Những điểm Khác Biệt Giữa Truyện Và Phim 'Mắt Biếc' - VnExpress

*Bài viết tiết lộ nội dung phim

Ra rạp từ ngày 20/12, phim Mắt biếc của đạo diễn Victor Vũ hiện thu 50 tỷ đồng. Tác phẩm được chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Truyện xuất bản năm 1990, là một trong những tác phẩm nổi bật nhất của ông, từng được dịch sang tiếng Nhật để phát hành ở nước này. Hiện sách bán được 200.000 bản, là một trong những tác phẩm bán chạy nhất của Nguyễn Nhật Ánh. 

Lên phim, hành trình từ tuổi thơ đến trưởng thành của các nhân vật, cũng như mối quan hệ tình cảm giữa họ có một số cải biên. 

Nhân vật Hồng được bổ sung

Hồng - cô gái có tình yêu chung thủy với Ngạn - là sáng tạo lớn nhất trên phiên bản điện ảnh của đạo diễn Victor Vũ. Ở bản gốc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhân vật này không tồn tại. Trong phim, Hồng xuất hiện từ những phân đoạn đầu tiên, khi còn là một cô bé ở trường làng và thầm thương Ngạn. Lên cấp ba, ra thành phố học, Hồng vẫn dành tình cảm sâu đậm dù anh chỉ một lòng hướng về Hà Lan. Sau khi ra trường, Hồng cùng Ngạn về dạy ở trường làng.

Hồng - nhân vật được Victor Vũ sáng tạo riêng cho phim. Ảnh: T.H.

Hồng - nhân vật được Victor Vũ sáng tạo riêng cho phim. Ảnh: T.H.

Phân cảnh của Hồng khiến nhiều người xem xúc động là khi cô nói ra nỗi lòng của mình vì bị Ngạn từ chối tình cảm. Cô nhận ra sau gần 30 năm, tấm chân tình cô dành cho anh chỉ đến từ một phía. Ở các phân đoạn còn lại, Hồng khiến khán giả bật cười vì lời thoại mộc mạc, hài hước cùng lối diễn tự nhiên của Thảo Tâm (sinh năm 2000).

Nhiều nhân vật phụ được lược bỏ

Để đảm bảo thời lượng của phim, tập trung vào tuyến truyện chính giữa Hà Lan và Ngạn, Victor Vũ lược bỏ nhiều nhân vật. Cô Thịnh là một trong những cái tên được đề cập nhiều trong truyện. Hơn Ngạn vài tuổi, cô Thịnh thường an ủi, thoa đầu cho anh mỗi khi bị ba đánh đòn đau. Cô Thịnh truyền cho Ngạn tình yêu chợ Đo Đo sau những lần đi dạo chợ đêm, là người bạn khác giới thân nhất của cậu trước khi cậu gặp Hà Lan - tình yêu đầu đời. 

Victor Vũ chia sẻ về hậu trường thập niên 1970 của 'Mắt biếc' Victor Vũ chia sẻ về hậu trường thập niên 1970 của 'Mắt biếc'

Victor Vũ chia sẻ về hậu trường thập niên 1970 của 'Mắt biếc'. Video: Galaxy.

Nhiều thầy, cô ở ngôi trường làng cũng không xuất hiện trên phim. Thầy Phu là người thầy đầu tiên của Ngạn, nghiêm khắc phạt cậu nhảy cóc vòng quanh sân trường đến ngất xỉu. Thầy Cải - dạy Ngạn lớp hai, thường được học sinh quý mến vì thường xuyên cho nghỉ học để giúp thầy bắt nhái. Cô Thung là giáo viên lớp ba, hay dịu dàng, ân cần với học trò.

Nhân vật cha Hà Lan cũng không được đưa lên màn ảnh. Trong truyện, Hà Lan thừa hưởng đôi mắt tuyệt đẹp từ cha. Ông được nhắc tới như một trong những người bám trụ ở làng, là "người duy nhất trong dòng họ dành trọn tình yêu cho Đo Đo". Qua phần đối thoại giữa Hà Lan và mẹ ở cuối phim, khán giả hiểu thêm về hoàn cảnh của mẹ Hà Lan và việc cô không có cha.

Thời gian học cấp hai

Cảnh Ngạn đàn hát cho Hà Lan nghe trong rừng sim. Ảnh: TH.

Cảnh Ngạn đàn hát cho Hà Lan nghe trong rừng sim. Ảnh: TH.

Những ngày tháng Ngạn và Hà Lan học cấp hai ở trường huyện bị lược bỏ khi lên phim. Đây là quãng thời gian Ngạn dần nhận ra tình cảm của mình dành cho Hà Lan, tình yêu nam - nữ. Cả hai dần có khoảng cách khi Hà Lan sớm trưởng thành và ra dáng thiếu nữ, còn Ngạn vẫn là thiếu niên lóc chóc. Thời điểm này đánh dấu bước đầu tự lập của Ngạn khi xa gia đình, ở trọ nhà bà Năm Tự.

Ngạn giúp đỡ Hà Lan khi cô mang thai

Trên phim, khi biết Hà Lan mang thai với Dũng và phải sinh con một mình, Ngạn tình nguyện chăm sóc cô. Anh chứng kiến ngày đứa bé mới chào đời, gõ cửa từng nhà xin gạo nấu nước cơm vì Hà Lan bị tắc sữa. Đây là chi tiết cải biên lớn. Trong truyện, Ngạn sau khi đậu tú tài đã ra Quy Nhơn học sư phạm. Những ngày xa quê, anh nhận được những lá thư từ Hà Lan. Cô kể mình đã sinh con, đặt tên là Trà Long, tiết lộ Dũng đã bỏ rơi cô để cưới Bích Hoàng.

Đoạn kết

Ở bản gốc, Nguyễn Nhật Ánh khép lại truyện bằng lá thư dài Ngạn viết cho Trà Long. Anh xin lỗi vì đột ngột từ biệt sau khi nhận ra tình cảm dành cho cô chỉ là sự tiếp nối từ mẹ cô. Nhà văn không tiết lộ Ngạn đi đâu, chỉ miêu tả anh thu xếp hành lý và rời khỏi làng khi gà mới cất tiếng gáy.

Trà Long (Khánh Vân đóng) và Ngạn (Trần Nghĩa) trong phim. Ảnh: TH.

Trà Long (Khánh Vân đóng) và Ngạn (Trần Nghĩa) trong phim. Ảnh: TH.

Để tạo bất ngờ cho những khán giả từng đọc truyện, Victor Vũ thay đổi đoạn kết. Trong phim, Hà Lan không kết hôn. Cô nhận ra tình cảm của Ngạn dành cho mình sâu đậm ra sao khi nghe Trà Long nói: "Có hai thứ mà đời người không được bỏ lỡ. Một là chuyến tàu cuối cùng về nhà, hai là người thật lòng yêu thương ta". Phim khép lại với cảnh Hà Lan chạy theo con tàu đưa Ngạn vào Nam. Còn anh bật khóc trên tàu khi nghĩ về những điều mình bỏ lại ở làng Đo Đo. Nhiều khán giả nhận xét kết phim mở ra nhiều hướng suy nghĩ, một trong số đó là việc Hà Lan, dẫu muộn màng và không kịp lúc, đã thấu cảm tấm chân tình  Ngạn dành cho cô.

Mai Nhật

Từ khóa » Nhân Vật Hồng Trong Mắt Biếc