một thần thái tinh anh, hết sức lạc quan.

Cuộc gặp gỡ giữa 2 người xa lạ ở 2 đầu trái đất, thậm chí, còn từng ở hai chiến tuyến, đã bắt đầu vừa chân tình vừa trọng thị, trong không khí ấm áp vừa thân thương như thể trong một gia đình lâu ngày gặp lại. Không một chút khoảng cách, diệu vợi, dù người phụ nữ này đã có người con gái ngã xuống bởi những viên đạn từ chính đồng đội của Carl Greifzu. Người chủ động kiến tạo nên không khí ân tình này chính là sự mở lòng đầy cao thượng của người mẹ liệt sĩ.

Carl Greifzu viếng bên mộ chị Đặng Thùy Trâm.

Dĩ nhiên, sau những câu thăm hỏi, mọi người lại xoay quanh cuốn nhật ký của chị Đặng Thùy Trâm. Bà Doãn Ngọc Trâm đưa cho Carl Greifzu cuốn nhật ký photo từ bản gốc, được đóng bìa cứng. Carl Greifzu xem rất kỹ từng trang và ngạc nhiên:

- Cuốn nhật ký gốc đâu rồi?

Có lẽ ông hình dung trong lần đến Hà Nội thăm gia đình bà Doãn Ngọc Trâm lần này, ông sẽ được cầm trên tay cuốn sổ nhỏ thân thuộc với gia đình ông suốt từ năm 1970 đến 1996, vì chắc ông đinh ninh cuốn nhật ký gốc đã về với gia đình “nữ bác sĩ Việt Cộng” từ lâu. Cuốn sổ mà ông và vợ ông đã bao lần cầm lên để đọc, để dịch và để lắng lại với bao cảm xúc về một cuộc chiến đã qua nhưng day dứt, dằn vặt thì còn nguyên vẹn. Ông xúc động: Cuốn sổ gốc nhỏ hơn bản photo và chữ viết thì rất nhỏ…

Rồi ông gật gù tỏ vẻ hài lòng khi bà Doãn Ngọc Trâm cho biết hiện cuốn sổ đang được bảo quản tại Trung tâm Việt Nam ở Texas, một trong 2 Trung tâm về Việt Nam lớn nhất ở Mỹ. Bà Doãn Ngọc Trâm giải thích thêm: Không phải là phía Trung tâm không đưa lại gia đình mà vì điều kiện bảo quản ở Trung tâm Việt Nam tốt hơn nếu mang cuốn Nhật ký về. Hơn nữa, để cuốn nhật ký lại ở Mỹ, sự lan tỏa sẽ lớn hơn khi đó là nơi nhiều người có thể đến tìm hiểu.

Và một điều quan trọng hơn cả là thời điểm xuất bản cuốn nhật ký, có nhiều người ở nước ngoài không hiểu, đã cho rằng Chính phủ Việt Nam và gia đình cố tình bịa đặt ra câu chuyện về cuốn nhật ký, để giáo dục tuyên truyền chứ không phải là có thật. Vì thế, gia đình muốn để cuốn nhật ký cho Trung tâm lưu giữ, còn là để đảm bảo tính khách quan trong việc công bố sự thật của cuốn nhật ký. Lúc nào bà thấy cần mang về, Trung tâm sẽ vui lòng để gia đình mang về.

Rồi Carl Greifzu cùng mọi người lên Nghĩa trang liệt sĩ Nhổn để viếng mộ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Ông bước đi trầm lặng giữa những ngôi mộ xếp hàng thẳng tắp như những hàng quân. Đến bên mộ chị Thùy Trâm, ông ngắm rất kỹ và hỏi từng chi tiết trên mộ. Rằng vì sao có 2 ngày tháng ghi trên cùng ngôi mộ chị? Bông hoa to, có màu hồng nhạt cắm trên mộ chị là hoa gì? Dòng chữ ghi trước mộ có nghĩa thế nào? Dòng chữ ghi trước tên chị là gì? Ông còn rút điện thoại ra để chụp ảnh và quay camera ngôi mộ bé nhỏ.

Là người rất ít nói, ít bày tỏ cảm xúc, nhưng thái độ của ông cho thấy ông rất quan tâm đến người liệt sĩ xa lạ mà lại rất gần gũi với gia đình ông, bởi di vật của chị đã ở trong nhà ông gần 30 năm, trước khi trở về với gia đình. Nhìn người đàn ông từng ở bên kia chiến tuyến thắp hương cho người liệt sĩ đối phương, rồi quỳ xuống bên ngôi mộ một cách thành kính, dường như tất cả những người xung quanh đều không giấu được xúc động. Với độ lùi của thời gian, cuốn nhật ký của người nữ Anh hùng đã trở thành chất xúc tác để hóa giải hận thù, để những người từng đối đầu trong quá khứ giờ ngồi bên nhau với cả ân tình, để thấy được sự khốc liệt và vô nghĩa của chiến tranh.

Bà Doãn Ngọc Trâm trò chuyện cùng luật sư Carl Greifzu.

Có một câu chuyện liên quan đến cuốn nhật ký mà đến nay, rất ít người biết. Đó là Fredric Whitehurst đã viết một cuốn sách dày chừng hơn 300 trang, có tựa đề “Đi tìm Thùy”, kể về toàn bộ hành trình đi tìm gia đình chị Thùy để trao trả cuốn nhật ký của ông trong gần chục năm.

Theo chị Đặng Kim Trâm, em gái út chị Đặng Thùy Trâm, sau khi nghỉ hưu, Fredric Whitehurst bắt đầu hành trình đi tìm gia đình chị và ghi chép từng ngày ông đã đi, những việc đã làm. Ông dò tìm tin tức về chị Đặng Thùy Trâm trên mạng, qua các cựu binh Mỹ, những tư liệu ghi chép trong các kho lưu trữ. Hành trình này kéo dài khoảng 7-8 năm. Nhưng sau khi trao trả cuốn nhật ký cho gia đình, ông vẫn tiếp tục đi tìm hiểu thêm về hoàn cảnh hy sinh của chị Thùy. Vì mỗi người nói một kiểu về cái chết của chị, nên ông muốn tìm hiểu chính xác ngọn nguồn và hoàn cảnh hy sinh của chị Thùy.

Vì thế, ông tìm tất cả những tư liệu ghi chép trong các kho lưu trữ về cuộc tấn công đó. Nhờ các báo cáo rất khoa học, nhật ký hành quân chi tiết từng ngày đã giúp ông tìm ra trung đội đã phục kích chị Thùy, thậm chí, ông còn truy ra cả người đã bắn chị Thùy ngày đó. Ông cũng hỏi gia đình có muốn gặp người lính đó không, nhưng gia đình chị Thùy đã từ chối.

Tuy không tìm ra hoàn cảnh hy sinh của chị Thùy, nhưng những tài liệu xung quanh sự kiện đó mà ông có được đều rất khoa học. Trong hành trình tiếp theo, ông đã tìm được người liệt sĩ hy sinh cùng chị Thùy và đưa về cho gia đình liệt sĩ. Cho đến giờ ông vẫn đau đáu với cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm và vẫn khao khát được làm rõ những sự kiện liên quan đến người “nữ bác sĩ Việt Cộng” trong thời gian đó. Chị Đặng Kim Trâm cho biết, chị dự định sẽ dịch cuốn sách đó và cho xuất bản bởi theo chị, cuốn sách có rất nhiều tài liệu hay.

Việc lựa chọn để dịch cuốn sách cũng nhiều điều lý thú. Sau khi Nhật ký Đặng Thùy Trâm xuất bản thành sách, rất nhiều người ở trong nước và các nước đề nghị được dịch sang tiếng Anh. Sau khi cân nhắc, gia đình bà Doãn Ngọc Trâm quyết định chọn một nhà văn Việt kiều ở Mỹ. Vì đó là một nhà văn trẻ đã thành danh với những giải thưởng, vừa giỏi tiếng Anh, vừa giỏi tiếng Việt. Thêm nữa, anh lại có sự giúp đỡ của ông bố là người rất yêu văn hóa Việt hỗ trợ. Điều quan trọng nữa là, họ là những người rất trân trọng cuốn nhật ký.

Chị Đặng Kim Trâm chia sẻ: Mẹ tôi là người luôn có tư tưởng hòa hợp dân tộc, mong muốn hòa bình. Vì thế, nên mẹ tôi bảo, để một Việt kiều dịch cuốn sách thì đã là kéo một người bạn về phía mình rồi. Chưa kể đó lại là người đáp ứng được nhiều tiêu chí mà gia đình mong muốn.

Quá trình dịch Nhật ký Đặng Thùy Trâm sang tiếng Anh đều được chị Đặng Kim Trâm sát cánh, vì chị giỏi tiếng Anh, từng dịch mấy chục đầu sách sang tiếng Việt, lại am hiểu tâm tư, suy nghĩ, tình cảm của chị gái. Vì thế, đó là một bản dịch được đánh giá cao. Những năm đầu, ở Mỹ mỗi lần xuất bản vài chục ngàn cuốn, những năm sau ít hơn, nhưng năm nào cũng tái bản. Nhiều trường đại học ở Mỹ chọn Nhật ký Đặng Thùy Trâm là sách giảng dạy trong trường. Đến nay, cuốn sách đã được dịch ra gần 20 thứ tiếng.

Từ khóa » Câu Chuyện Về Nhật Ký đặng Thùy Trâm