NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA MỘT THÁP CHĂM

Trong Brahman giáo, Meru là một dãy núi thần thoại có nhiều đỉnh. Thần Vishnu tối cao ngự trên đỉnh núi cao nhất. Các vị thần khác, tùy theo mức độ đẳng cấp, ngự ở những đỉnh núi cao thấp khác nhau trong dãy Meru. Meru là một biểu tượng có nguồn gốc trong văn hóa Hindu, sau đó ảnh hưởng đến Phật giáo Ấn Độ. Hình ảnh núi Meru, theo hai tôn giáo này mà truyền nhập khắp thế giới Đông Á. Meru là trung tâm của thế giới đa tầng (mandala), hình tượng này vốn vay mượn từ hình ảnh núi Meru của Brahman giáo. Trong Brahman giáo, núi Meru được hiện thực hóa bằng các kiến trúc theo mô hình đỉnh núi nhọn, gọi là “sikhara” (đền- núi), cũng như vậy trong Phật giáo gọi là “Stupa” (tháp). Về mặt kiến trúc, sikhara có 5 đỉnh (một đỉnh cao ở giữa và 4 đỉnh nhỏ, thấp vây xung quanh) thể hiện tư tưởng ngũ hướng trong thế giới quan của Brahman giáo. Kiểu kiến trúc này đã có những ảnh hưởng rõ rệt đến kiến trúc kalan Champa. Đó là một tổng thể bao gồm một ngôi đền chính, tiếng Chăm gọi là Kalan, kết hợp với những đền thờ nhỏ, những công trình phụ và những bờ tường thấp bao quanh. Kalan tượng trưng cho ngọn núi thần thoại Meru - trục của vũ trụ, trung tâm hoàn vũ; bao quanh núi Meru là các thiên thể và những đại dương được tượng trưng bằng những ngôi đền nhỏ và những bờ tường thấp.

Hình ảnh: sưu tầm Internet

Về mặt kiến trúc, nơi thờ thần chính là Kalan chính, Kalan này được bao bọc bởi các không gian thiêng khác theo hình đồng tâm bao quanh thể hiện chu kỳ của mặt trời và mặt trăng. Bao gồm: Tháp cổng (gopura); Tháp Nam/Tháp Lửa (kosagraha); Tiền đường (mandapa); Tháp bia. Kalan chính là nơi trú ngụ của chư thần. Thân tháp/ Kalan chính được ví như một hang động và cả hình tượng ngọn núi thiêng, được xem là nơi an ngụ lý tưởng của thần linh. Các bức tường phía bên ngoài tháp được chạm trổ cầu kỳ đến từng chi tiết; ngược lại, các bức tường bên trong tháp không hề được trang trí; nội điện đơn giản chỉ để bày một bàn thờ.

Hướng Đông được quan niệm là hướng của thần linh, là hướng mặt trời mọc - hướng khởi tạo và vận động của vũ trụ. Có hai trường hợp không đúng quy luật này. Trường hợp quần thể tháp ở Mỹ Sơn, do các quần thể được đặt dưới dạng Mandala, nên một số Kalan phải hướng về phía tây. Trường hợp còn lại là cụm Po Dam (ở Bình Thuận ngày nay), hướng về phía Nam - hướng này hướng ra biển.

Sưu tầm Internet

Trong chính điện của Kalan là nơi đặt một bàn thờ, trên bàn thờ này đặt tượng của thần linh tuỳ theo mỗi cụm tháp thờ cúng, hoặc biểu tượng linga ngay phía trung tâm nội điện, và được đặt trên 1 cái bệ Yoni, có vòi hướng theo phía Bắc. Chung quanh bàn thờ chừa 1 lối đi khoảng 0.8-1m để hành lễ.

Trước cửa vào tiền điện có hai trụ bằng đá sa thạch, hai trụ này được chạm trổ công phu theo hoa văn từng thời kỳ, hình dáng những cái trụ này rất đa dạng, có thể trụ tròn, hình bát giác hoặc tứ giác. Ngoài ra, các trụ còn được khắc văn tự, như những cụm tháp Po Nugar, Po Kloong Girai. Trên hai trụ cửa đặt một mi cửa và có chạm trổ hoa văn, trên mi cửa này có 1 tấm đá hình lá nhĩ bằng sa thạch thể hiện hình tượng vị thần được thờ trong Kalan. Đa số, trên tấm đá hình lá nhĩ này đều được điêu khắc tinh xảo và hoàn thiện, đa số vị thần Shiva được điêu khắc nhiều nhất với điệu múa vũ trụ Tandawa. Kalan Cham là kiến trúc mặt cắt hình vuông, mái tháp hình chóp 3 tầng và đỉnh nhọn bằng đá. Theo quan niệm kiến trúc Hindu giáo, Kalan Champa ba phần như sau:

  • Đế tháp tượng trưng cho cõi trời, phần đế được chạm trổ hình tượng hoa lá; động vật như voi, sư tử hoặc những hoạt cảnh trong thần thoại, vũ nữ nhảy múa.

  • Thân tháp là thế giới tâm linh của con người, nơi con người tiếp xúc bằng tâm thức với cõi linh thiêng. Phần thân tháp trang trí bằng hàng trụ áp tường, thông thường có 5 trụ áp tường. Cửa giả lớn của mỗi Kalan là một công trình rất công phu, chạm trổ tinh xảo, luôn có hình ảnh chư thần đứng nghiêm cẩn chấp 2 tay trước ngực và cầm 1 đoá sen. Trên 3 cửa giả có 3 tấm tim-pan bằng đá sa thạch và hình tượng nữ thần Laksmi (vợ của thần Vishnu), nữ thần đại diện cho sự thịnh vượng. Sự lặp lại nhiều lần những hoa văn nằm tiếp giáp đế-tháp, mỗi trụ-áp-tường hay ở phần chân-tháp, tất cả đều có vật trang trí hình ách-bích nhiều lớp hoặc chạm trổ hoa lá, tượng trưng cho tuyến tính vô tận của thời gian cũng như sự vô hạn của vũ trụ.

  • Mái tháp tượng trưng nơi chư thần quần tụ. Mái tháp càng lên cao càng thu nhỏ dần, theo hình một ngọn núi, mỗi tầng lại mô phỏng như một ngôi đền nhỏ. Trên phần mái, có đặt/ để những ngẫu tượng trong Ấn Độ giáo như ngỗng thần Hamsa, chim thần Garuda, bò thần Nandin, voi, sư tử .. Tại mỗi tầng của mái tháp, trên mỗi góc của mỗi tầng đều có bốn tháp-góc; mỗi tầng tháp tượng trưng cho một tầng trời nơi cư ngụ của thần linh. Ở Mỹ Sơn, Chiên Đàn, Pô Kloong Girai, trên tầng thứ ba là chóp-tháp; chóp-tháp là một phiến đá lớn hình bát giác, trên đó chạm mặt nạ Thần Thời Gian (Kala), rắn thần Naga hoặc bò thần Nandin.

  • Đỉnh tháp là khối đá nhọn 4 cánh, phần dưới có thể chạm trỗ bằng hình tượng cánh sen, đây là cách mô phỏng ngọn núi thiêng Kailasa nơi an ngụ của đấng Shiva. Như biểu tượng núi Meru, hình tượng ngọn tháp nhọn để mô phỏng ngọn núi này, như thế mỗi ngọn tháp chính đại diện cho trục vũ trụ, nơi tiểu ngã của sinh linh được “gặp gỡ” đại ngã của vũ trụ (Brahman).

Trên đây là tổng hợp những điểm chung nhất của các tháp Chàm, đó như những quy luật đầu tiên và bất di bất dịch khi xây dựng. Cùng với những hoa văn hoạ tiết trang trí là những phong cách nghệ thuật khác nhau qua từng thời kỳ biến chuyển của vương quốc. Dù có đa dạng nhưng nét riêng của tháp Chàm vẫn còn đó, không trùng bất cứ từ quy tắc xây dựng đến phong cách nghệ thuật của bất cứ nền văn hiến nào. Điều này mới thấy được sự tài hoa, bản lĩnh và trí tuệ của những nhuệ quân xây dựng Chăm xưa.

BAN BIÊN TẬP CHAM.VN

Từ khóa » Núi Meru ấn độ