Những Dấu Vết Câm Lặng - Báo Công An Nhân Dân điện Tử

Sẩm tối một ngày mùa hè, xe container của Công ty Vận tải thương mại và giao nhận Quang Châu ở quận 5, TP Hồ Chí Minh do lái xe Hòa điều khiển đã ra đến Nhà máy bia ở thị xã Phủ Lý. Theo nhiệm vụ được giao, xe này thường ra lấy bia ở đây rồi chở hàng về TP HCM.

Do chở hàng nặng lại phải đi cả một chặng đường dài gần 2.000 km nên Công ty cho anh Hòa được chọn một phụ xe để trợ giúp công việc và nhiều năm nay anh Hòa đã chọn anh Thái làm bạn đồng hành.

Tuy nhiên, càng ngày anh Hòa càng thấy anh Thái có biểu hiện trễ nải công việc nên chuyến đi lần này anh Hòa còn cho Nguyễn Hoàng Phi, một thanh niên trẻ hơn anh Thái cả chục tuổi đi cùng để cho Phi thử việc, nếu làm tốt từ chuyến sau, Phi sẽ thay vị trí của anh Thái. Cũng chính bởi biết như vậy mà quan hệ giữa anh Thái và Phi có vẻ như chỉ bằng mặt mà không bằng lòng.

Khi ra đến Phủ Lý, anh Hòa cho xe đậu ở phía sau Nhà máy Bia ven sông Đáy rồi cả 3 người đi tắm rửa, nghỉ ngơi sau một chặng đường dài ít phút trước khi đi ăn cơm tối. Đến khoảng 19h, anh Hòa cho gọi Thái và Phi đi ăn cơm. Nhưng chỉ có một mình Phi đi còn Thái thì không. Phi nói rằng, chú Thái mệt đang mắc võng ngủ dưới gầm xe, chú không đi dặn con lát nữa về mua giùm chú ít thuốc bổ.

Khoảng 20h, sau khi ăn cơm tối về, anh Hòa lên cabin ngủ còn Phi đem theo túi thuốc vừa mua xuống gầm xe cho anh Thái. Nhưng, vừa leo lên cabin, chưa kịp ngả lưng thì anh Hòa nghe tiếng kêu thất thanh của Phi: "Chú Thái làm sao mà gọi mãi không dậy được". Hốt hoảng, anh Hòa bật khỏi xe kêu cứu. Anh Thái được chở đến Bệnh viện cấp cứu nhưng do vết thương ở vùng đầu quá nặng nên đã tử vong sau đó ít ngày.

Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy, nạn nhân đã bị đánh và có rất nhiều thương tích ở vùng mặt, vùng đầu. Nhưng nguyên nhân chính dẫn đến cái chết lại là các vết thương ở vùng đầu. Tuy nhiên, tại hiện trường là khu vực gầm xe và chiếc võng nơi anh Thái nằm thì tịnh không có một dấu vết gì chứng tỏ anh Thái đã bị đánh ở đây.

Vì thế, có nhiều khả năng, anh Thái đã bị đánh ở một nơi nào đó sau đó được đưa về đặt vào chiếc võng ở gầm xe và đây chỉ là hiện trường giả. Vậy thì, hiện trường thật của vụ án là ở đâu và kẻ thủ ác là ai? Làm sao để người đàn ông đã đi vào cõi chết kia có thể lên tiếng trả lời cho những câu hỏi hóc búa đó?

Công an tỉnh Hà Nam đã tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ án tới… 4 lần và lần cuối cùng đã phải trưng dụng tới các chuyên gia về dấu vết của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an. Lần này, các chuyên gia về dấu vết đã tìm thấy một vệt mờ bất thường trên vách ngăn bằng kính giữa cabin và thùng xe phía sau mà những lần khám nghiệm trước dấu vết này chưa được xem xét đến.

Một ca khám nghiệm tử thi.

Bằng một máy chuyên dụng, các chuyên gia đã tiến hành soi chiếu lên vệt mờ này và khẳng định tại đây vẫn còn những dấu vết lấm tấm của máu. Một kẻ nào đó đã cố công lau đi những vết máu này và nhìn bằng mắt thường thì có vẻ như đã sạch nhưng dưới máy soi đặc chủng thì vết máu vẫn còn khá rõ.

Tiếp tục giám định, kết quả cho thấy nhóm máu của vệt máu mờ này trùng với nhóm máu của anh Thái. Điều đó chứng tỏ, anh Thái đã bị đánh tại đây, chính trong vùng cabin chật chội này và bị hôn mê tại đây sau đó mới được đưa xuống đặt vào chiếc võng dưới gầm xe.

Nguyễn Hoàng Phi bị bắt ngay sau đó và khi chiếc còng số 8 siết lại, Phi cũng không hiểu vì sao cơ quan điều tra lại tìm thấy y. Trước khi đi tắm, Phi và Thái cùng lên cabin lấy đồ và do không ưa nhau từ trước nên hai bên đã xảy ra xô xát. Phi đã dùng cờ lê đập nhiều nhát vào đầu, vào ngực Thái và khi thấy Thái nằm bất tỉnh, Phi đã ôm xác Thái xuống đặt vào chiếc võng dưới gầm xe với hy vọng mọi người sẽ nghĩ rằng anh Thái chết là do bị cảm.

Sau đó, Phi quay trở lại cabin và hốt hoảng khi thấy máu bắn tung tóe dưới nệm ghế và trên vách kính ngăn. Phi đã lấy giẻ tỷ mỷ ngồi chùi sạch toàn bộ các vết máu này và tin rằng, hiện trường đã bị xóa sạch. Một lúc sau, khi anh Hòa gọi đi ăn cơm, Phi đã tự tạo ra một màn kịch rằng anh Thái mệt và khi đi ăn cơm về Phi đã vào hiệu thuốc mua một ít thuốc bổ nói là mang về cho Thái để hợp lý hóa màn kịch vụng về này.

2. Chiều ngày 19/4/2008, cả con ngõ nhỏ ở Gia Lâm náo loạn bởi tiếng kêu thất thanh của một cô gái trẻ. Số là chiều hôm ấy, cậu ruột cô là Bùi Xuân Khánh có nhờ cô về nhà riêng của cậu để gọi vợ cậu là Lương Thị Lan Anh dậy đi làm. Vì, theo lời cậu thì "tối qua cậu mợ cãi nhau, sáng nay lúc cậu đi mợ vẫn ngủ, sợ quên mất giờ đi làm chiều".

Nhưng khi cô về nhà cậu thì nhà vẫn cửa đóng then cài im lìm. Gọi mợ mãi vẫn không thấy thưa, cô lấy chìa khóa tự mở cổng rồi mở cửa tầng 1 vẫn im lìm. Khi cô lên tầng 2 thì bỗng rú lên bởi một cảnh tượng kinh hoàng. Lan Anh nằm bất động trên giường, đầu nghẹo sang một bên, phần cổ bị thít bởi một chiếc khăn, người đã lạnh cứng.

Bùi Xuân Khánh, sau khi được báo tin đã trở về nhà, nhận xác vợ. Với vẻ mặt u buồn, anh ta tường trình tại Cơ quan điều tra. Rằng, tối hôm trước, hai vợ chồng cãi nhau. Lan Anh không ăn cơm tối mà bỏ lên tầng 2 ngủ. Sáng hôm sau, không thấy Lan Anh đi làm như mọi khi, Khánh hỏi tại sao thì Lan Anh trả lời là không thích đi.

Giận vợ, Khánh không hỏi gì thêm, xuống tầng 1 nấu mì ăn, sau đó dắt xe máy đi sửa. Xong xuôi, đến chiều, Khánh quay về nhà chị ruột chơi. Sợ Lan Anh ngủ quên không đi làm chiều nên Khánh đưa chìa khóa nhà cho cô cháu gái bảo sang nhà gọi mợ dậy. Nhưng khi cô cháu gái sang nhà thì Lan Anh đã thắt cổ chết. Theo phán đoán của Khánh chắc do giận chồng quá mà Lan Anh đã dại dột tự vẫn.

Tuy nhiên, kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy Lan Anh chết do ngạt cơ học vì bị bóp cổ. Trên vùng cổ nạn nhân và trên chính chiếc khăn mà ai đó đã nguỵ tạo thắt vào cổ nạn nhân còn để lại khá nhiều dấu vân tay.

Tiến hành giám định các dấu vết vân tay trên tử thi và trên tang vật là chiếc khăn cho thấy có đặc điểm trùng khớp với dấu vân tay của Bùi Xuân Khánh. Ngoài ra, các giám định khoa học cũng đã chứng minh được thời điểm chết của nạn nhân là trước khi Khánh dắt xe máy ra khỏi nhà đi sửa.

Cơ quan điều tra còn chứng minh được rằng xe máy của Khánh không bị hỏng, việc Khánh dắt xe đi sửa, không có mặt ở nhà là nguỵ trang nhằm tạo ra bằng chứng ngoại phạm.

Đại tá Ngô Sỹ Hiền, Chủ nhiệm Khoa Kỹ thuật hình sự Học viện Cảnh sát Nhân dân, người đã nhiều năm giảng dạy, nghiên cứu về vấn đề này cho biết, dấu hiệu chết do bị người khác bóp cổ khác với chết do thắt cổ nên các đối tượng phạm tội dù có tính toán kỹ lưỡng đến mấy cũng không thể ngụỵ tạo một vụ giết người bằng bóp cổ thành một vụ tự sát. Các bằng chứng khoa học khi khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi sẽ tố cáo ngay sự gian dối này.

Khánh bị bắt ngay sau đó bởi các dấu vết còn để lại tại hiện trường vụ án đã lên tiếng tố cáo tội ác của y. Khánh buộc phải cúi đầu nhận tội và tội ác được Khánh thú nhận đúng như những gì đã diễn ra đầy đau xót trước đó. Khánh nói rằng, cuộc hôn nhân của Khánh với Lan Anh là một cuộc hôn nhân không tình yêu.

Trước khi lấy Lan Anh, Khánh đã từng có một đời vợ ở quê. Sau khi sinh con, người vợ này bị ốm rồi mất. Khánh để lại đứa con trai nhỏ gửi nhà vợ nuôi rồi đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Cho đến năm 2007 thì Khánh về nước nhưng không về quê mà ở lại Hà Nội cùng gia đình chị gái để kiếm việc làm. Cũng trong thời gian này, qua mai mối của chị gái, Khánh đã quen biết với Lan Anh.

Lan Anh thua Khánh chục tuổi, đang làm công nhân tại một công ty may ở Hà Nội. Hai người gặp nhau chừng vài lần thì hai bên tổ chức cưới vì cha Lan Anh khi ấy đang ốm nặng, sợ không qua khỏi. Khánh khai rằng, Khánh lấy Lan Anh chỉ vì tin vào lời hứa của gia đình bên vợ rằng, nếu hai người thành đôi thì Khánh sẽ có nhà ở và việc làm.

Quả vậy, sau khi lấy nhau, vợ chồng Khánh đã được cho mượn một ngôi nhà ở Gia Lâm để ở. Trong nhà cũng có đủ tiện nghi: tivi, tủ lạnh… Nhưng cuộc sống chung của hai người thì ngày càng trở nên tồi tệ. Phần vì thiếu tình yêu; phần vì tâm trí Khánh đã để ở nơi một người đàn bà khác. Đó là Đỗ Thị Thu Hà, nhà ở huyện Từ Liêm.

Cho đến lúc Khánh đã cưới Lan Anh rồi nhưng hai người vẫn hẹn hò, đưa đón. Thậm chí, Hà còn nhắn tin vào máy điện thoại di động xui Khánh: "Nếu không yêu thì đừng có con với nó" (tức Lan Anh). Và, bi kịch bắt đầu khi trong một lần tình cờ, Lan Anh đã đọc được cái tin nhắn bỉ ổi này trong điện thoại của Khánh. Về sau, Lan Anh còn đọc được thêm nhiều tin nhắn khác của Hà trong máy của Khánh.

Tối 18/4, Khánh đi chơi với Hà nhưng lại bỏ quên điện thoại ở nhà. Giống như mọi lần, Lan Anh vớ lấy để kiểm tra tin nhắn. Trong khi Lan Anh đang hý hoáy bấm bấm xem xem thì Khánh về. Hai vợ chồng cãi nhau đến mãi khuya rồi mới đi ngủ. Giống như nhiều lần khác, lần này, Lan Anh lại bỏ cơm tối vì uất ức.

Sáng hôm sau, Lan Anh không đi làm. Khánh căn vặn tại sao, Lan Anh trả lời nhấm nhẳng và thú tính trỗi dậy, Khánh xông vào túm cổ, đập đầu Lan Anh xuống thành giường liên tiếp cho đến khi Lan Anh bất tỉnh. Dường như vẫn chưa hả, Khánh còn bồi thêm một đòn nữa với Lan Anh đó là bóp cổ. Lan Anh chết. Khánh nhắn tin cho Hà: "Nó chết rồi".

Sau khi Lan Anh chết, sợ bị phát hiện, Khánh đã tự tạo ra hiện trường của một vụ tự sát. Khánh nâng Lan Anh dậy, vuốt tóc thật gọn gàng lại rồi đặt Lan Anh nằm nghiêng trên giường như tư thế một người đang ngủ. Sau đó, Khánh lấy một chiếc khăn thường ngày Lan Anh vẫn dùng để quấn chặt vào cổ của cô y như người tự tử.

Xong xuôi, Khánh khép chặt của phòng ngủ trên tầng 2 mò xuống tầng 1 nấu mì ăn rồi dắt xe máy ra khỏi nhà vờ đi đến hàng sửa xe máy. Mãi đến chiều Khánh mới về nhà người cháu họ ở gần đó, đưa chìa khoá nhà cho cháu vờ nhờ cháu sang nhà gọi vợ dậy đi làm. Người cháu tin là thật đã sang nhà Khánh mở cửa, gọi Lan Anh nhưng thấy Lan Anh đã chết nên hô hoán gọi mọi người xung quanh. Lúc ấy, Khánh mới về, tuồng như một người ngoại phạm.

3. Chuyện xảy ra tại huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Trong một khu rừng rậm, cách bản người Thái trắng một ngày đường, có một con gấu rất hay xuất hiện khiến dân bản rất sợ đi rừng mà oái oăm ở chỗ rừng lại là nguồn sống chính của họ.

Thế nên, con gấu đối với họ thật sự là một hiểm hoạ. Một cụ già trong bản đã quyết tâm vào rừng bẫy gấu và cụ không hề biết rằng có hai chàng trai khác, trong đó có một người là cháu họ của cụ già cũng vào rừng với mục đích như cụ.

Hai chàng trai ở trên đỉnh núi, thấy bụi cây phía trước có vật gì đó động đậy. Tưởng là con gấu, họ đã giương súng lên bắn mà không ngờ được đó chính là cụ già đang trên đường tới đỉnh núi như họ.

Cái chết của cụ già đã làm họ vô cùng hốt hoảng. Hai chàng trai đã bàn nhau cử người cháu họ ở lại trông xác cụ già còn người kia thì chạy về bản báo cho dân làng đến giúp. Nhưng sáng hôm sau khi dân bản tới nơi thì người cháu họ cũng đã chết bởi một phát đạn xuyên từ cằm đến đỉnh đầu.

Một câu hỏi đặt ra: Ai đã bắn chết anh ta nếu không phải chính là người đồng hành nọ. Và, người thanh niên còn sống sót trong 3 người vào rừng săn gấu đã phải sống rất khổ sở trong nỗi nghi hoặc chết người ấy suốt 5 năm ròng cho đến khi các bác sỹ pháp y của Viện Khoa học hình sự tìm đến hiện trường và khai quật tử thi.

Bằng kiến thức nghiệp vụ, các giám định viên đã kết luận người thanh niên nạn nhân đã tự sát bằng cách tự dùng súng bắn vào cằm mình, căn cứ vào những dấu vết thương tích do đường đạn còn để lại trên bộ xương.

Có thể sau khi bắn nhầm vào chú mình, anh ta đã quá ân hận và sợ hãi nên đã tự tìm đến cái chết. Và như vậy, sau 5 năm, nỗi hàm oan của người bạn đồng hành với nạn nhân mới được gỡ bỏ nhờ vào kết luận của các giám định viên pháp y

Từ khóa » Bóp Cổ Bao Lâu Thì Chết