Những điểm Du Lịch Tâm Linh Nổi Tiếng Tuyên Quang

Đền Hạ

Đền Hạ là một công trình lâu đời, có kiến trúc đẹp với nghệ thuật chạm khắc gỗ tinh xảo, tọa lạc giữa không gian u tịch, lưng tựa núi, mặt hướng ra dòng sông Lô lịch sử. Đền Hạ Tuyên Quang, chính là nơi phát tích của Mẫu Thoải, tức Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ. Đền Hạ Tuyên Quang chính là khởi nguồn của Đền Dùm (Đền Thượng) và Đền Ỷ La. Đây là một cụm đền thờ Mẫu Thoải có chung một nguồn gốc.

Đền được xây dựng năm 1738. Đến năm 1991, đền được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Và năm 1994, Đền tiếp tục được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cổ.

Từ ngày 11 đến 16 tháng 2 âm lịch hàng năm, lễ hội Đền Hạ ở Tuyên Quang được tổ chức uy nghi và sôi động, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, mọi người được khỏe mạnh.

Đền Thượng

Đền Mẫu Thượng Tuyên Quang được coi là một đền thiêng và được các đời vua triều Lê, triều Nguyễn sắc phong các mỹ tự. Đền Thượng nằm ở xã Tràng Đà (thành phố Tuyên Quang), thờ Mẫu thần, được xây dựng năm 1801. Tương truyền đời trước có hai công chúa là Ngọc Lân (tức Mai Hoa công chúa) và Phương Dung công chúa (tức Quỳnh Hoa công chúa) theo xa giá đi xem xét địa phương đỗ thuyền ở bờ sông. Đến đêm nổi cơn mưa gió, hai công chúa vụt bay lên trời, người ta cho là linh dị, lập đền để thờ. Ngày lễ lớn của đền là ngày 12-2 âm lịch hàng năm, rước mẫu từ đền Thượng về đền Hạ, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.

Đền Mẫu Ỷ La

Đền Mẫu Ỷ La thuộc phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang được xây dựng từ triều vua Cảnh Hưng năm 1747 thờ Công Chúa Phương Dung con gái Vua Hùng. Đền Mẫu Ỷ La được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia ngày 18.3.2016.

Đền Mẫu Ỷ La còn để lại nhiều di sản vô giá. Trong đền hiện còn giữ được 2 quả chuông cổ và 16 tượng cũ, các đồ tế khí bằng đồng, sành sứ, các hoành phi câu đối, đề từ, sắc phong và thần phả. Nhưng đáng chú ý nhất là những di sản văn hóa phi vật thể. Đền còn lưu giữ được 6 bản sắc phong của 4 đời vua Triều Nguyễn như Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định phong cho Đền Mẫu Ỷ La.

Đền Cảnh Xanh

“Ai đi lên mẫu Tuyên Quang

Nhớ đền cô bé Cảnh Xanh thì vào”

Di tích đền Cảnh Xanh thuộc tổ 17, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang. Đền khởi nguyên là một ngôi điện thờ nhỏ được xây dựng vào khoảng nửa cuối thế kỷ XIX, bằng vật liệu tranh, tre, nứa, lá. Đền Cảnh Xanh được người xưa dựng nên để thờ phụng vị Thánh Mẫu Thượng ngàn (hay tên chữ là Lâm cung Thánh Mẫu) mà nhân dân thường gọi là Bà chúa Thượng Ngàn, cai quản miền rừng núi và ngàn cây. Nơi con người bày tỏ niềm tôn kính với Thánh Mẫu Thượng ngàn và thể hiện ước vọng cuộc sống bình yên, mùa màng tươi tốt của con người vùng sơn cước.

Đền Bách Thần

Đền Bách Thần được xây dựng trên sườn núi Bách Thần, thị trấn Vĩnh Lộc do nhân dân và du khách thập phương đóng góp, công đức xây dựng đền. Đền Bách Thần như một nét chấm phá giữa đại ngàn. Tọa lạc ở lưng chừng núi với khí hậu mát mẻ, mùa hè, khách thập phương đứng tại đền có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh thị trấn Vĩnh Lộc với dòng sông Gâm xanh trong.

Đền Kiếp Bạc

Di tích đền Kiếp Bạc thuộc phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang. Đền Kiếp Bạc hay còn có tên chữ là “Kiếp Bạc linh từ” (đền thiêng Kiếp Bạc). Đền được dựng lên thờ Hưng Đạo Vương – Trần Quốc Tuấn, một nhân vật kiệt xuất trong lịch sử, một người anh hùng dân tộc đã có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xân lược nước ta vào nửa cuối thế kỷ XIII để viết lên bản hhùng ca bất hủ với hào khí Đông A của quân dân Đại Việt. Bằng tất cả niềm tin ngưỡng vọng và sự tôn kính của người dân Tuyên Quang nói riêng và nhân dân Đại Việt nói chung Ông đã được suy tôn là vị thánh, người cha tinh thần của dân tộc Việt Nam tôn kính và lập đền thờ để thờ phụng.

Lễ hội khai ấn Đền Kiếp Bạc

Hãy đến với mảnh đất Tuyên Quang để được đắm mình trong những lễ hội đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc tại các điểm du lịch tâm linh nổi tiếng. Trải nghiệm đó chắc chắn sẽ để lại những ấn tượng khó quên đối với bất cứ du khách nào.

Anh Vũ (tổng hợp)

Từ khóa » Các đền ở Tuyên Quang