Những đan Sĩ âm Thầm Phục Vụ - Công Giáo Việt Nam

Sau hơn 60 năm hiện diện tại giáo phận Đà Lạt, Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn Đơn Dương giờ đây là một cộng đoàn lớn mạnh. Bên cạnh giây phút cầu nguyện của người sống đời thánh hiến, các đan sĩ không quên tham gia những hoạt động tông đồ, góp phần làm cho cuộc sống của bà con trong vùng khởi sắc hơn.

Hành trình tìm vùng đất mới

Sở dĩ gọi Đan viện Châu Sơn với tên đầy đủ là Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn Đơn Dương vì để phân biệt với Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn Nho Quan tại giáo phận Phát Diệm. Từ tên gọi đã có thể thấy, giữa hai cộng đoàn có những mối liên hệ mật thiết…

Khi được Tòa Thánh chọn làm Giám mục Phát Diệm, Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng - vị giám mục người Việt đầu tiên - trong một dịp ghé thăm Đan viện Phước Sơn ở Huế, đã cho cha bề trên biết ước ao có một dòng tu nam chiêm niệm trong giáo phận mà mình vừa đảm trách. Đáp lời mời gọi của ngài, ngày 12.7.1936, công nghị đan sĩ Phước Sơn chọn cha Anselmô Tađêô Lê Hữu Từ (sau này là Giám mục GP Phát Diệm) làm bề trên tiên khởi dẫn đoàn đi lập nhà mới. Ngày 8.9.1936, từ cộng đoàn nhà mẹ Phước Sơn khai sinh nhà con đầu tiên tại xã Phú Sơn, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, mang tên Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn.

Khi Đan viện đã hiện diện tại Nho Quan một thời gian khá lâu, do nhiều nguyên nhân, nên ngày 21.4.1953, một số đan sĩ, tu sĩ, đệ tử đi vào miền Nam và tạm cư tại giáo xứ Phước Lý, Đồng Nai. Sống trên vùng đất mới với thiếu thốn, thử thách đủ bề nhưng ơn gọi của Đan viện không ngừng gia tăng. Phước Lý lúc này lại là vùng đất bạc màu, khó làm ăn sinh sống cho cộng đoàn đông người, do đó để hướng về tương lai, Đan viện tìm một địa điểm mới thích hợp hơn. Sau nhiều chuyến khảo sát, cuối cùng mảnh đất được chọn nằm trên ngọn đồi đất bazan, trải dọc theo sông Đa Nhim, nơi tạo hóa đã kiến tạo gần như đầy đủ những yếu tố cần thiết cho đời sống đan tu chiêm niệm với núi rừng hoang sơ trùng điệp, đất trai trù phú, khí hậu quanh năm mát mẻ, cảnh quan yên bình, tĩnh mịch… Ngày 1.6.1957, từ Phước Lý, cộng đoàn Châu Sơn chuyển cơ sở đến quận Đơn Dương, tỉnh Tuyên Đức, thuộc giáo phận Sài Gòn (nay là xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, giáo phận Đà Lạt).

Đồng hành cùnh anh em dân tộc là một trong những hoạt động tông đồ mà Đan viện hướng đến - ảnh: Đan viện cung cấp

Dầu “vạn sự khởi đầu nan” nhưng cộng đoàn cố gắng để thiết lập nơi đây thành một “mái nhà phụng sự Thiên Chúa”. Là hội dòng chuyên về chiêm niệm,hằng ngày, các đan sĩ thánh hóa đời mình bằng việc hiệp thông với Đức Kitô trong hy sinh thầm lặng. Đến ngày 27.7.1961, thánh bộ dòng tu ban sắc lệnh thiết lập Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn thành Đan viện tự trị. Sau đó hai năm, ngày 13.11.1963, nâng lên hàng Đan phụ viện. Kể từ đây, những niềm vui lần lượt tìm đến với cộng đoàn như số ứng sinh xin gia nhập đời sống đan tu ngày càng đông, các cơ sở dần hình thành, nhất là ngôi thánh đường dâng kính Đức Trinh Nữ Maria và khu nhà ở được cung hiến vào ngày 21.12.1967.

Ðồng hành với người dân tộc thiểu số

Trong đời sống đan tu, song song cùng lời cầu nguyện thì lao động cũng là một hình thức nhằm thực thi đức khó nghèo. Giữa vùng đất được thiên nhiên ưu đãi thuận lợi cho nông nghiệp nên tại đây, cộng đoàn trồng nhiều loại rau, cây ăn trái, lập nông trại nuôi gà, heo, cá; sản xuất nước uống đóng bình… Ngoài việc cung cấp nhu cầu sống mỗi ngày cho các tu sĩ, Đan viện còn cung cấp đến tay người tiêu dùng những thực phẩm sạch, an toàn; một phần ngân quỹ thu được dành để phục vụ tha nhân...

Đất Đơn Dương vốn hội tụ nhiều sắc tộc, và ở gần Đan viện có hai dân tộc Churu và Cil sinh sống, vậy nên việc đến với nhóm anh em này luôn được các tu sĩ chú trọng. Ngoài các chương trình mục vụ tại xứ đạo Châu Sơn (giáo xứ do Đan viện lập nên), còn có những hoạt động bác ái thiết thực. Trước đây, người dân trong vùng hay phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt, nhất vào mùa nắng, bà con phải đi xa hàng cây số lấy nước sạch về dùng. Thấy vậy, Đan viện cho đào những giếng nước tại từng khu dân cư. Có nước sạch về tận nhà, đời sống người dân thoải mái hơn hẳn. Cách đây nhiều năm, khi một số vùng tại Đơn Dương vẫn còn chịu cảnh chong đèn lúc đêm xuống thì tại đây, bà con đã có điện thắp sáng vì Đan viện đầu tư một máy phát cỡ lớn. Nhằm tạo kế sinh nhai, những gia đình nghèo được tặng một con bò để có vốn làm ăn. Nhiều mái nhà dột nát cũng được hỗ trợ sửa chữa lại kiên cố…

Sản xuất nước lọc đóng bình - ảnh: Đan viên cung cấp

Ngoài giải quyết cái khó trước mắt, Đan viện còn chú trọng đầu tư vào tương lai bằng việc lo cho lớp trẻ học hành. Các tu sĩ đã liên hệ với một số nhà dòng ở nhiều thành phố để gởi các em đến trọ học. Riêng những em ở lại quê được các cha, các thầy dìu dắt. “Trẻ em dân tộc thiểu số ít có truyền thống học lên cao, do đó vai trò của mình là phải luôn theo sát, động viên, như muốn cây lên tốt thì phải luôn vun trồng và tưới tắm”, cha Stanislaô Phạm Xuân Lộc, người từng trực tiếp phụ trách việc đồng hành với anh em dân tộc thiểu số của Đan viện nói. Chính sự gần gũi thân tình đó mà nhiều em học tới cấp 3, thậm chí lên cao đẳng, đại học. “Các cha là người giúp đỡ và truyền cảm hứng để tôi cố gắng theo trọn việc học. Nhờ đó bản thân giờ có đựợc công việc và mức thu nhập ổn định tại Đà Lạt. Tôi biết ơn Đan viện rất nhiều!”, Sang Jona, một người Churu sống gần nhà dòng tâm tình.

*

Với khuôn viên rộng lớn, yên tĩnh, Đan viện Châu Sơn còn là nơi lý tưởng cho những khách hành hương muốn tìm sự tĩnh lặng trong tâm hồn.

Sau hơn 60 năm hiện diện tại Ðà Lạt, Ðan viện Châu Sơn Ðơn Dương đã hình thành nên một “nhà con” là Ðan viện Thánh Mẫu Châu Thủy, thuộc GP Phan Thiết (xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận). Hiện nay ngoài cộng đoàn chính ở Ðơn Dương, Ðan viện còn có thêm ba cộng đoàn Sacramento, thuộc bang California, Hoa Kỳ; Châu Lâm tại huyện Tân Phú, tỉnh Ðồng Nai; và Nothgottes tại Ðức.

PHÚ THỊNH

Từ khóa » đan Viện Châu Sơn Sacramento California