Những điểm Mới Trong Quy định 24 ''Về Thi Hành Điều Lệ Đảng''

Ngày 30/7/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 24-QĐ/TW “Về thi hành Điều lệ Đảng” (gọi tắt là Quy định số 24). Quy định này chính thức thay thế Quy định số 29-QĐ/TW ngày 25/7/2016 “Quy định thi hành Điều lệ Đảng” (Quy định số 29). Quy định số 24 có một số điểm mới so với Quy định số 29 trước đây.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của ĐảngĐại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Hiện nay, khi nói Điều lệ Đảng hiện hành, tức là Điều lệ Đảng được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Đại hội XII và XIII của Đảng không thông qua Điều lệ Đảng. Tuy nhiên, sau Đại hội XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 29 thay thế cho Quy định số 45-QĐ/TW ngày 1/11/2011 “Về hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng”.

1. Các điểm mới về kết nạp Đảng

Một là, quy định mới về trình độ học vấn của người vào Đảng

Quy định 24 nêu rõ: “Người vào Đảng phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên” (Mục 1).

Theo Quy định số 29 yêu cầu người vào Đảng phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc tương đương trở lên. (Mục 1).

Như vậy, theo Quy định số 24, việc tốt nghiệp tương đương trung học cơ sở đã bị bãi bỏ.

Hai là, điều kiện được xem xét kết nạp lại đảng viên

Quy định số 24 bổ sung nội dung về điều kiện để người được xét kết nạp lại: “Đảng viên đã bị đưa ra khỏi Đảng do vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình thì thực hiện theo quy định của Ban Bí thư”. (Mục 3).

Như vậy, so với Quy định số 29, Quy định số 24 đã hướng dẫn việc kết nạp lại đảng viên vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình và bị đưa ra khỏi Đảng. Nội dung mới này được bổ sung để phù hợp và đồng bộ với Quy định số 05-QiĐ/TW ngày 28/8/2018 của Ban Bí thư về “Việc kết nạp người vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình vào Đảng”.

Ba là, về giới thiệu và kết nạp người vào Đảng

- Quy định 24 có một số nội dung mới so với trước đây về việc giới thiệu và kết nạp người vào Đảng. Cụ thể: “Đảng viên giới thiệu người vào Đảng: Là đảng viên chính thức, cùng công tác, lao động, học tập hoặc cùng sinh hoạt nơi cư trú ít nhất 12 tháng với người được giới thiệu vào Đảng trong cùng một đơn vị thuộc phạm vi lãnh đạo của đảng bộ, chi bộ cơ sở”. (Mục 3).

Quy định số 29 chỉ yêu cầu là đảng viên chính thức, cùng công tác, lao động, học tập ít nhất 12 tháng với người được giới thiệu vào Đảng trong cùng một đơn vị thuộc phạm vi lãnh đạo của đảng bộ, chi bộ cơ sở. (Mục 3).

- Đối với việc kết nạp người vào Đảng ở nơi chưa có đảng viên, chưa có chi bộ: Quy định số 24 nêu cụ thể cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng là nơi người vào đảng công tác, lao động, học tập, cư trú (Quy định số 29 không đề cập).

Quy định số 24 bỏ nội dung quy định “phân công đảng viên chính thức tuyên truyền người vào Đảng” mà chỉ còn “phân công đảng viên chính thức giúp đỡ người vào Đảng”. (Mục 3).

Bốn là, về kết nạp và công nhận đảng viên chính thức sai quy định

Quy định số 24 bổ sung nội dung về việc kết nạp đảng viên và công nhận đảng viên chính thức sai quy định và tổ chức đảng ban hành quyết định kết nạp đảng viên đã giải thể hoặc bị giải tán thì:

- Nếu không đúng quy định về tiêu chuẩn của đảng viên: Cấp ủy có thẩm quyền nơi đảng viên đang sinh hoạt hủy bỏ quyết định kết nạp đảng viên không đúng tiêu chuẩn, điều kiện… (Mục 4).

- Nếu không đúng thủ tục kết nạp và công nhận đảng viên: Cấp ủy có thẩm quyền nơi đảng viên đang sinh hoạt tiến hành thẩm tra, xác minh và làm lại các thủ tục theo quy định… (Mục 4).

Năm là, giải quyết khiếu nại về xóa tên đảng viên

Quy định số 24 quy định “cơ quan tổ chức của cấp ủy có trách nhiệm tham mưu giúp cấp ủy giải quyết khiếu nại. (Mục 8).

Quy định số 29 trước đây quy định việc giải quyết khiếu nại do “cơ quan tổ chức của cấp ủy có trách nhiệm nghiên cứu giúp cấp ủy giải quyết khiếu nại. (Mục 8).

2. Các điểm mới về quyền thông tin và sinh hoạt Đảng

Một là, về quyền được thông tin của đảng viên

Quy định số 24 quy định đảng viên không chỉ được định kỳ thông tin hàng tháng từ các cấp ủy đảng mà còn mở rộng thêm nội dung đảng viên được thông tin đột xuất (Quy định số 29 không có nội dung thông tin đột xuất) theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và cấp ủy cấp trên.

Các nội dung thông tin gồm: “Tình hình, nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị; các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thời sự trong nước, thế giới… phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, đặc điểm của tổ chức đảng và đảng viên”. (Mục 2).

Hai là, sinh hoạt định kỳ của Đảng bộ cơ sở, chi bộ

So với Quy định 29 thì Quy định 24 năm 2021 đã bổ sung nội dung “Việc thí điểm sinh hoạt trực tuyến ở một số đảng bộ, chi bộ đặc thù hoặc trong hoàn cảnh đặc biệt theo hướng dẫn của Ban Bí thư”. (Mục 2).

Ba là, nguyên tắc tự phê bình và phê bình

- Đối với nội dung thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình hằng năm: Quy định số 24 bổ sung nội dung “kiểm điểm trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên”. (Mục 9).

- Đối với nội dung thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình cuối nhiệm kỳ đại hội: Quy định số 24 bổ sung nội dung: “Thực hiện các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên”. (Mục 9).

Các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên hiện nay bao gồm: Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên” và Quy định số 08-QiĐ/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.

3. Điểm mới về tổ chức, xây dựng quy chế làm việc, đại biểu dự khuyết tham dự đại hội

Một là, thay “Đảng ủy ngoài nước” thành “Đảng ủy Bộ Ngoại giao”

- Việc phát thẻ Đảng viên: Quy định số 24 đã bỏ nội dung “Đảng viên thuộc Đảng bộ ngoài nước do Đảng ủy ngoài nước xem xét, ra quyết định” của Quy định số 29 trước đây. (Mục 6, Quy định số 29)...

- Quy định số 24 ghi rõ: “Cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng quản lý phiếu đảng viên và danh sách đảng viên của đảng bộ, chi bộ cơ sở trực thuộc; quản lý hồ sơ đảng viên và danh sách đảng viên đối với đảng viên đi lao động ở nước ngoài. Đảng ủy Bộ Ngoại giao quản lý hồ sơ đảng viên, thẻ đảng viên và danh sách đảng viên trong Đảng bộ theo quy định của Ban Bí thư và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương”. (Mục 6).

Bổ sung nội dung quy định mới này vì Đảng bộ ngoài nước đã được hợp nhất với Đảng bộ Bộ Ngoại giao theo Quyết định số 209-QĐ/TW ngày 26/11/2019 của Bộ Chính trị “Về việc hợp nhất Đảng bộ ngoài nước với Đảng bộ Bộ Ngoại giao”.

Hai là, xây dựng quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng

Quy định số 24 bổ sung căn cứ để xây dựng quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng là: “Căn cứ vào Điều lệ Đảng, quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của cấp ủy và quy chế làm việc của cấp ủy cấp trên”. (Mục 9).

Quy định số 29 chỉ quy định việc xây dựng quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng căn cứ vào: “Điều lệ Đảng và quy chế làm việc của cấp ủy cấp trên”. (Mục 9).

Ba là, hệ thống tổ chức của Đảng

Điểm 10.3.1, Khoản 10.3, Mục 10, Quy định số 24 bỏ nội dung “Các tổ chức cơ sở đảng lớn (có đông đảng viên, có nhiều chi bộ trực thuộc), có vị trí quan trọng (về một trong các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng) có thể đặt trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương” của Quy định số 29. Nội dung này trong Quy định số 29 được quy định cụ thể ở Điểm a, Khoản 10.2, Mục 10.

Bốn là, về việc không được cử đại biểu dự khuyết thay thế đại biểu chính thức

- Quy định số 24 bổ sung nội dung “chỉ được đề cử đại biểu chính thức của đại hội để bầu làm đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên”. (Mục 14).

- Quy định số 24 nêu rõ các trường hợp được cử đại biểu dự khuyết thay thế là “Trường hợp đại biểu chính thức (do bầu cử) xin không tham dự đại hội mà được cấp ủy triệu tập đại hội đồng ý thì được cử đại biểu dự khuyết thay thế”. (Mục 14).

Về nội dung này, theo Quy định số 29 là: “Trường hợp đại biểu chính thức (do bầu cử) xin rút mà được cấp ủy triệu tập đại hội đồng ý, thì được cử đại biểu dự khuyết thay thế”. (Mục 11).

Như vậy, theo Quy định số 24 thì chỉ cử đại biểu dự khuyết thay thế nếu đại biểu chính thức xin không tham dự đại hội (Quy định số 29 là xin rút) mà đã được cấp ủy triệu tập đại hội đồng ý.

- Quy định số 24 quy định rõ ràng, cụ thể hơn Quy định số 29. Cụ thể có 3 trường hợp không được cử đại biểu dự khuyết thay thế đại biểu chính thức gồm: (1) Đại hội cấp dưới bầu không đủ số lượng đại biểu chính thức được phân bổ. (2) Cấp ủy viên cấp triệu tập đại hội vắng mặt suốt thời gian đại hội. (3) Đại biểu chính thức bị bác tư cách. (Mục 14).

Năm là, lập các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của cấp ủy

Theo Quy định số 24, ở cấp huyện, trung tâm bồi dưỡng chính trị được đổi thành “Trung tâm chính trị”. (Mục 17).

Quy định số 29 thì ở cấp huyện có “Trung tâm bồi dưỡng chính trị”. (Mục 17).

4. Điểm mới về tiêu chuẩn, đối tượng tặng Huy hiệu Đảng

Một là, quy định về truy tặng Huy hiệu Đảng cho đảng viên đã từ trần hoặc bệnh nặng

Theo Quy định số 24: “Đảng viên bị bệnh nặng hoặc từ trần có thể được xét tặng, truy tặng Huy hiệu Đảng sớm, nhưng không được quá một năm” (Mục 27).

Theo Quy định số 29 thì chỉ có đảng viên từ trần được xem xét truy tặng Huy hiệu Đảng sớm, còn đảng viên bị bệnh nặng không được xem xét tặng Huy hiệu Đảng sớm. Tuy nhiên, theo Quy định số 29 thì để được truy tặng Huy hiệu Đảng sớm, đảng viên phải đáp ứng điều kiện “đủ tuổi Đảng” mới được truy tặng. (Mục 27).

Theo Quy định số 24: “Đảng viên 70 năm, 75 năm, 80 năm, 85 năm, 90 năm tuổi đảng trở lên nếu bị bệnh nặng có thể được xét tặng Huy hiệu Đảng sớm, nhưng không được quá hai năm theo quy định”. (Mục 27).

Quy định số 29 thì: “Đảng viên bị bệnh nặng có thể được xét tặng Huy hiệu Đảng sớm, nhưng không được quá một năm so với thời gian quy định”. (Mục 27). Quy định số 29 cũng không yêu cầu phải có tuổi Đảng 70 năm, 75 năm, 80 năm, 85 năm, 90 năm như Quy định số 24.

Hai là, điều kiện xét tặng Huy hiệu Đảng

Theo Quy định số 24: “Tại thời điểm xét tặng Huy hiệu Đảng, đảng viên bị kỷ luật về Đảng thì chưa được xét tặng”. (Mục 27).

Quy định số 29 thì: “Tại thời điểm xét tặng Huy hiệu Đảng, đảng viên bị kỷ luật về Đảng từ hình thức cảnh cáo trở lên thì chưa được xét tặng”. (Mục 27).

Trên đây là những điểm mới nổi bật của Quy định số 24 so với các nội dung của Quy định số 29 trước đây. Tất nhiên, để cụ thể hóa các nội dung của quy định này, có thể Trung ương sẽ ban hành các hướng dẫn cụ thể để thuận tiện, rõ ràng hơn trong quá trình thực hiện.

TRUNG KIÊN

Từ khóa » Hình Thức Biểu Quyết Trong đảng