Những điểm Mới Trong Quy định Về Quyền Sở Hữu Và Quyền Khác đối ...

         Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản là chế định quan trọng trong Bộ luật dân sự nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản, bảo đảm trật tự xã hội trong giao lưu dân sự.

         1. Quy định về “chiếm hữu” là chế định độc lập với quyền sở hữu

           Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 thì quyền sở hữu bao gồm ba quyền năng là quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt của chủ sở hữu. Như vậy, chiếm hữu là một trong những quyền năng mà chủ sở hữu tài sản có được đối với tài sản của mình. Với quy định như vậy thì quyền chiếm hữu là kết quả của quyền sở hữu, có nghĩa là phải có quyền sở hữu thì mới phát sinh quyền năng chiếm hữu, quy định này không hợp lý đối với những trường hợp xuất phát từ tình trạng chiếm hữu hợp pháp của các chủ thể mà đã cho phép xác lập quyền sở hữu hợp pháp cho họ trong Bộ luật Dân sự năm 2005 như các quy định: Xác lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu; xác lập quyền sở hữu đối với vật bị chôn giấu, bị chìm đắm chưa được tìm thấy.

           Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bổ sung chế định chiếm hữu thành một chế định độc lập với quy định về quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản theo cách tiếp cận tôn trọng tình trạng thực tế – mối quan hệ thực tế giữa người chiếm hữu và tài sản.            Quy định mới về chiếm hữu trong Bộ luật Dân sự năm 2015 đã cụ thể hóa nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền sở hữu, quyền bình đẳng trước pháp luật và trong đời sống dân sự. Bảo đảm trật tự xã hội, sự ổn định của giao dịch, giá trị kinh tế của tài sản, sự thiện chí trong quan hệ dân sự. Đối với người chiếm hữu vật thì họ có quyền yêu cầu Nhà nước can thiệp để chống lại hành vi của người khác làm ảnh hưởng đến việc chiếm giữ ổn định và hợp pháp của mình. Đồng thời, bằng quy định suy đoán về tình trạng và quyền của người chiếm hữu đã công nhận người chiếm hữu có những quyền pháp lý nhất định. Người đang chiếm hữu vật được suy đoán là người có quyền hợp pháp đối với tài sản và sự suy đoán này có ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người thứ ba trong trường hợp họ là người chiếm hữu ngay tình đối với tài sản.

        2. Những điểm mới trong quy định về quyền sở hữu

        Quyền sở hữu được coi là vật quyền thứ nhất, tuyệt đối và trọn vẹn nhất so với các loại vật quyền khác. Chủ sở hữu có toàn quyền đối với vật, từ nắm giữ, kiểm soát về phương diện vật chất cho đến khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi ích từ vật và quyết định số phận vật chất, pháp lý của vật đó.

          Tại chương về quyền sở hữu có nhiều vấn đề đã được quy định như: Quy định chung, nội dung quyền sở hữu, hình thức sở hữu, xác lập, chấm dứt quyền sở hữu. Trong đó có những cải tiến cho phù hợp trong giao lưu dân sự trong xã hội hiện nay. Cụ thể:

          2.1. Về hình thức sở hữu (từ Điều 197 đến Điều 220)

              Để cụ thể hóa và để bảo đảm sự thống nhất với nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và trên cơ sở vận dụng nguyên tắc việc xác định các hình thức sở hữu cần phải dựa vào sự khác biệt trong cách thức thực hiện các quyền năng của chủ sở hữu, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã ghi nhận 03 hình thức sở hữu: Sở hữu toàn dân (từ Điều 197 đến Điều 204), sở hữu riêng (Điều 205 và Điều 206) và sở hữu chung (từ Điều 207 đến Điều 220) thay vì việc ghi nhận 06 hình thức sở hữu như trong Bộ luật Dân sự năm 2005. Việc quy định hình thức sở hữu như vậy có ý nghĩa quan trọng:             Thứ nhất, sự phân loại này bảo đảm tính thống nhất với nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về sở hữu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được ghi nhận tại các điều 32, 51 và 53, đồng thời cũng phù hợp với nguyên tắc xác định hình thức sở hữu, theo đó, khi xác định hình thức sở hữu thì cần phải căn cứ vào sự khác biệt trong cách thức thực hiện các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt của chủ sở hữu đối với tài sản chứ không phải căn cứ vào yếu tố ai là chủ thể cụ thể của quyền sở hữu như quy định hiện hành.

            Thứ hai, theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thì Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý các tài sản thuộc sở hữu toàn dân, do đó, có thể xác định Nhà nước chính là chủ thể có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt các tài sản này. Vì vậy, trên cơ sở sở hữu toàn dân, Bộ luật Dân sự năm 2015 ghi nhận cụ thể vai trò của Nhà nước trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản công.

            Thứ ba, tài sản thuộc hình thức sở hữu toàn dân (trong Bộ luật Dân sự năm 2005 được gọi là hình thức sở hữu nhà nước) là một hình thức sở hữu đặc biệt, không thể coi là một dạng của sở hữu riêng hoặc sở hữu chung, do đó, các quy định này tạo ra một chế độ pháp lý riêng biệt đối với hình thức sở hữu này.

           2.2. Về xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật (Điều 236)

             Để bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong quan hệ dân sự, sự thống nhất trong quy định pháp luật liên quan đến thời hiệu hưởng quyền, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định nguyên tắc chung về thời hiệu xác lập quyền sở hữu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật mà không phân biệt tài sản đó thuộc sở hữu của ai, theo đó, người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan quy định khác.           3. Quyền khác đối với tài sản (chương XIV)

           Để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn, thuận lợi hơn cho việc khai thác, sử dụng một cách hiệu quả các tài sản, các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác và tạo cơ chế pháp lý để các chủ thể không phải là chủ sở hữu thực hiện quyền đối với tài sản thuộc sở hữu của chủ thể khác, bảo đảm khai thác được nhiều nhất lợi ích trên cùng một tài sản, bảo đảm trật tự, ổn định các quan hệ có liên quan, Bộ luật Dân sự năm 2015 sửa đổi quy định về quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề trong Bộ luật Dân sự năm 2005 và bổ sung quy định về quyền hưởng dụng, quyền bề mặt.

          Với những cải tiến và bổ sung như trên, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã hoàn thiện các quy định về quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản phù hợp với các quan điểm chỉ đạo xây dựng bộ luật đó là:

          – Thể chế hóa đầy đủ, đồng thời tăng cường các biện pháp để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực của đời sống dân sự, cũng như những tư tưởng, nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa về quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng giữa các chủ thể thuộc mọi hình thức sở hữu và thành phần kinh tế;            – Sửa đổi, bổ sung các quy định còn bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành để bảo đảm Bộ luật Dân sự thực sự phát huy được ba vai trò cơ bản đó là: (i) Tạo cơ chế pháp lý hữu hiệu để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của các các cá nhân, pháp nhân, đặc biệt là trong việc bảo vệ quyền, lợi ích của bên yếu thế, bên thiện chí trong quan hệ dân sự; hạn chế đến mức tối đa sự can thiệp của cơ quan công quyền vào việc xác lập, thay đổi, chấm dứt các quan hệ dân sự; (ii) Tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực xã hội, bảo đảm sự thông thoáng, ổn định trong giao lưu dân sự, góp phần phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; (iii) Là công cụ pháp lý hữu hiệu để thúc đẩy sự hình thành và phát triển các thiết chế dân chủ trong xã hội, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa; xây dựng Bộ luật Dân sự thành bộ luật nền, có vị trí, vai trò là luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm; có tính khái quát, tính dự báo và tính khả thi để một mặt, bảo đảm tính ổn định của Bộ luật, mặt khác, đáp ứng được kịp thời sự phát triển thường xuyên, liên tục của các quan hệ xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự; bảo đảm tính kế thừa và phát triển các quy định còn phù hợp với thực tiễn của pháp luật dân sự, cũng như các giá trị văn hóa, tập quán, truyền thống đạo đức tốt đẹp của Việt Nam; có sự tham khảo kinh nghiệm xây dựng Bộ luật Dân sự của một số nước, nhất là các nước có truyền thống pháp luật tương đồng với Việt Nam

Huỳnh Thị Lệ Kha Trường Đại học Thủ Dầu Một

                                      Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (www.tcdcpl.moj.gov.vn).

Từ khóa » Tìm Hiểu Về Quyền Sở Hữu Trong Luật Dân Sự