Những Con Suối 'chết' Giữa Bãi Vàng - VnExpress

Những con suối 'chết' do khai thác vàng Những con suối 'chết' do khai thác vàng

Nước thải từ hoạt động khai thác vàng đổ ra suối. Video: Đắc Thành.

Sông Đắk Mi đoạn giao nhau giữa xã Phước Lộc và Phước Công (huyện Phước Sơn) là nơi suối Nước Mắt đổ ra. Dòng sông chính nước trong vắt, nhưng nước từ dòng suối thì vàng đục.

Những ngày đầu tháng 6, ngược theo con suối về phía thượng nguồn đến thôn 1, xã Phước Lộc, gặp dòng nước đục ngầu nồng nặc mùi hóa chất. Theo nhiều người dân địa phương, đây từng là dòng suối trong mát, nơi tắm giặt hàng ngày của dân làng. Nhưng từ ngày bãi Muối ở đầu nguồn trở thành khu vực khai thác vàng, dòng suối bị "đầu độc" và ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng, không ai muốn lại gần.

Suối Nước Mắt mang theo dòng nước màu vàng đục chảy về xuôi. Ảnh: Đắc Thành.

Suối Nước Mắt mang theo dòng nước màu vàng đục chảy qua xã Phước Lộc về xuôi. Ảnh: Đắc Thành.

Theo thời gian, dòng suối mang theo hàng trăm m3 nước thải đãi vàng và hóa chất xử lý vàng đổ về xuôi. "Suối chỉ sạch khi có một trận mưa lũ lớn xuất hiện, đẩy bùn đất, nước đục đi", một người dân địa phương nói.

Tiếp tục lần ngược theo con suối gần một km là nhà máy khai thác vàng có nhiều người canh gác ở cửa ra vào. Khu vực xung quanh nhà máy này, nhiều bãi vàng trái phép hoạt động suốt ngày đêm. Mỗi điểm đào vàng đều không có bể chứa nước thải, các phu vàng đổ trực tiếp nước lọc quặng chứa hóa chất ra đất rừng, chảy xuống suối.

Nước từ một khu vực khai thác vàng ở Bãi Muối thải ra suối. Ảnh: Đắc Thành.

Nước từ một khu vực khai thác vàng ở Bãi Muối thải ra suối. Ảnh: Đắc Thành.

Tương tự xã Phước Lộc, tình trạng sông suối ô nhiễm cũng xảy ra ở khu vực bãi vàng khe 39, xã Phước Hòa. Đứng bên đường Hồ Chí Minh, thuộc thôn Lao Đu, xã Phước Xuân nhìn xuống, dễ dàng nhận thấy dòng nước trắng đục chảy ra từ bãi vàng hòa lẫn vào dòng sông.

Bãi vàng nằm giữa rừng phòng hộ Đăk Mi. Từ thôn Lao Đu theo con đường chính dẫn vào bãi vàng khoảng 5 km thì gặp chốt chặn, rào chắn ngang đường. Bên trong tiếng máy phát điện, máy xay đất đá, mìn nổ trong hầm lò... vang khắp núi rừng.

Một người dân thôn Lao Đu cho hay, từ khi bãi vàng ở khe 39 hoạt động, dòng suối chảy qua địa phương bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nước thải từ trong bãi vàng chảy ra màu trắng đục, có mùi rất nồng khiến cá, cua... chết sạch. "Người dân đã nhiều lần phản ánh đến chính quyền các cấp nhưng chưa được khắc phục", người này nói.

Nước thải, bùn đất trong khu vực công ty ở khe 39 thải ra môi trường. Ảnh: Đắc Thành.

Nước thải, bùn đất trong khu vực công ty ở khe 39 thải ra môi trường. Ảnh: Đắc Thành.

Theo bà Lê Thị Tuyết Hạnh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam, thời gian qua đơn vị đã nhiều lần tham mưu cấp có thẩm quyền xử phạt các công ty vi phạm quy định về môi trường. Đơn cử, tháng 10/2019, UBND tỉnh Quảng Nam ra quyết định xử phạt một công ty khai thác vàng ở bãi Muối (xã Phước Thành) số tiền gần 360 triệu đồng.

Công ty này đã thực hiện không đúng một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên trước khi đổ ra môi trường...

Cũng trong tháng 10/2019, một công ty hoạt động ở bãi vàng khe 39 bị phạt hành chính 70 triệu đồng, vì vi phạm liên quan báo cáo đánh giá tác động môi trường.

"Hàng năm cơ quan chức năng tổ chức nhiều đợt thanh, kiểm tra các nhà máy vàng. Tuy nhiên, theo quy định trước khi kiểm tra phải thông báo cho doanh nghiệp, chúng tôi không có quyền đột nhập bắt quả tang", bà Hạnh nói. Trong khi đó, các công ty khai thác vàng đều nằm trong rừng núi xa xôi, khó đi lại, "mỗi khi đến kiểm tra, nhà máy biết trước nên che giấu vi phạm, khó phát hiện".

Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nói tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, ban hành nhiều quy định chặt chẽ về công tác đánh giá tác động môi trường đối với các công ty khai thác vàng; yêu cầu mỗi nhà máy đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý môi trường trước khi thải ra ngoài và phải được nghiệm thu.

"Về mặt văn bản chỉ đạo, kiểm tra thực tế không thiếu. Tuy nhiên, các bãi vàng thường nằm ở nơi địa hình rất hiểm trở, có canh gác chặt chẽ nên việc tiếp cận để phát hiện ra hành vi sai phạm của họ có những khó khăn nhất định", ông Thanh nói.

Theo ông, nguồn thu từ hoạt động khai thác vàng trên địa bàn không lớn. Tuy nhiên, các bên liên quan phải chấp hành quy định pháp luật. Chính quyền đã cấp phép cho doanh nghiệp đủ điều kiện thì "phải để họ hoạt động"; còn trong quá trình doanh nghiệp hoạt động nếu có vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

Ông Ngô Bốn, Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam, cho hay mỗi năm các công ty vàng ở địa phương đóng góp gần 30 tỷ đồng thuế. "Đây là số tiền tương đối ít", ông Bốn nói và cho rằng chỉ những doanh nghiệp cấp phép mới thu được thuế, còn các doanh nghiệp lợi dụng thăm dò để khai thác vàng thì "không thu được đồng nào".

  • Đời phu đào vàng
  • Bãi vàng trái phép giữa núi rừng

Đắc Thành

Từ khóa » đãi Vàng ở Suối