Những điểm Mới Của Pháp Lệnh Ưu đãi Người Có Công Với Cách Mạng

Những điểm mới của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng Hoài Thu (Tổng hợp) 17/05/2022 10:55

(Baonghean.vn) - Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (NCC) có nhiều điểm mới, có hiệu lực từ ngày 15/2/2022, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chính sách với NCC, phù hợp với thực tế cuộc sống.

Nghị định 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là NĐ131) quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh NCC có nhiều điểm mới. NĐ131 có 8 Chương, 185 Điều. Điểm mới của NĐ131 là quy định cụ thể, chi tiết về điều kiện, tiêu chuẩn, cơ sở xác định, hồ sơ, thủ tục, thẩm quyền, trình tự giải quyết, công nhận và thời điểm hưởng chế độ ưu đãi với từng nhóm đối tượng NCC.

Sau đây là một số điểm mới của NĐ131:

1. Điều kiện, tiêu chuẩn công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945:

Có 1 điểm mới: Hồ sơ, thủ tục công nhận và giải quyết chế độ ưu đãi: Cá nhân có đơn gửi UBND cấp xã; UBND cấp xã gửi cơ quan có thẩm quyền (Bộ, ngành hoặc Thành ủy, Tỉnh ủy) ra quyết định công nhận. Sau đó Sở LĐ-TB&XH ra quyết định hưởng.

2. Liệt sỹ và thân nhân liệt sỹ:

- Điều kiện, tiêu chuẩn công nhận liệt sĩ: Khác với Nghị định số 31/2013/NĐ-CP và Thông tư 05/2013/TTBLĐTBXH là không xem xét công nhận đối với các trường hợp ốm đau tại địa bàn đặc biệt khó khăn nhưng đã được đưa đi chữa trị ở bệnh viện tuyến tỉnh trở lên, hoặc ốm đau ở nơi khác và đã được điều trị nhưng không chữa khỏi mà vẫn chuyển công tác về địa bàn có điều kiện đặc biệt khó khăn.

-Hồ sơ, thủ tục công nhận liệt sĩ:Điểm mới có thêm quy định tổ chức phát động học tập tấm gương trong phạm vi cả nước đối với trường hợp hy sinh, bị thương đó là: Đặc biệt dũng cảm cứu người, cứu tài sản của nhà nước, của nhân dân hoặc ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội, là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội.

-Hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ trợ cấp ưu đãi đối với thân nhân liệt sĩ:Cá nhân lập bản khai có xác nhận của UBND cấp xã nơi thường trú gửi Sở LĐ-TB&XH nơi quản lý hồ sơ liệt sĩ, kèm bản sao được chứng thực Bằng “Tổ quốc ghi công” và một trong các giấy tờ theo quy định để ra quyết định hưởng.

(Khác với Nghị định số 31/2013/NĐ-CP và Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH là cá nhân làm đơn gửi Sở Lao động – TBXH thay vì trước đây cá nhân gửi UBND cấp xã, UBND cấp xã gửi Phòng Lao động – TBXH, Phòng Lao động – TBXH gửi Sở Lao động – TBXH)

- Người có công nuôi liệt sĩ phải là người đủ 16 tuổi trở lên và có khả năng lao động hoặc có kinh tế để nuôi liệt sĩ.

- Hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ ưu đãi đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác: Điểm mới gồm quy định phải chứng minh được vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống. Kèm theo bản sao được chứng thực từ một trong các giấy tờ chứng minh được lý do là vì hoạt động cách mạng gồm: lý lịch cán bộ; lý lịch đảng viên; lý lịch quân nhân; hồ sơ bảo hiểm xã hội; các giấy tờ, tài liệu khác do cơ quan có thẩm quyền ban hành, xác nhận trong thời gian tham gia cách mạng.

Điểm mới về chế độ: Được hưởng bảo hiểm y tế.

3. Công nhận liệt sỹ đối với người hi sinh trong chiến tranh:

- Về đối tượng; căn cứ lập hồ sơ công nhận liệt sĩ; hồ sơ, thủ tục công nhận đối với người hy sinh hoặc mất tích không thuộc quân đội, công an: GiốngNghị định số 31/2013/NĐ-CP và Thông tư 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP.

- Có 2 điểm mới hoàn toàn so với các quy định trước đây gồm:

+ Hồ sơ, thủ tục cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” đối với người hy sinh nhưng chưa được cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” mà thân nhân đã được giải quyết chế độ ưu đãi từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước.

+ Hồ sơ, thủ tục cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” đối với người hy sinh thuộc các trường hợp quy định tại Điều 14 Pháp lệnh nhưng chưa được cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” mà thân nhân đã được giải quyết chế độ ưu đãi từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến ngày 30 tháng 9 năm 2006.

4. Hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ thờ cúng liệt sỹ (TCLS):

- Hồ sơ: Đơn đề nghị. Văn bản ủy quyền (thay cho biên bản ủy quyền trước đây). Bản sao chứng thực bằng Tổ quốc ghi công.

- Thủ tục giải quyết: Trường hợp liệt sĩ không còn thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp hằng tháng. Liệt sỹ còn thân nhân thì: Cá nhân làm đơn gửi UBND cấp xã để cấp xã chuyển lên sở LĐ-TB&XH.

- Người được ủy quyền TCLS hoặc cơ quan, đơn vị được giao TCLS xác định như sau:

+ Trường hợp liệt sĩ còn thân nhân thì người hưởng trợ cấp TCLS là người được các thân nhân liệt sĩ ủy quyền bằng văn bản đảm nhiệm việc TCLS.

+ Trường hợp thân nhân liệt sĩ chỉ còn con, nếu liệt sĩ có nhiều con thì người hưởng trợ cấp TCLS là người được những người con còn lại ủy quyền; nếu liệt sĩ chỉ có một con hoặc chỉ còn một con còn sống thì không phải làm văn bản ủy quyền.

+ Trường hợp con liệt sĩ giao người khác thực hiện TCLS thì người hưởng trợ cấp TCLS là người được con liệt sĩ thống nhất ủy quyền.

+ Trường hợp liệt sĩ không còn thân nhân hoặc chỉ còn một thân nhân duy nhất nhưng người đó bị hạn chế năng lực hành vi, mất năng lực hành vi, cư trú ở nước ngoài hoặc không xác định được nơi cư trú thì người hưởng trợ cấp TCLS là người được những người thuộc quy định tại điểm b khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự ủy quyền. Trường hợp những người này không còn thì được những người thuộc quy định tại điểm c khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự ủy quyền.

+ Trường hợp không xác định được người ủy quyền thì Sở LĐTBXH ban hành quyết định trợ cấp TCLS đối với UBND cấp xã nơi liệt sĩ cư trú trước khi tham gia hoạt động cách mạng.

Nếu không xác định được xã nơi liệt sĩ cư trú trước khi tham gia hoạt động cách mạng thì giao cơ quan, đơn vị cấp giấy chứng nhận hy sinh để thực hiện nghi thức dâng hương liệt sĩ theo phong tục địa phương.

5. Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh:

Có 02 điểm mới về đối tượng được hưởng so với Nghị định 31/2013/NĐ-CP là:

+ Người làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong địa bàn địch chiếm đóng, địa bàn có chiến sự, địa bàn tiếp giáp với vùng địch chiếm đóng.

+ Người trực tiếp đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận có tổ chức với địch.

Điểm mới quy định rõ hơn về trường hợp: Đặc biệt dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân hoặc ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội, là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội. Muốn được công nhận thương binh trong trường hợp này phải đảm bảo các yếu tố sau:

a) Nhận thức được đầy đủ sự nguy hiểm và tính cấp bách của sự việc.

b) Chủ động thực hiện hành vi đặc biệt dũng cảm, chấp nhận hy sinh bản thân.

c) Bảo vệ lợi ích quan trọng của Nhà nước, tính mạng và lợi ích hợp pháp của Nhân dân hoặc để ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

d) Là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội, được tặng thưởng Huân chương và được cơ quan quản lý nhà nước về người có công tổ chức phát động học tập tấm gương trong phạm vi cả nước.

Các trường hợp khác thực hiện theo quy định trước đây.

- Hồ sơ, thủ tục giải quyết hưởng thêm một chế độ trợ cấp đối với thương binh đồng thời là bệnh binh: Cá nhân có đơn gửi Sở Lao động –TBXH (sẽ được hưởng đồng thời 02 chế độ thương binh và bệnh binh thay vì trước đây phải có điều kiện mới được hưởng).

-Hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ đối với thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động: Cũng giống như thương binh đồng thời là bệnh binh (sẽ được hưởng cả 02 chế độ thương binh và mất sức lao động).

- Công nhận thương binh đối với người bị thương trong chiến tranh:Đối tượng là người tham gia cách mạng bị thương thuộc các trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ Khoản 1 Điều 23 Pháp lệnh trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào và Campuchia, truy quét Ful-rô, tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc, chiến tranh biên giới Tây Nam đến nay chưa được công nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

- Căn cứ lập hồ sơ công nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh: Căn cứ chứng minh người bị thương có ghi nhận quá trình tham gia cách mạng cụ thể như sau:

a) Người tham gia cách mạng sau đó tiếp tục tham gia công tác tại các cơ quan nhà nước phải có bản sao được chứng thực từ một trong các giấy tờ sau: lý lịch cán bộ; lý lịch đảng viên; lý lịch quân nhân; quyết định phục viên, xuất ngũ, thôi việc; hồ sơ bảo hiểm xã hội hoặc các giấy tờ, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền ban hành lập từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước.

b) Người tham gia cách mạng sau đó không tiếp tục tham gia công tác tại các cơ quan nhà nước thì phải có bản sao được chứng thực từ một trong các giấy tờ sau: Hồ sơ khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến hoặc một trong các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đối với người tham gia kháng chiến chống Pháp; chống Mỹ; tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp nước bạn Lào.

6. Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học:

- NĐ131 bổ sung quy định mới về trách nhiệm giải mã phiên hiệu của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đối với những trường hợp chưa thể hiện rõ địa bàn hoạt động.

7. Người hoạt động kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩ vụ quốc tế bị địch bắt, tù đày:

- Mức hưởng trợ cấp: Điểm mới hưởng trợ cấp Theo Nghị định 75/2021/NĐ-CP: người hoạt động kháng chiến còn sống: 0,3 lần mức chuẩn/thâm niên (mức chuẩn: 1.624.000 đồng). Người hoạt động kháng chiến đã chết: 1.5 lần mức chuẩn.

Các chế độ ưu đãi khác bổ sung quy định: Được miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất theo quy định. Được hỗ trợ cải thiện nhà ở theo quy định. Người hoạt động kháng chiến chết mà chưa được hưởng trợ cấp một lần thì thân nhân được giải quyết chế độ mai táng phí.

8. Trợ cấp khi người có công từ trần:

Hồ sơ, thủ tục hưởng trợ cấp mai táng: Khác so với Nghị định số 31/2013/NĐ-CP và Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH đó là: Trường hợp người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế chưa hưởng trợ cấp một lần mà chết thì kèm theo bản sao được chứng thực từ một trong các giấy tờ quy định gồm:

+ Huân chương Kháng chiến, Huân chương Chiến thắng, Huy chương Kháng chiến, Huy chương Chiến thắng hoặc giấy chứng nhận đeo huân chương, huy chương gửi đến UBND cấp xã nơi cấp giấy báo tử.

+ Quyết định tặng thưởng Huân chương Kháng chiến, Huân chương Chiến thắng, Huy chương Kháng chiến, Huy chương Chiến thắng.

+ Giấy xác nhận về khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến và thời gian hoạt động kháng chiến thực tế của cơ quan Thi đua - Khen thưởng cấp huyện trở lên.

- Trường hợp người có công giúp đỡ cách mạng chưa hưởng trợ cấp ưu đãi mà chết thì kèm theo bản sao được chứng thực từ một trong các giấy tờ quy định gồm: Giấy chứng nhận Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công”, Bằng “Có công với nước” trước cách mạng tháng Tám năm 1945; Huân chương Kháng chiến; Huy chương Kháng chiến. Quyết định tặng thưởng Huân chương Kháng chiến, Huy chương Kháng chiến. Giấy xác nhận về khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến và quá trình tham gia giúp đỡ cách mạng của cơ quan Thi đua - Khen thưởng cấp huyện trở lên đối với trường hợp không có tên trong các giấy tờ quy định như: Giấy chứng nhận Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công”, Bằng “Có công với nước” trước cách mạng tháng Tám năm 1945; Huân chương Kháng chiến; Huy chương Kháng chiến, nhưng có tên trong hồ sơ khen thưởng.

9. Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh giám định tỷ kệ thương tổn cơ thể:

Điểm mới: Thương binh hạng B có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21% trở lên (thay vì trước đây thương binh hạng B không được giám định lại)

Điểm mới về điều kiện khám giám định: Thương binh có vết thương đặc biệt tái phát (Vết thương đặc biệt là: Cụt hoặc liệt hoàn toàn hai chi trở lên; mù hoàn toàn hai mắt; tâm thần nặng dẫn đến không tự chủ được trong sinh hoạt)

Hồ sơ, thủ tục khám giám định: Cơ bàn giống quy định tại Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH. Tuy nhiên, chỉ khác về thủ tục hồ sơ giám định lại là cá nhân gửi Sở Lao động – TBXH và sở LĐ-TB&XH gửi Bộ Lao động – TBXH để xin ý kiến (thay vì trước đây, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ Lao động – TBXH).

Từ khóa » Pháp Lệnh Người Có Công 2021